Nguyễn Minh Phương (cầu thủ bóng đá)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Minh Phương
Thông tin cá nhân
Tên đầy đủ Nguyễn Minh Phương
Ngày sinh 5 tháng 7 năm 1980 (43 tuổi)
Nơi sinh Đồng Nai, Việt Nam
Chiều cao 1,70 m (5 ft 7 in)
Vị trí Tiền vệ
Sự nghiệp cầu thủ trẻ
1987–1989 Cảng Sài Gòn
Sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp*
Năm Đội ST (BT)
1998–2003 Cảng Sài Gòn 95 (16)
2003–2010 Long An 175 (39)
2010–2015 SHB Đà Nẵng 38 (13)
Đội tuyển quốc gia
1996–2006 U23 Việt Nam 38 (8)
2002–2010 Việt Nam[1] 73 (10)
Các đội đã huấn luyện
2017 Long An
2018 SHB Đà Nẵng
2019-2020 Bình Phước
2021– Bà Rịa – Vũng Tàu
Thành tích
Đại diện cho  Việt Nam
AFF Cup
Vô địch Thái Lan/Indonesia 2008 Đồng đội
* Số trận ra sân và số bàn thắng ở câu lạc bộ chuyên nghiệp chỉ được tính cho giải quốc gia

Nguyễn Minh Phương (sinh ngày 5 tháng 7 năm 1980) là huấn luyện viên và là cựu cầu thủ người Việt Nam. Hiện ông là huấn luyện viên trưởng của Câu lạc bộ bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông từng là thành viên của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 và cựu đội trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia. Là chủ nhân Quả bóng vàng Việt Nam năm 2010.

Nổi tiếng với lối chơi thiên về kỹ thuật và tư duy, cùng với đó là khả năng đá phạt điêu luyện, Minh Phương được đánh giá là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.

Minh Phương giải nghệ vào cuối mùa bóng 2015 trong màu áo câu lạc bộ SHB Đà Nẵng[2].

Tuổi thơ[sửa | sửa mã nguồn]

Minh Phương sinh ra tại Long Khánh, Đồng Nai (nhưng nguyên quán ở Chơn Thành, Bình Phước) trong một có ba anh chị em, có bố là nhân viên của một công ty cao su, còn mẹ buôn bán ở chợ. Nhà nghèo nên gia đình luôn mong ước anh trở thành kỹ sư, bác sĩ để hy vọng đổi đời. Chính vì vậy, Minh Phương chưa hề trải qua trường lớp đào tạo năng khiếu bóng đá để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, mà đích đến của anh vẫn là giảng đường đại học. Nên có thể nói trong các cầu thủ Việt Nam, Minh Phương thuộc số ít những người được học hành đầy đủ và nghiêm túc nhất. Cũng vì lý do ấy mà anh chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo bóng đá nào dù rất đam mê với trái bóng tròn.

Năm 1998, Minh Phương vào Sài Gòn thi đại học nhưng bị trượt. Buồn nhưng không nản chí, Phương xin ba mẹ ở lại Sài Gòn luyện thi tiếp. Trong thời gian này, thỉnh thoảng anh đi xem đội Cảng Sài Gòn đá ở sân Thống Nhất, và niềm đam mê từ lâu trỗi dậy. Bước ngoặt lớn đã đến với chàng trai Đông Nam Bộ khi thông qua sự giới thiệu của cựu trọng tài Bùi Như Đức, đội bóng đã nhận Minh Phương vào thử việc. Không ngờ chỉ sau vài tháng tập luyện, Phương đã được các HLV Tam Lang, Đặng Trần Chỉnh khen ngợi vì có kỹ thuật khá, tư duy chiến thuật tốt. Phương nhớ lại: “Ngày đó, được chơi cho CSG là niềm đam mê lớn nhất đời tôi. Tôi đã quyết định không thi tiếp đại học lần 2 để được đứng vào hàng ngũ đội bóng có truyền thống lẫy lừng này. Ban đầu mẹ cũng buồn vì tôi không thi đại học nữa, nhưng sau khi tôi giải thích bà cũng nguôi ngoai. Cũng vì thế mà tôi tự nhủ phải cố gắng trong con đường đã chọn, phải làm sao xứng đáng với sự mong đợi của gia đình”.

