Semerkhet

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Semerkhet (?—2960 TCN) là tên Horus của một vị vua Ai Cập thuộc Vương triều thứ nhất. Nhà sử học Manetho đã ghi lại rằng đã có nhiều thiên tai xảy ra dưới vương triều của Semerkhet. Các bằng chứng khảo cổ dường như cũng đã ủng hộ quan điểm cho thấy Semerkhet đã có một vương triều gặp nhiều khó khăn và một số nhà khảo cổ học đã sớm đặt câu hỏi về tính hợp pháp của Semerkhet.

Độ dài vương triều[sửa | sửa mã nguồn]

Manetho đã ghi lại tên của Semerkhet là Semêmpsés và cho rằng vương triều của ông kéo dài 18 năm,[2] trong khi bản Danh sách Vua Turin ghi lại một cách không hợp lý đó là vương triều của ông kéo dài tới tận 72 năm.[3] Các nhà Ai Cập học và sử học ngày nay đều coi cả hai điều này là một sự phóng đại và Semerkhet được tin rằng đã có một vương triều 8 năm rưỡi. Điều này dựa trên các dòng chữ khắc của bia đá Cairo, tại đó vương triều của Semerkhet đã được ghi lại đầy đủ. Ngoài ra, họ còn căn cứ vào các bằng chứng khảo cổ học mà đã củng cố vững chắc quan điểm cho rằng Semerkhet đã có một vương triều tương đối ngắn.[4]

Nguồn gốc tên gọi[sửa | sửa mã nguồn]

Semsu, Tên đồ hình của Semerkhet trong Danh sách Vua Abydos.
Mảnh bình gốm vỡ có khắc tên serekh của Semerkhet, ban đầu thuộc về ngôi mộ của ông, ngày nay nằm tại Bảo tàng Petrie, UC 36756.

Semerkhet còn được biết đến thông qua các bằng chứng khảo cổ học. Tên của ông xuất hiện trong các chữ khắc trên những chiếc bình làm bằng đá phiến, thạch cao tuyết hoa, brecciađá cẩm thạch. Tên của ông cũng còn được lưu giữ trên những tấm thẻ bằng ngà voi và dấu ấn triện trên những chiếc bình bằng đất nung. Những đồ vật khác có tên và vương hiệu của Semerkhet còn được tìm thấy ở AbydosSakkara.[4][5]

Tên serekh của Semerkhet thường được dịch là "người bạn của các vị thần linh" hay "người bạn chu đáo". Ý nghĩa thứ hai của tên gọi này lại bị nhiều học giả nghi ngờ, bởi vì ký tự tượng hình khet (Gardiner-sign F32) thường là biểu tượng cho "cơ thể" hay "các vị thần linh".[4][5][6]

Danh tính[sửa | sửa mã nguồn]

Tên Nebty của Semerkhet tìm thấy tại phức hợp kim tự tháp của DjoserSaqqara.[7]

Hầu như không có điều gì được biết về gia đình của Semerkhet. Cha mẹ của ông là một điều bí ẩn, nhưng có giả thuyết cho rằng vua Den, có thể là cha của ông. Semerkhet có thể là con trai của nữ hoàng Betrest. Trên tấm bia đá Cairo, bà được ghi lại là mẹ của ông. Bằng chứng rõ ràng cho quan điểm này vẫn chưa được tìm thấy. Semerkhet được cho là đã có một số người con trai và con gái, nhưng tên tuổi của họ thì lại không được lưu giữ trong các ghi chép lịch sử. Một ứng viên có thể được coi là hậu duệ của ông chính là vị vua đã cai trị tiếp theo đó, vua Qa'a.[8]

Vương triều[sửa | sửa mã nguồn]

Theo một giả thuyết cũ được các nhà Ai Cập học và sử học như Jean-Philippe Lauer, Walter Bryan Emery, Wolfgang HelckMichael Rice ủng hộ, Semerkhet là một kẻ cướp ngôi và không phải là người có quyền thừa kế ngai vàng một cách hợp pháp. Giả thuyết của họ dựa trên thực tế đó là một số bình đá với tên của Semerkhet trên đó, ban đầu được khắc tên của vua Adjib. Semerkhet chỉ đơn giản là xóa tên của Adjib và thay thế nó bằng tên của ông. Hơn nữa, họ cũng chỉ ra rằng không có vị đại thần và tư tế nào có liên quan với Semerkhet được tìm thấy tại Sakkara. Tất cả các vị vua khác, chẳng hạn như Den và Adjib, đều được chứng thực trong các mastaba ở địa phương.[4][9][10]

