Hậu cung nhà Nguyễn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mỹ Lương Công chúa, húy là Tốn Tùy - chị gái Vua Thành Thái, và hai nữ hầu.

Hậu cung nhà Nguyễn là quy định và trật tự của hậu cung dưới thời nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Ngoài bản thân Hoàng đế là người lớn nhất, bên cạnh đó còn có Hoàng thái hậu, Hoàng hậu cùng Phi tần, Hoàng tửHoàng nữ, các Thái giámCung nữ, tất cả đều tham gia vào sự vận động cuộc sống sinh hoạt hằng ngày trong cung. Triều đại nhà Nguyễn có tương quan ghi chép nhiều nhất thời quân chủ Việt Nam.

Lịch sử khái quát[sửa | sửa mã nguồn]

Sơ kỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Nam Phương hoàng hậu

Nhà Nguyễn theo lệ cũ nhà Lê sơ, để khuyết vị Hoàng Hậu với nhiều lý do, trừ các bà Thừa Thiên, người vợ tào khang theo phò Thế Tổ từ thuở hàn vi và Nam Phương, Hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Từ Thánh Tổ đến Hoằng Tông chỉ kén người hiền đức giữ ngôi Phi đứng đầu giúp việc nội trị. Riêng bà Lệ Thiên là trường hợp đặc biệt, với danh phận hoàng tẩu của tân quân Hiệp Hòa được tôn huy hiệu Khiêm Hoàng hậu (謙皇后) theo cố mệnh của tiên đế Dực Tông.

Nội các triều Nguyễn - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi lại, vào đầu thời "Quốc sơ", thứ bậc nội cung được quy định:

  • Tam phi (三妃): Quý phi (貴妃), Minh phi (明妃), Kính phi (敬妃);
  • Tam tu (三修): Tu nghi (修儀) Tu dung (修容), Tu viên (修媛);
  • Cửu tần (九嬪): Quý tần (貴嬪), Hiền tần (賢嬪), Trang tần (莊嬪), Đức tần (德嬪), Thục tần (淑嬪), Huệ tần (惠嬪), Lệ tần (麗嬪), An tần (安嬪), Hòa tần (和嬪);
  • Tam chiêu (三昭): Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu viên (昭媛)
  • Tam sung (三充): Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung viên (充媛).
  • Lục chức (六職): Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (傛華), Nghi nhân (宜人), Tài nhân (才人), Linh nhân (靈人), Lương nhân (良人);

Chữ "Quốc sơ" này hay có nhìn nhận là đầu thời Gia Long, song theo nhiều biểu hiện nó ám chỉ khoảng đầu thời Chúa Nguyễn[1]. Quả thật, thời Chúa Nguyễn khi truy tặng các phu nhân, cũng hay xuất hiện các tước hiệu trên, như "Chiêu nghi Liệt phu nhân", "Kính phi phu nhân",... Một điều chứng minh khác, là dưới triều Gia Long và Minh Mạng vẫn xuất hiện những danh vị hoàn toàn không thuộc quy định ở trên, như Mỹ nhân. Có lẽ việc thay đổi danh vị trong Nội đình thời Gia Long so với thời Chúa Nguyễn đã có diễn ra quy mô lớn, song không được ghi chính thức và tỉ mỉ lại như cuộc thay đổi toàn vẹn diễn ra cuối thời Minh Mạng.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thánh Tổ có chỉ dụ định lại thứ bậc ở nội cung: "Nay theo gương cổ nhân, đặt chín bậc phi tần ở nội cung, khiến cho chốn khuê môn trật tự phân minh, phong hóa tôn nghiêm, nối đến muôn đời. Trên hàng Nhất giai có đặt Hoàng quý phi để giúp Hoàng hậu vốn là ngôi 'Chủ quỹ trung cung' (主饋中宮), cai quản mẫu mực Lục viện, giúp việc nội trị, giữ nghiêm nội chính"[2].

Từ đó, các triều đều thiết lập hạng mức cung giai cố định, dưới Hoàng quý phi đặt ra các bậc:

  • Tần ngự có sách phong:
  1. Nhất giai Phi (一階妃).
  2. Nhị giai Phi (二階妃).
  3. Tam giai Tần (三階嬪).
  4. Tứ giai Tần (四階嬪).
  5. Ngũ giai Tần (五階嬪).
  6. Lục giai Tiệp dư (六階婕妤).
  7. Thất giai Quý nhân (七階貴人).
  8. Bát giai Mỹ nhân (八階美人).
  9. Cửu giai Tài nhân (九階才人).
  10. Tài nhân vị nhập giai (才人未入階).
  • Tần ngự không có sách phong:
  1. Cung nhân (宮人).
  2. Cung nga (宮娥).
  3. Thị nữ (侍女)[3].
  • Dưới cùng là các bậc Nữ quan cùng Cung nữ, có trách nhiệm quản lý phục dịch trong cung ở Lục thượng (六尚).

Bậc Tần trở lên, qua các triều sẽ định riêng các huy hiệu, trước sau sẽ phân cao thấp trong cùng một bậc. Ví dụ chính năm Minh Mạng thứ 17, Thánh Tổ đã chiếu định các huy hiệu như sau:

  • Nhất giai: Quý phi (貴妃), Hiền phi (賢妃), Thần phi (宸妃).
  • Nhị giai: Gia phi (嘉妃), Thục phi (淑妃), Huệ phi (惠妃).
  • Tam giai: Quý tần (貴嬪), Hiền tần (賢嬪), Trang tần (莊嬪).
  • Tứ giai: Đức tần (德嬪), Thục tần (淑嬪), Huệ tần (惠嬪).
  • Ngũ giai: Lệ tần (麗嬪), An tần (安嬪), Hòa tần (和嬪).

Cùng lúc ấy, Thánh Tổ sách phong truy tặng bà nguyên phối là Chiêu nghi (昭儀) Hồ thị làm Thần phi, lấy tên thụy là Thuận Đức (順德), tấn phong Hiền tần Ngô thị làm Hiền phi, còn từ Trang tần trở xuống gồm 26 người.

Các danh hiệu không cố định mà thay đổi qua các triều vua hoặc trong cùng một triều. Ngay trong năm Minh Mạng thứ 17, bậc đầu Nhị giai vốn là Đức phi (德妃), nhưng ngay sau đó Thánh Tổ lại cho sửa thành Gia phi như ta thấy. Sau khi bàn định rõ 5 bậc đầu có thứ tự như vậy, thì vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Thánh Tổ có chỉ dụ thay đổi trong bậc Ngũ giai như sau: "Nguyên trước định lệ cung giai rằng, Lệ tần, An tần, Hòa tần làm bậc Ngũ giai, nay đổi làm An tần, Hòa tần, Lệ tần".

Mặc dù nội cung triều Nguyễn được phân làm chín bậc nhưng số lượng cung tần mỹ nữ thời bấy giờ không nhiều. Thánh Tổ có số lượng phi tần nhiều nhất với 43 phi tần sinh hạ 162 người con được chép trong Nguyễn Phúc tộc thế phả, nhưng dưới niên hiệu Minh Mạng, cung tần mỹ nữ chốn nội cung, kể cả Nữ quan và Thị nữ có lẽ không quá 200 người. Như năm Minh Mạng thứ 9 (1828), Kinh kỳ lụt to, Thánh Tổ xuống dụ: "Từ xưa đến nay lụt mùa thu, chưa bao giờ như thế. Nước là tượng âm, hoặc giả âm khí u uất mà thành ra thế chăng? Hiện nay cung nhân có danh vị chỉ có 16, 17 người, tất cả các ban chưa quá trăm người, đủ để sai khiến trong cung mà thôi."

Hoàng tử nhà Nguyễn khi đến tuổi trưởng thành được ban tước Công, phải xuất phủ kén vợ gọi là nạp phi hay nạp thiếp. Nàng dâu được triều đình cưới hỏi gọi là Phủ thiếp (府妾), nàng hầu gọi là Đằng thiếp (藤妾) hay Dắng thiếp (媵妾).

Trung kỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc Sử quán ghi lại trong Đại Nam thực lục vào tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Hiến Tổ ban dụ định lại thứ tự chín bậc ở nội cung: "Đức chính hóa của nhà đế vương bắt nguồn từ chốn khuê môn, nên kinh Dịch có quẻ Gia nhân, kinh Lễ có thiên Nội tắc, để nghiêm chỉnh nghi lễ chốn cung nghiêm, giúp việc chính sự nơi cung khuyết. Từ những năm Minh Mạng đã chuẩn định nội cung chín bậc, định lệ cấp lương bổng và màu sắc xiêm y theo thứ bậc để tỏ rõ khuôn phép nối đến muôn đời. Trẫm từ khi nối ngôi tới nay, mở mang thái bình, sửa sang trị hóa, khiến cho cương kỷ trong nước được rõ ràng. Nhân nghĩ đến đức chính hóa của nhà đế vương, tất từ tề gia mà ra đến trị quốc, trật tự trong cung cũng nên định khác."

  • Nhất giai: Quý phi (貴妃), Đoan phi (端妃), Lệnh phi (令妃).
  • Nhị giai: Thành phi (誠妃), Trinh phi (貞妃), Thục phi (淑妃).
  • Tam giai: Quý tần (貴嬪), Lương tần (良嬪), Đức tần (德嬪).
  • Tứ giai: Huy tần (徽嬪), Ý tần (懿嬪), Nhu tần (柔嬪).
  • Ngũ giai: Nhàn tần (嫻嬪), Nhã tần (雅嬪), Thuận tần (順嬪).
  • Dưới nữa không đổi, vẫn như sơ chế.

Lại xuống dụ tấn phong cung tần Phạm thị làm Thành phi, truy tặng Diễm nhân (艷人) Đinh thị làm Quý tần. Đến tháng 1 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), theo từ chỉ của Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu: "Từ trước đến nay, các phi tần giữ nết hạnh đoan trang, lo toan việc nội trị, nên tấn phong theo thứ bậc để tỏ ân trạch", Hiến Tổ ban ân mệnh cho đổi Đoan phi ở nhất giai làm Lương phi, Lương tần ở tam giai làm Thụy tần (瑞嬪), tấn phong Thành phi Phạm thị làm Quý phi, Lương tần Võ thị làm Lương phi, lại phong từ Lệnh phi, Thục phi, Thụy tần trở xuống. Chuẩn định lệ thứ bậc cao khi tấn phong được ban sách vàng, sách bạc theo lệ cũ, còn từ phi tần tam giai trở xuống thì đổi cấp sách bằng gấm vóc.

Quốc Sử quán ghi lại trong Đại Nam thực lục vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 3 (1850), Dực Tông xuống dụ định rõ thứ bậc ở nội cung: "Đạo đế vương trước ở tề gia, nên thiên Chu quan thi hành phép tắc tất lấy ý của thơ Quan thư, Lân chỉ làm gốc, bởi lễ nghi nơi cung cấm là cái gốc của vương hóa. Thánh Tổ theo điển lễ đời xưa, chuẩn định thứ bậc nội cung, là phép hay muôn đời. Về Hoàng quý phi trở lên, đã có lệ sẵn, còn từ phi tần trở xuống, thì chia làm chín bậc với các danh xưng và mỹ từ."

  • Nhất giai: Thuận phi (順妃), Thiện phi (善妃), Nhã phi (雅妃).
  • Nhị giai: Cung phi (恭妃), Cần phi (勤妃), Chiêu phi (昭妃).
  • Tam giai: Khiêm tần (謙嬪), Thận tần (慎嬪), Nhân tần (仁嬪), Thái tần (泰嬪).
  • Tứ giai: Khoan tần (寬嬪), Giai tần (偕嬪), Tuệ tần (慧嬪), Giản tần (簡嬪).
  • Ngũ giai: Tĩnh tần (靜嬪), Cẩn tần (謹嬪), Tín tần (信嬪), Uyển tần (婉嬪).
  • Dưới nữa không đổi, vẫn như sơ chế.

Lại xuống dụ tấn phong cung tần Võ thị làm Cần phi, Nguyễn Đình thị làm Chiêu phi, còn từ Thận tần trở xuống gồm 12 người. Đến tháng 1 năm Tự Đức thứ 13 (1860), theo từ huấn của Từ Dụ Hoàng thái hậu tôn phong các phi tần ở nội đình, tấn phong Cần phi Võ thị làm Thuần phi (純妃), sau đổi làm Trung phi (忠妃), Chiêu phi Nguyễn Đình thị làm Thiện phi, Thận tần Lê thị làm Cung phi, còn từ Tĩnh tần trở xuống gồm 14 người. Lại ban dụ định lại thứ bậc ở nội đình, đổi Uyên tần (淵嬪) ở tam giai làm Đoan tần (端嬪), Tuệ tần ở tứ giai làm Kiệm tần (儉嬪), đến tháng 12 Tự Đức năm thứ 14 (1861), Cần phi ở nhị giai được đổi thành Đôn phi (惇妃), Thái tần ở tam giai đổi thành Diệu tần (妙嬪), Giai tần ở tứ giai đổi thành Lượng tần (諒嬪), và sau đó một tháng, tức tháng 1 năm Tự Đức thứ 15 (1862), Chiêu phi ở nhị giai đổi thành Mẫn phi (敏妃), Tĩnh tần ở ngũ giai đổi thành Hậu tần (厚嬪).

Năm Tự Đức thứ 4 (1851), dụ tặng Tiệp dư tiên triều là Nguyên Khắc thị, sinh mẫu của Tùng Quốc công làm Thục tần (淑嬪), lấy tên thụy là Đoan Liệt (端烈). Nguyên trong năm Minh Mạng thứ 17 (1836), bà được phong làm Thục tần rồi can đến án quyến thuộc trộm vàng mà bị cách, sau đó một năm mới được khởi phục chức Tiệp dư.

Năm Tự Đức thứ 23 (1870), tấn phong Trung phi Võ thị làm Hoàng quý phi. Dụ rằng: "Trong chốn cung đình là nguồn gốc của phong hoá, không thể không có người giúp đỡ để cai quản kẻ thuộc hạ giữ được đạo đàn bà. Trung phi họ Võ là con nhà danh vọng, kính được kén cho, người bé nhỏ rất có đức hạnh, được sự Hoàng thái hậu xét biết, thuận cho nên thăng chức, vậy tấn phong làm Hoàng quý phi, được Suất nhiếp lục viện (率攝六院)". Đây là lần đầu tiên triều Nguyễn ra chỉ dụ sách phong cho một hậu phi làm Hoàng quý phi, lại còn trên danh nghĩa đứng đầu Lục viện. Khi ấy, Lượng tần Nguyễn Văn thị tấn thăng Khiêm phi (謙妃), sau đổi phong làm Học phi (學妃).

