Bước tới nội dung

Họ người Hoa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Họ người Hoa được sử dụng bởi người Hoa và các dân tộc bị Hán hóaTrung Quốc Đại lục, Hồng Kông, Macau, Malaysia, Đài Loan, Triều Tiên, Singapore, Việt Nam và các cộng đồng Hoa kiều. Vào thời cổ xưa, hiện hữu hai dạng họ, gọi là Tính hay Tánh (tiếng Trung: ; bính âm: xìng) và Thị (tiếng Trung: ; bính âm: shì).

Gia đình người Hoa theo chế độ phụ hệ, nên họ cũng truyền từ cha sang con (trường hợp nhận con nuôi, người con đó thường cũng lấy họ người cha nuôi làm họ mình). Phụ nữ người Hoa không đổi họ mình sau khi kết hôn, ngoại trừ những nơi bị ảnh hưởng phương Tây ở mức độ cao như Hồng Kông. Theo truyền thống, hôn phối của người Hoa là hôn nhân dị tộc, cho nên, người vợ không cùng họ với nhà chồng.[1][2]

Thành ngữ lão bá tánh / lão bách tính (老百姓; nghĩa đen "người trăm họ") và bá tánh / bách tính (百姓, nghĩa đen "trăm họ") được dùng để chỉ "thường dân", "nhân dân", hoặc "bình dân".

Nguồn gốc các họ người Hoa

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiên Tần

[sửa | sửa mã nguồn]

Trước thời Chiến Quốc (thế kỷ thứ V TCN), chỉ có các gia đình quyền thế và tầng lớp tinh hoa quý tộc mới có họ. Theo truyền thống lịch sử tính (姓) và thị (氏) có nhiều khác biệt.

Tính (姓) được các bộ lạc quyền quý sở hữu. Về mặt tổng thể, các tính này có bộ thủ nữ (女), được xem như là chứng tích của xã hội mẫu hệ, được truyền theo dòng nữ. Một giả thuyết khác của nhà Hán học Léon Vandermeersch dựa trên các quan sát về sự thay đổi tự dạng trong giáp cốt văn từ thời nhà Thương tới thời nhà Chu. Có vẻ như bộ thủ nữ xuất hiện trong các chữ Hán tạo thành trong giai đoạn nhà Chu sau nhà Thương để chỉ tới các nhóm sắc dân hoặc bộ lạc. Với lối tạo chữ này, có lẽ người xưa muốn biểu đạt ý nghĩa "được mẹ sinh ra", khi ở xã hội mẫu hệ, đứa con sinh ra chỉ biết mặt người mẹ nhưng không chắc chắn về nhân thân người cha.[3]

Tự hình chữ tính (姓) (gồm bộ nữ 女 và bộ sinh 生) có thể phản ánh một điều hiện hữu là thời đại nhà Chu, ít nhất là ở thời kỳ đầu, chỉ có nữ giới (những người vợ đến từ các bộ lạc khác nhau được gã vào họ nhà Chu) được gọi bằng tên bộ lạc mà họ sinh ra, trong khi nam giới được gọi bằng danh xưng hoặc thái ấp của họ.

Một số ví dụ
[sửa | sửa mã nguồn]

Những họ hiện đại đã từng là tính khá hãn hữu, chủ yếu có nguồn gốc từ các vị Tam Hoàng Ngũ ĐếHạ Vũ. Một số ví dụ là:

Trước triều đại Nhà Tần (thế kỷ thứ III TCN), Trung Hoa là một chế độ phong kiến rộng lớn. Khi đó, thị (氏), xuất hiện lần đầu vào thời nhà Chu, đánh dấu sự hình thành chế độ phụ hệ trong nền văn hóa Trung Hoa và cấu trúc xã hội trở nên phức tạp hơn. Cùng một tính sẽ có nhiều thị khác nhau, tức là, thị ra đời để đáp ứng nhu cầu phân biệt giữa những người chung một tính. Trong giai đoạn này, một người xuất thân quyền quý sẽ vừa mang thị vừa mang tính. Ví dụ, các vua và tông thất nước Trịnh vốn mang tính là (姬), sau lấy tên nước là Trịnh (鄭) làm thị của mình để phân biệt với những người cũng có tính là Cơ khác.[3]

Sau khi các tiểu quốc Trung Hoa được Tần Thủy Hoàng chinh phạt và thống nhất lại vào năm 221 TCN, các tầng lớp thấp hơn trong xã hội cũng từ từ được mang họ và sự khác biệt giữa tínhthị cũng mờ nhạt hẳn đi.

Nhiều thị vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Theo Giang Kháng Hổ (江亢虎), họ người Trung Hoa khởi phát từ 18 nguồn,[4] trong khi một số học giả khác cho rằng con số này là 24.[5] Nhiều họ gắn liền với triều đại đương quyền (tước hiệu và tên người lãnh đạo, tầng lớp quý tộc và triều đình), hoặc nhiều họ là các địa danh lãnh thổ, làng mạc, đô thị, kinh kỳ, tước hiệu quan lại hoặc nghề nghiệp, hoặc sự vật nào đó, hoặc được khởi phát từ tên của một thành viên trong gia đình hoặc thị tộc.[6]

Một số nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Dưới đây là một số nguồn gốc thường gặp:

