Bạc Liêu (thành phố)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Khanhpham1996 (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 03:03, ngày 17 tháng 12 năm 2019. Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Bạc Liêuthành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam.

Thành phố Bạc Liêu nằm ở phía đông tỉnh Bạc Liêu. Nằm bên bờ rạch Bạc Liêu, trung tâm thành phố cách biển 10 km và là trung tâm hành chính và đầu mối giao lưu trong và ngoài tỉnh, cơ cấu kinh tế của thành phố là thương mại - dịch vụ - công nghiệpnông nghiệp. Hiện nay thành phố Bạc Liêu là đô thị loại II.

Địa lý

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại phường 2

Vị trí địa lý

Thành phố Bạc Liêu nằm ở vị trí địa lý từ 9o16’05’’ vĩ độ Bắc 105o45’06’’ kinh độ Đông. Thành phố Bạc Liêu nằm ở phía đông tỉnh Bạc Liêu.

Điều kiện tự nhiên

I. Địa hình

Địa hình của thành phố Bạc Liêu tương đối bằng phẳng và thấp, hướng nghiêng chính từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao độ trung bình khoảng 0,2 đến 0,8 m, độ dốc trung bình 1 - 1,5 cm/km. Trên địa bàn thành phố có nhiều ao, hồ, khu vực đất ruộng và đầm nuôi tôm có nhiều mương rạch chia cắt, địa hình tuy thuận lợi cho thoát nước nhưng lại khó khăn trong xây dựng cơ bản. Nhìn chung thành phố Bạc Liêu có hai dạng địa hình chính chia thành hai khu vực như sau:

- Khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A địa hình thấp (cao trung bình 0,2 - 0,3 m). Dạng địa hình như trên rất thuận lợi trong việc tận dụng nước thủy triều để tiêu thoát nước, nhưng cũng tạo thành những vùng trũng đọng nước chua phèn gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp.

- Khu vực phía Nam Quốc lộ 1A có địa hình cao hơn (cao trình 0,4 - 0,8 m), do có những giồng cát biển không liên tục tạo nên khu vực có địa hình cao ven biển hướng nghiêng thấp dần từ biển vào nội địa.

II. Khí hậu

Dữ liệu khí hậu của TP. Bạc Liêu
Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Năm
Trung bình cao °C (°F) 24.9 25.4 27.4 28.9 29.7 27.9 28.3 28.0 27.8 28.0 28.1 27.3 27,6
Giáng thủy mm (inch) 1.1
(0.043)
28.0
(1.102)
155.0
(6.102)
344.8
(13.575)
320.9
(12.634)
272.8
(10.74)
313.3
(12.335)
183.5
(7.224)
96.8
(3.811)
29.9
(1.177)
1,746,1
Độ ẩm 82 77 77 76 77 85 84 85 85 84 80 81 81
Số giờ nắng trung bình hàng tháng 245.9 275.5 308.8 304.7 279.2 181.2 199.4 219.5 185.6 212.1 233.5 262.1 242,3
Nguồn: Vietnam Institute for Building Science and Technology[1]

Đặc điểm khí hậu thành phố Bạc Liêu mang đặc thù chung của khí hậu gió mùa cận xích đạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long và những đặc trưng riêng khu vực bán đảo Cà Mau. Các yếu tố khí hậu phân thành hai mùa rõ rệt trong năm là mùa mưa và mùa khô.

1. Nhiệt độ

Nhiệt độ bình quân cao đều trong năm, trung bình là 27,3 °C. Nhiệt độ trung bình cao nhất là 27,6 °C và thấp nhất là 27,2 °C. Nhiệt độ trung bình các tháng mùa khô là 24,3 – 29,7 °C, các tháng mùa mưa là 25,2 – 29,1 °C. Biên độ nhiệt giữa các tháng không đáng kể, chỉ từ 1 - 2 °C, nhưng biên độ nhiệt giữa ngày và đêm khá lớn (mùa khô từ 8 - 10 °C, mùa mưa từ 6 - 7 °C), yếu tố nhiệt độ này thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.

2. Lượng mưa

Chế độ mưa chia theo mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa chiếm tới 90% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình năm là 1.801,5 mm, phân bố không đều theo thời gian ngay cả trong các tháng của mùa mưa, lượng mưa tập trung chủ yếu ở các tháng 5 - 9, có tháng mưa trên 389 mm. Số ngày mưa trung bình khoảng 110 - 120 ngày/năm.

3. Độ ẩm

Lượng nước bốc hơi trung bình hàng năm 1.233 mm, các tháng có lượng bốc hơi lớn nhất là các tháng mùa khô (694 mm, bằng 56% lượng bốc hơi cả năm). Độ ẩm không khí trung bình 82,6%, các tháng mùa khô 76 - 80%.

4. Số giờ nắng

Số giờ nắng trung bình là 6,6 giờ/ngày. Tổng tích ôn từ 9.750 °C đến 9.850 °C, thời gian chiếu sáng kéo dài bình quân 2.202 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm khoảng 4,46 kcal/cm²/năm thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời.

5. Gió, bão

  • Gió: Trong năm thường xuất hiện 3 hướng gió chính, tốc độ gió bình quân đạt khoảng 3 - 3,5 m/s, mùa khô có gió mạnh đạt 8 – 9 m/s. Gió Đông Nam khô và nóng thường xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 4; gió Tây Nam thổi từ biển vào mang theo nhiều hơi nước thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10; còn gió Đông Bắc khô và lạnh thường xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 12.
  • Bão: Trong mùa mưa thường có các cơn giông và lốc xoáy có gió mạnh tới cấp 7,8 nhất là vùng ven biển thuận lợi cho việc phát triển điện gió.