Ngày nay, giả thuyết này đã không còn nhận được sự ủng hộ. Các nhà Ai Cập học như Toby Wilkinson, I.E.S EdwardsWinifred Needler đều đã phủ nhận 'giả thuyết tiếm vị', bởi vì tên của Semerkhet đã được nhắc đến trong các chữ khắc trên những chiếc bình đá cùng với Den, Adjib và Qa'a. Chúng được tìm thấy trong các căn phòng ngầm nằm phía dưới kim tự tháp bậc thang của vua Djoser ở Sakkara. Các chữ khắc cho thấy vua Qa'a, vị vua kế vị Semerkhet, đã chấp nhận Semerkhet là một tổ tiên hợp pháp và là người thừa kế ngai vàng. Hơn nữa, các nhà Ai Cập học còn chỉ ra rằng gần như tất cả mọi vị vua thuộc vương triều thứ nhất đều có thói quen tái sử dụng lại những chiếc bình đặc biệt (được gọi là 'những chiếc bình kỷ niệm') từ ngôi mộ của vị vua tiền triều và sau đó thay thế tên của vị vua tiền triều bằng tên của chính họ. Semerkhet không chỉ lấy những chiếc bình của Adjib, trong ngôi mộ của ông còn tìm thấy một số đồ tạo tác từ nghĩa địa của nữ hoàng Meritneith và của vua Den. Còn việc không có bất cứ ngôi mộ nào của các vị đại thần nào tại Sakkara có thể được giải thích là do vương triều khá ngắn của Semerkhet. Dường như chỉ có duy nhất một vị đại thần của Semerkhet được biết đến, Henu-Ka: Tên của ông xuất hiện trên các tấm thẻ bằng ngà trong ngôi mộ của Semerkhet và của Qa'a[5][8]

Vết dấu ấn triện tại ngôi mộ của Semerkhet đã cho thấy một lãnh địa hoàng gia mới Hor wep-khet (có nghĩa là "Horus, thẩm phán của các vị thần") và Hut-Ipty (có nghĩa là "toà hậu cung"), nằm dưới sự cai quản bởi những người vợ của Semerkhet. Còn có hai tấm thẻ bằng ngà cho thấy một ngày lễ "hộ tống thần Horus" hàng năm, mà có liên quan đến việc thu thuế định kỳ. Các tấm thẻ khác thì ghi lại lễ kỷ niệm sự thờ cúng các vị thần của tổ tiên, Wer-Wadyt. Và một số tấm thẻ khác lại cho thấy lễ hội Sokar đầu tiên và duy nhất được tổ chức.[5][11][12]

Mặc dù bia đá Cairo đã ghi lại toàn bộ vương triều của Semerkhet, nhưng thật đáng tiếc khi mà bề mặt của tấm bia đá đã bị bào mòn và hầu hết các sự kiện đã không thể đọc được. Bảng niên biểu sau đây đã được Toby AH Wilkinson, John D. Degreef và Hermann Alexander Schlögl tái dựng lại như sau:

  • Năm đăng quang: Dưới sự chứng kiến của Vua Hạ và Thượng Ai Cập; thống nhất hai vùng đất; dạo quanh Bạch thành của Memphis.
  • Năm thứ nhất: Lễ rước thần Horus; sự tan hoang của Ai Cập.
  • Năm thứ 2: Dưới sự chứng kiến của đức vua; Tạc một bức tượng cho SeshatSed.
  • Năm thứ 3: Lễ rước...
  • Năm thứ 4: Dưới sự chứng kiến của vua Thượng Ai Cập; tạo ra các...
  • Năm thứ 5: Lễ rước...
  • Năm thứ 6: Dưới sự chứng kiến của vua Thượng Ai Cập...
  • Năm thứ 7: Lễ rước...
  • Năm thứ 8: Dưới sự chứng kiến của vua Hạ và Thượng Ai Cập...
  • Năm băng hà:... tháng thứ và... ngày thứ....