  1. Tính: Các tính này được dùng để chỉ dòng chính hoàng tộc, với các dòng bàng hệ mà mỗi dòng sở hữu một thị khác nhau. "Thượng cổ bát đại tính" (上古八大姓) liệt kê các tính: Khương (姜), (姬), Cật (姞), Diêu (姚), Quy (媯), Doanh (嬴), Tự (姒), Vân (妘), và Nhậm (妊). Trong các tính này, chỉ còn Khương và Diêu là còn tồn tại từ thuở mới hình thành đến thời đại ngày nay.
  2. Chiếu chỉ của Hoàng đế, như họ Quảng (鄺).
  3. Tên nước: Nhiều quý tộc lẫn bình dân chọn tên nước làm họ mình, vừa biểu thị lòng trung thành, vừa thể hiện tinh thần quốc gia dân tộc. Một số họ dạng này nằm trong những họ phổ biến nhất của người Hoa như: Triệu, Nguỵ, Tào, Chu, Tần, Hàn, Ngô, v.v...
  4. Tên thái ấp hoặc nơi bắt nguồn: Thái ấp thường được ban cho bàng hệ của giai cấp quý tộc và nó hiển nhiên trở thành một họ lót. Lấy một ví dụ là Minh Di, tức Âu Dương Đình Hầu (歐陽亭侯), mà các hậu duệ của ông đã lấy họ Âu Dương. Khoảng 200 họ dạng này đã được nhận dạng, thường là họ kép, nhưng chỉ còn vài họ còn tồn tại đến ngày nay.
  5. Tên tổ tiên: Như ví dụ vừa rồi, họ có nguồn gốc tổ tiên có thể liệt kê ra 500 tới 600 trường hợp, với khoảng 200 là các họ có 2 chữ. Thường tên chữ của tổ tiên sẽ được sử dụng là họ. Ví dụ, Viên Đào Đồ (轅濤塗) lấy chữ thứ hai trong tên chữ của ông mình Bá Viên (伯爰) làm họ. Một vài tước hiệu được ban cho tiền nhân cũng được nhiều lớp hậu bối lấy làm họ.
  6. Thứ bậc gia đình: Thời xưa, thứ bậc con trai trong gia đình người Hoa là Mạnh (孟) hoặc (伯), Trọng (仲), Thúc (叔) và Quý (季) theo thứ tự từ lớn tới nhỏ. Nhiều người lấy các chữ này làm họ. Trong số đó, họ Mạnh (Tam Hoàn) được biết tới nhiều nhất, và là họ của nhà hiền triết Mạnh Tử.
  7. Nghề nghiệp
    1. Chức vụ, như Sử (史, "sử gia"), Tịch (籍, "quan coi thư tịch"), Lăng (凌, "quan coi phòng băng"), Thương (倉, "người quản lý kho thóc"), Khố (庫, "người quản lý kho"), Gián (諫, "quan có phận sự can gián nhà vua"), Thượng Quan (上官, "quan cao cấp"), Thái Sử (太史, "sử quan cao cấp"), Trung Hàng (中行, "chỉ huy quân hàng giữa"), Nhạc Chính (樂正, "trưởng đoàn nhạc"), và trường hợp "Ngũ Quan" (五官) thời nhà ThươngTư Mã (司馬, "quan coi ngựa", giống như bộ trưởng quốc phòng), Tư Đồ (司徒, "chức quan tư đồ"), Tư Không (司空, "quan tư không", coi về nghề nghiệp), Tư Sĩ (司士, "quan thanh tra") và Tư Khấu (司寇, "quan tư khấu" coi việc hình);
    2. Tước hiệu quý tộc, như Vương (王), Hầu (侯), Hạ Hầu (夏侯, "tước Hầu thời nhà Hạ") và Công Tôn (公孫, "cháu người mang tước Công");
    3. Đến những nghề nghiệp thường được xem là có thứ hạng thấp hơn, như Đào (陶, "(thợ làm) đồ gốm"), Đồ (屠, "người làm nghề giết mổ súc vật"), Bốc (卜, "thầy bói"), Tượng (匠, "thợ thủ công"), Vu (巫], "đồng cốt") và Trù (廚, "đầu bếp").
  8. Các thành phần sắc tộc và tôn giáo: Các dân tộc thiểu số tại Trung Quốc đôi khi lấy tên của dân tộc mình, Hán hóa nó, rồi chọn tên ấy làm họ, như Hồ (胡, "rợ Hồ"), Kim (金, "người Nữ Chân"), Mãn (滿, "người Mãn"), Địch (狄, "người Địch"), Hồi (回, "người Hồi") và Mộ Dung (慕容, họ người Tiên Ti). Nhiều người dân tộc Hồi theo Hồi giáo lấy họ Mã (馬), một họ lâu đời của người Hán, khi bắt buộc phải dùng họ người Hán thời kỳ Nhà Minh bởi vì âm của nó gần giống với âm tiết đầu tiên trong tên của nhà tiên tri Mohammad, hơn thế nữa, họ này cũng làm cho những người dẫn đầu đoàn lữ hành lạc đà cảm thấy thích hợp vì nghĩa đen của nó là "ngựa".[7]

Cải họ

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa, nhiều người đã cải họ bởi các nguyên nhân khác nhau.

Giai cấp thống trị thường ban họ cho sủng thần của mình, ví dụ, các hoàng đế nhà Hán thường ban họ Lưu (劉) của mình, nhà Đường thì ban họ Lý (李), và nhà Tống ban họ Triệu (趙).

Tuy nhiên, số khác thì lại tránh dùng họ giống với họ/tên người cai trị, ví dụ họ Sư () phải đổi qua họ Soái () để kiêng húy của Tư Mã Sư.