Năm Tự Đức thứ 26 (1873), chuẩn định lệ thụy hiệu của phi tần, trừ những người có đức vọng lâm thời sẽ nghị bàn việc đặt tên thụy, còn lại đều theo lệ sẵn:

  • Nhất giai phi lấy tên thụy là Huy Thuận (徽順).
  • Nhị giai phi lấy tên thụy là Ý Thuận (懿順).
  • Tam giai tần lấy tên thụy là Nhã Thuận (雅順).
  • Tứ giai tần lấy tên thụy là Nhàn Thuận (嫻順).
  • Ngũ giai tần lấy tên thụy là Lệ Thuận (麗順).
  • Lục giai Tiệp dư lấy tên thụy là Nhu Thuận (柔順).
  • Thất giai Quý nhân lấy tên thụy là Trang Thuận (莊順).
  • Bát giai Mỹ nhân lấy tên thụy là Cẩn Thuận (謹順).
  • Cửu giai Tài nhân lấy tên thụy là Thục Thuận (淑順).

Vãn kỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 8 năm Hàm Nghi nguyên niên (1885), Cảnh Tông ban dụ: "Căn cứ theo tấu trình của Cơ Mật viện và Lễ bộ nói rằng nội chức cũng cần có người, nên xin xem xét ban phong để sáng tỏ quốc điển, vì vậy đành phải chuẩn y cho phép thi hành. Nay xét những cung tần gồm bốn người hầu hạ trong cung đã lâu ngày, nghiêm chỉnh tuân thủ phép tắc, truyền chuẩn y tấn phong cho Trần Đăng thị làm Quán phi (觀妃), Phan Văn thị làm Giai phi (偕妃), Hồ Văn thị làm Chính tần (政嬪), Lê Văn thị làm Nghi tần (宜嬪). Riêng Giai phi chuẩn cho làm Quyền nhiếp lục viện (權攝六院) để rồi sung chức. Lại chuẩn phong cho Mai Văn thị làm Tiệp dư, Nguyễn Văn thị làm Quý nhân, Nguyễn Hữu thị làm Mỹ nhân, Trịnh Văn thị làm Tài nhân và Mai thị làm Tài nhân vị nhập lưu. Những người trên cần phải kính cẩn thực thi nội chức để để giữ việc trong nội cung được nghiêm chỉnh. Người xưa nói rằng phải tề gia rồi mới trị quốc, đó là điều mà Trẫm mong mỏi vậy!"[4].

Tháng giêng năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), sách dụ tấn phong con gái của Nguyễn Hữu Độ là Nguyễn Hữu thị làm Hoàng quý phi và ban cho kim bài, khắc ngang chữ "Đồng Khánh sắc tứ" (同慶敕賜), khắc dọc các chữ "Kiêm nhiếp lục viện" (兼攝六院). Tháng 10, truy tặng Phủ thiếp quá cố là Nguyễn thị làm Nghĩa tần (義嬪).

Sau đó một năm, tức tháng 2 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), Cảnh Tông xuống dụ truất các phi tần trong nội đình: "Quán phi Trần Đăng thị lời nói, cử chỉ thô tục, giáng làm Tùy tần (隨嬪), Chính tần Hồ Văn thị không chăm lo việc công, giáng làm Mỹ nhân, Nghi tần Lê thị tính dữ tợn, tham lam, đố kỵ, truyền phải xử nặng, giáng làm Tài nhân, bọn Tài nhân ở cửu giai là Trịnh thị, Nguyễn Hữu thị tính khinh nhờn đã thành thói khó dứt, đều giáng làm Cung nhân. Hoàng quý phi không biết tu thân, để nội đình bất thuận ý đức, cũng quở trách ngặt hơn". Cũng trong năm ấy, Giai phi Phan Văn thị nguyên sung chức Thượng trân, kiểm xét các thứ trân bảo thiếu sót, lại giả ốm trễ nải, giáng làm Mỹ nhân.

Đại Nam thực lục ghi lại, tháng 1 năm Thành Thái thứ 9 (1897), sách phong Mậu tần (懋嬪) Nguyễn Gia thị, con gái của Diên Lộc Bá làm Hoàng quý phi, đến tháng 6 cùng năm, sách phong con gái Vĩnh Lại Quận công mới tuyển là Nguyễn Hữu thị làm Nhất giai Huyền phi (一階玄妃). Tháng 11 năm Thành Thái thứ 12 (1900), tấn phong cung giai cho phi tần trong nội đình gồm 20 người.

Tháng 2 năm Duy Tân thứ 4 (1910), chuẩn cho sao hành trạng của Lễ tần (禮嬪) tiên triều Nguyễn Nhược thị chép vào liệt truyện. Bà phụng hầu dưới Dực Tông, trải thăng tới tứ giai sung Giáo tập tam cung lục viện, về sau thị hầu hai cung được thăng tam giai, trải hết gian lao, rất có danh vọng.

Năm Duy Tân thứ 10 (1916) xuống dụ: "Tuân theo ý chỉ của Lưỡng cung chuẩn thăng Mai Bá thị làm phi tần tam giai, bề tôi phủ Phụ chính tuân mệnh nghị bàn, Khâm sứ đại thần Charles chiểu lệ trong nội cung Thành Thái năm thứ 5, có ba vị, trong đó một vị phong làm Nhị giai phi. Nay xin tuân chiểu lệ trước, phong Mai Bá thị trong nội đình làm Nhị giai Diệu phi (二階妙妃) để trọng sự thể."

Xuất thân và tuyển chọn[sửa | sửa mã nguồn]

Ân phi Hồ Thị Chỉ.

Cung phi triều Nguyễn có xuất thân cơ bản phân vào hai loại, một là con nhà quan viên, thứ đến là từ nhà bình dân.

Hầu hết các Hoàng đế triều Nguyễn đều đã có hậu phi trước khi lên ngôi. Các bà có vai vế lớn như Tá Thiên, Nghi Thiên, Lệ Thiên được ghi nhận là con nhà dòng dõi, được các trưởng bối tuyển vào hầu các Hoàng đế tại Tiềm để. Sau khi Hoàng đế lên ngôi, mới định theo đức hạnh mà thụ hưởng tước vị. Tuy triều Nguyễn có nhiều tư liệu nhất, song việc tuyển chọn thế nào cũng chưa phát hiện hồ sơ tài liệu nào ghi lại cụ thể, không sánh được với Bát Kỳ tuyển tú triều Thanh.

Đối với thông lệ Nội đình sau khi Hoàng đế lên ngôi, người mới tiến cung dù là con nhà nào thì khi vào cung đình, cũng chỉ là Cung nhân có đãi ngộ. Trường hợp hay thấy nhất chính là vào Nội đình một thời gian, sau đó có đức hạnh mà quyết định tấn phong lên bậc cao, dự hàng Phi hàng Tần. Ví dụ điển hình nhất có Diệu phi Mai Thị Vàng của Duy Tân, ban đầu sung vào Nội đình, sau đó phong làm Nhị giai Diệu phi (二階妙妃).

Ngoài ra, có thể thấy rõ nhất chuyện này qua thời Khải Định, xét các đạo chỉ dụ của Hoằng Tông được ghi nhận trong Chính yếu như sau:

  • Năm Khải Định thứ 4 (1919), Hoằng Tông ra chỉ dụ:"Võ Thị Dung là ái nữ của quan Đại thần, được tiến vào cung đình hầu hạ. Nay Trẫm xét nàng có nền nếp gia giáo, đáng xét mà ban ân cấp bậc, để Thị càng thêm tận tâm hầu cận Lưỡng Cung. Truyền tấn phong làm Tứ giai Dụ tần (四階裕嬪)".
  • Năm Khải Định thứ 7 (1922), lại có chỉ dụ:"Quan thượng thư, sung Cơ Mật viện Tham tá Nguyễn Đình Hòe có dâng cháu gái là Nguyễn Đình Thị Liên vào Nội đình. Trẫm nghĩ đó là cựu thần của Tiên đế, nay đang làm việc rất cần mẫn. Vậy truyền tấn phong Nguyễn Đình Thị Liên làm Ngũ giai Điềm tần (五階恬嬪) để Thị được đội ơn dày".

Bên cạnh những thành phần được dự tuyển vào Nội đình trước rồi sách phong, triều Nguyễn lại ghi nhận những trường hợp lại dùng lễ cưới vào cung, sách phong thẳng lên tước vị cao quý. Ấy là có trường hợp của Ân phi Hồ Thị Chỉ thời Khải Định. Năm thứ 2 (1917), tháng 8, Hồ Thị Chỉ được tuyên dụ trực tiếp vào cung để phong Phi. Sách viết:

  • Vương hóa bắt đầu từ nội bộ, Quan thư và Thường Sào xếp thứ nhất trong Nhị Nam. Trị nước trước hết phải tề gia, hiền phụ Ấp Khương cùng dự vào hàng Thập loạn. Xét nay ngôi Phi nắm giữ việc nội chính từ lâu vẫn để khuyết, chưa tìm được người để xét trao. Nay kính nhận được từ dụ của Lưỡng Cung bệ hạ, Hoàng thượng vất vả cơ vụ, thì nội chính không thể thiếu người phụ tá để chăm nom sai khiến nội thuộc, nên chọn một cung phi thay chăm nom hầu hạ già này, đỡ cho Hoàng thượng phải bận tâm lo nghĩ. Nghe nói Cơ Mật viện đại thần, Hiệp tá Đại học sĩ, lĩnh Học bộ Thượng thư kiêm Lễ bộ sự vụ Khánh Mỹ tử Hồ Đắc Trung có con gái thứ 3 là Hồ Thị Chỉ rất có dung nhan đức hạnh, nên tuyển sung vào nội đình tấn thăng làm hàng Phi để nghiêm phép tắc trong cung và chỉnh bề thể thống. Kính vâng ngọc chỉ không chậm trễ trái lời, truyền từ dụ chuyển cho Đại thần bàn tâu được biết. Đồng thời truyền báo cho Khâm Thiên giám chọn ngày dùng nghi thức đưa vào đại nội. Lại kính vâng theo Ý chỉ, tấn phong Thị ấy làm Nhất giai Ân phi, để Thị ấy mãi giữ thánh sủng, muôn đời giữ thuần đạo. Truyền Hữu ty tuân theo lệ cũ xưa nay đệ phiến chúc tâu từng khoản đợi cử thi hành.

Trước Ân phi, thời Tự Đức đã có Nguyễn Văn Thị Hương vừa vào cung đã là Tứ giai Lượng tần (四階諒嬪). Thời Đồng Khánh, Cảnh Tông có cho tuyển con gái Nguyễn Hữu ĐộNguyễn Hữu Thị Nhàn vào cung, trực tiếp tiến phong Hoàng quý phi; một người con gái khác của Nguyễn Hữu Độ là Nguyễn Hữu Thị Nga, thời Thành Thái được sung vào Nội cung rồi sách phong ngay làm Nhất giai Huyền phi (一階玄妃). Có thể thấy vị hiệu tần phi, sớm có định đoạt hay không hoàn toàn là do ý niệm của Hoàng đế.

Còn các con gái bình dân, thông thường đều do quan viên địa phương tuyển chọn danh sách, sung vào Nội đình ở các hạng Cung nhân, Cung nga hay Thị nữ. Dân gian Huế có câu "Đưa con vô Nội" phản ánh một góc thực trạng triều đình tuyển rất nhiều con gái bình dân vào hầu hạ trong Nội đình.

Các nghi lễ về tấn tôn và sách phong[sửa | sửa mã nguồn]

Tấn tôn Hoàng thái hậu[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Gia Long thứ 5 (1806), nhà Vua xưng Hoàng đế, cũng làm lễ tấn tôn mẹ ruột Nguyễn Thị Hoàn, trước đã tôn Vương thái hậu, chính thức trở thành Hoàng thái hậu. Sau khi làm lễ tấn tôn, Vua Gia Long cho thiết Đại triều ở điện Thái Hòa, chiếu cáo thiên hạ, các quan dâng biểu chúc mừng. Hôm sau, các quan lại dâng các biểu tấu, lễ mừng đến cung Trường Thọ nơi mà Hoàng thái hậu ở. Sau đó, đến lượt Hoàng hậu Tống thị dẫn Phi tần, Công chúa, Phủ thiếp và Mệnh phụ đến làm lễ chúc mừng. Về sau không còn Hoàng hậu, Hoàng đế cũng miễn đi việc dẫn suất này mà chỉ để các quan viên tấu mừng.

Trừ thời Gia Long duyệt sách, ấn tại điện Thái Hòa, thì các triều khác chỉ thực hiện duyệt sách ấn tại điện Cần Chánh, đến về sau Phi cao nhất cũng ở điện Cần Chánh, tựa hồ nếu còn lập Hậu thì nghi thức cũng diễn ra ở đây thay vì điện Thái Hòa. Các lễ mừng dâng huy hiệu cho Thái hoàng thái hậu cũng đều theo nghi thức này mà làm.

Sách lập Hoàng hậu[sửa | sửa mã nguồn]

Lập Hậu triều Nguyễn, trừ Thừa Thiên Cao Hoàng hậu ở trên, chỉ còn thấy Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (tôn Khiêm Hoàng hậu thời Hiệp Hòa) và Nam Phương Hoàng hậu. Điển lễ Khiêm Hoàng hậu không tra khảo thấy, còn Nam Phương Hoàng hậu do thời đại ảnh hưởng rất nhiều, kèm với lễ cưới hỏi đàng hoàng nên cũng khác biệt so với thời Gia Long. Từ đời Đồng Khánh, có những bà dùng lễ cưới lớn nhập cung, được gọi là ["Lễ-Tấn-nội-đình"]. Sau khi nhập cung ngày 20 tháng 3 năm 1934, sang ngày 24 tháng 3 thì tiến hành lễ lập Hậu của Nam Phương.

Quy trình lễ của Nam Phương Hoàng hậu năm ấy:

LỄ PHONG HOÀNG HẬU NAM PHƯƠNG
- Ngày 24 Mars 1934 -
(Trích đoạn giữ nguyên văn phong của bài báo)
oOo

Hué. – Hơn một trăm ba mươi năm, Đại-nội nay mới lại thấy lễ Tấn-phong Hoàng-hậu. Vì từ xưa đến nay chỉ có hai lần: một là năm Gia-long ngũ-niên, có lễ phong Thừa-Thiên Hoàng-hậu, nay đến lễ phong Hoàng-hậu Nguyễn-Hữu Thị Lan là hai. Các điện, các cung tại Đại-nội đều trần thiết như ngày đại khánh hỉ. Trang hoàng đẹp nhất là cung Thái-bình, chỗ làm lễ Tấn-phong.

Sáng sớm, các cửa Nội đều có lính canh phòng hợp với các người làm việc văn phòng Hoàng-đế để khám giấy các người vào dự lễ. Ngoài các quan đại-thần, các quan đại biểu quan lại Bắc-kỳ, văn võ đình-thần Nam-triều, và các nhà báo có giấy của quan Tổng-lý Văn-phòng cho phép riêng thì không ai được vào Nội hôm ấy.

7 giờ 30, ngài Hoài-ân-vương, các quan Thương-thư viện Cơ-mật Phạm Quỳnh, Thái Văn-Toản, Hồ Đắc-Khải, Bùi Bằng-Đoàn, Tôn-thất Quảng cùng các quan Hiệp-tá Vi Văn-Định, Ng. Đình-Quỳ, quan Tổng-đốc Lê Văn-Đính và các đường quan Nam-triều đều tựu tại nhà Duyệt-thị. Các quan đều vận áo gấm phủ áo thụng lam.