III. Chế độ thủy văn, hải văn

1. Mực nước và thủy triều

  • Chế độ thuỷ văn: thành phố có liên quan chặt chẽ với chế độ mưa, gió.
  • Thủy triều: thành phố Bạc Liêu nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông (biên độ triều khoảng 2,8 - 2,9 m). Từ khi hoàn thành các cống ngăn mặn dọc theo Quốc lộ 1A, do quy mô diện tích truyền triều bị thu hẹp, mức ngập triều ở vùng Nam Quốc lộ 1A nói chung và thành phố Bạc Liêu nói riêng cao hơn trước, tạo thuận lợi cho việc dẫn nước mặn vào các khu vực nuôi tôm, làm muối. Lượng phù sa khá cao làm cho hệ thống kênh rạch và các vùng nuôi tôm bị bồi lắng nhanh, vì vậy công tác chủ động điều tiết thủy lợi gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, để giải quyết việc cung cấp và tiêu thoát nước tốt cho nuôi trồng thuỷ sản, thành phố cần quan tâm đầu tư nạo vét hệ thống thuỷ nông và đê bao hoàn chỉnh để chủ động điều tiết nguồn nước, phục vụ tốt cho canh tác và nuôi trồng thủy, hải sản. Lượng phù sa khá cao làm cho hệ thống kênh rạch các vùng nuôi tôm bị bồi lắng nhanh, vì vậy công tác chủ động điều tiết thủy lợi gặp nhiều khó khăn.

IV. Hệ thống sông ngòi

1. Sông ngòi

TP. Bạc Liêu có nhiều sông, kênh, rạch như: sông Bạc Liêu, kênh 30-4,… đáp ứng được nguồn cung cấp nước cho hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và tiêu, thoát nước trong khu vực đô thị.

2. Sự xâm nhập mặn tại các hệ thống kênh rạch

Xâm nhập mặn do tác động trực tiếp của chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông. Trong những năm gần đây, do hệ thống đê và cống ngăn mặn khá hoàn chỉnh dọc theo Quốc lộ 1A và sông Bạc Liêu nên tình trạng xâm nhập mặn đã giảm đáng kể ở khu vực phía Bắc.

Hiện nay, khả năng điều tiết nguồn nước mặn - ngọt đang từng bước được cải thiện để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản trên cả hai vùng phía Bắc và Nam Quốc lộ 1A, kênh Bạc Liêu - Cà Mau theo hướng quy hoạch chuyển đổi sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh (gồm cả thành phố Bạc Liêu). Trong mùa khô, độ mặn nước sông và nước trong các ruộng tôm tăng cao, thường ở những vùng cửa sông nước có độ mặn cao hơn, càng sâu vào trong nội đồng độ mặn càng giảm. Trái lại vào mùa mưa, độ mặn giảm nhanh (cả nước sông và trong các đầm nuôi tôm). Do đó, một số tiểu vùng ở các xã ngoại thị và các phường 7, 8 có điều kiện rửa mặn, giữ ngọt tốt có thể sản xuất luân canh một vụ lúa trên đất nuôi tôm trong mùa mưa.

V. Các nguồn tài nguyên

1. Tài nguyên đất

Tài nguyên đất trên địa bàn thành phố Bạc Liêu có 3 nhóm chính với tám loại đất như sau:

  • Nhóm đất cát: có diện tích 1.555 ha, chiếm 10,08% diện tích tự nhiên của thành phố, phân bố chủ yếu nơi địa hình trung bình - cao, có khả năng tiêu thoát nước, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Trạch Đông và phường Nhà Mát với hai loại đất như sau:

- Đất cát giồng (Cz) có diện tích 363 ha, chiếm 2,35% diện tích tự nhiên của thành phố.

- Đất cát biển (C) có diện tích 1.192 ha, chiếm 7,73% diện tích tự nhiên của thành phố.

  • Nhóm đất mặn: có diện tích 9.606 ha, chiếm 62,25% diện tích tự nhiên của thành phố. Trên địa bàn thành phố Bạc Liêu nhóm đất mặn được phân chia ra các đơn vị đất sau:

- Đất mặn nặng và mặn thường xuyên: Có diện tích 1.738 ha, chiếm 11,27% tổng diện tích tự nhiên, phân bố sau đê biển ở các xã, phường ven biển của thành phố.

- Đất mặn trung bình: có diện tích 732,63 ha, chiếm 4,75% tổng diện tích tự nhiên thành phố, phân bố ở nơi có địa hình thấp ven sông, rạch.

- Đất mặn ít: có diện tích lớn nhất trong nhóm đất mặn với 7.135 ha, chiếm 46,24% tổng diện tích tự nhiên thành phố.

  • Nhóm đất phèn: có diện tích 2.843 ha, chiếm 18,43% diện tích tự nhiên của thành phố, tập trung ở địa hình thấp, có các đơn vị đất như sau:

- Đất phèn tiềm tàng: có diện tích là 777 ha, chiếm 5,04% tổng diện tích toàn thành phố, được phân bố ở các xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông và các phường Nhà Mát, phường 2, phường 5 và phường 8.

- Đất phèn hoạt động: Có diện tích 1.542 ha, chiếm 9,99% diện tích tự nhiên toàn thành phố.

- Đất phèn bị thủy phân: có diện tích 524 ha, chiếm 3,40% tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố.