Số khác có thể đã đổi họ để thoát khỏi sự truy bắt của kẻ thù trong thời loạn lạc, như nhiều người họ Đoan Mộc (端木) đã phải đổi thành Mộc (木 hoặc 沐), họ Cung (共) bị đổi thành Cung (龔).

Họ người Hoa cũng có thể bị đổi bởi việc giản lược hóa chữ viết (họ Mạc ban đầu được viết là 幕, sau đổi thành 莫), hoặc chuyển từ họ kép sang họ đơn (Đoàn Can (段干) thành Đoàn (段)).

Cũng có trường hợp thay đổi do nhầm lẫn, hoặc do không hài lòng với họ đó (họ Ai (哀) với nghĩa "bi ai, sầu thảm" bị chuyển thành Trung (衷) với nghĩa "trung thực").[8]

12000 họ Trung Hoa, Hán Việt

[sửa | sửa mã nguồn]

Phân bố

[sửa | sửa mã nguồn]
Các tỉnh Trung Quốc với họ có tỉ lệ tập trung cao
Tỉnh Họ
Liêu Ninh Trương (張), Giang (江)
Quảng Đông Lương (梁), La (羅), Quảng (鄺)
Quảng Tây Lương (梁), Lục (陸), Chương (章)
Phúc Kiến Trịnh (鄭), Lâm (林), Hứa (許), Tạ (謝)
An Huy Uông (汪)
Giang Tô Từ (徐), Chu (朱)
Thượng Hải Vương (王), Dương (楊)
Chiết Giang Mao (毛), Thẩm (沈)
Giang Tây Hồ (胡)
Hồ Bắc Hồ (胡)
Hồ Nam Đàm (譚)
Tứ Xuyên (何), Đặng (鄧)
Quý Châu Ngô (吳)
Vân Nam Dương (楊)
Hà Nam Trình (程)
Cam Túc Cao (高)
Ninh Hạ Vạn (萬)
Thiểm Tây Tiết (薛)
Thanh Hải Bào (鮑)
Tân Cương (馬)
Sơn Đông Khổng (孔)
Sơn Tây Đổng (董) và Quách (郭)
Nội Mông Phan (潘)
Đông Bắc Trung Quốc Vu (于)

Các họ của người Hoa phân bố không đồng đều trên lãnh thổ Trung Quốc. Ở miền Bắc Trung Quốc, họ Vương (王) phổ biến nhất, chiếm 9,9% dân số vùng này. kế tiếp là họ Lý (李), họ Trương (張) và họ Lưu (劉). Trong khi đó, ở miền Nam, họ Trần (陳) là họ phổ biến nhất, với 10,6% dân số mang họ này. Kế tiếp là các họ Lý (李), Hoàng (黄), Lâm (林) và Trương (張). Xung quanh dòng sông Dương Tử, họ phổ biến nhất là họ Lý (李), với 7,7%, theo sau là các họ Vương (王), Trương (張), Trần (陳) và Lưu (劉).

Một nghiên cứu tiến hành năm 1987 chỉ ra rằng có trên 450 họ xuất hiện ở Bắc Kinh, trong khi tại Phúc Kiến con số này là dưới 300.[cần dẫn nguồn]

Họ "Tiêu" (), họ phổ biến thứ 55, là họ đặc biệt hiếm ở Hồng Kông. Điều này được lý giải rằng ở Hồng Kông, chữ Hán phồn thể chứ không phải giản thể được sử dụng. Ban đầu, số người mang họ Tiêu (蕭) khá nhiều, trong khi Tiêu là một họ cực kỳ hiếm, nếu không nói đã tuyệt tích (chỉ được đề cập rải rác trong các tài liệu lịch sử). Phương án giản hóa chữ Hán lần thứ nhất năm 1956 đã giản lược chữ 蕭 thành 萧, khiến cho các chữ 蕭/萧 và 肖 là hai chữ riêng biệt. Tuy vậy, ở lần giản hóa thứ hai năm 1977, đã được bãi bỏ sau này, giản lược chữ 萧 một lần nữa thành 肖, nhập hai chữ 萧 và 肖 thành một chữ 肖 duy nhất. Tuy phương án thứ hai này đã được bãi bỏ, nhiều người vẫn quyết định giữ lại tự dạng họ Tiêu là 肖 mà không đổi lại thành 萧, hệ quả là hiện nay ở Trung Quốc, tồn tại họ Tiêu với hai tự dạng là 萧 và 肖.[cần dẫn nguồn]

Trần () có lẽ là họ phổ biến nhất Hồng Kông và Ma Cao, và được Latin hóa thành Chan, và cũng là họ phổ biến nhất Đài Loan, được Latin hóa thành Chen.

Họ Phương (), tuy chỉ xếp thứ 47 về mức độ phổ biến trên tổng thể, nhưng lại đặc biệt phổ biến ở khu Phố Tàu, San Francisco, Hoa Kỳ, và họ này thường gặp khi chuyển tự thành Fong theo phương ngữ Quảng Đông hơn là Fang theo bính âm Hán ngữ. Việc mật độ họ cao trên một khu vực nào đó có thể giải thích dựa theo số liệu thống kê, rằng một người mang một họ hiếm tới vùng đất mới còn hoang vu để lập nghiệp, anh ta sẽ truyền họ của mình lại cho nhiều người, khi đó, tỉ lệ cư dân khu đó có họ của anh ta sẽ khá cao.[cần dẫn nguồn] Sau thời nhà Tống, sự phân bố các họ trên toàn Trung Hoa đã ổn định lại.[cần dẫn nguồn]

Nhà họ Quảng, ví dụ, di cư từ kinh đô ở phương Bắc xuống lập nghiệp ở Quảng Đông khi những cuộc khởi nghĩa thời nhà Tống kết thúc.[cần dẫn nguồn]

Nhiều ngôi làng với chế độ phụ hệ được tạo dựng trên cơ sở các đại gia đình, cùng chung một dòng họ. Cư dân nam nữ của các làng này thường kết hôn với các thành viên ở các làng lân cận, tạo nên nhiều nhóm di truyền.