[12][13][14]

Các nhà Ai Cập học và sử học đặc biệt chú ý đến "sự tan hoang của Ai Cập" được nhắc đến vào năm thứ hai của Semerkhet. Dòng chữ khắc trên đó lại không có thêm thông tin nào khác về sự kiện này. Nhưng nó lại có sự tương đồng với ghi chép của Manetho. Trong bản dịch của Eusebius có nói: "Con trai ngài, Semémpsês, người đã trị vì trong 18 năm, dưới sự trị vì của ngài một tai họa rất lớn đã xảy đến với Ai Cập." Không có bất cứ ghi chép nào từ vương triều Semerkhet trở về sau ghi lại bất kỳ thông tin chi tiết nào về việc sảy ra nạn "thiên tai" này.[2][12][13]

Ngôi mộ[sửa | sửa mã nguồn]

Bia đá trong ngôi mộ của Semerkhet.
Bản đồ ngôi mộ của Semerkhet ở Umm el-Qa'ab.[15]

Ngôi mộ của Semerkhet đã được nhà khảo cổ học và Ai Cập học William Matthew Flinders Petrie khai quật vào năm 1899 tại Abydos và được biết đến với tên gọi "Ngôi mộ U". Trong quá trình khai quật, Petrie đã không tìm thấy cấu trúc cầu thang như tại các ngôi mộ của DenAdjib. Ông chỉ tìm thấy một đoạn đường dốc, rộng bốn mét và dẫn thẳng vào căn buồng chôn cất chính. Đoạn đường dốc này xuất phát ở bên ngoài và nằm về phía đông của ngôi mộ, nó kéo dài khoảng mười mét trước khi dẫn vào ngôi mộ và có độ dốc đáy là 12°. Petrie còn bị bối rối bởi vì chỉ tìm thấy được một số lượng ít ỏi các con dấu bằng đất sét. Chỉ có 17 con dấu đã được tìm thấy. Khi mà Petrie tiến hành khai quật đoạn đường dốc, ông ta nhận thấy rằng đoạn đường dốc này đã được rải đầy dầu thơm, mà vẫn còn tỏa ra một mùi hương. Bên cạnh đoạn dốc, ông ta còn khai quật được một vài chiếc giỏ gỗ và những chiếc bình bằng đất nung. Chúng có niên đại vào thời kỳ Ramesses. Các nhà nghiên cứu cho rằng ngôi mộ của Semerkhet đã được mở ra và khôi phục vào thời kỳ Ramesses bởi vì các tư tế và các vị vua thời kỳ này coi ngôi mộ của vua Djer như là nơi an táng linh thiêng phần đầu của thần Osiris. Những đồ vật được phát hiện bên trong buồng chôn cất chính bao gồm các mảnh vỡ và mảnh khảm của đồ đạc (đặc biệt là những chiếc bệ), áo giáp làm bằng đồng và đồ trang sức làm từ gỗ mun, thạch anh tím và ngọc lam. Một số chiếc bình có nguồn gốc từ Levant cũng đã được tìm thấy. Chúng xưa kia dùng để đựng loại dầu Bescha, vốn được người Ai Cập ưa chuộng. Gần bên ngoài lối vào của ngôi mộ còn khai quật được một tấm bia đá được làm bằng đá granite màu đen và đã bị hư hỏng, trên đó có khắc tên serekh của Semerkhet.[5][10][16][17][18]