3. Tài nguyên nước

  • Nước mặn: Đây là nguồn nước được đưa vào từ biển hoặc được pha trộn với nguồn nước mưa. Nước mặn không thích hợp đối với cây, con nước ngọt, ngược lại nước mặn lại là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển nuôi trồng thủy sản, làm muối, phát triển rừng ngập mặn... Trên thực tế ngành thủy sản đã và đang là ngành kinh tế mũi nhọn có những đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu nói chung và thành phố Bạc Liêu nói riêng trong những năm vừa qua.
  • Nước mặt: Nước mặt trên địa bàn thành phố Bạc Liêu chia làm hai khu vực sau:

- Khu vực Bắc kênh Bạc Liêu - Cà Mau và Quốc lộ 1A: nhờ thực hiện hệ thống thủy lợi trong dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp nên khả năng tưới nước ngọt khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

- Khu vực Nam Quốc lộ 1A và kênh Bạc Liêu - Cà Mau: trong mùa khô tất cả các kênh rạch đều bị nhiễm mặn, với độ mặn cao (15 - 30‰), thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản và làm muối, trong mùa mưa độ mặn còn ở mức 5 - 15‰ vẫn thích hợp cho nuôi trồng thủy sản.

  • Chất lượng nước mặt (sông rạch, ao, hồ, nước mưa) cũng diễn biến theo mùa. Lượng nước mưa trên địa bàn tỉnh tập trung 90% vào mùa mưa, do đó mùa mưa nước ngọt chiếm ưu thế, tuy nhiên vào đầu và cuối mùa mưa nước thường bị chua phèn. Mùa khô nước thường bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn.
  • Nước ngầm: Nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố khá phong phú với 4 phức hệ thủy văn chứa nước ở các mức độ khác nhau:

- Phức hệ chứa nước trầm tích Holoxen: là phức hệ chứa nước ngầm có mặt thoáng tự do, chiều dày trầm tích thay đổi từ 40 – 70 m, trữ lượng nhỏ, chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt về mặt vi sinh.

- Phức hệ chứa nước lỗ hổng trầm tích Pleistoxen: là phức hệ chứa nước thuộc dạng lỗ hổng, độ sâu từ 80 – 150 m, trữ lượng nước thay đổi theo từng khu vực với tổng trữ lượng khoảng 716.440 m³/ngày, chất lượng nước tốt. Đây là tầng có trữ lượng nước lớn nhất nhưng do phân bố không đều nên chỉ thích hợp cho khai thác quy mô nhỏ và phải thăm do kỹ trước khi khai thác.

- Phức hệ chứa nước vỉa lỗ hổng trầm tích Plioxen: chiều dày trầm tích thay đổi từ 130 – 180 m, trữ lượng nước phong phú với tổng trữ lượng khoảng 361.300 m³/ngày nhưng do nước có độ khoáng hóa cao (1,28 - 9,40 mg/l), có khi lên tới 21,56 mg/l nên không đủ tiêu chuẩn nước sinh hoạt cho thành phố.

- Phức hệ chứa nước vỉa lỗ hổng trầm tích Mioxen: chiều dày trầm tích thay đổi từ 450 – 500 m với tổng trữ lượng nước khoảng 273.600 m3/ngày. Đây là tầng nước có áp lực mạnh, độ khoáng hóa cao (1,49 - 3,92 mg/l), nhiệt độ cao (39 - 40 °C), có triển vọng khai thác nước khoáng.

4. Tài nguyên sinh học

Theo thống kê, toàn tỉnh Bạc Liêu có có 78 loài thực vật thuộc 38 họ, chủ yếu là cây đước (Rhizophoraceae), vẹt (Bruquiera), mấm (Avicennia marina), dà (Ceriops); động vật có 3 loài thú, 8 loài bò sát và lưỡng cư, 80 loài chim đầm lầy (chim nước), 25 loài tôm và 258 loài cá nước mặn… Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 2 vườn chim do nhà nước quản lý và các vườn chim tư nhân quản lý, phân bố tại huyện Phước Long, Đông Hải và thị xã Giá Rai với đa dạng sinh học phong phú.

Trong khi đó, tài nguyên sinh học khu vực thực hiện dự án chia làm 2 vùng đặc trưng:

- Vùng nội ô thành phố Bạc Liêu: bao gồm các phường 1, 2, 3, 5, 7, 8. Đây là các phường có tốc độ đô thị hóa cao nên hệ sinh thái mang tính đặc trưng của hệ sinh thái đô thị. Tính đa dạng của hệ sinh thái này khá nghèo nàn, chỉ bao gồm các loại động thực vật do con người trồng trọt và nuôi thả. Cụ thể tại khu vực thực hiện các hạng mục đầu tư của dự án, hệ sinh thái trên cạn chủ yếu bao gồm các động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, gà cùng các loại cây ăn trái (dừa nước, đu đủ,…), dây leo (rau muống, mướp,…), cây lấy bóng mát (tre, gòn,…) và một số dạng cây bụi như chó đẻ, khoai môn tía, bèo cái, cỏ lác, cỏ dại. Hệ sinh thái dưới nước cũng không mang tính đa dạng do các kênh rạch bị ô nhiễm. Các loài thực vật thủy sinh bao gồm: rau muống (do người dân canh tác), bèo tây, lục bình,… và trắm đen, rô phi, cá mè; loài giáp xác như tôm, cua; động vật thân mềm cùng một số loài nhuyễn thể là các động vật thủy sinh phát hiện trong môi trường nước kênh Xáng.

- Vùng ngoại ô thành phố Bạc Liêu bao gồm xã Hiệp Thành và phường Nhà Mát. Hệ sinh thái tại khu vực này mang tính đa dạng hơn. Loài thực vật chiếm ưu thế là cây đước (Rhizophoraceae), vẹt (Bruquiera), mấm (Avicennia marina). Đây là các loài thực vật đặc trưng cho vùng ngập nước. Động vật cũng thích nghi với các điều kiện này như chim nước, tôm và cá nước mặn.

5. Tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói chung, thành phố Bạc Liêu nói riêng hầu như không có các loại tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế và trữ lượng để đảm bảo khai thác công nghiệp.

Chỉ có vài loại khoáng sản vật liệu xây dựng với trữ lượng không lớn như cát san lấp, sét, gạch ngói, sa khoáng,...

6. Tài nguyên rừng

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 5.433,60 ha, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ (4.494,80 ha). Cây trồng chủ yếu là mấm trắng (Avicennia alba), cây đước (Rhizophora apiculata), cây tràm (Melaleuca cajuputy).

Rừng ở Bạc Liêu có hai loại sinh thái rừng đặc trưng của ĐBSCL là rừng ngập mặn ven biển và rừng ngập nước nội địa, trong đó rừng ngập mặn có năng suất sinh học cao, có giá trị về phòng hộ và môi trường. Hệ sinh thái rừng ngập mặn có hệ động, thực vật khá đa dạng về mặt sinh học.

7. Tài nguyên biển

Thành phố Bạc Liêu có 12,5 km bờ biển với vùng lãnh hải và thềm lục địa trải rộng. Vùng bãi triều là khu vực sinh sản của động vật hai mảnh vỏ như nghêu, sò,... Thành phố có cửa kênh 30/4 thông ra biển tại cửa biển Nhà Mát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cảng cá và khu neo đậu tàu trú bão. Tài nguyên biển phong phú là nguồn cung cấp nguồn thủy hải sản cho khu vực, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng ven bờ, tạo cảnh quan môi trường phát triển du lịch sinh thái.

Theo tài liệu, số liệu điều tra, vùng biển của thành phố Bạc Liêu nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung có hệ sinh thái đa dạng với trữ lượng hải sản lớn, phong phú về chủng loại với trên 600 loài cá, 33 loài tôm và hàng trăm loại mực cùng động vật nhuyễn thể khác. Nhiều loại hải sản có trữ lượng lớn và có giá trị kinh tế cao như tôm, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim, cá đường... Theo kết quả khảo sát của ngành thuỷ sản, trữ lượng cá, tôm của khu vực này vào khoảng 250 nghìn tấn, hàng năm có thể khai thác 50 - 60 nghìn tấn. Khu vực nước lợ ven biển tạo thành vùng sinh thái đặc thù có tiềm năng cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài nguồn lợi thuỷ sản, biển còn cung cấp lượng muối quan trọng cho công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Vào mùa khô, độ mặn nước biển lên tới 30‰, năng suất muối đạt 40 - 50 tấn/ha. Ngoài ra nguồn nước biển cũng là tài nguyên quý cho sự phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Trong những năm qua, nhờ khai thác hợp lý tài nguyên biển và ven biển, kinh tế thủy sản đã trở thành ngành mũi nhọn xuất khẩu và là động lực thúc đẩy phát triển toàn bộ nền kinh tế -xã hội của tỉnh Bạc Liêu nói chung và của thành phố Bạc Liêu nói riêng. Vùng ven biển thành phố Bạc Liêu chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ 8 km và cách đường Quốc lộ 1A 10 km, rất thuận lợi cho việc xây dựng khu du lịch Nhà Mát, là trung tâm lớn nhất của tuyến du lịch sinh thái ven biển. Khu vực biển Bạc Liêu còn là vị trí quan trọng đối với việc bảo vệ an ninh quốc phòng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hành chính

Thành phố Bạc Liêu có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 7 phường: 1, 2, 3, 5, 7, 8, Nhà Mát và 3 xã: Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông với 49 khóm và 18 ấp.

Ðơn vị hành chính cấp xã Phường
1
Phường
2
Phường
3
Phường
5
Phường
7
Phường
8
Phường
Nhà Mát

Hiệp Thành

Vĩnh Trạch

Vĩnh Trạch Đông
Diện tích (km²) 5,95 8,99 0,93 10,23 2,96 11,03 29 37,29 39,53 67,90
Dân số (người) 21.165 14.928 17.143 19.140 17.545 15.780 10.717 9.342 15.388 13.797
Mật độ dân số (người/km²) 3.577 1.661 18.433 1.871 5.927 1.431 370 251 390 203
Số đơn vị hành chính 7 khóm 6 khóm 8 khóm 8 khóm 6 khóm 8 khóm 6 khóm 4 ấp 8 ấp 6 ấp
Năm thành lập 2002 1991 1991 1991 1991 1991 2003 1987 1999 1999

Lịch sử

Thời Pháp thuộc

Nhà Công tử Bạc Liêu tại phường 3

Ngày 20 tháng 12 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh bỏ xưng danh địa hạt, đổi thành tỉnh, đại lý đổi thành quận. Ngày 1 tháng 1 năm 1900, sắc lệnh trên được áp dụng cho toàn Nam Kỳ, trong đó có hạt tham biện Bạc Liêu đổi thành tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh lỵ tỉnh Bạc Liêu đặt tại làng Vĩnh Lợi thuộc quận Vĩnh Lợi. Thời Pháp thuộc, làng Vĩnh Lợi vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Vĩnh Lợi và là tỉnh lỵ tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 18 tháng 12 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập các thị xã Bạc Liêu, Cần Thơ, Rạch Giá và Mỹ Tho trực thuộc các tỉnh cùng tên gọi. Các thị xã này đều có Ủy ban thị xã, thị trưởng do chủ tỉnh bổ nhiệm và có ngân sách riêng. Thị xã Bạc Liêu lúc đó được thành lập trên phần đất làng Vĩnh Lợi.