Sự nghiệp Câu lạc bộ[sửa | sửa mã nguồn]

Cảng Sài Gòn[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 1998 đến năm 2002 anh là thành viên của Cảng Sài Gòn (sau đổi tên thành Thép Miền Nam-Cảng Sài Gòn), Phương khởi đầu sự nghiệp bằng việc thi đấu trong đội tuyển TP.HCM do HLV Vũ Tiến Thành dẫn dắt tại vòng chung kết Giải U.21 Báo Thanh Niên năm 1998, còn trận đấu chính thức của Phương trong màu áo CSG là trận hòa không bàn thắng trong trận gặp Long An trên sân khách năm 1999 với vai trò hậu vệ trái.

Và tại đây anh có chức Vô địch Quốc gia đầu tiên trong sự nghiệp khi ở mùa giải 2001/02.

Đồng Tâm Long An[sửa | sửa mã nguồn]

Nhớ lại những tháng ngày dùng dằng giữa đi và ở đầu năm 2000, Phương tâm sự: “Đời cầu thủ rất ngắn, nên ai cũng muốn chọn cho mình con đường tốt nhất để có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ gia đình. Trong trái tim tôi, CSG vẫn là nơi bắt đầu sự nghiệp, đào tạo tôi nên người. Không bao giờ tôi quên ơn cô Thái, chú Tam Lang, anh Chỉnh và nhiều đồng đội khác. Nhưng tôi phải tìm nơi nào đảm bảo tương lai cho mình”.

Sau khi tham gia đội Olympic dự Cúp mùa đông ở Ý và chơi rất hay ở Tiger Cup 2002 – ghi bàn quyết định giúp VN thắng Malaysia 2-1 giành huy chương đồng – Phương được bầu Thắng của ĐTLA mời về đầu quân với giá 400 triệu đồng. CSG không chấp nhận và đôi bên mâu thuẫn nhau xung quanh chuyện hợp đồng lao động hay hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp, giằng xé Minh Phương bằng tình và lý.

Rốt cuộc Minh Phương “lãnh đủ” khi LĐBĐVN lúc đó treo giò anh 6 tháng vì “tội” bỏ CSG! Khi đó Thanh Niên và một số tờ báo khác đã đấu tranh rất dữ dội về chuyện này với LĐBĐVN và ĐTLA cũng kiện lên đến Ủy ban TDTT. Cuối cùng, Minh Phương được giảm nửa án và bắt đầu khoác áo ĐTLA từ giai đoạn 2.

Gác lại những ngày buồn, Phương trở thành một hậu vệ lên công về thủ xuất sắc, đóng góp lớn vào thành công của ĐTLA với 2 ngôi á quân 2 mùa bóng (chỉ sau Hoàng Anh Gia Lai). Sau đó, HLV Calisto đã nhìn thấy sự sáng tạo trong lối chơi của Minh Phương nên đưa anh lên tiền vệ trung tâm đá cặp cùng với Tài Em, và cả hai đã giúp ĐTLA 2 lần vô địch V-League.

SHB Đà Nẵng[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2010, Minh Phương trở thành cầu thủ của SHB Đà Nẵng với giá chuyển nhượng 5 tỷ đồng. Trong mùa giải đầu tiên, Minh Phương thi đấu khá thành công khi giúp Đội bóng Sông Hàn giành ngôi á quân V-League, bản thân Minh Phương năm đó trở thành chủ nhân của giải thưởng "Quả Bóng Vàng Việt Nam".