Họ người Hoa hiện tại

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong số hàng ngàn họ đã được nhận dạng từ các thư tịch lịch sử trước thời hiện đại, hầu hết chúng đã biến mất (xem sự biến mất họ người) hoặc giản lược hóa. Suốt chiều dài lịch sử, Trung Hoa có xấp xỉ 12.000 họ đã được ghi nhận (bao gồm cả những họ của những người không phải sắc tộc Hán), tuy nhiên chỉ có khoảng 3.100 họ vẫn còn tiếp tục sử dụng tới nay,[9][10] tương đương với tỉ lệ 75% số họ đã biến mất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt tích của các họ này, trong đó có việc người dân cải theo họ của giai cấp thống trị, giản lược hóa về tự dạng, kiêng húy vua chúa, và nhiều nguyên nhân khác. Một ví dụ về việc biến mất họ ở thời hiện đại là sự tuyệt tích của họ có bính âm đọc là Shǎn (𢒉) vốn dĩ đã rất hiếm.[11] Ký tự này đã từng không thể hiển thị trên nhiều hệ máy tính cũ và những người sinh ra sau khi hệ thống thay đổi cũng như nhiều người không thích vướng vào rắc rối đã đổi họ qua chữ khác, ví dụ như chữ Tiển 冼. Đã có những lo lắng rằng các thế hệ sau này có tổ tiên mang các họ này sẽ quên mất nguồn gốc của họ.

Trong khi nhiều họ mới xuất hiện với tỉ lệ tăng lên do nhiều nguyên nhân, nhiều họ cũ xưa cũng biến mất. Nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tầng suất xuất hiện của một họ là do nhiều người dân tộc khác đã tự nhận mình là người Hán và cải qua họ người Hán.[12] Trong nhiều thế kỷ trở lại đây, một số họ kép đã trở thành họ đơn do bị bỏ đi một chữ. Kể từ ngày thể chế Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập và chính sách giản hóa chữ viết được áp dụng, khiến cho nhiều họ bị giản lược tự dạng.

85% người Hoa mang 100 họ phổ biến nhất, tương đương 5% số họ tồn tại. Ba họ phổ biến nhất Trung Quốc Đại lục là , VươngTrương, với tỉ lệ dân số mang các họ này lần lượt là 7,9%, 7,4% và 7,1% và tổng dân số mang 3 họ này là 300 triệu người, hiển nhiên trở thành những họ phổ biến nhất thế giới. Trong tiếng Trung Quốc, thành ngữ "Trương tam, Lý tứ" (tiếng Trung: ; bính âm: Zhāng sān) được sử dụng để chỉ "ai đó".

Trong một nghiên cứu thực hiện năm 1990, với số lượng 174.900 người được lựa chọn ngẫu nhiên, 96% mang 200 họ phổ biến nhất, 500 họ còn lại được 4% người tham gia khảo sát mang. Ở một nghiên cứu khác (năm 1987), với số liệu được tổng hợp từ Trung Quốc và Đài Loan (mẫu khảo sát gồm 570.000 người), 55,6% số người mang 19 họ phổ biến nhất,[13] và với 100 họ phổ biến nhất danh sách chiếm 87% số người tham gia khảo sát. Các nguồn dữ liệu khác tiên đoán rằng 70% dân số người Hoa mang 50 họ phổ biến nhất.[14]

Đa phần họ người Hoa là họ đơn; tuy nhiên, khoảng 20 họ kép vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Các họ này gồm có Tư Mã (), Gia Cát (), Âu Dương (), thường được latin hóa thành O'Young, dễ làm người nói tiếng Anh phỏng đoán rằng đây là một họ gốc Ireland, và Tư Đồ (). Tư Mã, Gia Cát, và Âu Dương là họ của các nhân vật lịch sử quan trọng của Trung Hoa. Cũng có những họ với hơn ba chữ, tuy nhiên chúng không thuộc về sắc tộc Hán. Ví dụ, họ Ái Tân Giác La () là họ hoàng tộc Mãn Châu thời nhà Thanh.

Đa dạng trong chuyển tự Latin

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc chuyển tự họ người Hoa qua các ngôn ngữ ngoài Vùng Văn hóa Đông Á thường gặp một số vấn đề. Người Trung Hoa ở các khu vực khác nhau nói những phương ngôn khác nhau, khiến việc phát âm các họ này cũng khác nhau. Cộng đồng Hoa kiều gia tăng trên toàn thế giới dẫn đến việc Latin hóa còn dựa vào từng ngôn ngữ sở tại, nơi cộng đồng Hoa kiều đó sinh sống. Điều này dẫn đến hệ quả là, tuy cùng một họ, chuyển tự khác nhau là hiện tượng khá phổ biến. Trong một số phương ngôn, các họ đồng âm, khác tự dạng trở nên nhập nhằng khi bị chuyển tự. Ví dụ: họ Trịnh 鄭/郑 (bính âm: Zhèng) có thể Latin hóa thành Chang, Cheng, Chung, Teh, Tay, Tee, Tsang, Zeng hay Zheng, (theo lối bính âm, Chang, Cheng, Zheng và Zeng là những họ khác nhau). Việc chuyển ngược lại đúng họ chữ Hán từ phiên âm Latin càng mơ hồ hơn. Ví dụ, trong văn bản hệ chữ Latin, họ "Li" có thể xuất phát từ bính âm Quan thoại của các họ như Lê 黎 (Lí); Lý 李, Lý 理 và Lý 里 (Lǐ); Lịch 郦/酈, Lật 栗, Lệ 厉/厲, và Lợi 利 (Lì). Điều này một phần là do dấu thanh trong phương pháp bính âm thường bị loại bỏ khi chuyển tự qua tiếng nước ngoài.