Đất miền Hậu Giang trù phú nên có nhiều phú nông. Dưới thời Pháp thuộc, nhiều gia đình hạng cự phú có con cái ăn tiêu phóng khoáng "thả cửa" nên danh từ "công tử Bạc Liêu" đã xuất hiện để chỉ giới dân chơi giàu có miền Lục tỉnh.

Giai đoạn 1956-1975

Việt Nam Cộng hòa

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh số 143-NV để " thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Nam Phần của Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Ba Xuyên được thành lập trên cơ sở hợp nhất phần đất tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu trước đó, tỉnh lỵ đặt tại Sóc Trăng nhưng lúc này lại bị đổi tên là "Khánh Hưng".

Như vậy, lúc này tỉnh Bạc Liêu đã bị giải thể, đồng thời xã Vĩnh Lợi chỉ còn đóng vai trò là quận lỵ quận Vĩnh Lợi.

Bạc Liêu thời Pháp thuộc rất sung túc, dân cư đông đảo, nổi tiếng là xứ ăn xài, lắm khách hào hoa phong nhã, chợ búa mua bán phồn thịnh, nền kinh tế dồi dào. Cho đến khi chính phủ Ngô Đình Diệm chấp chánh, tỉnh Bạc Liêu bị sáp nhập vào tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng cũ) trước kia thịnh vượng đông đảo bao nhiêu, bây giờ lại hóa ra u trệ bấy nhiêu. Vì bỗng dưng bị thu hẹp lại thành một quận là quận Vĩnh Lợi, trọn 9 năm châu thành Bạc Liêu lâm vào cảnh vắng vẻ, nền kinh tế bị sụp đổ, du khách có dịp đi ngang qua cảm tưởng cho là một tỉnh bị chiến tranh tàn phá.

Suốt 9 năm dưới thời chính quyền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Bạc Liêu từ một tỉnh phát triển mạnh ngày nào dưới thời Pháp thuộc thì giờ đây bị thu hình lại chỉ thành một quận lỵ nhỏ (tức quận Vĩnh Lợi). Thời Pháp thuộc, Cà Mau ngày nào chỉ là một quận lỵ nhỏ hơn nhiều tỉnh lỵ Bạc Liêu thì lúc này, Bạc Liêu lại trở thành quận lỵ Vĩnh Lợi nhỏ hơn cả tỉnh lỵ Quản Long (tức Cà Mau cũ). Do không nghiên cứu kỹ, nhắm mục đích tuyên truyền chính trị hơn là nghĩ đến lợi ích thiết thực của đại đa số quần chúng nhân dân, chính quyền Ngô Đình Diệm đã động phạm đến luật tự nhiên. Rốt cuộc thì vẫn phải trở về đường cũ.

Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Thủ tướng chính quyền mới của Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh số 254/NV quy định kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1964 tái lập tỉnh Bạc Liêu trên cơ sở tách các quận Vĩnh Lợi, Giá Rai, Vĩnh Châu của tỉnh Ba Xuyên và quận Phước Long của tỉnh Chương Thiện.

Tỉnh lỵ tỉnh Bạc Liêu khi đó lại có tên là Vĩnh Lợi, do lấy theo tên xã Vĩnh Lợi thuộc quận Vĩnh Lợi là nơi đặt tỉnh lỵ. Trong giai đoạn 1964-1975, xã Vĩnh Lợi vẫn tiếp tục giữ hai vai trò là quận lỵ quận Vĩnh Lợi và là tỉnh lỵ tỉnh Bạc Liêu như thời Pháp thuộc.

Chính quyền Cách mạng

Ngày 13 tháng 11 năm 1948, chính quyền cách mạng cắt 2 làng Vĩnh Trạch, Vĩnh Lợi để thành lập thị xã Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu. Năm 1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây giải thể tỉnh Bạc Liêu, đồng thời đưa thị xã Bạc Liêu giao về tỉnh Sóc Trăng quản lý. Trong gia đoạn 1964-1973, địa bàn tỉnh Bạc Liêu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn do tỉnh Sóc Trăng của chính quyền cách mạng quản lý, vì vậy thị xã Bạc Liêu lúc này vẫn thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Tháng 11 năm 1973, Khu uỷ Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, lúc này thị xã Bạc Liêu trở lại thuộc tỉnh Bạc Liêu cho đến đầu năm 1976. Địa bàn thị xã Bạc Liêu tương ứng với xã Vĩnh Lợi và xã Vĩnh Trạch cùng thuộc quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt thị xã Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu cho đến đầu năm 1976.

Từ năm 1976 đến nay

Tháng 2 năm 1976, tỉnh Minh Hải được thành lập trên cơ sở hai tỉnh Cà MauBạc Liêu trước đó. Lúc này, thị xã Bạc Liêu đổi tên thành thị xã Minh Hải và được chọn làm tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải. Tuy nhiên, thị xã Minh Hải (thị xã Bạc Liêu) chỉ đóng vai trò là tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải trong thời gian ngắn 1976-1984.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 326-CP[2] về việc phân vạch địa giới hành chính thị xã Minh Hải thuộc tỉnh Minh Hải. Theo đó, thị xã Minh Hải (tỉnh lỵ) có 8 phường và 7 xã ngoại thị, nhưng thực tế chỉ có 8 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 2 xã: Vĩnh Trạch, Vĩnh Lợi. Phía bắc giáp Rạch Trà Khứa và Ấp Cái Giá, phía đông giáp Rạch Cầu Thắng, phía tây giáp Rạch Dần Xây, phía nam giáp biển Đông đều thuộc huyện Vĩnh Lợi.