8 giờ sáng, trước sân điện Cần-chánh, đạo quân đi hầu quan Khâm-mạng làm lễ tấn-phong Hoàng-hậu đã sắp sẵn. Đội nhạc chính trong Đại-nội khởi nhạc, quan Thượng-thư Ưng-Bàng, Kiêm-Nhiếp-Tôn-Phủ Đại-thần, bận Đại-triều vào sân giữa làm lễ bái-mạng. Quan Đề-đốc L.V.-Mậu, được sắc ban làm Phó Khâm-mạng cũng ra làm lễ một lần. Nhạc nghỉ, quan Thượng Ưng-Bàng vào lĩnh mao-tuyết của Hoàng-đế. Quan Đề-đốc và hai quan viên bộ Lễ cũng vào điện lĩnh Kim-sách, và Bửu (ấn vàng) đem ra để vào long-đình.

Nhạc cử lần nữa, quan Khâm-mạng đệ mao-tuyết bước bước đầu tiên phong đạo binh bèn ra lệnh cho các quân khởi-hành. Từ từ bước một, quân kéo ra khỏi điện. Đạo binh dài có nhiều thứ quân: trước hết có lính cầm các thứ cờ, các lính cầm tàn, lọng, kế đến lính cảnh-tất bận y-phục rực rỡ của Đại-nội đi theo, người cầm trượng, kẻ cầm kiếm. Đi giữa đạo quân, có quan Khâm-mạng bận đồ đại-triều, tay cầm mao tuyết, bao quanh có quân cầm lọng đi hầu. Đoạn 8 người lính khiêng long-đình trong để bảo-vật tấn-phong. Kèm hai bên có bốn lọng vàng, và theo sau có quan Phó Khâm-mạng và các quan bộ Lễ. Qua khỏi Đại-cung-môn, và cửa Nhật-tinh, đạo quân đi tới cửa Cần-tín, để tiến thẳng tới cửa tiền cung Thái-bình. Nghe tiếng thiều báo hiệu, các quan trực tại Duyệt-thị bèn bận áo rộng, đi tới cung Thái-bình.

9 giờ, quan Khâm-mạng tới cung Thái-bình, pháo nổ hiệu mừng, quân đem long-đình để giữa sân chính. Tại Thái-bình-cung đã xửa-xoạn sẵn để nghênh-tiếp. Tại phòng chính có đặt hương-án, hai bên có hai cái ghế bao xô vàng. Quan Khâm-mạng vào cung, đệ mao-tuyết lên. "Nguyễn nương-nương" đầu đội mão cửu-phụng có đính các thứ châu-báu, mình mặc bào vàng có thêu chín con phượng, chân đi hài cũng thêu phượng, ra tiếp mao-tuyết và làm lễ tạ. Kế đến quan Phó Khâm-mạng, và các quan bộ Lễ dâng kim-sách và kim-ấn cho Hoàng-hậu. Mỗi lần lĩnh sách và ấn, Hoàng-hậu làm lễ tạ rồi trao cho Nội-quan đặt lên trên hai cái ghế vàng để hai bên.

Quyển kim-sách có sáu lá bằng vàng, trong đó có lời sắc phong của Hoàng-thượng. Sắc bằng chữ nho, dài bốn trang, đại ý Hoàng-thượng nói rằng Ngài vì hiểu các đức tài của cô Nguyễn-Hữu Thị Lan đáng vì Chánh cung nên Ngài sắc-phong cho cô chức Hoàng-hậu, trước để phụng-dưỡng Tam-cung Thái-hoàng Thái-hậu và Hoàng Thái-hậu, sau coi cả việc nội-đình của Hoàng-thượng. Đoạn chót lời sắc có lời huấn-giáo và mong Hoàng-hậu sẽ xứng với chức lớn. Cái ấn của Hoàng-đế ban toàn bằng vàng, có khắc bốn chữ vàng: Hoàng-hậu chi bửu. Nhạc nổi khúc chót, Hoàng-hậu bèn phủ phục trước hương-án làm lễ tạ Hoàng-đế. Kế Nội-quan trao lại mao tuyết cho quan Thượng Ưng-Bàng. Đạo quân bèn ra khỏi cung Thái-bình về điện Cần-chánh. Nghi-vệ cũng như khi đi.

9 giờ 20, lễ Thụ-phong xong, cô Nguyễn-Hữu Thị-Lan từ nay đã là Hoàng-hậu. Tất cả hoàng-thân, đình-thần Nam-triều, đại-diện các quan Bắc-kỳ, đều tới bái-yết. Các quan đều xá Hoàng-hậu. Đoạn, Đức bà Hoài-ân Vương-phi, các Công-chúa, các bà mệnh-phụ đều tới làm lễ bái-yết.

9 giờ 30, sau khi thay đồ triều-phục, Hoàng-hậu chít khăn vàng, bận áo vàng, liền ngự lên long-xa về điện Kiến-trung để tiếp các quan đại-diện Pháp đình tới chúc mừng.

9 giờ 40, lính các cửa hô hiệu bồng súng chào. Đạo kỵ-binh đi đón vào tới cửa Hòa-bình bèn gò cương, xe các quí-khách vào điện Kiến-trung. [...] Chực sẵn tại bậc thềm điện Kiến-trung, có quan Thượng Nghi-lễ Bửu-Thạch, Thủy-quân đại-úy Barthélemy Chánh võ phòng của Hoàng-đế và quan Tổng-lý Văn-phòng Phạm Quỳnh, để đón quan quyền Toàn-quyền quan Thống-sứ Bắc-kỳ và Khâm-sứ Trung-kỳ. Tại phòng tiếp-tân, Hoàng-hậu, đầu chít khăn vàng mình bận áo gấm đỏ, tiếp các quí khách. Quan quyền Toàn-quyền Graffeuil nghiêng mình cúi chào Hoàng-hậu và tỏ lời chúc mừng về lễ Tấn-phong. Kế đến quan Khâm-sứ Trung-kỳ và Thống-sứ Bắc-kỳ mỗi ngài đều chào và chúc mừng Hoàng-hậu. Đoạn đến tiệc Champagne. Các quan Thượng-thư Cơ-mật đều có dự lễ.

10 giờ, đạo kỵ binh cung dẫn các xe ra khỏi Đại-nội và đưa thẳng qua phủ Khâm-sứ.

Chiều 3 giờ, Hoàng-hậu bận triều phục qua làm lễ bên điện Phụng-tiên.

Lễ này xong, Hoàng hậu bèn qua điện Thọ-cung, bái-tạ ngài Không-nguyên Thái-hoàng Thái-hậu. Kế Hoàng-hậu qua cung Trường-sinh, bái-tạ ngài Khôn-nghi Thái-hoàng Thái-hậu và qua Thái-bình cung bái tạ đức Từ-cung Hoàng-thái-hậu. Sau khi làm lễ bái tạ Tam-cung, Hoàng-hậu ngự xe qua điện Càn-thành làm lễ tạ Hoàng-thượng. Đức Kim-thượng chít khăn vàng, bận áo vàng, ngự tại căn chính, nhận lễ bái tạ của Hoàng-hậu.

— Ngọ báo, Số 1966, ngày 27 tháng 3 năm 1934


Lễ Tấn nội đình[sửa | sửa mã nguồn]

Cách gọi này xuất hiện ở Ngọ báo ghi nhận lễ cưới của Nam Phương Hoàng hậu. Theo như lời thuật lại, lễ này theo như vậy tính từ thời Đồng Khánh, có Phụ Thiên Thuần Hoàng hậu (tức Đức Thánh Cung) từng được dùng, đây được xem là lễ cưới chính danh nhất của hoàng gia, những người được nhận lễ trừ Thánh Cung và Nam Phương, còn có bà Hoàng quý phi của Vua Thành TháiNguyễn Thị Vân Anh, bà Diệu phi của Vua Duy TânMai Thị Vàng cùng bà Ân phi của Vua Khải ĐịnhHồ Thị Chỉ. Trừ Nam Phương, các bà Nội đình kể cả Phụ Thiên Thuần Hoàng hậu sau đó chỉ phong Hoàng quý phi hoặc Phi, và Nam Phương là trường hợp duy nhất được trực tiếp lập làm Hoàng hậu.

Quy trình lễ của Nam Phương Hoàng hậu năm ấy:

LỄ NHẬP CUNG CỦA HOÀNG HẬU NAM PHƯƠNG
- Ngày 20 Mars 1934 -
(Trích đoạn giữ nguyên văn phong của bài báo)
oOo

Hué. – 9 giờ sáng 20 Mars, các bà phủ-thiếp, mệnh-phụ bận triều-phục đều tựu tại lầu công-quán rước Hoàng-hậu vào Đại-nội. Lễ này, gọi là lễ "Tấn-nội-đình" đã cử-hành một cách cực-kỳ long-trọng. Từ năm Đồng-Khánh nguyên-niên đến nay có 5 lễ Tấn-nội-đình, trừ ra lễ Tấn-cung của lệnh-ái Ngài Quốc-công Nguyễn Hữu-Độ (hiện nay là ngài Khôn-Nguyên Thái-hoàng Thái-hậu), chớ không có lễ nào nghiêm và người đi xem đông như lễ hôm nay.

Trời vừa sáng thì quang cảnh Hoàng-thành đã có vẻ náo-nhiệt lạ thường, vì nhân-dân từ thôn-quê cho đến Khách-trú các phường đâu đâu cũng kéo tới Hậu-bổ. Từ Khải-hoàn-môn lầu công-quán đến cửa Chân-đức đâu đâu cũng tấp nập người đi xem. Trên các cành cây cao, trên các bức tường thành Hậu-bổ, trẻ con, người lớn tranh nhau kiếm chỗ cao để thấy rõ dung-nhan người sẽ làm Hoàng-hậu nước Nam.

6 giờ 30, cửa sắt lầu công-quán mở rộng, để quan Hộ-thành Đề-đốc đem tuần-binh tới giữ trật-tự. Các bà Tùng-sự ở Đại-nội ra, vào lầu công-quán, trang-điểm cho Hoàng-hậu.

8 giờ, các bà phủ-thiếp, mệnh-phụ, đầu chít khăn xanh, mình bận áo tràng thêu đều lần lượt tề tựu tại công-quán. Trong các bà đi rước Hoàng-hậu người ta thấy: Bà Hoài-Ân Vương-Phi, các bà Thượng Thái Văn-Toản, Tôn-thất Quảng, bà Kiêm-nhiếp Tôn Nhân-phủ Ưng-Bàng, các bà Đô-thống, Tham-tri, Thị-lang các bộ… Khi các bà mệnh-phụ đến, có nữ-quan ra tiếp tại thềm và mời vào lầu.

8 giờ 15, quan Thượng-thư bộ Lễ-nghi cùng các quan bộ Lễ tới lầu công-quán để kiểm-đốc các nghi-lễ.

8 giờ 45, ở Đại-nội đem xe hơi Tanbard của Hoàng-đế ra lầu công-quán, để đón Hoàng-hậu. Bộ Lễ vào trình giờ Tấn-nội-đình và truyền lệnh sắp sửa phát pháo – các bà mệnh-phụ mời H.H. xửa xoạn nhập cung.

9 giờ đúng, H.H. mình mặc áo tràng gấm đỏ thêu, đầu bịt khăn xanh, chân đi giày thêu phụng, ra khỏi lầu công quán. Theo sau có bà Nguyễn Hữu-Hào và bà Didelot bận áo tràng, bịt khăn xanh. Kế đó là các bà phủ-thiếp, Thượng-thư. Pháo nổ liên thanh, đạo binh dàn sẵn trước cửa bắt đầu cử-động. Đi tiên phong có quan Hộ-thành Đề-đốc Nguyễn Văn-Mậu, mình mặc nhung-y võ phục cưỡi ngựa. Theo bên ngựa có quân cầm gươm theo hầu. Kế đến mấy mươi người lính bận y-phục Đại-nội cầm cờ, cầm trượng đi hầu. Gần đạo quân này là xe hơi của bà Nguyễn Hữu-Hào và bà Didelot, rồi đến xe Hoàng-hậu, xe này là xe của Hoàng-đế, chỉ có một mình H.H. ngồi. Hầu xe này có hai người thị-vệ lái xe bận y phục thêu vành rế vàng. Theo hầu xe này có một hàng xe trên mười mấy cái, có các bà mệnh-phụ ngồi. Theo các đường có cắm cờ Hoàng-hiệu, đạo binh từ từ tiến thẳng tới cửa Chân-đức.

Xe Ngự vừa tới cửa Đại-nội, lính canh liền hô ["Présentez armes"], cả đoàn lính hầu đều ra sắp hàng bồng súng, thổi kèn chào. Đoạn, quan Đô-thống Nguyễn Hữu-Tiền bận nhung y, ngoài phủ áo thụng tiến đến trước xe chào H.H. và kính dẫn xe về ngả hậu-cung. Tới cửa Gia-tường, Hoàng-hậu xuống xe đi bộ. Chực sẵn tại thềm có một vị Thái-giám và một bà Tùng-sự tiếp và kính dẫn qua lầu Thái-bình, chỗ đức Từ-cung Hoàng-thái-hậu ngự. H.H. bèn vào làm lễ yết-kiến Ngài Từ-cung Hoàng-hậu (Lễ này ngoài nghi chú). Ngài Hoàng-thái-hậu vui vẻ tiếp nàng dâu mới và truyền cung-nữ lấy một cái áo tràng màu vàng thêu phụng ban cho H.H. để thay vào áo tràng đỏ lúc mới vào cung. Kế, Hoàng-thái-hậu căn dặn vài điều về lễ-nghi bái-yết Hoàng-đế và hai Ngài Thái-hoàng Thái-hậu, Ngài ban phép cho qua Diễn-tâm-điện.

Theo nghi-chú đã định, đức bà Công-chúa Mỹ-Lương, bận áo gấm đỏ, đeo kim-bài, cung dẫn H.H. qua điện Diễn-tâm. Tại điện này có bà Lang-Tố, em ruột đức Đồng-Khánh rước vào điện. Nghỉ một lát, bà Mỹ-Lương Công-chúa bèn đưa cô Lan qua điện Càn-thành làm lễ bái-yết Hoàng-đế: Điện Càn-thành trang hoàng theo các ngày đại-lễ. Tại Càn-thành, Hoàng-thượng chít khăn vàng, bận áo vàng ngự trên ngai. Tới cửa điện Càn-thành, thị-vệ vào tâu. Hoàng-thượng ban cho vào. Bà Mỹ-Lương Công-chúa nhắc H.H. tới chỗ lập vị. Tới chỗ để chiếc chiếu vàng, H.H. dừng lại, quay mặt vào Hoàng-đế, làm lễ tam-khấu-đầu. Lễ xong, Hoàng-đế ngự về điện Kiến-trung, Hoàng-hậu về điện Diễn-tâm.

