Chủ nghĩa cộng sản Gulyás
Chủ nghĩa cộng sản Gulyás (tiếng Hungary: gulyáskommunizmus) hay chủ nghĩa Kádár [1] (đặt theo tên của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kádár János, người đề xướng chủ nghĩa này) hàm ý nói đến một đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội thực hành ở Cộng hòa Nhân dân Hungary từ thập niên 1960 đến khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Hungary sụp đổ vào năm 1989. Đường lối này bao gồm các yếu tố của nền kinh tế thị trường tự do, sự cải thiện về quyền con người và nó thể hiện một sự cải tổ lặng lẽ cũng như một số khác biệt so với những đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội "chân chính" thời đó (ví dụ như chủ nghĩa Stalin) mà chính phủ Hungary thực thi trong thời gian trước đây (xem thêm bài Rákosi Mátyás).
Cái tên "chủ nghĩa cộng sản Gulyás" là một phép ẩn dụ mang tính chất hài hước, bắt nguồn từ một món ăn thịnh hành của Hungary mang cùng tên gulyás (tương tự như món goulash). Vì thành phần món ăn này gồm thịt và nhiều loại rau củ khác nhau, cái tên "chủ nghĩa cộng sản Gulyás" ám chỉ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Hungary bao gồm nhiều yếu tố khác nhau và không phải là đường lối cứng rắn như nhiều nước xã hội chủ nghĩa đương thời.[2] Bởi thế, chủ nghĩa này còn được gọi là Chủ nghĩa Cộng sản Goulash hay là Chủ nghĩa cộng sản 'súp thịt'.[3]
Một số người ví von chế độ xã hội chủ nghĩa ở Cộng hòa Nhân dân Hungary thời kỳ này là "doanh trại hạnh phúc nhất trong trại lính Cộng sản" vì chế độ xã hội chủ nghĩa ở Hungary mang nhiều đặc điểm dễ chịu và thoải mái hơn cho người dân so với các nước khác trong khối Đông Âu.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Vào năm 1962, 6 năm sau biến động năm 1956 ở Hungary, Đại hội VIII của Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary tuyên bố giai đoạn "củng cố chủ nghĩa xã hội" sau năm 1956 đã kết thúc và mục tiêu "nền tảng cho sự thiết lập xã hội xã hội chủ nghĩa" đã đạt được, vì vậy chính phủ ban hành lệnh ân xá cho phần lớn những người tham gia vào sự kiện năm 1956. Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary dưới sự lãnh đạo của Kádár János dần dần đã hạn chế quyền lực của lực lượng cảnh sát mật và đề xướng một đường lối kinh tế và văn hóa cởi mở hơn nhằm xoa dịu những bất bình của người dân đối với chính quyền Kádár. Vào năm 1966, Ban chấp hành Trung ương Đảng phê chuẩn "Cơ chế kinh tế mới" với nội dung nới lỏng việc bế quan tỏa cảng với nước ngoài, cho phép người dân có những hoạt động kinh doanh ở mức hạn chế và cho phép một số doanh nghiệp tư nhân nhỏ được hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Đường lối này tương đối là thoải mái và cởi mở hơn chủ nghĩa Stalin nhưng cũng không quá tự do đến mức gây ra những nguy cơ cho chính thể xã hội chủ nghĩa như hồi năm 1956. Chính quyền thực thi nhiều phương cách khác nhau trong việc quản lý các tổ chức sản xuất mang tính sở hữu tập thể và để cho các hợp tác xã được tự quản trong việc tiến hành cơ giới hóa.[4] Thêm vào đó, các hợp tác xã và nông trường quốc doanh cũng thay thế hệ thống phân phối nông sản cưỡng bách bằng việc trả lương tháng cho các công nhân bằng tiền mặt.[4] Sau đó, trong thập niên 1960, các tổ chức này cũng được nhà nước cho phép tham gia vào các hoạt động kinh tế phụ trợ và liên quan như chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ và công nghiệp dịch vụ.[4]
Ý thức hệ
[sửa | sửa mã nguồn]So với đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Hungary trước năm 1956, chủ nghĩa cộng sản Gulyás bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn một cách rõ nét đến công luận và đến tình hình đời sống của dân chúng trong thời điểm hiện tại (hơn là trong tương lai). Nó nới rộng giới hạn cho phép cho việc bất đồng quan điểm trong khuôn khổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa (theo ý của Kádár là "những ai không chống lại chúng ta đều là người của phe ta"), điều chỉnh vai trò của Đảng trong sự phát triển của chủ nghĩa xã hội (được hiểu là "phục vụ" thay cho "lãnh đạo" như trước kia), hạn chế sự quan cách và nghi thức rườm rà trong mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, nâng cao phạm vi tự quản và sự tự biểu hiện của xã hội, và điều chỉnh chủ nghĩa Marx-Lenin theo hướng with modified means of dissemination. Nội dung của chủ nghĩa Marx-Lenin đã được viện dẫn ra để làm minh chứng cho những cải tổ của Kádár giống như Nagy Imre đã từng làm khi đề xướng "chủ nghĩa cộng sản sửa đổi" hồi 1956. Cụ thể, ông cho rằng "chủ nghĩa Marx không phải là một thứ gì bất định mà luôn thay đổi, luôn phát triển và tự hoàn thiện dần".