Năm 2012, với tấm băng thủ quân trên tay. Bên cạnh những Gaston Merlo hay Quốc Anh, Minh Phương là nhân tố quan trọng trong chiến dịch vô địch V-League của SHB Đà Nẵng, qua đó Minh Phương trở thành cầu thủ duy nhất vô địch V-League với 3 CLB khác nhau. Bản thân anh cũng giành giải "Cầu thủ xuất sắc nhất V-League" mùa giải năm đó.

Ngày 20 tháng 9 năm 2015, Minh Phương có trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ trên sân Chi Lăng tại vòng đấu cuối cùng của V-League. Sau 17 năm thi đấu đỉnh cao, Minh Phương đã có một cái kết trọn vẹn và ngập tràn cảm xúc.

“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì bản thân mình được quá nhiều người yêu thương. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là những nỗi buồn, sự đan xen vui buồn lẫn lộn ấy rất khó tả. Trong cuộc sống của chúng ta, thường mỗi khi phải nói lời chia tay một ai hoặc một điều gì đó thì luôn đi kèm theo là những nỗi buồn. Với tôi, khi phải nói lời chia tay với cuộc đời cầu thủ, với cái nghiệp mà mình đã ăn, đã ngủ và đam mê với nó suốt 17 năm trời là một quyết định không hề dễ dàng”, Minh Phương chia sẻ.

Các bàn thắng quốc tế[sửa | sửa mã nguồn]

# Thời gian Địa điểm Đối thủ Tỉ số Kết quả Giải đấu
1. 15 tháng 12 năm 2002 Sân vận động Gelora Bung Karno, Jakarta, Indonesia  Campuchia 9–2 Thắng Tiger Cup 2002
2. 29 tháng 12 năm 2002 Sân vận động Gelora Bung Karno, Jakarta, Indonesia  Malaysia 2–1 Thắng Tiger Cup 2002
3. 21 tháng 10 năm 2003 Muscat, Oman  Nepal 2–0 Thắng Vòng loại Cúp bóng đá châu Á 2004
4. 20 tháng 8 năm 2004 Sân vận động Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam  Myanmar 5–0 Thắng Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh
5. 15 tháng 12 năm 2004 Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Việt Nam  Lào 3–0 Thắng Tiger Cup 2004
6. 5 tháng 10 năm 2008 Sân vận động Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam  Turkmenistan 2–3 Thua Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh
7. 16 tháng 11 năm 2008 Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Việt Nam  Thái Lan 2–2 Hòa T&T Cup 2008
8. 14 tháng 1 năm 2009 Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Việt Nam  Liban 3–1 Thắng Vòng loại Cúp bóng đá châu Á 2011
9. 12 tháng 10 năm 2010 Sân vận động Quốc tế Jaber Al-Ahmad, Thành phố Kuwait, Kuwait  Kuwait 3–1 Thua Giao hữu
10. 2 tháng 12 năm 2010 Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Việt Nam  Myanmar 7–1 Thắng AFF Suzuki Cup 2010

Danh hiệu[sửa | sửa mã nguồn]

Câu lạc bộ[sửa | sửa mã nguồn]

Cảng Sài Gòn:[sửa | sửa mã nguồn]

  • Vô địch Quốc gia: 2001/02

Đồng Tâm Long An:

1 Vô địch (2): 2005, 2006
2 Á quân (3):: 2003, 2007, 2008
1 Vô địch (1): 2005
2 Á quân (1): 2006

SHB Đà Nẵng:

Quốc tế[sửa | sửa mã nguồn]

Đội tuyển quốc gia Việt Nam

Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á:

1 Vô địch (1): AFF Suzuki Cup 2008

Cá nhân[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Đội trưởng Minh Phương chia tay tuyển Việt Nam - VnExpress Thể thao”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 10 tháng 3 năm 2015.
  2. ^ “Tiền vệ Nguyễn Minh Phương: "Bóng đá đã cho tôi quá nhiều". Bóng đá. ngày 21 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2015.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]