10 giờ 30, nữ-quan vào trình cùng Hoàng-hậu giờ bái-yết Tam-cung. Trước hết là lễ bái-yết Ngài Khôn-nguyên Xương-minh Thái-hoàng Thái-hậu. Quan Nghi-lễ đại thần Bửu-thạch kính dẫn. Tới cung Diên-thọ, H.H lên lầu làm lễ bái-yết Ngài Khôn-Nguyên - Tới chỗ lập vị, H.H cũng ba xá như bên điện Càn-thành. Ngài Hoàng-thái Thái-hậu, sau khi ban các lời giáo-huấn, bèn truyền lệnh cho các bà Tùng-sự đem đồ bảo-vật Ngài định tặng cho cháu dâu. Đồ ban là hai cái chén ngọc của các triều trước để lại, dùng để đựng phấn trắng và sáp đỏ. Sau khi tạ ân, H.H cáo từ qua cung Trường-sinh.

Trái với cuộc bái-yết bên cung Diên-thọ có vẻ nghiêm-khắc về lễ-nghi, lễ bái-yết tại cung Trường-sinh có vẻ thâm-tình. Ngay khi Thái giám tâu H.H. đến làm lễ bái-yết, Ngài Khôn-Nghi Thái-hoàng Thái-hậu bèn truyền lệnh phát pháo mừng và cho lệnh vào chầu. H.H. làm lễ tam-khấu đầu xong, Ngài Thái-hoàng Thái-hậu ban cho ngồi gần bên Ngự-tọa. Ngài bèn ngắm kỹ càng người cháu dâu mới, rồi tỏ ý vui vẻ ban mấy câu này: "Bà chỉ có một cháu trai, nay đã có nội-cung, bà lấy làm vui mừng. Hoàng-đế phải lo việc xã-tắc, cháu đây phải giữ việc nội-đình. Bà mong sao mau có chắt để được vui vẻ lúc tuổi già". Kế Ngài truyền đem bảo-vật ban cho H.H. Đồ ban là các đồ ngọc, ngà để trang điểm, đựng trong một cái khay ngà bọc gấm vàng.

11 giờ rưỡi – Hoàng-hậu ra khỏi cung Thái-bình về điện Diễn-tâm. Cởi áo tràng vàng, cất khăn xanh, H.H. bèn bận áo gấm lục thêu phụng, đầu chít khăn đỏ ra ngồi tại căn giữa điện Diễn-tâm để triều-thần làm lễ yết-kiến. Đức-ông Hoài-Ân-Vương, các quan Thượng-thư viện Cơ-mật, quan Kiêm-nhiếp Tôn-nhân-phủ, quan Thượng Nghi-lễ, các ấn-quan văn võ đều bận áo gấm tề tựu tại điện Diễn-tâm. Quan Lại-bộ Thượng-thư Thái Văn-Toản sau khi ra mắt Hoàng-hậu xong, bèn xin phép giới-thiệu các triều-thần. Các quan đều xá H.H. Kế đến bà Thượng-thư Thái Văn-Toản ra mắt và giới thiệu các bà phủ-thiếp và mệnh-phụ.

12 giờ lễ tất, H.H qua điện Kiến-trung chầu thiện với Hoàng-đế.

— Ngọ báo, Số 1964, ngày 23 tháng 3 năm 1934


Sách phong các Cung giai[sửa | sửa mã nguồn]

Áo mũ và ấn bảo[sửa | sửa mã nguồn]

Quy định mũ áo[sửa | sửa mã nguồn]

Áo mũ của Nam Phương hoàng hậu năm 1934. Đây là hình ảnh cụ thể hiếm hoi của bộ Triều bào dành cho Hậu phi thời Nguyễn.
  • Hoàng thái hậu: một mũ Cửu phượng, ở trán có một vòng đai bằng vàng. Áo là Áo bào dùng vải sa màu vàng chính sắc, thêu 5 chữ thọ bằng vàng, các hoạt tiết thủy ba (sóng nước) xen lẫn ngọc, san hô, bên trong lót vải sa mỏng có hoa, màu đỏ. Váy bằng tơ đậu 8 sợi có hoa, màu đỏ, trên váy thêu đoàn phượng (hoa văn tròn mang hình chim phượng) và hoa văn thủy ba. Quần bằng vải lĩnh trắng bóng. Hài bằng tơ lông vàng, thêu phượng, trân châu và san hô. Khăn quàng bằng đoạn gấm tàu màu vàng, thêu hoa mẫu đơn và chim phượng, lót thứ lụa màu vàng.
  • Hoàng hậu: một mũ Cửu phượng, để hở chỗ búi tóc, thân mũ dùng lông đuôi ngựa. Trán mũ đính các hình rồng bay phượng lượn bằng vàng, mỗi thứ 9 con; 9 miếng bồn khoan bằng bạc; một kẹp tóc chạm hình mây và hoa; 1 bác sơn. Trên mũ đính nhiều trang sức hình hoa, bướm, các chuỗi trân châu và pha lê. Khăn vấn màu xanh da trời, trong lót vải lĩnh màu vàng chính sắc. Khuyên tai 4 cái bằng vàng. Áo là áo Bào màu vàng chính sắc bằng tơ đậu 8 sợi thêu hoa và đoàn phượng, thủy ba, trong lót vải trừu hoa thêu chim phượng và 4 bông hoa đỏ. Cổ áo bằng vải nhiễu màu tuyết trắng, vải lĩnh trắng bóng. Váy bằng đoạn 8 sợi tơ đậu màu trắng thêu đoàn phượng màu vàng, lót và thắt lưng bằng lụa Cao bộ, màu tuyết trắng. Quần dùng vải lĩnh bóng, màu trắng. Hài bằng tơ lông màu đỏ, thêu chim phượng màu xanh lục.
  • Các bậc cung giai: Quy định về áo mũ Cung giai vẫn còn nhiều tranh luận và nghi vấn. Dẫn chứng duy nhất cụ thể về áo mũ Cung giai là một chỉ dụ ["ban thưởng"] vào năm Gia Long, nhưng đó chỉ là ban thưởng cho một dịp cụ thể, chứ không có điều gì chứng minh đây là quy chế cho Cung giai. Theo đó, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi lại, vào năm Gia Long thứ 6, nhà Vua cho soạn các hạng mũ áo để ban cho Hoàng hậu và các phi tần trong nội cung dùng. Hoàng hậu được ban 2 mũ Cửu long kim ước phát (tức mũ 9 rồng có kẹp tóc) bằng vàng; một mũ Cửu phượng có kẹp tóc bằng vàng; 8 trâm cài hình con phượng; 20 chiếc áo sa kép sợi vàng thêu rồng, phượng, chim trĩ, chim loan; một áo bào bằng tơ đậu 8 sợi màu đỏ thêu rồng phượng, một xiêm (tức váy) bằng tơ đậu 8 sợi màu trắng thêu rồng phượng.

Tả hữu Cung tần được ban thưởng như sau:

  1. Cung tần bậc nhì: một chiếc mũ 5 con phượng với cặp tóc bằng vàng; 10 trâm hoa; một áo Nhật Bình màu xích đào (đỏ đậm) thêu đoàn loan (hoa văn tròn mang hình chim loan); một xiêm bằng tơ đậu 8 sợi màu trắng thêu đoàn loan.
  2. Cung tần bậc ba: một chiếc mũ 3 con phượng với cặp tóc bằng vàng; 8 trâm hoa; một áo Nhật Bình màu tím chính sắc thêu đoàn phượng; một xiêm bằng tơ đậu 8 sợi màu trắng thêu đoàn loan.
  3. Cung tần bậc bốn: một chiếc mũ 1 con phượng với cặp tóc bằng vàng; 8 trâm hoa; một áo Nhật Bình màu tía nhạt thêu đoàn loan; một xiêm bằng tơ đậu 8 sợi màu trắng thêu chim loan.

Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), vua định ra một số hạng mũ áo của các cung giai nội đình. Các cung tần bậc nhất và bậc nhì (tức Nhất giai và Nhị giai Phi) được ban mũ phượng bằng vàng với 3 bác sơn (một loại huy hiệu đính trên mũ), bậc Nhất giai có 8 con phượng, bậc Nhị giai có 7 con phượng. Còn bậc Tam giai Tần, chỉ cài trên búi tóc trâm phượng, còn Tứ giai và Ngũ giai không cài trâm để phân biệt.

Nam Phương hoàng hậu vấn Khăn vành dây, mặc áo Lễ phục Nhật Bình. Hình ảnh phổ biến của trang phục dịp lễ thời cuối Nguyễn.

Vào ngày thường, các Thái hậu, Hoàng hậu và Cung giai đến Nữ quan mặc áo ngũ thân dệt bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như vải sa, trừ màu vàng dành cho bậc Thái hậu và Hoàng hậu, màu đen và màu trắng dành cho các dịp tang kỵ, thì còn lại đều khá tùy ý và không có quy định cụ thể thứ bậc. Tóc của các bà thường là rẽ giữa, chải gọn rồi búi sau gáy hoặc vấn bằng khăn, nhìn chung đều chuộng sự gọn gàng. Vào những dịp đại kỵ thời kỳ như thời Khải ĐịnhBảo Đại, có ghi nhận các bà thường sử dụng Khăn vành dây màu xanh lam đậm quấn thành nhiều vòng quanh đầu, bên ngoài khăn vấn.

Sách bảo, ấn phong[sửa | sửa mã nguồn]

  • Hoàng thái hậu: sách phong của Thái hậu được làm bằng vàng 10 tuổi, có 5 tờ, tờ trước và tờ sau cùng chạm hình rồng và mây, các tờ ở giữa khắc sách văn. Kích thước các tờ: ngang 3 tấc 5 phân 1 ly, dài 6 tấc 3 phân 4 ly, dày 2 ly (tính theo hệ đo lường cổ của Việt Nam). Có 4 khuyên tròn bằng vàng xâu các trang lại với nhau. Sách vàng được đựng trong hòm bạc; xung quanh và nắp trên của hòm khắc hình rồng mây. Một hòm gỗ được sơn đỏ đựng ở ngoài của hòm bạc này. Bảo (tức con ấn) cũng được làm bằng vàng 10 tuổi như sách, cạnh vuông 2 tấc 4 phân, dày 4 phân. Núm cầm của ấn có hình rồng phục ngồi xổm, cao 1 tấc 5 phân. Ấn được khắc 4 chữ triện: ["Hoàng thái hậu bảo"], được đặt trong hộp gỗ, 4 góc bịt bằng bạc. Khăn phủ bằng gấm vàng. Hộp son bằng bạc.
  • Hoàng hậu: sách của Hoàng hậu không có gì khác biệt nhiều so với Thái hậu. Sách của Hoàng hậu cũng được làm bằng vàng 10 tuổi, nhưng có 6 tờ, tờ trước và tờ sau chạm hình rồng và mây, các tờ giữa khắc sách văn. Kích thước các tờ: ngang 3 tấc 5 phân, dài 3 tấc 5 phân, dày 2 ly. 4 khuyên tròn bằng vàng. Sách được cất trong hòm bạc như của Thái hậu, và bên ngoài là một hòm gỗ đỏ. Bảo cũng được làm bằng vàng 10 tuổi như sách, cạnh vuông 2 tấc 5 phân, dày 4 phân 5 ly. Núm cầm chạm hình 2 con rồng dâng ngọc châu, cao 1 tấc 5 phân. Ấn được khắc 4 chữ triện: ["Hoàng hậu chi bảo"], đựng trong hòm gỗ sơn đỏ, vẽ phượng và mây, thếp vàng. Hộp son bằng bạc.
  • Phi tần ngự thiếp: Sách của các phi tần ngự thiếp đều làm bằng bạc, riêng sách của bậc Phi thì mạ vàng. Sách có 5 tờ, tờ trước và tờ sau khắc hình mây và chim phượng, các tờ giữa khắc sách văn. Sách của Phi có kích thước: ngang 3 tấc 2 phân 4 ly, dài 5 tấc 4 phân. Sách của Cửu tần (các bậc Tam giai, Tứ giai và Ngũ giai) có kích thước: ngang 3 tấc 6 ly, dài 5 tấc 2 ly. Từ Tiệp dư xuống đến Tài nhân, sách có kích thước: ngang 2 tấc 9 phân 5 ly; dài 5 tấc. Hòm đựng sách của tất cả đều bằng gỗ sơn đỏ, 4 góc bịt bạc. Tài nhân vị nhập giai thì dùng trục lụa, màu vàng chính sắc, đậu 8 sợi tơ, chu vi thêu rồng mây, đầu trục dùng đồi mồi. Phi tần ngự thiếp không được ban ấn phong như bậc Hậu.

Đãi ngộ[sửa | sửa mã nguồn]

Các ngài Thái hậu[sửa | sửa mã nguồn]

Từ Cung Hoàng thái hậu.

Hoàng thái hậuThái hoàng thái hậu là những bậc tôn quý nhất của triều Nguyễn. Trong khi không có Hoàng hậu mà chỉ có Phi tần, các Thái hậu là bậc Hậu đáng kể nhất, lại có vai trò trưởng bối nên luôn là người được cung phụng nhất.

Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Thánh Tổ định hằng năm dâng cho Thái hậu 1.000 quan tiền, 1.000 phương gạo, lấy đó làm lệ thường. Sau đó các năm thứ 3 (1824) lại dâng thêm 10.000 quan tiền. Đến năm thứ 8 (1829) bàn định, cứ đầu năm mùa xuân là dâng lên 10.000 quan tiền, gặp kỳ Đại khánh thì nâng thành 50.000 quan tiền. Về sau, cứ có dịp trọng đại thì các Thái hậu lại được dâng thêm tiền mừng nữa.

Bắt đầu từ thời Nguyễn, vị hiệu của Thái hậu luôn độc tôn, dành cho mẹ ruột thân sinh của Hoàng đế, cũng bởi vì triều Nguyễn không lập ra vị trí Chính hậu. Triều Khải Định, Hoằng Tông vừa có Đích mẫu Nguyễn Hữu Thị Nhàn, vừa có Sinh mẫu Dương Thị Thục, bèn bắt đầu định ra khác biệt: Nguyễn Hữu thị tôn làm Hoàng thái hậu, còn Dương thị là Hoàng thái phi. Thực tế, danh vị [Hoàng thái phi] đã xuất hiện từ thời Hiệp Hòa, khi Phế Đế dâng tôn cho mẹ là Thụy tần Trương Thị Thận, rồi Giản Tông nghe theo quần thần tôn phong Dưỡng mẫu Học phi Nguyễn Văn Thị Hương. Triều Đồng Khánh, Cảnh Tông tước đi vị hiệu [Hoàng thái phi], đến triều Khải Định thiết đặt lại.

Năm Khải Định nguyên niên (1916). Tháng 5, ngày mồng 6, xuống sắc đón Hoàng nguyên từ (Nguyễn Hữu thị) cùng Hoàng lệnh từ (Dương thị) về thị hầu tại Tây Cung. Chuẩn hằng năm lấy ngày mồng 1 tháng 12 (ngày sinh của Nguyên Từ) làm Thánh Thọ tiết, còn ngày 26 tháng 3 (ngày sinh của Lệnh Từ) làm Tiên Thọ tiết, từ đó Hoằng Tông phân biệt gọi là [Thánh mẫu] cùng [Tiên mẫu]. Tháng 12 năm đó, dâng tôn hiệu Hoàng nguyên từ làm Hoàng thái hậu và Hoàng lệnh từ làm Hoàng thái phi. Trước đó ra sắc dụ như sau:

Năm Khải Định thứ 8 (1923), tháng 10, Hoằng Tông quyết định tôn Hoàng thái phi làm Hoàng thái hậu. Để phân biệt Đích-thứ khác biệt giữa hai cung, Hoằng Tông tôn Hoàng thái hậu huy hiệu Khôn Nguyên Hoàng thái hậu (坤元皇太后), còn Hoàng thái phi là Khôn Nghi Hoàng thái hậu (坤儀皇太后). Sang thời Bảo Đại, Hoàng đế tôn cả hai cùng làm Thái hoàng thái hậu, là trường hợp đồng tôn Thái hoàng thái hậu duy nhất trong lịch sử Việt Nam.