Ngày 25 tháng 07 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 275-CP[3] về việc điều chỉnh địa giới một số xã của thị xã Minh Hải thuộc tỉnh Minh Hải:

  1. Chia xã Vĩnh Trạch thành hai xã lấy tên là xã Vĩnh Thuận và xã Vĩnh Hòa.
  2. Chia xã Vĩnh Lợi thành hai xã lấy tên là xã Vĩnh Hiệp và xã Vĩnh Thành.

Ngày 17 tháng 5 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75-HĐBT[4] về việc đổi tên thị xã Minh Hải thành thị xã Bạc Liêu thuộc tỉnh Minh Hải.

Ngày 18 tháng 12 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 170-HĐBT[5] về việc chuyển tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau.

Một góc Thành phố Bạc Liêu

Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 33B-HĐBT[6] về việc sáp nhập xã Vĩnh Hiệp và xã Vĩnh Thành thành một xã lấy tên là xã Hiệp Thành thuộc thị xã Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải.

Ngày 2 tháng 2 năm 1991, địa giới hành chính thị xã Bạc Liêu tiếp tục có sự điều chỉnh: nhập phường 6 vào phường 5, nhập phường 4 vào phường 7, nhập phường 1 vào phường 3 và phường 8; nhập hai xã Vĩnh Thuận và Vĩnh Hòa thành một xã Thuận Hòa.

Ngày 06 tháng 11 năm 1996, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh,[7] theo đó chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Khi đó thị xã Bạc Liêu trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 25 tháng 8 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 82/1999/NĐ-CP[8] về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc thị xã Bạc Liêu. Theo đó, chia xã Thuận Hòa thành 2 xã: Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông.

Ngày 13 tháng 5 năm 2002, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 55/2002/NĐ-CP[9] về việc thành lập phường, xã thuộc thị xã Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, thành lập phường 1 thuộc thị xã Bạc Liêu trên cơ sở 582,6 ha diện tích tự nhiên và 17.568 nhân khẩu của phường 7.

Ngày 24 tháng 12 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 166/2003/NĐ-CP [10] về việc thành lập xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, thành lập phường Nhà Mát thuộc thị xã Bạc Liêu trên cơ sở 2.439 ha diện tích tự nhiên và 9.237 nhân khẩu của xã Hiệp Thành.

Ngày 5 tháng 2 năm 2007, thị xã Bạc Liêu được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 27 tháng 8 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 32/NQ-CP về việc thành lập thành phố Bạc Liêu trực thuộc tỉnh Bạc Liêu trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Bạc Liêu. Thành phố Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 17.538,19 ha và 188.863 nhân khẩu; có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 07 phường: 1, 2, 3, 5, 7, 8, Nhà Mát và 03 xã: Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông.[11]

Ngày 16 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 537/QĐ-TTg công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu[12].

Trước đây, thị xã Bạc Liêu vốn là một trong các đô thị lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng do bị mất vai trò tỉnh lỵ của tỉnh Minh Hải trong một thời gian dài (1985-1996), thị xã Bạc Liêu (ngày nay là thành phố Bạc Liêu) dần dần phát triển chậm hơn so với các thị xã khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến năm 2010, thi xã Bạc Liêu được nâng cấp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, muộn hơn nhiều so với các thị xã của các tỉnh khác trong khu vực. Tuy nhiên thành phố Bạc Liêu vẫn không ngừng cố gắng vươn lên phát triển, sau 4 năm nâng cấp lên thành phố (từ năm 2010 đến năm 2014) thành phố Bạc Liêu đã trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Kinh tế - xã hội

Thành phố có một cửa biển là cửa biển Nhà Mát thuộc phường Nhà Mát. Ở đây còn có khu du lịch Quán Âm Phật Đài (thường gọi Phật bà Nam Hải). Theo tín ngưỡng của những người đi biển, Phật bà Nam Hải đã chở che cho họ rất nhiều trong lúc họ hoạt động, làm ăn trên biển. Nơi đây đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu, thu hút hàng ngàn du khách đến viếng, thưởng ngoạn mỗi năm, nhất là vào dịp Vía Bà vào các ngày 22, 23, 24 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Bên cạnh khu du lịch Quán âm Phật đài, thành phố còn đang xây dựng một khu du lịch mới cũng ở phường Nhà Mát. Ngoài ra, thành phố Bạc Liêu còn có khu du lịch Vườn nhãn Bạc Liêu với những cây nhãn cổ thụ và giống nhãn Vĩnh Châu nổi tiếng thơm ngon, có cánh đồng điện gió với 62 trụ điện gió to lớn giữa biển khơi tại khu vực xã Vĩnh Trạch Đông.

Về nông nghiệp, thành phố phát triển ngành nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanhtôm sú trên địa bàn các xã ngoại thành như Vĩnh TrạchVĩnh Trạch Đông, nghề đánh bắt hải sản cũng khá phổ biến tại các xã, phường giáp biển.

Về công nghiệp, trên địa bàn thành phố có một số khu, cụm công nghiệp dạng vừa như khu công nghiệp Trà Kha và cụm công nghiệp Nhà Mát.

Thành phố Bạc Liêu có 3 dân tộc chính: Kinh, KhmerHoa. Do đó văn hoá ẩm thực của địa phương này cũng khá đa dạng, nhiều món ăn được biết tới như: bánh xèo, bún nước lèo, bún bò cay,...

Dân số

Thành phố Bạc Liêu có diện tích là 213,80  km2, dân số năm 2018 là 157.389 người. Trong đó dân số sống ở thành thị là 118.689 người chiếm tỉ lệ 75,41% và dân số sống ở nông thôn là 38.700 người chiếm tỉ lệ 24,59%. Mật độ dân số của đạt 736 người/km2. Năm 2016, dân số toàn thành phố là 155.874 người, trong đó dân tộc Kinh 123.432 người, dân tộc Hoa 15.702 người, dân tộc Khmer 17.044 người, dân tộc khác 51 người.