Căn phòng chôn cất chính của ông có kích thước 29,2 × 20,8 mét và có cấu trúc đơn giản. Petrie nhận thấy rằng mastaba của nhà vua đã từng bao phủ toàn bộ các ngôi mộ phụ. Ngôi mộ hoàng gia này còn bao gồm 67 ngôi mộ phụ. Các nhà Ai Cập học như Walter Bryan EmeryToby Wilkinson cho rằng sự phát triển của kiểu kiến trúc này như là bằng chứng cho thấy toàn bộ hoàng gia và những người hầu cận đã tự nguyện hy sinh sau khi nhà vua của họ qua đời. Tục lệ này sau đó đã chấm dứt cùng với vương triều của vua Qaa, một trong số những vị vua cuối cùng của vương triều thứ nhất. Và từ vương triều của vua Hotepsekhemwy trở đi, các vị pharaon được an táng trong những ngôi mộ của họ và không còn có những ngôi mộ phụ đi kèm theo nữa.[10][16][18]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Nicolas Grimal, Ian Shaw (translator): A History of Ancient Egypt, 1992, Oxford: Blackwell publishing, ISBN 978-0-63-119396-8, p. 54
  2. ^ a b William Gillian Waddell: Manetho (The Loeb Classical Library, Volume 350). Harvard University Press, Cambridge (Mass.) 2004 (Reprint), ISBN 0-674-99385-3, page 33–37.
  3. ^ Alan H. Gardiner: The royal Canon of Turin. Griffith Institute of Oxford, Oxford (UK) 1997, ISBN 0-900416-48-3; page 15 & Table I.
  4. ^ a b c d Wolfgang Helck: Untersuchungen zur Thinitenzeit. (Ägyptologische Abhandlungen, Volume 45), Harrassowitz, Wiesbaden 1987, ISBN 3-447-02677-4, page 124, 160 - 162 & 212 - 214.
  5. ^ a b c d e Toby A. H. Wilkinson: Early Dynastic Egypt. Routledge, London 1999, ISBN 0-415-18633-1, page 78, 79 & 275.
  6. ^ Jochem Kahl, Markus Bretschneider, Barbara Kneissler: Frühägyptisches Wörterbuch, Band 1. Otto Harrassowitz, Wiesbaden 2002, ISBN 3-447-04594-9, Seite 46.
  7. ^ Pierre Lacau, J.-Ph. Lauer: La Pyramide a Degrees. Band 4: Inscriptions gravées sur les vases. Fasc. 1: Planches. Institut Français d'Archéologie Orientale, Kairo 1959, Abb. 37.
  8. ^ a b Iorwerth Eiddon Stephen Edwards: Early History of the Middle East (The Cambridge Ancient History; Vol. 1, Pt. 2). Cambridge University Press, Cambridge 2006, ISBN 0-521-07791-5, page 27–31.
  9. ^ Michael Rice: Egypt's Making: the Origins of Ancient Egypt, 5000-2000 BC. Taylor & Francis, London/New York 1990, ISBN 0-415-05092-8, page 127.
  10. ^ a b c Walter Bryan Emery: Ägypten, Geschichte und Kultur der Frühzeit, 3200-2800 v. Chr. Fourier, Wiesbaden 1964, ISBN 0-415-18633-1, page 15–17 & 94–95.
  11. ^ Eva-Maria Engel: The Domain of Semerkhet. In: Stan Hendrickx: Studies in Memory of Barbara Adams: Proceedings of the International Conference „Origin of the State, Predynastic and Early Dynastic Egypt", Krakow, 28th August - 1st September 2002. Peeters, Leuven 2004, ISBN 90-429-1469-6, page 705–710.
  12. ^ a b c Hermann A. Schlögl: Das alte Ägypten. Beck, München 2008, ISBN 3-406-48005-5, page 71–72.
  13. ^ a b Toby A. H. Wilkinson: Royal Annals of Ancient Egypt: the Palermo Stone and its Associated Fragments. Kegan Paul International, London 2000, ISBN 0-7103-0667-9, page 76.
  14. ^ Ian Shaw & Paul T. Nicholson: The Dictionary of Ancient Egypt. Harry N. Abrams, New York 2003, ISBN 0-8109-9096-2, page 202.
  15. ^ Dieter Arnold: Lexikon der ägyptischen Baukunst, Patmos Verlag, 2000, S. 11
  16. ^ a b Ian Shaw: The Oxford history of ancient Egypt. University Press, Oxford (UK) 2003, ISBN 0-19-280458-8, page 69.
  17. ^ G. Dreyer, A. Effland, U. Effland, E.M. Engel, H. Hartmann, R. Hartung, Lacher, Müller, Pokorny: Excavations in the Tomb of Semerkhet. In: Mitteilungen des Deutschen Archäologischen Institut Kairo, vol. 62. von Zabern, Mainz 2006, page 95-97.
  18. ^ a b Günter Dreyer: Zur Rekonstruktion der Oberbauten der Königsgräber der 1. Dynastie in Abydos (Mitteilungen des Deutschen Archäologischen Instituts Kairo 47). von Zabern, Mainz 1991, page 56.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền nhiệm
Anedjib
Pharaon của Ai Cập Kế nhiệm
Qa'a