[5] Ông cho rằng Karl Marx đã tạo ra một phương pháp không phải nhằm mục đích hướng dẫn cho toàn bộ đường đi nước bước cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. "Học thuyết Marx - như lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin từng nói – đưa ra những nguyên tắc mang tính hướng dẫn tổng quát nhất, và cách áp dụng chúng ở Anh khác ở Pháp, ở Pháp khác ở...".[6] Có điều là cách hiểu này không được chia sẻ bởi những nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó, thể hiện bởi thái độ của Nikita Sergeyevich Khrushchyov đối với Hungary vào năm 1956, hay của Leonid Ilyich Brezhnev đối với Tiệp Khắc vào năm 1968 và thể hiện trong cái gọi là học thuyết Brezhnev, cho rằng mặc dù "mỗi quốc gia xã hội chủ nghĩa có quyền tự quyết định những hình thái phát triển cụ thể theo đường hướng xã hội chủ nghĩa thông qua việc cân nhắc bản chất cụ thể của các điều kiện tại đất nước họ..." tuy nhiên "Liên bang Xô Viết sẽ không dung thứ cho sự xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội và sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản.".[7]
Kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Các nguồn tài lực kinh tế của Hungary được huy động và điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng. Một số cải cách kinh tế có nội dung thực thi các chính sách hạn chế về kinh tế thị trường trong khuôn khổ của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa - điều này dẫn đến một tác dụng phụ là gây nên nhiều căng thẳng về mặt kinh tế và tạo ra tình trạng nợ công càng lúc càng tăng - nhất là vào thời kỳ cuối thập niên 1980. Tuy nhiên ít nhất những cải cách như vậy đã khiến nền kinh tế của Hungary có sức chống chịu tốt hơn các nước Đông Âu khác trước cơn bão khủng hoảng tràn qua vào cuối thập niên 1980 khi chủ nghĩa xã hội ở các nước này sụp đổ.
Là một quốc gia được quản trị tốt tại Đông Âu, Hungary là một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch nước ngoài, kể cả các nước phương Tây dù việc du lịch sang Hungary đối với người dân các nước này có đôi chút khó khăn hơn so với các nước xã hội chủ nghĩa. Điều này mang lại một nguồn thu đáng kể từ du lịch cho đất nước Hungary. Đáng chú ý là việc xếp hàng rồng rắn trước các cửa hàng tạp phẩm - một hiện tượng thường thấy ở các nước xã hội chủ nghĩa thời đó - lại hầu như không hề tồn tại ở Hungary.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Chủ nghĩa cộng sản
- Chủ nghĩa tư bản
- Thị trường xã hội chủ nghĩa
- Nechayevshchina
- Lịch sử Hungary
- Kinh tế Hungary
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ William F. Robinson: Kadarism - Is it Here to Stay? Lưu trữ 2012-01-14 tại Wayback Machine (tiếng Anh)
- ^ Watkins, Thayer. "Economic History and the Economy of Hungary Lưu trữ 2014-12-07 tại Wayback Machine". Department of Economics, San José State University. (tiếng Anh)
- ^ Nguyễn Giang, Chủ nghĩa CS goulash ở Hungary từng hiệu quả vì 'ngon bổ rẻ', BBC 09/03/2019
- ^ a b c Stokes, Gale. The Walls Came Tumbling Down: The Collapse of Communism in Eastern Europe, (Oxford, 1993), pp. 81-7.
- ^ Stokes, Gale, ed. From Stalinism to Pluralism: A Documentary History of Eastern Europe Since 1945, (Oxford, 1996), tr. 81-93. (tiếng Anh)
- ^ Stokes, Gale, ed. From Stalinism to Pluralism: A Documentary History of Eastern Europe Since 1945, (Oxford, 1996), pp. 81-93.
- ^ Janos, Andrew C. East Central Europe in the Modern World: The Politics of the Borderlands From Pre- to Postcommunism, (Stanford, 2000), tr. 267. (tiếng Anh)
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Article on economic history of Hungary including goulash communism Lưu trữ 2014-12-07 tại Wayback Machine (tiếng Anh)
- Discussion of goulash communism and its aftermath Lưu trữ 2016-04-29 tại Wayback Machine (tiếng Anh)