Dân số Thành phố Bạc Liêu qua các năm 2010 - 2018
Năm
Thành thị
Nông thôn
Tổng
2010
112.376
37.577
149.953
2014
115.874
38.280
154.154
2015
116.656
38.538
155.194
2016
117.285
38.589
155.874
2017
118.046
38.558
156.604
2018
118.689
38.700
157.389
Nguồn: Cục thống kê Tỉnh Bạc Liêu 2018

Du lịch

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông

Thành phố Bạc Liêu có 8 địa điểm du lịch tiêu biểu, bao gồm:

  • Quảng trường Hùng Vương

Địa chỉ: đường Nguyễn Tất Thành, khóm 7, phường 1, thành phố Bạc Liêu

  • Khu du lịch sinh thái Hồ Nam - Bạc Liêu

Địa chỉ: Số 01, đường Trần Quang Diệu, khóm 10, phường 1, thành phố Bạc Liêu

  • Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Địa chỉ: đường Ninh Bình, khóm 4, phường 2, thành phố Bạc Liêu

  • Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu

Địa chỉ: Số 04-06, đường Hoàng Văn Thụ, khóm 1, phường 3, thành phố Bạc Liêu

  • Khu nhà Công tử Bạc Liêu

Địa chỉ: số 13, đường Điện Biên Phủ, khóm 1, phường 3, thành phố Bạc Liêu

  • Khu du lịch Nhà Mát - Bạc Liêu

Địa chỉ: khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu

  • Khu du lịch Quán âm Phật Đài

Địa chỉ: khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu

  • Khu du lịch Điện Gió Bạc Liêu

Địa chỉ: ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu

Nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Bạc Liêu:

Ngày 7/2/2015, hai xã Vĩnh Trạch và Hiệp Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Thành phố Bạc Liêu có 2/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngày 12/8/2015, xã Vĩnh Trạch được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới năm 2015, là xã đầu tiên của thành phố Bạc Liêu.

Ngày 16/12/2016, xã Hiệp Thành được công nhận xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới năm 2015.

Ngày 28/1/2018, xã Vĩnh Trạch Đông được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới và xã đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2017. Thành phố Bạc Liêu có 3/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngày 28/8/2018, thành phố Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 3/3 xã đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thành phố Bạc Liêu đang chỉ đạo cho các xã phấn đấu để nâng chất các tiêu chí hướng dần đến xây dựng các xã trở thành xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đồng thời chọn xã Hiệp Thành làm xã điểm trong chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Giao thông

Giao thông đường bộ

Đường phố ở thành phố Bạc Liêu

Thành phố Bạc Liêu cách Thành phố Hồ Chí Minh 280 km, cách thành phố Cà Mau 67 km về phía Tây Bắc, cách thành phố Cần Thơ 110 km về phía Nam (theo Quốc lộ 1A).

Quốc lộ 1A: Đi qua phía Bắc thành phố, kết nối các tỉnh trong vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với giao điểm quan trọng đường Hùng Vương, đường Trần Phú. Mặt đường rộng 12m, thảm bêtông nhựa.

Tuyến Nam Sông Hậu: Kết nối TP.Bạc Liêu với tỉnh Sóc Tăng, đường đạt tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 46m, nền đường 12m. Đoạn qua thành phố Bạc Liêu có nền đường rộng từ 33m (mặt đường rộng 2x9m) đến 42m (mặt đường rộng 2x12m), mới tráng nhựa 2 lớp.

Đường ĐT977 (đường Giồng Nhãn - Gò Cát): nối TP. Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng, đến huyện Đông Hải- tỉnh Bạc Liêu (điểm đầu tại xã Vĩnh Trạch Đông - TP. Bạc Liêu, kết thúc tại ngã 3 Gò Cát, xã Long Điền Tây - huyện Đông Hải. Nền đường 6m, mặt đường 3,5m.

Đường ĐT977B (đường Thuận Hòa - Xiêm Cán): Nền đường 6,5m, mặt đường 3,5m.

Đường ĐH36 (tuyến đê biển Đông): Là tuyến đường ven biển của tỉnh Bạc Liêu, đoạn qua TP. Bạc Liêu dài 12 km.

Giao thông nội thị

- Đường 23-8: Là trục chính đô thị, từ đường Trần Phú đến Cầu Sập, chiều dài 4 km, lộ giới 31m.

- Đường Trần Phú: Là trục chính hướng tâm, đoạn từ đường vành đai đến đường Bà Triệu, lộ giới 31m; đoạn từ Bà Triệu đến Hai Bà Trưng lộ giới 32,5m; đoạn từ Hai Bà Trưng đến cầu Kim Sơn lộ giới 33,5m.

- Đường Cao Văn Lầu và đường Bạch Đằng: Là trục chính nối từ cầu Kim Sơn đến cầu Nhà Mát. Chiều dài 8,639 km, lộ giới từ 30-58m.

- Đường Trần Huỳnh: Là trục ngang chính, từ đường Võ Thị Sáu đến kênh Xáng, lộ giới 26,5m.

- Đường Võ Thị Sáu: Đoạn từ đường 23-8 đến đường Trần Huỳnh lộ giới 26,5m, đoạn từ đường Trần Huỳnh đến Bà Triệu lộ giới 21m, đoạn từ đường Bà Triệu đến cầu Bạc Liêu lộ giới 26,5m.