Cũng bởi sự khác nhau về phát âm và phương pháp chuyển tự khiến cho việc phỏng đoán nguồn gốc một người Hoa có phần thuận lợi, rằng họ đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, hay từ Đài Loan. Về mặt tổng quát, người Hoa ở Trung Quốc Đại lục sẽ chuyển tự họ tên mình theo bính âm. Những người Đài Loan sẽ dùng hệ thống Wade-Giles. Hoa kiều Đông Nam Á (chủ yếu ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines) và Hồng Kông thường chuyển tự họ tên dựa trên các phương ngữ Mân, Khách GiaQuảng Đông. Đại bộ phận thế hệ trẻ Singapore gốc Hoa mang họ được phiên âm theo phương ngữ của mình kèm tên tiếng Anh.

Vẫn có nhiều người không phiên âm họ tên mình dựa trên một hệ thống phiên âm tiêu chuẩn nào cả, ví dụ như trường hợp của ông trùm truyền thông Hồng Kông Thiệu Dật Phu (邵逸夫), họ Thiệu (邵) của ông được chuyển tự Latin thành Shaw, trong khi bính âm là Shào. Việc sử dụng nhiều hệ thống phiên âm khác nhau cho các phương ngữ Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX tới những năm 1970 cũng góp phần tạo nên sự đa dạng trong việc chuyển tự họ người Hoa. Một số ví dụ:

Họ Chữ Hán Bính âm
(Đại lục)
Wade-Giles
(Đài Loan)
tiếng Phúc Kiến / tiếng Tiều
(Indonesia/Malaysia/Singapore)
tiếng Quảng Đông
(Hồng Kông/Macau)
Nghĩa hiện nay
(có thể khác biệt đáng kể so với nghĩa ban đầu)
Trần 陈 / 陳 Chen Ch'en Tan/Tang/Tung/Chin Chan nước Trần
Quan 关 / 關 Guan Kuan Kwang/Kuang Kwan cổng, lối vào, quan ải; đóng; tắt; quan tâm; liên quan
He Ho Ho/Hoe Ho mang; nào; ai; cớ chi; tại sao
Hoàng/Huỳnh 黄 / 黃 Huang Huang Uy/Ooi/Oei/Wee/Ng/Wong Wong nước Hoàng
Giản 简 / 簡 Jian Chien Kan/Kean Kan/Gan đơn giản
Kim Jin Chin Kim Kam vàng
Lâm Lin Lin Lim/Liem Lam gỗ; rừng
Vương Wang Wang Ong/Heng/Vang Wong vua
Ngô 吴 / 吳 Wu Wu Goh Ng nước Ngô
Hứa 许 / 許 Xu Hsü Koh/Kho/Khoh/Khor/Khaw/Ko(Malaysia)/Hee Hui/Hua nước Hứa
Trương 张 / 張 Zhang Chang Teo/Chong/Tear Cheung/Cheong trang (lượng từ từ dùng với danh từ có mặt phẳng như giấy); mở ra
Triệu 赵 / 趙 Zhao Chao Chew/Teo Chiu/Chiew nước Triệu [15]

Tại Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines chính tả trong việc chuyển tự có nhiều khác biệt tùy nguồn gốc của họ đó.

Tộc họ và ảnh hưởng xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhiều tên làng ở Trung Quốc có liên hệ với họ người. Ảnh chụp tại Giả Gia Nguyên (賈家源), nghĩa là "ngọn nguồn nhà họ Giả", ở trấn Hồng Cảng, Thông Sơn, tỉnh Hồ Bắc

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa, họ người phục vụ cho nhiều chức năng xã hội. Do mối liên hệ với phát triển ban đầu của giới quý tộc tinh hoa, họ người dùng để minh chứng cho sự quyền quý. Các nhà quý tộc thường đối chiếu họ của nhau để tìm hiểu về tổ tiên và từ đó suy ra thứ bậc của nhau trong gia tộc. Các ví dụ ghi chép hoàng tộc có thể tìm thấy trong bộ Sử ký của Tư Mã Thiên, chứa đựng các bản ghi về các dòng hậu sinh của nhiều triều vua, gọi là thế biểu (tiếng Trung: 世表; bính âm: shìbiǎo).