Hậu cung triều Nguyễn cũng xuất hiện một tước hiệu độc nhất, là Thái thái hoàng thái hậu. Nguyên do vì đến đời Vua Thành Thái, Từ Dụ Thái hậu vẫn còn sống, và theo vai vế trên tông pháp, cha của Vua Thành Thái là Vua Dục Đức, trở thành con trưởng của Vua Tự Đức, thì Thái hậu là bà cố nội của Vua Thành Thái, là ["Hoàng tằng tổ mẫu"]. Trong lịch sử các triều đại, chưa từng có sự việc như vậy, và Vua Thành Thái đã chế định tước tôn mới cho Thái hậu, là 「Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái thái hoàng thái hậu; 慈裕博惠康壽太太皇太后」. Năm Thành Thái nguyên niên (1889), chỉ dụ về tấn tôn cho Thái thái hoàng thái hậu như sau:

Sau khi tờ dụ truyền ra, nhà vua bèn sai bộ Lễ tuân bàn nghi lễ, Khâm thiên giám chọn ngày tốt, sai quan tế cáo với miếu điện, đến hôm ấy Vua Thành Thái đích thân suất lãnh hoàng thân cùng đình thần văn vũ bưng kim sách kim bảo dâng tôn hiệu. Lời sách nói:

Mẹ sinh của Hoàng đế[sửa | sửa mã nguồn]

Từ đời Tự Đức, triều đình nhà Nguyễn đã xảy ra hiện tượng "lập Tự" - tức đem con trai dòng khác vào cung nhận làm con và cho quyền kế thừa. Vua Dực Tông không con, nên đã đem 3 người con của 2 người em khác của mình vào cung và giao cho Cung phi nuôi dạy. Cả về sau đều lên ngôi và có hậu duệ lên ngôi, chính là Vua Dục Đức (Cung Tông), Vua Kiến Phúc (Giản Tông) và Vua Đồng Khánh (Cảnh Tông). Trong ấy, Vua Cung Tông là con của Thụy Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y, còn Giản Tông và Cảnh Tông là con của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai.

Do cả 3 được Vua Dực Tông nhận làm con, nên vấn đề gọi cha mẹ ruột cũng trở thành vấn đề để nghị bàn, nhìn chung cả 3 đều không thể tôn gọi cha mẹ ruột bằng danh xưng chính thống dành cho "Cha của Hoàng đế""Mẹ của Hoàng đế" như Thái thượng hoàng hay Hoàng thái hậu, mà chỉ có thể dùng tước Vương và bối phận [Hoàng thúc; 皇叔] để gọi cha, và [Hoàng thúc mẫu; 皇叔母] để gọi mẹ. Đây là bởi vì cả 3 đã là "con của Vua Dực Tông", mà Vua Dực Tông là anh cả của 2 người kia, nên cả 3 phải lấy thân phận con của Dực Tông gọi 2 vị là kia là chú (tức là thúc theo Hán Việt). Trong 3 vị Hoàng đế, Vua Cung Tông bị phế nên mãi đời Thành Thái thì thân phận của Thụy Thái vương và vợ ông mới được định, hơn nữa lúc ấy cả 2 đều đã qua đời, nên chỉ là truy tặng. Song vào thời điểm Giản Tông và Cảnh Tông lên ngôi, tuy Kiên Thái vương đã qua đời, nhưng mẹ của 2 vị là Phủ thiếp Bùi Thị Thanh vẫn còn sống. Do loạn lạc, việc tấn tôn cho Bùi thị đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) mới chính thức quyết.

Việc tấn tôn Bùi Thị Thanh cùng Hồng Cai đã là vấn đề phải ghi vào Đại Nam thực lục:

Bà Bùi Thị Thanh sống trải đời Thành Thái, đến năm thứ 12 (1900) thì qua đời. Trong thời Thành Thái, Khâm sứ đại thần Tá Quốc quận công Boulloche đề nghị triều đình nên cấp 2000 đồng cho bà chi tiêu. Vào lúc này, Bùi thị được gọi là ["Hoàng thúc tổ mẫu"; 皇叔祖母] do là bà thím của Hoàng đế. Khi bà qua đời, triều đình chọn tên thụy hiệuĐoan Nhu (端柔), chuẩn trích 1.000 đồng trong Nội vụ phủ để thực hiện mai táng.

Cung phi tần thiếp[sửa | sửa mã nguồn]

Ảnh được cho là của Phủ thiếp Trương Như Thị Tịnh.

Từ đầu năm Gia Long, Khâm định Hội điển ghi chú lệ cấp bổng cung giai, Thế Tổ đã quy định lương bổng cho các cung phi. Lúc này hậu cung còn đơn giản, bậc 1 hằng năm lãnh 300 quan tiền, 180 phương gạo (trong đó có 12 phương gạo trắng). Thời ấy, một phương gạo tương đương 30 đấu, mỗi đấu khoảng 1 lít. Các bậc sau, đến bậc 7 giảm đã chỉ còn phân nửa so với bậc đầu.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), định lệ cung phân của Nội đình: Hiền tần mỗi năm 350 quan tiền, 160 phương gạo. Tiệp dư mỗi năm 300 quan tiền, 120 phương gạo. Mỹ nhân mỗi năm 280 quan tiền, 72 phương gạo. Tài nhân mỗi năm 260 quan tiền, 60 phương gạo.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thánh Tổ đặt lại chức giai, cũng chuẩn định lệ cấp bổng lộc hằng năm:

  • Hoàng quý phi 1000 quan tiền, 300 phương gạo.
  • Nhất giai Phi 500 quan tiền, 250 phương gạo.
  • Nhị giai Phi 450 quan tiền, 200 phương gạo.
  • Tam giai Tần 400 quan tiền, 180 phương gạo.
  • Tứ giai Tần 350 quan tiền, 140 phương gạo.
  • Ngũ giai Tần 320 quan tiền, 120 phương gạo.
  • Lục giai Tiệp dư 300 quan tiền, 100 phương gạo.
  • Thất giai Quý nhân 280 quan tiền, 84 phương gạo.
  • Bát giai Mỹ nhân 260 quan tiền, 60 phương gạo.
  • Cửu giai Tài nhân 180 quan tiền, 48 phương gạo.

Năm thứ 19 (1838), dụ về cách đưa lương bổng. Sau này các bậc trong cung ai được tấn phong, theo lệ ngay trong tháng giêng thì cho theo lệ cấp lương cả năm. Còn ngoài ra từ tháng 2 đến tháng 7, thì cho lấy ngày mùng 1 tháng 7 bắt đầu, cấp thêm 6 tháng. Còn từ tháng 8 trở về sau, thì đợi đến tháng giêng sang năm cấp lương.

Trong cung đình, Nội vụ phủ sẽ chuyên cung cấp đồ dùng, lương thực cho cả Lục viện theo mùa hoặc theo tháng. Trong đó, có việc cung cấp quần áo vào mùa xuânmùa đông hằng năm là lệ thường, chia đều cho các cấp bậc từ tần ngự đến Nữ quan Thị tỳ, chất liệu vải có rất nhiều, như nhiễu, đoạn, sa, lụa hoặc thậm chí có vải Tây dương. Nhưng theo phân lệ, bậc Phi cả quần và áo đều 8 cái; bậc Tần áo 8 cái và quần 7 cái; bậc Tiệp dư có 7 áo và 6 quần; Quý nhân cùng Mỹ nhân đều áo và quần có 6 cái; cuối cùng là Tài nhân (gồm cả Vị nhập giai) có 6 áo và 5 quần.

Năm Thành Thái thứ 2 (1890), lại có chuẩn nghị:"Phi tần từ các tiền triều, hiện từ bậc Nhất giai cho đến Thị nữ đều chiếu theo lệ cũ mà tăng gấp đôi"[16]. Theo đó chế độ lương bổng mới đạt hơn lệ thường, tuy nhiên lại bỏ đi mục chu cấp gạo như lệ cũ:

  • Hoàng quý phi 6200 quan tiền.
  • Nhất giai Phi 4500 quan tiền.
  • Nhị giai Phi 3700 quan tiền.
  • Tam giai Tần 3200 quan tiền.
  • Tứ giai Tần 2660 quan tiền.
  • Ngũ giai Tần 2320 quan tiền.
  • Lục giai Tiệp dư 2000 quan tiền.
  • Thất giai Quý nhân 1736 quan tiền.
  • Bát giai Mỹ nhân 1320 quan tiền.
  • Cửu giai Tài nhân 1032 quan tiền.
  • Vị nhập giai 912 quan tiền.

Cung nhân, Cung nga và Thị nữ[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là những Tần ngự ở Nội đình đông đảo nhất, nhiều hơn các Tần ngự có sách phong bậc Cung giai. Nhận định này được xác định thông qua sự xuất hiện các bài vị của Cung nhân, Cung nga, Thị nữ chiếm rất nhiều trong các điện thờ trên các lăng tẩm triều Nguyễn. Tuy nhiên, các Tần ngự này không có sách phong chính thức nào cả, là mức cơ bản nhất của người được chọn làm Tần ngự khi mới vào Nội đình, sau đó có biểu hiện tốt thì mới sách phong lên bậc cao (như các Dụ tần và Điềm tần thời Khải Định).

Hằng năm, Nội vụ phủ sẽ cung cấp đồ mùa xuânmùa đông chia đều cho các cấp bậc từ tần ngự đến Nữ quan Thị tỳ. Các Cung nhân theo phân lệ nhận áo và quần năm cái; Cung nga có 5 áo và 4 quần; cuối cùng là Thị nữ có áo và quần đều bốn cái. Về danh vị, Cung nhân thường là mức của con nhà quan lại mới vào Nội đình, ngoài việc hầu cận Hoàng đế thì cũng như Cung ngaThị nữ, đều có thể được phân phó đến các cơ quan Lục thượng để làm nữ quan. Điều này chứng minh thông qua Hoàng triều Ngọc điệp bản Chính biên, liệt kê Xuân Lâm công chúa của Hiến Tổ có mẹ là Cung nga Nguyễn Viết Thị Lệ, thì:"Năm Minh Mạng thứ 6, thị hầu Tiềm để. Năm Thiệu Trị nguyên niên, sung vào hàng Cung nhân. Năm thứ 3, cho làm Cung nga ở Điển soạn của Thượng diên viện". Lại như Tài nhân Nguyễn Đăng Thị Nhã cũng là phi tần của Vua Hiến Tổ, từng là Thượng nghi viện Chưởng nghi Cung nhân (尚儀院掌儀宮人), tức bà vừa làm Cung nhân vừa kiêm nữ quan ở Chưởng nghi thuộc Thượng nghi viện.

Cũng như các Tần ngự có sách phong, Cung nhân, Cung nga, Thị nữ cũng có lương bổng nhưng lại không được đề cập trong bản Chính biên của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (kết thúc khoảng đời Tự Đức). Phải khi sang Tục biên thì mới ghi chép, nhưng đó là dụ chỉ ban hành bổng lộc mới triều Thành Thái, nên về cơ bản trước đó không rõ bổng lộc của bậc này là bao nhiêu. Theo đó:

  • Cung nhân 810 quan tiền.
  • Cung nga 624 quan tiền.
  • Thị nữ 432 quan tiền.

Ngoài ra, dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, các Hoàng đế lên ngôi sau khi Tiên Đế mất, liền thủ tang 3 năm, trong 3 năm đó không hề định chuyện sách phong Tần ngự long trọng vì sẽ phạm vào việc tang. Tuy vậy, các Tần ngự ở Tiềm để cũng theo địa vị mà có được 3 danh phận chính, là Cung tần (宮嬪), Cung nhân (宮人), Thị nữ (侍女)[17][18]. Sau khi hết tang kỳ, lần lượt các Tần ngự thuộc 3 hạng này sẽ được phân ra danh vị khác nhau, và tuy có trùng nhưng hàng Cung nhân trong thời gian này khác hẳn bậc Cung nhân thuộc quy chế chính quy. Điều này có thể thấy ví dụ ở trên, khi Cung nga Nguyễn Viết thị sung hàng Cung nhân, sau đó trở thành Cung nga của Thượng diên viện.

Nữ quan cùng Thị tỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), sau khi ban bố 9 bậc phi tần, Vua Thánh Tổ còn cho đặt Lục thượng ty (六尚司) do các phi tần kiêm chức nữ quan đảm nhiệm, định rõ chức phận giữ nội chính cho được tề chỉnh, lúc này thứ tự có:

  • Thượng nghi (尚儀), giữ nghi lễ tiết văn.
  • Thượng trân (尚珍), giữ châu ngọc quý báu.
  • Thượng khí (尚器), giữ những đồ đạc quý.
  • Thượng phục (尚服), giữ chầu, nệm, giường, màn.
  • Thượng thực (尚食), giữ các loại bánh trái quà mọn.
  • Thượng y (尚衣), giữ việc áo xiêm.

Quản lý Lục thượng ty này lại chia làm các bậc nữ quan, bao gồm:

  1. [Thủ đẳng; 首等], tức Bậc đầu, là chức Quản sự (管事) của Lục thượng, cùng Tư nghi (司儀) và Tư trân (司珍).
  2. [Thứ đẳng; 佽等], tức Bậc thứ, là chức Thống sự (統事) của Lục thượng, cùng Tư hương (司香) và Tư khí (司器).
  3. [Trung đẳng; 中等], tức Bậc giữa, là chức Thừa sự (承事) của Lục thượng, cùng Tư y (司衣) và Tư thảng (司帑).
  4. [Á đẳng; 亞等], tức Bậc á, là chức Tùy sự (隨事) của Lục thượng, cùng Quản ban (管班) của các ban.
  5. [Hạ đẳng; 下等], tức Bậc dưới, là chức Tòng sự (從事) của Lục thượng, cùng Lãnh ban (領班) của các ban.
  6. [Mạt đẳng; 末等], tức Bậc cuối, có chức Mục (目; tương đương Trưởng ban) của các ban và Cung nô Đầu mục (宮奴頭目).