- Đường Nguyễn Thị Minh Khai: Là trục ngang chính lộ giới 26,5m.

- Đường Hai Bà Trưng, đường Hòa Bình: lộ giới 26,5m.

- Có các cầu: cầu Kim Sơn (cầu Quay hoặc Bạc Liêu 1), cầu Bạc Liêu 3 (cầu Tôn Đức Thắng), cầu Bạc Liêu, cầu Xáng, cầu Kè, cầu Vườn Chim, cầu Trường Sơn, cầu Nhà Mát.

Các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố:

Tên đường của thành phố Bạc Liêu trước năm 1975

  • Đường Độc Lập nay là đường Trần Phú
  • Đường Hoàng Văn Thụ nay là đường Lê Hồng Nhi
  • Đường Mạc Đĩnh Chi nay là đường Cao Văn Lầu
  • Đường Thống Nhất, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Công Trứ nay đường Thống Nhất
  • Đường Nguyễn Thái Học nay là đường Võ Thị Sáu
  • Đường Bạch Đằng, Đào Duy Từ, Trịnh Hoài Đức nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai
  • Đường Thành Thái nay là đường Lê Hồng Phong
  • Đường Duy Tân nay là đường Nguyễn Văn Trỗi
  • Đường Nguyễn Trung Trực, Tô Hiến Thành nay là đường Phùng Ngọc Liêm
  • Đường Nguyễn Trãi nay là đường Hồ Thị Kỷ
  • Đường Đồng Khánh nay là đường Nguyễn Văn A
  • Đường Thái Lập Thành nay là đường Điện Biên Phủ
  • Đường Phan Châu Trinh nay là đường Hà Huy Tập
  • Đường Trưng Trắc, Trưng Nhị nay là đường Hai Bà Trưng
  • Đường Đinh Tiên Hoàng nay là đường Phan Đình Phùng
  • Đường Lê Lợi, Trương Công Định nay là đường Lê Lợi
  • Đường Võ Tánh nay là đường Ngô Gia Tự
  • Đường Trương Vĩnh Ký nay là đường Hoàng Văn Thụ
  • Đường Phan Thanh Giản nay là đường Phan Ngọc Hiển
  • Đường Dân Chủ nay là đường Ninh Bình
  • Đường Tự Do nay là đường Minh Diệu
  • Đường Minh Mạng nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Giao thông thủy

Biển Đông: Nằm ở phía Nam TP.Bạc Liêu, tạo điều kiện giao lưu quốc tế và phát triển du lịch.

Kênh Cà Mau - Bạc Liêu: Do Trung ương quản lý, điểm đầu từ Sóc Trăng đến Cà Mau, đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 48,5 km, chiều rộng 40m, chiều sâu 7m, sông cấp III.

Kênh Cổ Cò - Bạc Liêu: điểm đầu từ Sóc Trăng đến Cà Mau, đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 18 km, chiều rộng 40m, chiều sâu 7m, sông cấp III (Trung ương quản lý).

Kênh Cầu Sập - Ngan Dừa: Kênh cấp V do Tỉnh quản lý, kênh bắt đầu từ kênh Phụng Hiệp đến kênh Cà Mau - Bạc Liêu, chiều rộng 20m, chiều sâu 1,2m.

Kênh 30-4: Kênh cấp V do Tỉnh quản lý, kênh thuộc TP. Bạc Liêu, bắt đầu từ sông Bạc Liêu ra biển Đông, chiều dài 8,8 km, chiều rộng 20m, chiều sâu 1,2m.

Các công trình đầu mối giao thông

Đường bộ: Hiện có bến xe khách liên tỉnh tại phường 7, TP. Bạc Liêu.

Đường thủy: Có cửa sông, biển Nhà Mát có khả năng xây dựng cảng biển, cảng du lịch điều kiện để phát triển giao thông biển.

Thành phố kết nghĩa

Một góc thành phố Ninh Bình

Liên kết ngoài

Chú thích

  1. ^ “Vietnam Building Code Natural Physical & Climatic Data for Construction” (PDF). Vietnam Institute for Building Science and Technology. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2018.
  2. ^ Quyết định 326-CP năm 1979 phân vạch địa giới các huyện và thị xã thuộc tỉnh Minh Hải do Hội đồng Chính phủ ban hành
  3. ^ Quyết định 275-CP năm 1979 điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Minh Hải do Hội đồng Chính phủ ban hành
  4. ^ Quyết định 75-HĐBT năm 1984 phân vạch địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Minh Hải do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
  5. ^ Quyết định 170-HĐBT năm 1984 về việc chuyển tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải về thị xã Cà Mau do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
  6. ^ Quyết định 33B-HĐBT năm 1987 về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường, thị trấn của các thị xã Bạc Liêu, Cà Mau và các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân, Thới Bình, Trần Văn Thời thuộc tỉnh Minh Hải do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
  7. ^ Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh do Quốc hội ban hành
  8. ^ Nghị định 82/1999/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc thị xã Bạc Liêu và các huyện Hồng Dân, Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu
  9. ^ Nghị định 55/2002/NĐ-CP về việc thành lập phường, xã thuộc thị xã Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu
  10. ^ [http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-dinh-166-2003-ND-CP-thanh-lap-xa-phuong-thuoc-huyen-Vinh-Loi-Phuoc-Long-Hong-Dan-Gia-Rai-Dong-Hai-va-thi-xa-Bac-Lieu-tinh-Bac-Lieu-vb6262t11.aspx Nghị định 166/2003/NĐ-CP về việc thành lập xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hảithị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
  11. ^ [1]
  12. ^ Quyết định 537/QĐ-TTg năm 2014 công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu do Thủ tướng Chính phủ ban hành