Sau này, suốt thời nhà Hán, các gia đình quyền uy dùng biển biểu này để khoa trương thanh thế và thậm chí đôi lúc là để hợp thức hóa tư cách lãnh đạo chính trị của họ. Tào Phi, người soán ngôi hoàng đế cuối cùng của nhà Hán, cho rằng mình là hậu duệ của Hoàng Đế. Các hoàng đế Trung Hoa đôi khi ban họ của mình (gọi là Quốc tính) cho thường dân để ghi nhận công lao. Khác với nhiều trường hợp ở châu Âu, khi mà một số họ thể hiện rõ ràng tính quý tộc của người sở hữu nó, các hoàng đế Trung Hoa và người trong thân tộc mang những họ thông thường ngoại trừ trường hợp họ không phải sắc tộc Hán. Đây là hệ quả của nền học thuyết chính trị Trung Hoa, cho rằng một người dân thường với Thiên mệnh sẽ trở thành hoàng đế. Sau khi đăng cơ, hoàng đế Trung Hoa vẫn giữ lại họ của mình. Cũng như vậy, nhiều bá tánh cùng họ với vua không có nghĩa họ là hoàng thân quốc thích.

Đời Đường là giai đoạn cuối cùng mà các dòng dõi quý tộc, hầu hết là hậu duệ quý tộc các nước thời tiền Tần, nắm giữ quyền lực đáng kể tập trung trên một khu vực nào đó. Lúc này, việc sử dụng họ là cách để chứng minh uy thế của gia tộc cũng như thể hiện lòng trung thành với các bậc bề trên. Trong giai đoạn này, nhiều phả điệp (giản thể: 谱牒; phồn thể: 譜牒; bính âm: pǔdié) được thực hiện để ghi chép phả hệ của thị tộc cũng như quan hệ hôn nhân giữa một thành viên thị tộc đó với một thị tộc khác. Sách Tân Đường thư do Âu Dương Tu soạn đã thu thập nhiều bộ phả điệp thời này. Để phân biệt sự khác nhau giữa các họ, vào thời nhà Đường người ta còn thêm tên thị tộc vào trước họ một người, ví dụ Lũng Tây Lý thị 隴西李氏, nghĩ là họ Lý thị tộc Lũng Tây. Nguyên đây là tên của các quận, phủ, là những đơn vị hành chính trước thời nhà Đường, rồi theo thời gian cách sử dụng phổ biến này tuyệt tích, và chỉ dành riêng để gọi tên thị tộc. Dòng thứ trong gia đình cũng được phân biệt, như Cổ Tang Phòng 姑臧房, nghĩa là thị tộc Phòng Cổ Tang.

Trong thời nhà Tống, quan hệ thị tộc kết được tổ chức lại, tạo nên các mối quan hệ dòng tộc. Khởi đầu xu thế này là văn hào Tô Thức và phụ thân của ông. Để tranh thủ thế lực và địa vị quan trường, nhiều người dựa vào mối quan hệ thân tộc (cùng họ) để hỗ trợ nhau. Họ xây trường học để giáo dục thế hệ hậu sinh, hỗ trợ đất đai cho các gia đình có điều kiện không tốt trong dòng tộc. Các nhà thờ họ được dựng lên để tôn vinh dòng họ mình. Trong triều đình, quan hệ huyết thống hoàng tộc luôn được chú trọng bởi đây được xem là nền tảng ổn định quốc gia. Suốt thời Nhà Thanh, chính các mối quan hệ dòng tộc này cùng với gia quy của nó, được xem như một dạng chuẩn mực pháp luật nguyên thủy với chức năng bảo an xã hội. Việc thành lập các mối quan hệ ràng buộc trong dòng tộc là tiền đề cho việc hình thành hội sở thương mại của cộng đồng Hoa kiều khi họ di tản đến Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới. Ở miền Nam Trung Quốc, nhiều thị tộc rơi vào xung đột vũ trang do tranh giành đất đai. Hiển nhiên, người Hoa vẫn luôn giữ truyền thống truy nguyên nguồn gốc của gia tộc mình nhằm tăng uy thế tinh thần. Đa phần những nguồn gốc huyền bí, mặc dù đã được thiết lập bài bản, là hoang đường.

Gia quy, truyền thống hôn nhân gia đình của Hoa khá phức tạp bởi tầm quan trọng của duy trì dòng họ. Ở nhiều nơi, hôn nhân giữa những người cùng họ, cận huyết, bị ngăn cấm. Ở những nơi khác, phong tục này có phần nghiêm khắc hơn khi các thị tộc có họ giống nhau nhưng khác huyết thống cũng ngăn cấm con cháu mình lấy nhau.

Tính đồng nhất và đặc trưng của tộc họ người Hoa đã suy giảm đáng kể kể từ thập niên 1930 bởi sự đi xuống của Nho học và sau này là sự phát triển của Chủ nghĩa Cộng sản ở Trung Hoa Đại lục. Trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa, nhiều truyền thống của văn hóa họ tộc bị thủ tiêu bởi chính quyền Trung Quốc qua việc phá hủy các nhà thờ họ và các tộc phả. Hơn thế nữa, sự xâm lấn của văn hóa Tây phương cùng với áp lực của toàn cầu hóa cũng góp phần làm xói mòn văn hóa tộc họ của người Hoa.

Họ người Hoa phổ biến

[sửa | sửa mã nguồn]

Trung Quốc Đại lục

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo tổng điều tra dân số dựa trên hộ khẩu của Bộ Công An Trung Quốc, thực hiện vào ngày 24 tháng 4 năm 2007,[16][17][18] mười họ phổ biến nhất Trung Quốc Đại lục là Vương (王), (李), Trương (張), Lưu (劉), Trần (陳), Dương (楊), Hoàng (黄), Triệu (趙), Ngô (吳), và Châu (周). Những họ này cũng đứng đầu (với thứ tự khác nhau đôi chút) trong một khảo sát khá toàn diện được thực hiện năm 2006 với sự tham gia của 296 triệu người,[19] và trong cuộc Tổng điều tra dân số năm 1982.[20][21] Ấn bản năm 1990 của cuốn Sách Kỷ lục Guinness ước đoán họ Trương là họ phổ biến nhất thế giới,[22] tuy nhiên, tại thời điểm đó, thông tin toàn diện từ phía Trung Quốc chưa có và những ấn bản sau đã qua thông tin này.