Trong Hội điển cũng ghi lại, quản lý mọi việc là bậc Thủ đẳng, thâu tóm mọi việc là bậc Thứ đẳng, thừa hành mọi việc là bậc Trung đẳng, còn Á đẳng trở xuống là lệ thuộc trực tiếp trong phạm vi mỗi ban, các ban đều có lịch trình riêng phân biệt nhau, gồm 8 ban là: ban Thiều Quang, ban Thuỵ Nhật, ban Kim Hoa, ban Hương Cẩm, ban Tường Loan, ban Nghi Phượng, ban Tiên Quế và ban Ngọc Mai. Vào lúc này thì từ bậc Thủ đẳng đến bậc Hạ đẳng, khi sách phong đều ban cáo sắc bằng giấy Long tiên trục[19]. Bậc Mạt đẳng, do bộ Lễ tuyên sắc, và từ bậc Hạ đẳng trở lên nếu có thự hàm, thì cho các sắc chỉ tuyên phong đều dùng giấy Hội sao. Sau khi viết các trục cáo sắc cho nữ quan, đều để vào trong hòm gỗ màu đỏ son, các quan bộ Lễ giao cho Cung giám (tức các quan thái giám), rồi từ Cung giám truyền cho nữ quan ấy nhận lĩnh. Các nữ quan kính nhận, để trên hương án, làm lễ 3 lần quỳ, 6 lần vái. Về sau nếu có cáo sắc nhận ơn, đều đến trước mặt Hoàng đế làm lễ 3 lạy 6 vái như trên. Khi bị giáng chức, thì do Cung giám trực tiếp truyền chỉ.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Vua Hiến Tổ cho dụ đổi cách gọi Lục thượng ty thành Lục thượng viện (六尚院), lại cho đặt thêm các cơ quan nhỏ trong Lục thượng để cai quản tỉ mỉ và trực tiếp hơn so với khi trước. Hoàn thiện thêm chế độ Lục thượng gồm:

  • Thượng nghi (尚儀), coi việc giữ giấy tờ trong nội cung. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng nghi (掌儀), Chưởng lễ (掌禮). Bậc thứ gọi là Tư hương (司香), Tư chương (司章). Bậc trung gọi là Điển thư (典事), Điển hàn (典翰).
  • Thượng diên (尚筵), đổi từ Thượng thực, hầu ngự thiện và phụng tiến các thức ăn. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng diên (掌筵), Chưởng yến (掌宴). Bậc thứ gọi là Tư trà (司茶), Tư thiện (司膳). Bậc trung gọi là Điển soạn (典僎), Điển dao (典醪).
  • Thượng trân (尚珍), coi giữ ngọc châu, trân bảo. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng châu (掌珠), Chưởng ngọc (掌玉). Bậc thứ gọi là Tư kim (司金), Tư ngân (司銀). Bậc trung gọi là Điển hoàn (典鍰), Điển mân (典緡).
  • Thượng y (尚衣), phụng hầu mũ áo và coi giữ xiêm y bốn mùa. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng bào (掌袍), Chưởng cừu (掌裘). Bậc thứ gọi là Tư y (司衣), Tư phi (司緋). Bậc trung gọi là Điển nhu (典襦), Điển chẩn (典袗).
  • Thượng phục (尚服), coi việc màn trướng. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng duy (掌帷), Chưởng vi (掌幃). Bậc thứ gọi là Chưởng thường (掌裳), Chưởng đới (掌帶). Bậc trung gọi là Điển khâm (典衾), Điển nhục (典褥).
  • Thượng thảng (尚帑), vốn là Thượng khí, coi giữ nội khố. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng trân (掌珍), Chưởng ngoạn (掌玩). Bậc thứ gọi là Tư thảng (司帑), Tư khí (司器). Bậc trung gọi là Điển cẩm (典錦), Điển thái (典采).

Cũng trong năm Thiệu Trị thứ 3, cũng xuống dụ cho đổi tên một số cơ quan: Điển soạn của Thượng diên thành Điển tư (典司); Tư kimTư ngân của Thượng trân đổi thành Tư cung (司供), Tư trân (司珍); Điển hoàn cùng Điển mân cũng đổi thành Điển kim (典金), Điển ngân (典銀). Chức năng của các bậc nữ quan vẫn như cũ, chỉ là đã được cụ thể hóa hơn ở từng cơ quan.

Bổng lộc của 6 bậc nữ quan, bao gồm:

  • Quản sự (管事), lương bổng hằng tháng 6 quan tiền, 3 phương gạo.
  • Thống sự (統事), lương bổng hằng tháng 5 quan tiền, 2 phương gạo.
  • Thừa sự (承事), lương bổng hằng tháng 4 quan tiền, 2 phương gạo.
  • Tùy sự (隨事), lương bổng hằng tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo.
  • Tòng sự (從事), lương bổng hằng tháng 2 quan tiền, 1 phương gạo.
  • Trưởng ban (長班), lương bổng hằng tháng 1 quan 5 tiền, 1 phương gạo.

Triều Thành Thái, thay đổi về lương bổng, hé lộ ra thêm nhiều thân phận khác. Lệ dưới là lương bổng cả năm:

  • Quản sự 528 quan.
  • Thống sự 384 quan.
  • Thừa sự 360 quan.
  • Tùy sự là Tôn nữ 336 quan, Tùy sự bình thường 276 quan.
  • Tòng sự là Tôn nữ 276 quan; Tòng sự bình thường 216 quan.
  • Quản ban 276 quan.
  • Lĩnh ban 216 quan.
  • Trưởng ban 216 quan.
  • Riêng có: Công nữ phụng trực 336 quan, Tôn thất nữ phụng trực 252 quan.

Những hạng dưới bậc Nữ quan, là các Cung tỳ:

  • Nhũ bảo (乳保)[20] 72 quan, 12 phương gạo.
  • Lão tỳ (老婢) 60 quan, 12 phương gạo.
  • Ni nhân (妮人) 48 quan, 12 phương gạo.
  • Quan nô (官奴), hay Cung nô (宮奴):
Đại đầu mục (大頭目) 48 quan 12, phương gạo.
Tiểu đầu mục (小頭目) 43 quan, 12 phương gạo.
  • Nội thị khoá nữ (內侍課女) 36 quan.
  • Cung nghi (宮儀) 28 quan 8 tiền, 12 phương gạo.
  • Ban nhân (班人) và Nô nữ (奴女) đều 24 quan, 12 phương gạo.

Lệ cấp quần áo mùa xuânmùa đông, từ trước Tự Đức đã có ban bố. Theo đó, các Quản sự 6 áo và 5 quần; bậc Thống sự có áo và quần đều năm cái; bậc Thừa sự có 5 áo và 4 quần; bậc Tùy sự áo bốn cái quần ba cái; bậc Tòng sựQuản ban áo quần đều ba cái; Lĩnh banTrưởng ban tầm 3 áo và 2 quần. Các Nữ quan và Cung tỳ cũng có các nhân sự được phái sang Cung Diên Thọ, hầu hạ người phụ nữ tôn quý nhất hoàng thất, nên là những nhân sự "Túc trực" riêng trong Nội đình.

Sinh hoạt nội đình[sửa | sửa mã nguồn]

Nơi ở[sửa | sửa mã nguồn]

Các bậc Hoàng hậu, Hoàng thái hậuHoàng thái phi theo ghi chép trú tại những cung điện lớn nhất trong dãy Hoàng thành Huế, đó là:

  • Diên Thọ cung (延壽宮): tên cũ Trường Thọ cung (長壽宮) hay Từ Thọ cung (慈壽宮), xây năm Gia Long thứ 3 (1804), đây từng là cung thất của Hiếu Khang hoàng hậu. Qua các đời triều Nguyễn, đây là cung thất tôn quý nhất, dành cho người phụ nữ có địa vị tôn quý nhất trong hoàng thất.
  • Trường Sinh cung (長生宮): tên cũ Trường Ninh cung (長寧宮), xây năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vốn là một khu vườn. Khi Trang Ý Hoàng thái hậu được rước về, tôn xưng Hoàng thái hậu, thì cũng sửa sang làm cung thất cho Thái hậu. Trang Ý Hoàng thái hậu đến khi trở thành Thái hoàng thái hậu cũng đều ở tại cung này.
  • Khôn Thái điện (坤泰殿): nguyên tên Khôn Nguyên cung (坤元宮), xây dựng năm Gia Long thứ 6 (1807), nằm ở ngay sau điện Càn Thành - tẩm điện của Hoàng đế, là 1 trong 3 cung điện lớn nhất của khu vực Tử Cấm Thành sâu nhất trong Hoàng thành. Nơi đây từng là cung thất của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Đời Minh Mạng, chính điện được đổi tên thành Cao Minh Trung Chính điện (高明中正殿). Tuy từng là nơi Hoàng hậu ở, nhưng cung điện này lại không phải duy nhất chỉ dành cho Hoàng hậu như nhiều tài liệu về sau hay lầm tưởng.
    • Thời Hiệp Hòa, Hoàng đế tôn mẹ là Thụy tần Trương Thị Thận làm Hoàng thái phi, đã cho rước mẹ mình vào đây ở, rồi đổi thành [Khôn Thái cung][21].
    • Thời Đồng Khánh, Cảnh Tông vọng tôn Khiêm Hoàng hậu làm Trang Ý Hoàng thái hậu, nghị định chỗ ở. Triều thần ý kiến rằng:"Duy có điện Khôn Thái là giáp với phía sau điện Càn Thành, nếu rước Hoàng thái hậu đến ở đấy, gặp khi có khánh tiết, các quan đến lạy mừng, sợ có điều chưa tiện, cung Trường Ninh hiện cũng to rộng, xin giao bộ Công bắt nhiều lính và thợ, cho sửa sang khẩn cấp, rồi sẽ kính rước về ở, cho nên vua chuẩn cho theo thế mà làm".

Dòng chảy lịch sử trôi qua, vào cuối triều Nguyễn một là cung thất hư hại, một là có cùng lúc tới 3 vị Thái hậu (Từ Dụ, Trang Ý, Từ Minh) nên cung thất cũng có biến chuyển. Diên Thọ cung khi ấy là chỗ của bà Từ Dụ, Trường Sinh cung là của bà Trang Ý, thì bà Từ Minh được cho ở Từ Nghi cung (慈儀宮), trước mắt không rõ chính xác cung này ở đâu[22]. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Đích mẫu của Duy Tân cùng Nguyễn Văn Thị Định, sinh mẫu của Duy Tân đều từng ở tạm trong Dưỡng Tâm điện (养心殿), thuộc khu vực bên phải của Khôn Thái cung trong Đại nội, trước khi cả hai cùng chuyển qua Trường Sinh cung[23].

Nơi ở của các phi tần đều phân bố ra trong khu vực Lục viện (六院), thuộc góc Tây-Bắc của Tử Cấm Thành, bao gồm:

  • Thuận Huy viện (順徽院);
  • Đoan Thuận viện (端順院);
  • Đoan Hòa viện (端和院);
  • Đoan Huy viện (端徽院);
  • Đoan Trang viện (端莊院);
  • Đoan Tường viện (端祥院);

Có hiểu lầm thông thường, các viện sẽ là nơi ở cố định của một cấp, đây đều xuất phát từ "Thân phận và nếp sống các bà trong nội cung nhà Nguyễn" của Phan Văn Dật trên Số 16 (T.12-1985) của Tạp chí sông hương, về sau được các tác giả khác đưa vào dẫn chứng. Thực tế rằng, các phi tần ở Nội đình đều chia nhau ra sống trong Lục viện, bất kể giai cấp hay địa vị. Điều này thể hiện không chỉ qua việc Nội vụ phủ cung cấp đồ cho Nội đình chỉ vỏn vẹn "6 viện", lễ sách phong cung giai cũng đề cập chuyện "cầm cờ Tiết đến các Quý viện theo nghi lễ", mà còn thông qua bài phỏng vấn trực tiếp Diệu phi Mai Thị Vàng trên Tạp chí Sông Hương vào năm 1936[24].

Lệ cư xử và xưng hô[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc Sử quán ghi lại trong Đại Nam thực lục, năm Tự Đức thứ 23 (1870), chuẩn định điển lễ hành xử trong nội cung. Dực Tông khi đó nghĩ thứ bậc cung giai đã có điển lễ, duy lễ đối xử với nhau trong khi tiếp kiến chưa được bàn định đến, bèn sai bộ Lễ châm chước nghĩ định. Tuy đã tra ở cổ lễ, cũng không có chép rõ. Sau tâu lên, nhưng sửa định lại, để làm lệ mãi.

Các Phi, Tần trở xuống đến Tài nhân vào hầu Hoàng quý phi ở Viện sở, các Phi và Tần thì lễ vái 2 vái trước. Hoàng quý phi đứng dậy đáp lễ 1 vái, Tiệp dư cho đến Tài nhân, đều làm lễ 3 vái, Hoàng quý phi không vái đáp lễ, rồi mời đến chỗ ngồi, đều chiếu thứ bậc cao thấp mà ngồi, không được ngồi cùng chiếu với Hoàng quý phi. Khi tiếp nói chuyện xong, xin cáo từ lui về, các Phi trở xuống đứng dậy, nên đáp nên không đều như trước. Hoàng quý phi nhân có việc đến các sở cung giai, việc vái đáp và chỗ ngồi phải làm cũng theo như trước mà làm.

Còn như các Phi, các Tần tiếp kiến nhau và Tiệp dư trở xuống đến Tài nhân tiếp kiến nhau, thì khi mới gặp và khi từ giã ra về đều làm lễ vái chào 1 vái, đáp lễ 1 vái. Tiệp dư trở xuống đến Tài nhân yết kiến các Phi và Tần, khi mới yết kiến và cáo từ ra về, đều làm lễ vái 2 vái; các Phi, Tần đối với Tiệp dư chỉ đáp 1 vái, còn từ Quý nhân trở xuống đều không vái đáp lễ. Hoặc các Phi, Tần có tiếp kiến Tiệp dư trở xuống đến Tài nhân, nghi lễ vái đáp đều giống như trên. Còn chỗ ngồi cũng đều cho theo thứ bậc cao thấp mà ngồi.

Vị nhập giai trở xuống đến Thị nữ và Nữ quan, trừ hạng Thục nhân ra, như có đến hầu các Phi, Tần. Các Vị nhập giai trở xuống thì lạy các Phi; Cung nhân trở xuống thì lạy các Tần, đều làm lễ lạy 1 lạy, rồi đều chiếu thứ bậc chia ra đứng hầu 2 bên tả hữu, không được ngồi, khi cho ngồi mới được ngồi ở chiếu dưới.

Các cấp bậc trên đây đều có trên dưới; nếu người trên hỏi đến thì kẻ dưới đều ["Dạ"] và ["Bẩm"]; trả lời kẻ dưới thì người trên nên "Vâng". Trong khi xưng hô: các Phi, Tần thì xưng là ["Phi mỗ"], ["Tân mỗ"]. Từ Tiệp dư đến Vị nhập giai xưng ["Chức và họ"], Cung nhân trở xuống đến Thị nữ thì xưng ["Thị mỗ"][25]. Còn các bậc Nữ quan thì bậc thứ trở xuống đều "Dạ" bậc đầu; bậc trung trở xuống đều "Dạ" bậc thứ; bậc dưới, bậc cuối đều "Dạ" các bậc giữa trở lên. Xưng hô thì đều tuỳ theo quan hàm, như có yết kiến nhau đều làm lễ vái 1 vái, kẻ dưới vái trước, người trên đáp lại, duy bậc đầu, bậc thứ đối với bậc dưới, bậc cuối thì miễn vái đáp lễ. Chỗ ngồi cũng đều chiểu theo thứ bậc trên dưới, không được trái phép vượt bậc.