Theo tổng điều tra của Bộ Công An Trung Quốc, riêng tổng số người mang một trong ba họ phổ biến nhất Trung Quốc có số lượng đông hơn dân số của Indonesia,[23] đất nước có dân đông thứ tư thế giới. Dân số mỗi họ trong top 10 đạt trên 20 triệu người; trong top 22, mỗi họ có trên 10 triệu người mang. Tổng dân số 100 họ phổ biến nhất chiếm 84,77% dân số Trung Quốc.[17]

Đài Loan

[sửa | sửa mã nguồn]
Tỉ lệ dân số các họ của người Đài Loan
  陳 Trần (11.06%)
  林 Lâm (8.28%)
  黃 Hoàng/Huỳnh (6.01%)
  張 Trương (5.26%)
  李 Lý (5.11%)
  王 Vương (4.12%)
  吳 Ngô (4.04%)
  劉 Lưu (3.17%)
  蔡 Thái (2.91%)
  楊 Dương (2.66%)
  họ khác (47.4%)

Họ ở Đài Loan – giữa cả người Hán nhập cư và người bản thổ – cũng tương tự như họ của cư dân đông nam Trung Quốc nhưng có đôi chút khác biệt về độ phổ biến của họ người Hán.

Theo một khảo sát toàn diện về dân cư được Cục Dân số thuộc Bộ Nội chính Đài Loan phát hành vào tháng 2 năm 2005,[24] mười họ thông dụng nhất Đài Loan là Trần (陳), Lâm (林), Hoàng/Huỳnh (黃), Trương (張), (李), Vương (王), Ngô (吳), Lưu (劉), Thái (蔡), và Dương (楊).

Tại Đài Loan, nhiều họ cổ xưa mà tại Trung Quốc Đại lục đã trở nên hiếm, vẫn còn tồn tại như Nguyễn (阮), cũng là họ phổ biến nhất của người Việt – và nhiều họ chỉ có ở địa phương như Đồ (塗) mà thậm chí trong sách Bách gia tính cũng không liệt kê họ này. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, họ ở Đài Loan ít đa dạng hơn ở Lục địa: 52,63% dân số mang một trong 10 họ phổ biến nhất và đến 96.11% dân số mang một trong 100 họ phổ biến nhất Đài Loan.[24] Khảo sát trên của Bộ Nội chính này chỉ ghi nhận sự hiện diện của 1.989 họ[24] ngược lại với Trung Quốc, nơi người ta tìm thấy được bốn hoặc năm ngàn họ.