Lại như khi đi cùng gặp, các Phi trở xuống gặp Hoàng quý phi, đều phải tránh đứng ra bên đường, chờ Hoàng quý phi đi khỏi rồi mới đi, còn các giai trở xuống đến Nữ quan, đều có thứ bậc tôn ty, như có gặp nhau, cũng theo như thế mà làm, đều theo cấp bậc mà tỏ ra có lễ phép.

— Đại Nam thực lục, Tự Đức bản kỷ, Quyển XLIII


Cũng dựa theo bài phỏng vấn của bà Mai Thị Vàng trên Tạp chí sông Hương, Phi tần thân mật có thể xưng với Hoàng đế là ["Em"], Hoàng đế gọi Phi tần bằng ["Bà"], ["Khanh"] hoặc gọi thẳng tên của người ấy. Việc gọi thẳng tên của Phi tần khá phổ biến, vì ngay bản thân Từ Dụ Hoàng thái hậu khi còn là Quý phi, do được Hiến Tổ yêu quý mà "Phàm khi lên hầu hay triệu hỏi, đều chỉ gọi là Phi chứ không gọi tên" (trích Đại Nam liệt truyện - Nghi Thiên Chương Hoàng hậu). Còn theo ghi chép của Hiệp tá đại học sĩ Ưng Trình, cháu nội Tùng Thiện vương Miên Thẩm trong sách "Tùng Thiện vương, tiểu sử và thi văn", Phi tần nói chuyện với Hoàng đế đều tự xưng ["Tôi"], ["Chúng tôi"]. Ở đây, tôichữ Nôm tương đương [Thần; 臣], có cụm từ "Vua tôi" chính là như vậy.

Căn cứ ghi chép của Ưng Trình, kẻ dưới gọi người trên là ["Ngài"] đối với Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa; gọi ["Bà"] đối với phi tần. Đặc biệt nhất là tước hiệu ["Tần"], đều phải gọi là [Tân]. Theo ghi nhận bản thân Ưng Trình và ghép của người Pháp cùng quan lại Nam triều bằng quốc ngữ, thì chữ "Tần" tuy viết chữ Hán không đổi, nhưng âm phải đọc thành "Tân" hay "Tờn", "Tớn" đều tùy, do âm "Tần" đã phạm vào quốc húy Nguyễn Phúc Tần.

Các bậc Thái hậu trong triều cũng có nhiều vị tôn, đều dựa vào vai vế. Trước khi có tôn hiệu Hoàng thái hậu, các Ngài thường được Hoàng đế gọi là ["Hoàng mẫu"; 皇母] (có thể xem sách văn của các sách văn của các bà Thuận Thiên, Nghi Thiên); ngoài ra còn có cách gọi khác như ["Thánh mẫu"; 聖母][26], ["Tôn từ"; 尊慈][27], ["Hoàng lệnh từ"; 皇令慈] dành cho mẹ đẻ cùng ["Hoàng nguyên từ"; 皇元慈] dành cho Đích mẫu (trường hợp của Thánh CungTiên Cung). Các bậc Thái hoàng thái hậu hay cao hơn nữa, được tôn gọi bằng những tôn hiệu như ["Thánh tổ mẫu"; 聖祖母] hay ["Thánh tằng tổ mẫu"; 聖曾祖母].

Thời Duy Tân, Phế Đế bị giáng biếm vào Sài Gòn, quan bảo hộ người Pháp xin bàn định cách xưng hô. Phủ Phụ chính tâu nói bản triều không có lệ ấy, duy quốc chủ các triều trước nhường ngôi đều được tôn là Thái thượng hoàng, đích mẫu là Hoàng thái hậu, sinh mẫu là Hoàng thái phi. Nay Hoàng thượng lên ngôi, cứ nói là lúc đầu chưa kịp bàn bạc về lễ. Sài Gòn là nhượng địa do nước Pháp quản hạt, việc xưng hô tùy theo tục nước Pháp. Tới như ở Trung Bắc hai kỳ phàm nếu phải viết tới và xưng hô đều tuân theo chiếu tấn tôn gọi là ["Hoàng phụ"; 皇父], ["Hoàng đích mẫu"; 皇嫡母] (bà Vân Anh), ["Hoàng sinh mẫu"; 皇生母] (bà Thị Định), chờ về sau sẽ bàn nghĩ thi hành.

Khi xưng hô cúng kị các đời trước, thông dụng cách gọi chung ["Tiên Đế"; 先帝] hoặc miếu hiệu kèm thụy hiệu của Hoàng đế đó, ví dụ Vua Tự Đức theo cách gọi trang trọng là ["Dực Tông Anh Hoàng đế"], trong đó Dực Tông là miếu hiệu, còn Anh Hoàng đế là Đế thụy trong dãy thụy hiệu. Bản thân Hoàng đế gọi cha đã khuất là ["Hoàng khảo"; 皇考], mẹ đã mất là ["Hoàng tỷ"; 皇妣] (Chữ Tỷ này khác chữ Tỷ 姊 nghĩa là chị), tương tự với đồi ông nội hay bà nội, thêm thành tố "Tổ" vào giữa.

Nếp sống[sửa | sửa mã nguồn]

Theo phỏng vấn với bà Mai Thị Vàng, phi tần trong Nội đình thường nghiêm khắc làm việc, hầu hạ Thái hậu. Theo ghi chép của Ch. Gosselin trong L'Empire d'Annam, lúc vua Dực Tông còn tại vị, hằng ngày có 13 người chuyên làm việc chải đầu, mặc áo, trau chuốt móng tay của nhà vua, lại làm mọi việc phục vụ như vấn khăn, mài mực chuẩn bị cho nhà vua phê duyệt tấu chương. Căn cứ chuyện Giai phi Phan Văn thị thời Đồng Khánh, ngày thường các cung phi cung tần có lẽ sẽ đảm nhiệm quản lý một Thượng trong Lục thượng viện. Bản thân Trung phi Vũ thị, sau khi bị giáng từ tước Hoàng quý phi xuống Trung phi như cũ, Dực Tông có phán rằng:"Giáng làm Trung phi quản nhiếp Thượng nghi, không cho Suất nhiếp Lục viện nữa", chứng tỏ cung phi quản lý một Thượng là điều khá bình thường trong cuộc sống Nội đình triều Nguyễn.

Ngoài những nghĩa vụ hầu hạ Hoàng đế, theo ghi chép của Micheal Đức Chaigneau[28], ông có nhận xét về nét sinh hoạt của cung tần trong nội đình khá nhàn nhã:"Vừa dựa mình vào những chiếc gối xếp chồng chất trên chiếu hay trên các tấm thảm, họ vừa chuyện trò, chơi bời, ca hát, hút thuốc và uống trà". Căn cứ ghi chép của Ưng Trình, các phi tần khi rảnh rỗi liền đọc sách, trồng cây, nuôi chim, , thêu thùa. Theo lời bà Mai Thị Vàng, phi tần sống ở mỗi viện có người nấu cơm, ai ăn riêng phần nấy. Về đãi ngộ hầu hạ, bậc Nhất giai có 10 người hầu, đến Cửu giai giảm dần còn 3 người (Hồi ký của Pierre Pasquier, từng một thời là Toàn quyền Đông Dương).

Các phi tần triều trước[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc sống góa phụ[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Hoàng đế qua đời, các phi tần không được gọi là "Thái phi" như Hậu cung Nhà Thanh, mà về cơ bản vẫn giữ tước vị nếu có, rất ít trong số ấy được Hoàng đế tiếp theo gia tôn thêm (đại đa số là phục vị vốn có nếu từng phạm lỗi mà bị giáng), và được gọi chung là ["Cung tần triều trước"].

Các cung tần triều trước này có 4 lựa chọn chính sau khi Hoàng đế băng hà. Thứ nhất là theo lên Lăng viên của Tiên Đế để thủ tiết[29], thứ hai là ở tại các hậu viện sau Phụng Tiên điện hoặc Bảo Định cung thờ phụng hương khói, cuối cùng là theo con trai ra ở trong tư phủ. Ba loại này đều do triều đình (hoặc tự người con) sẽ cấp lương nuôi sống. Một loại nữa là có thể thả về nhà, nhưng nếu như vậy thì người đó về cơ bản sẽ không còn được xem là phi tần của triều đình nữa, và khi ấy có mất đi vì bất kỳ lý do gì, triều đình cũng không quản việc mai táng. Trước khi có các chiều hướng trên, nhóm cung tần góa phụ này đều phải ở tạm trong một khu vực riêng biệt cụ thể (thường do Hoàng đế kế nhiệm đặc biệt cho xây dựng) nhằm chuyên tâm việc nhang khói cho Tiên Đế, cũng như để tách biệt ra khỏi nhóm phi tần mới vào của Hoàng đế kế nhiệm. Ví dụ về đạo chỉ dụ năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), nhà vua cho chuẩn bị nơi riêng của phi tần của vua cha là Vua Minh Mạng như sau:

Một ví dụ cụ thể vào thời điểm Vua Khải Định qua đời (1925), ông đã đưa một đoạn di chúc bằng tiếng Pháp, trong đó đề cập rất rõ vai trò của các phi tần sau khi ông mất sẽ được sắp xếp ra sao. Theo đó, các phi tần đều tạm ở trong Viện mà mình sống, chia ra 2 nhóm hầu hạ hai vị Hoàng thái hậu (tức Thánh CungTiên Cung). Các phi tần cũng có thể lên Ứng lăng để chầu, theo đó thì các bà phải xin phép hai vị Thái hậu trước, và có xe ô tô đưa đón. Sau khi bài vị của ông được đưa lên Phụng Tiên điện, thì các bà sẽ chuyển đến đó sống để tiện phụng thờ linh vị cùng chăm sóc hai vị Thái hậu, Vua Khải Định còn nhấn mạnh đây là lệ của các triều trước, như vậy rất rõ ràng việc chủ yếu của các phi tần khi Hoàng đế qua đời là chăm nom việc nhang khói. Riêng bà mẹ của Hoàng đế tương lai sẽ có tước vị [Hoàng mẫu], chờ đợi được tấn tôn làm Hoàng thái hậu.

Về cách xưng hô trên văn bản chữ Hán, thì các vị Cung phi, Cung tần và Ngự thiếp khác vào thời điểm sau khi Hoàng đế qua đời, triều đình sẽ xem Hoàng đế của phi tần đó có vai vế với Hoàng đế đang tại vị ra sao để chuẩn bị những xưng hiệu riêng, nhằm để phân biệt với phi tần của triều hiện tại. Khi ấy, triều đình sẽ xem Hoàng đế của phi tần ấy có vai vế thế nào với Hoàng đế hiện tại, rồi mới tiến hành thường thêm thành tố ["Tiên triều"; 先朝] (cách 1 triều) hay ["Tiền triều"; 前朝] (cách 2 triều) vào trước danh vị, rồi về sau cứ cách thêm đời là thêm một chữ "Tiền" vào đằng trước. Bản thân văn bia của Học phi Nguyễn Văn thị thể hiện rõ điều này, khi trên bia của bà được ghi là Tiền triều Học phi thụy Huy Thuận chi tẩm (前朝學妃諡徽順之寢). Căn cứ theo ghi chép của học giả người Pháp là Charles Gosselin, Học phi qua đời khoảng năm 1893 triều Thành Thái, mà Học phi là phi tần của Vua Tự Đức, trong khi Vua Thành Thái là con Vua Dục Đức - con nuôi của Vua Tự Đức, tức là Vua Thành Thái cách 2 đời so với Học phi, nên bia mới ghi như vậy.

Tang lễ và vấn đề thờ tự mộ phần[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm Gia Long thứ 9 (1810), triều Nguyễn đã quy định riêng về tang nghi cũng như lệ tang của phi tần. Cũng như nhà Thanh thiết lập Cát An sở dành cho phi tần trải qua cuối đời ở đó và làm lễ tang ngay tại đó, các phi tần triều Nguyễn thường được đưa đến Bình An đường (平安堂) trước khi mất và làm lễ tang ngay tại đây, có quan tới đọc văn tế và có con cái mặc tang phục thủ lễ. Từ đời Tự Đức, chính thức quy định khi phi tần chết đều được Hoàng thái hậu và Hoàng đế mỗi người ban cỗ tế 1 tuần (tầm 10 ngày), bậc Ngũ giai trở lên tế bằng lễ Tam sinh (三牲), còn bậc Lục giai trở xuống là dùng Nhị sinh (二牲) tiến hành[30]. Rồi sau khi làm lễ tang hoàn tất, triều đình sẽ chọn ngày giờ đẹp đưa linh cữu lên thuyền qua bên kia sông Hương chôn cất trong các khu mộ riêng hoặc tập thể.

Theo Thực lục ghi lại vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830), mùa đông về việc truy tặng mẹ của An Khánh vương Nguyễn Phúc Quang là Trịnh Mỹ nhân, có nói qua về quy cách Hoàng tử để tang mẹ:

Theo quy định từ đời Minh Mạng, các Phi đều có nơi thờ thần vị riêng gọi là ["Từ"; 祠], đều có chỉ định người quản lý và tế cáo riêng biệt. Từ Tần trở xuống, nếu họ có con trai thì bài vị sẽ được thờ riêng trong phủ để của người con đó (thường là con cả nếu có nhiều người con), còn nếu không có thì bài vị của họ đều được đưa đến Từ đường chung của các đời. Như đời Minh Mạng là Ý Thục từ (懿淑祠) ở vườn Thư Xuân, đời Thiệt Trị là Lệ Thục từ (麗淑祠) ở vườn Thanh Phương, còn đời Tự Đức là Chí Khiêm đường (至謙堂) ở Khiêm lăng, tất cả các Cung tần trở xuống mà không có con cái để thờ đều được thờ tại đây.

Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Thánh Tổ chuẩn y lời đề nghị rằng:"Từ trước đến nay, khi gặp tang của các phi tần, đến kỳ mới mệnh biền binh vác của kho rồi xây thành mộ, nhưng tường thành cao rộng bao nhiêu, cấm giới chu vi thế nào vẫn chưa có lệ cố định. Nay mới nghị định". Theo nghị định chính thức này thì mộ của Phi và Tần được gọi trang trọng là ["Viên tẩm"; 園寢], còn từ Tiệp dư trở xuống dùng chữ ["Mộ"; 墓] để phân biệt:

  • Viên tẩm của Cung phi: Thành tường gạch trong cao 4 thước 1 tấc, dài 2 trượng 7 thước, rộng ngang 2 trượng 7 tấc. Tường gạch ngoài cao 4 thước 5 tấc, dài 5 trượng 4 tấc, rộng ngang 4 trượng 5 thước, phía trước có cửa giữa, sơn màu đỏ. Phía trong cửa đằng trước bình phong, có bia đá của Cung phi. Bia đá thân cao 2 thước 3 tấc 4 phân, rộng 1 thước 3 tấc 5 phân, dày 2 tấc 7 phân, đỉnh cao 7 tấc 2 phân, dài 1 thước 8 tấc, chân cao 5 tấc 4 phân, dài 2 thước 2 tấc, tất cả cao 3 thước 6 tấc, trên bia khắc các chữ "Viên tẩm của Phi [Mỗ], họ [Mỗ]", đỉnh bia và chân bia đều khắc hoa văn. Trước xây thêm bái đình cao 3 cấp, tường chung quanh 1 thước 8 tấc. Chu vi giới cấm đều 12 trượng, chỗ giáp giới xây đắp trụ gạch để định giới hạn.
  • Viên tẩm của Cung tần: Thành tường gạch trong cao 4 thước 1 tấc, dài 4 trượng 3 thước, rộng ngang 2 trượng 3 tấc. Tường gạch ngoài cao 4 thước 1 tấc, dài 3 trượng 5 thước, rộng ngang 3 trượng 6 thước, phía trước có cửa giữa, phía trong cửa đằng trước bình phong có bia đá của Cung tần. Bia đá thân cao 2 thước 2 tấc, rộng 1 thước 1 tấc 7 phân, dày 2 tấc 6 phân, đỉnh cao 5 tấc, dài 1 thước 6 tấc 2 phân, chân cao 4 tấc 1 phân, dài 1 thước 8 tấc, rộng 1 thước 4 phân, cả thảy cao 3 thước 1 tấc 1 phân. Trên bia đá khắc các chữ "Viên tẩm của Tần [Mỗ], họ [Mỗ]", đỉnh bia và chân bia không khắc hoa văn. Chu vi giới cấm đều 12 trượng.
  • Mộ Tiệp dư đến Tài nhân vị nhập giai: Thành tường gạch trong cao 3 thước 3 tấc, dài 2 trượng 1 thước, rộng ngang 1 trượng 8 thước. Tường gạch ngoài cao 4 thước, dài 3 trượng 6 thước, rộng ngang 3 trượng 1 thước. Bia đá thân cao 2 thước, rộng 4 tấc 1 phân, dày 2 tấc 5 phân, chân cao 4 tấc, dài 1 thước 6 tấc 3 phân, rộng 3 tấc 8 phân, cả thảy cao 2 thước 4 tấc. Trên bia khắc dòng chữ "Mộ của Tiệp dư, Quý nhân, Mỹ nhân, Tài nhân, Tài nhân vị nhập giai họ [Mỗ]". Chu vi giới cấm đều 12 trượng.

Năm Tự Đức thứ 24 (1871), Dực Tông bắt đầu định cách thức phần mộ của các Cung nhân, Cung nga và Thị nữ. Dụ rằng: "Năm Minh Mạng thứ 19, thể lệ mộ táng từ Phi, Tần cho đến Tài nhân vị nhập giai đã được chuẩn định, từ Cung nhân trở xuống chưa bàn đến. Đến nay mới định cách thức phần mộ Cung nhân cho đến Thị nữ".

  • Mộ của Cung nhân: Thành tường thân cao 3 thước, dày 1 thước 2 tấc, dài 2 trượng 8 thước, đường kính rộng 2 trượng 2 thước. Về mặt trước, phía trong cánh cửa, ở trước bình phong, dựng 1 tấm bia đá, khắc chữ mộ của "Cung nhân họ [Mỗ]"... Giới hạn đất cấm, xung quanh đều 6 trượng. Chi cho gạch xây 1.000 viên, đá núi 1 đống và 8 phần đống, vôi 5.000 cân, mật xấu 100 cân, giấy moi 600 tờ, cánh cửa 2 tấm, đá trắng 5 tấm, dân phu 50 tên, tiền công 150 quan, gạo 40 phương.
  • Mộ của Cung nga: Thành tường thân cao 2 thước 8 tấc, dày 1 thước 1 tấc, dài 2 trượng 5 thước, đường kính rộng 2 trượng, về mặt trước, phía trong cánh cửa, ở trước bình phong, dựng 1 tấm bia đá, khắc chữ mộ của "Cung nga họ [Mỗ]"... Giới hạn đất cấm, xung quanh đều 5 trượng. Chi cho gạch xây 1.000 viên, đá núi 1 đống và 6 phần đống, vôi 4.000 cân, mật xấu 90 cân, giấy moi 500 tờ, cánh cửa 2 tấm, đá trắng 5 tấm, dân phu 40 tên, tiền công 120 quan, gạo 32 phương.
  • Mộ của Thị nữ: Thành tường thân cao 2 thước 5 tấc, dày 1 thước, dài 2 trượng 2 thước, đường kính rộng 1 trượng 8 thước. Về mặt trước, phía trong cánh cửa, ở trước bình phong, dựng 1 tấm bia đá khắc chữ mộ của "Thị nữ họ [Mỗ]"... Giới hạn đất cấm xung quanh đều 4 trượng, chi cho gạch xây 1.000 viên, đá một đống và 4 phần đống, vôi 3.000 cân, mật xấu 80 cân, giấy moi 400 tờ, cánh cửa 2 tấm, đá trắng 5 tấm, dân phu 30 tên, tiền công 90 quan, gạo 24 phương.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Đại Nam thực lục, tập 1, Tiền biên: "Thời quốc sơ, từ Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế về trước, xưng là Công, từ Thế Tông Hiếu Võ Hoàng đế về sau, xưng là Vương. Ngày nay theo đế chế xưng là Thượng. Thời quốc sơ, niên kỷ dùng niên hiệu nhà Lê. Nay theo sách Khâm định vạn niên thư, đều cứ năm sau năm nối ngôi mà chép làm năm đầu. Còn niên hiệu nhà Lê, nhà Minh, nhà Thanh thì chia ra chua ở dưới, để chỉ rõ thế đại và thống kỷ"
  2. ^ Chủ quỹ (主饋): một cách nói theo Hán văn ám chỉ đến vợ cả. Chữ Hán "Quỹ" là việc dâng cơm, hoặc việc trong nhà nói chung, ngày xưa thì con dâu cả sẽ đứng đầu việc này
  3. ^ Danh vị này từng bị nhầm thành [Thể nữ]. Nhưng tra xét lệ cung ứng quần áo theo mùa của Nội vụ phủ trong Khâm định, cũng như bài vị của các cung phi trên lăng viên vua chúa triều Nguyễn thì đích xác là [Thị nữ].
    Có lẽ Thể nữ là cách gọi chệch đi thời Vãn kỳ, do Cảnh Tông vốn có tên cũ là [Ưng Thị], dù vậy cách viết vẫn không đổi.
  4. ^ Theo Đồng Khánh - Khải Định chính yếu, quyển I, phần Gia pháp trang 43-44, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nhà xuất bản Thời Đại.
  5. ^ [Từ Cung]: một kính xưng ám chỉ Hoàng thái hậu
  6. ^ Tên gọi trước đó của cung Khôn Thái. Hiện tại cung điện này đã không còn nữa do đã bị giải thể thời Khải Định, vị trí của nó là ngay phía sân hướng mặt Nam của Điện Kiến Trung
  7. ^ Ngày xưa Từ Dụ Thái hậu cùng Lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm cùng hầu hạ Vua Thiệu Trị. Bà Lệnh phi do tước Quận công của cha mà ở trên. Đến khi Thuận Thiên Cao Hoàng hậu ban cho 2 cúc áo, một chạm phượng, một chạm hoa, đem bọc kín vào trong bao, khấn rằng ai chọn được cúc hình chim phượng sẽ sinh con trước. Từ Dụ Thái hậu nhường cho Lệnh phi chọn trước, mở ra thì bà Từ Dụ chọn được cúc hình phượng. Từ đó bà ngày được yêu quý hơn, sinh ra Vua Tự Đức, địa vị càng chuyển lên trên.
  8. ^ Đồ Sơn thị, là vợ của vua , giúp vua Vũ trị thủy.
  9. ^ Mẹ của Văn vương Cơ Xương, là Thái Nhâm.
  10. ^ Lời Tư trai trong Kinh Thi: lấy ý câu trong Kinh Thi, Đại nhã, Tư trai "Tư trai Thái Nhâm, Văn vương chi mẫu" (Thái Nhâm đoan trang, mẹ của Văn vương)
  11. ^ Đức thường trinh nơi Kinh Dịch: chữ "thường" đây chính là "hằng", vì kiêng tên húy của bà Từ Dụ là [Phạm Thị Hằng], nên viết là "thường". Hằng trinh lấy chữ trong Kinh Dịch, quẻ Lôi Phong Hằng, phần Soán truyện "Hằng hanh, vô cữu, lỵ trinh, cữu ư kỳ đạo dã" (Hằng hanh, không có lỗi, lợi trinh, lâu dài ở đạo chính)
  12. ^ Tốn: Nguyên bản chép là "Tấn", là "Tốn" bị chép lầm, đây đính lại như trên. Quẻ Tốn trung chính lấy chữ trong Kinh Dịch, quẻ Bát Thuần Tốn, phần Soán truyện "Trùng tốn dĩ thân mệnh, cương tốn hồ trung chính nhi chí hành" (Trùng tốn để ban lệnh, cương tốn chỗ trung chính mà thi triển chí hướng).
  13. ^ Ba linh: tức tam tài, chỉ trời, đất, người.
  14. ^ Quẻ Khôn sáng lớn ứng với trời: lấy chữ trong Kinh Dịch, quẻ Bát Thuần Khôn, phần Soán truyện "Chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa thiên. Khôn hậu tải vật, đức hợp vô cương, hàm hoằng quang đại, phẩm vật hàm hanh" (Hết mức thay Khôn nguyên, muôn vật nhờ sinh, lại thuận theo trời. Khôn dày chở vật, đức hợp vô cương, chứa cất sáng lớn, phẩm vật được nhờ)
  15. ^ Chín trù: Hồng phạm cửu trù, tức chín nguyên tắc quản lý xã hội nêu ra trong thiên Hồng phạm của Kinh Thư
  16. ^ Trích từ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ Tục biên, bản dịch của Viện sử học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2005. Tập III, trang 138
  17. ^ Các bà Nghi Thiên, Lệ Thiên trước khi thụ phong làm Thành phiCần phi, đều được ghi rõ ["Sung vào hàng Cung tần"]
  18. ^ Cung nhân, có chuyện Cung nga Nguyễn Viết thị, mẹ của Xuân Lâm công chúa. Trước khi làm Cung nga, bà được liệt vào hàng Cung nhân.
  19. ^ Loại giấy có hoa văn rồng, có trục.
  20. ^ Tức bảo mẫu
  21. ^ Đại Nam thực lục - Đệ tứ kỷ - Quyển LXX - "Phụ chép Phế Đế": "Ngày Tân Tỵ, vua cho đón Hoàng thái phi vào ở cung Khôn Thái. (Dâng lên 50 lạng vàng, 100 đĩnh bạc (mỗi đĩnh 10 lạng), các thứ gấm lụa màu hàng nam, hàng bắc 100 tấm, lụa màu vải màu cùng lụa thổ 300 tấm, tiền đồng 3.000 quan, tiền kẽm 2.000 quan)"
  22. ^ Đại Nam thực lục - Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên quyển 6, chép về Thành Thái Phế đế: Ngày Tân sửu, kính gặp lễ tứ tuần đại khánh của Từ Minh Huệ Hoàng hậu. Trước đó ban dụ bố cáo cho trong ngoài. Lời dụ nói: "Từ xưa vua sáng đức lớn, hiếu phụng Đông Triều, Trường Lạc thừa hoan, Trường Ninh nghi tiết, là điều long trọng nhất của lễ, to lớn nhất của điển. Kính nghĩ Hoàng thái hậu bệ hạ ta: Khuôn phép quẻ Khôn, hơi thơm cửa đức. Trước ở Thanh cung giúp Hoàng khảo ta, đức lớn lòng lành thương yêu con nhỏ, nuôi dưỡng dạy bảo đến lúc thành người. Đến nay nối nghiệp to này, được hầu ấm mát, may được trời ban phúc đức, miếu xã yên bình. Ngày 27 tháng 7 năm nay kính gặp dịp tứ tuần đại khánh, Tôn nhân Phụ chính đình thần văn võ cùng xin chiểu lệ trước nay thi hành, trẫm kính vâng từ huấn có ý khiêm tốn át đi, nhưng ý nguyện tôn thân khởi từ mọi người, đã đem việc tâu lên, lại tâu với cung Gia Thọ, cung Trường Ninh xét. Những việc cần làm thì sai hữu ty tham khảo châm chước tâu lên cho tuân hành, ngõ hầu nêu rõ đức hiền, trải lòng báo hiếu". Đầu xuân năm nay theo lệ ban ân chiếu, bèn sai bộ Lễ kính nghĩ nghi thức (tham chiếu nghi thức lễ lục tuần đại khánh tiết của Trang Ý Thuận Hiếu Thái hoàng thái hậu năm Đồng Khánh thứ 2 châm chước thi hành), Khâm thiên giám chọn ngày tốt sai quan tế cáo với Thái miếu. Đến hôm ấy vua đích thân suất lãnh phủ Tôn nhân và đình thần văn vũ tới cung Từ Nghi làm lễ mừng thọ. Lễ xong, ban ân chiếu cho trong ngoài (13 điều)
  23. ^ Đại Nam thực lục - Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên quyển 20, chép về Duy Tân Phế đế: Tháng 8. Kính đón Hoàng đích mẫu, Hoàng sinh mẫu về ở điện Dưỡng Tâm. Vua mỗi tuần lễ hai lần (thứ hai và thứ năm) vào nội điện kính cẩn thăm hỏi, trở đi lấy đó làm lệ thường
  24. ^ Tạp chí Sông Hương của nhà văn Phan Khôi, xuất bản tại Huế, số ra ngày 5-6-1936, có bài "Phỏng vấn bà Vương phi của đức vua Duy Tân"
  25. ^ [Mỗ] có chữ Hán là 某, dùng như đại từ nhân xung không xác định rõ. Ở đây các Phi, Tần sẽ có phong hiệu cụ thể, khi đặt quy cách thường dùng từ [Mỗ] này như một biện pháp đề cập không xác định, để chiếu theo cụ thể mà thay vào. Ví dụ, Trung phi sẽ tự xưng "Phi Trung", Huệ tần tự xưng "Tân Huệ".
  26. ^ Nguyễn Thế Tổ tôn gọi bà Hiếu Khang hoàng hậu trong sách văn.
  27. ^ Thành Thái tôn gọi mẹ đẻ Phan Thị Điều khi chưa tôn làm Hoàng thái hậu.
  28. ^ Dẫn theo Tôn Thất Bình, trong Đời sống ở Tử Cấm Thành, Nhà xuất bản Thuận Hóa-Huế, 2009, trang 47.
  29. ^ Đại Nam thực lục - Hiến Tổ Chương hoàng đế - Đệ tam kỷ - Quyển II: "Lại thưởng 200 quan tiền cho những cung tần triều trước ở phụng trực tại Hiếu lăng cho đến bọn nữ quan và thái giám".
  30. ^ Lễ Tam sinh, là ba con vật giết đi để tế thần, gồm bò, dê và heo (ngưu, dương, thỉ 牛, 羊, 豕). Còn Nhị sinh, là nói đến cừu non và chim (cao, nhạn 羔, 雁)
  31. ^ Tư thôi (齊衰): áo để tang, bằng vải trắng không sổ gấu.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]