Như điển hình trong truyền thống Trung Hoa, tuy các tộc họ có nguồn gốc khác nhau, nhưng họ người Đài Loan mang đã gắn kết các chi họ này lại với nhau qua việc cùng thờ phượng một từ đường với các lễ nghi giống nhau hoặc bị ngăn cấm trong hôn nhân nội tộc. Có nhiều ví dụ về việc người Đài Loan mang cùng họ nhưng khác nguồn gốc. Nhiều người bản thổ Đài Loan lấy họ Phan (潘) bằng cách thêm bộ thủy 氵vào chữ Phiên 番, chữ mà người Hoa dùng để gọi họ. Nhiều người Đài Loan cải đạo sang Giáo hội Trưởng Lão đã lấy họ Giai (偕, bính âm Xié) để tưởng nhớ đến nhà truyền giáo người Canada George Leslie Mackay (馬偕, POJ Má-kai, Hán-Việt: Mã Giai).[cần dẫn nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Chinese Society in Singapore, The Study of Chinese Society: Essays, Maurice Freedman, George William Skinner, Stanford University Press, 1979, pp. 133
  2. ^ The Eclectic Magazine of Foreign Literature, Science, and Art, Volume 38; Volume 101, Harry Houdini Collection, John Davis Batchelder Collection, Leavitt, Trow, & Company, 1883 p. 852
  3. ^ a b Wee Kek Koon (ngày 18 tháng 11 năm 2016). “The complex origins of Chinese names demystified”. South China Morning Post. South China Morning Post. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2017.
  4. ^ Kiang Kang-Hu (1934). On Chinese Studies. tr. 127–8.
  5. ^ Sheau-yueh J. Chao (2009). In Search of Your Asian Roots: Genealogical Research on Chinese Surnames. Clearfield. tr. 4–7. ISBN 978-0806349466.
  6. ^ Russell Jones (1997). Chinese names. Pelanduk Publications. tr. 1–3. ISBN 978-9679786194.
  7. ^ Leif Manger. Muslim Diversity: Local Islam in Global Contexts. Routledge. tr. 132. ISBN 9781136818578.
  8. ^ Sheau-yueh J. Chao (2009). In Search of Your Asian Roots: Genealogical Research on Chinese Surnames. Clearfield. tr. 8–9. ISBN 978-0806349466.
  9. ^ Cook, Steven (ngày 3 tháng 6 năm 1997). “China's Identity Crisis: Many People, Few Names” [Khủng hoảng danh tính tại Trung Quốc: nhiều người, ít tên]. Christian Science Monitor (bằng tiếng Anh). Christian Science Monitor. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2017. Thế rồi, tại sao lại có sự thiếu vắng họ? Nguyên nhân là, theo Du Ruofu từ Viện Khoa học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences), mọi xã hội đều kinh qua 'sự thoái hóa' (evolutionary dwindling) về số lượng họ khi những họ ít phổ biến dần tuyệt tích. Bởi vì người Trung Hoa đã bắt đầu có họ từ hàng ngàn năm trước (so với chỉ vài thế kỷ tại nhiều khu vực ở Châu Âu), tác động này trở nên rõ rệt.
  10. ^ “O rare John Smith”, The Economist : 32, ngày 3 tháng 6 năm 1995, Only 3,100 surnames are now in use in China [...] compared with nearly 12,000 in the past. An 'evolutionary dwindling' of surnames is common to all societies. [...] [B]ut in China, [Du] says, where surnames have been in use far longer than in most other places, the paucity has become acute. (dịch: Chỉ có 3.100 họ hiện được sử dụng ở Trung Quốc [...] so với gần 12.000 trong lịch sử. Hiện tượng 'thoái hóa' (evolutionary dwindling) về số lượng họ là khá phổ biến trong nhiều xã hội. [...] [Nhưng] ở Trung Quốc, [Du] cho rằng, nơi thời điểm con người bắt đầu sử dụng họ sớm hơn nhiều so với nhiều nơi khác, việc biến mất các họ trở nên sâu sắc hơn.)
  11. ^ “电脑打不出来 山东200村民被迫改姓”. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2015.
  12. ^ (Du et al. 1992)
  13. ^ Sun Bin (ngày 19 tháng 12 năm 2005). “Sun Bin: Chinese and Korean Family Names”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 3 năm 2006.
  14. ^ “Cultural Diversity” (PDF). HM Land Registry. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 13 tháng 1 năm 2006.
  15. ^ http://humanum.arts.cuhk.edu.hk/Lexis/Lindict/Lindict.php?query=%bb%af&category=wholerecord
  16. ^ Xinhua News. 24 Apr 2007. "中国姓氏排行". "天下第一大姓——王." 14 Nov 2007. Truy cập 26 Mar 2012.
  17. ^ a b "公安部统计:'王'成中国第一大姓 有9288万人 Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine." 24 Apr 2007. Truy cập 27 Mar 2012.(tiếng Trung)
  18. ^ Baidu Baike. "新百家姓". (tiếng Trung)
  19. ^ “人口数据统计”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 4 năm 2008. It was conducted by Yuan Yida of the Chinese Academy of Sciences' Institute of Genetics and Developmental Biology. The authoritative results of this survey were previously published on the National Citizen Identity Information Center
  20. ^ People's Daily Online. "China issues first set of stamps of Chinese family names". 19 Nov 2004. Truy cập 28 Mar 2012.
  21. ^ 挑灯看剑 踏雪寻梅. "新'百家姓'图腾,快来看看您的尊姓啥模样 [The New Hundred Family Surnames's Totems: Quick, Come Look at Your Honorable Surname's Picture]". 12 Dec 2011. Truy cập 28 Mar 2012. (tiếng Trung)
  22. ^ McFarlan, Donald. 1990 Guinness Book of World Records. Sterling Pub. Co., 2001. ISBN 189205101X.
  23. ^ Badan Pusat Statistik. "Population of Indonesia by Province 1971, 1980, 1990, 1995, 2000 and 2010 Lưu trữ 2011-07-18 tại Wayback Machine". 2009. Truy cập 29 Mar 2012.
  24. ^ a b c 中华百家姓-千字文-国学经典-文化经典. "中国台湾姓氏排行 Lưu trữ 2013-10-16 tại Wayback Machine [China (Taiwanese) Surname Ranking]." ngày 8 tháng 6 năm 2010. Truy cập 31 Mar 2012. (tiếng Trung)

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Du, Ruofu; Yida, Yuan; Hwang, Juliana; Mountain, Joanna L.; Cavalli-Sforza, L. Luca (1992), Chinese Surnames and the Genetic Differences between North and South China (PDF), Journal of Chinese Linguistics Monograph Series, tr. 18–22 (History of Chinese surnames and sources of data for the present research), Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 11 năm 2012, truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2017, also part of Morrison Institute for Population and Resource Studies Working papersQuản lý CS1: postscript (liên kết)
  • “O rare John Smith”, The Economist : 32, ngày 3 tháng 6 năm 1995, Chỉ có 3.100 họ hiện được sử dụng ở Trung Quốc [...] so với gần 12.000 trong lịch sử. Hiện tượng 'thoái hóa' (evolutionary dwindling) về số lượng họ là khá phổ biến trong nhiều xã hội. [...] [Nhưng] ở Trung Quốc, [Du] cho rằng, nơi thời điểm con người bắt đầu sử dụng họ sớm hơn nhiều so với nhiều nơi khác, việc biến mất các họ trở nên sâu sắc hơn.
  • Cook, Steven (ngày 6 tháng 3 năm 1997), “China's Identity Crisis: Many People, Few Names”, Christian Science Monitor, Thế rồi, tại sao lại có sự thiếu vắng họ? Nguyên nhân là, theo Du Ruofu từ Viện Khoa học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences), mọi xã hội đều kinh qua 'sự thoái hóa' (evolutionary dwindling) về số lượng họ khi những họ ít phổ biến dần tuyệt tích. Bởi vì người Trung Hoa đã bắt đầu có họ từ hàng ngàn năm trước (so với chỉ vài thế kỷ tại nhiều khu vực ở Châu Âu), tác động này trở nên rõ rệt.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]