Cổng thông tin:Nghệ thuật/Bài viết/Lưu trữ/2
Hotel Chevalier
Hotel Chevalier là một bộ phim ngắn công chiếu vào năm 2007, do Wes Anderson viết kịch bản và đạo diễn. Với sự tham gia diễn xuất của Jason Schwartzman cùng Natalie Portman trong vai đôi tình nhân cũ gặp nhau trong một khách sạn ở Paris, bộ phim dài 13 phút này là phần mở đầu cho The Darjeeling Limited, một bộ phim khác cũng do Wes Anderson đạo diễn. Hotel Chevalier được quay tại một khách sạn ở Paris chỉ với một đoàn làm phim nhỏ và đạo diễn Wes Anderson cũng chính là người chịu kinh phí sản xuất.
Được trình chiếu vào ngày 2 tháng 9 tại Liên hoan phim Venezia 2007 cùng The Darjeeling Limited, Hotel Chevalier sau đó có buổi ra mắt riêng tại các Apple Store ở bốn thành phố của Hoa Kỳ. Một ngày sau buổi ra mắt, bộ phim được đưa lên iTunes Store cho tải miễn phí trong vòng một tháng và đã có 500 nghìn lượt tải về. Hotel Chevalier là phim ngắn gây được nhiều chú ý trong năm 2007, được đánh giá cao hơn chính The Darjeeling Limited. Nhiều nhà phê bình đã ngợi khen Hotel Chevalier như một bộ phim sâu sắc, phong phú, được dựng tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
How Brown Saw the Baseball Game
How Brown Saw the Baseball Game là một bộ phim câm ngắn thuộc thể loại hài của Mỹ được sản xuất và phát hành vào năm 1907 bởi Công ty Sản xuất Lubin. Bộ phim theo chân một người hâm mộ bóng chày tên là Brown. Ông uống rất nhiều rượu trước khi xem một trận bóng chày và trở nên say đến nỗi ông trông thấy trận đấu như chuyển động ngược lại. Trong quá trình sản xuất, để đạt được hiệu ứng này, nhà làm phim đã sử dụng một kỹ thuật đặc biệt.
Bộ phim được phát hành vào tháng 11 năm 1907 và nhận được những đánh giá tích cực trong số phát hành năm 1908 của tạp chí điện ảnh The Moving Picture World, cho biết bộ phim đã thành công và "thực sự hài hước". Tính đến năm 2015, không ai chắc chắn tồn tại bất cứ một bản phát hành của bộ phim, cũng như danh tính của dàn diễn viên và đoàn làm phim. Các nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh đã ghi nhận những điểm tương đồng giữa cốt truyện của How Brown Saw the Baseball Game và bộ phim hài How the Office Boy Saw the Ball Game của đạo diễn Edwin S. Porter phát hành năm 1906.
James Dean
James Byron Dean (8 tháng 2 năm 1931 – 30 tháng 9 năm 1955) là một nam diễn viên người Mỹ. Dean được biết đến như một huyền thoại của lịch sử điện ảnh Hollywood, đại diện cho những thay đổi của giới trẻ và tầng lớp xã hội Mỹ thập niên 1950. Bộ phim gắn liền với tên tuổi của anh là Rebel Without a Cause với vai diễn một cậu thanh niên cố gắng hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa và bất bình với những ý kiến của bố mẹ mình, phản ánh khoảng cách thế hệ cũng như những thay đổi trong nhận thức thanh thiếu niên Mỹ đương thời. Hai vai diễn lớn khác bao gồm vai chính trong phim East of Eden và phim Giant.
Sau cái chết vì tai nạn xe hơi năm 1955, Dean trở thành diễn viên đầu tiên nhận được đề cử giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất sau khi qua đời. Năm 1999, anh được Viện phim Mỹ xếp hạng 18 trong danh sách những ngôi sao vĩ đại nhất của lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ. Dù sự nghiệp ngắn ngủi chỉ với ba bộ phim thủ vai chính, nam diễn viên được vinh danh như một biểu tượng văn hóa đại chúng Mỹ thập niên 1950 với vai trò là người khởi đầu trào lưu "thanh niên nổi loạn" và phong cách thời trang "cool". Ảnh hưởng của tài tử Hollywood còn lan tới nền âm nhạc rock và rock and roll của thế hệ sau này.
Katsudō Shashin
Katsudō Shashin là một đoạn phim anime và là tác phẩm lâu đời nhất được biết đến của nền hoạt hình Nhật Bản. Có bằng chứng cho thấy đoạn phim được tạo ra trước năm 1912, có thể trước cả khi những bộ phim hoạt hình phương Tây đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản. Người ta vẫn đang tranh luận liệu có nên xem nó là tác phẩm khởi đầu của lịch sử anime hiện đại hay không.
Không rõ ai là tác giả của đoạn phim này. Nó được tìm thấy trong một bộ sưu tập phim ảnh và máy chiếu ở Kyōto vào năm 2005. Đoạn phim dài ba giây, mô tả một cậu bé viết các chữ kanji "活動写真", sau đó nhấc mũ lên chào. Những khung hình được in lưới màu với hai màu đỏ-đen bằng cách sử dụng một thiết bị tạo ra các hình chiếu đèn lồng ma thuật. Cuộn phim được ghép nối thành một vòng lặp để chiếu liên tục.
Kỵ sĩ bóng đêm
Kỵ sĩ bóng đêm là một bộ phim điện ảnh siêu anh hùng năm 2008 do Christopher Nolan làm đạo diễn, sản xuất và đồng biên kịch. Dựa trên nhân vật truyện tranh Batman của DC Comics, tác phẩm là phần thứ hai trong loạt phim điện ảnh bộ ba The Dark Knight của Nolan cũng như phần tiếp nối của Huyền thoại Người Dơi năm 2005. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên như Christian Bale, Michael Caine, Heath Ledger, Gary Oldman, Aaron Eckhart, Maggie Gyllenhaal và Morgan Freeman. Trong Kỵ sĩ bóng đêm, Bruce Wayne / Batman, James Gordon và công tố viên quận Harvey Dent tạo thành một liên minh chống tội phạm có tổ chức ở Thành phố Gotham nhưng bộ ba bị đe dọa bởi một kẻ chủ mưu vô chính phủ có biệt danh Joker, khi hắn tìm cách phá hoại ảnh hưởng của Batman và khiến thành phố trở nên hỗn loạn.
Cảm hứng làm phim của Nolan đến từ các cuốn truyện tranh về Joker ra mắt năm 1940, cuốn graphic novel The Killing Joke và loạt truyện The Long Halloween kể về nguồn gốc của Two-Face. Biệt hiệu "Dark Knight" lần đầu được dùng để chỉ nhân vật Batman trong Batman #1, trong một truyện ngắn của tác giả Bill Finger. Kỵ sĩ bóng đêm được quay chính ở Chicago cũng như tại một số địa điểm khác ở Anh Quốc, Hoa Kỳ và Hồng Kông. Nolan đã sử dụng máy quay 70 mm IMAX để ghi hình một số phân cảnh, bao gồm cả cảnh xuất hiện đầu tiên của Joker trong phim. Lúc đầu hãng Warner Bros. từng tạo ra một chiến dịch tiếp thị lan truyền cho Kỵ sĩ bóng đêm thông qua việc phát triển các website quảng bá và những tấm ảnh chụp màn hình nổi bật trong các đoạn trailer về vai Joker của Ledger. Ledger qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 2008 chỉ vài tháng sau khi phim đóng máy và sáu tháng trước khi phim chiếu rạp vì bị sốc thuốc do dùng thuốc quá liều, dẫn đến rất nhiều sự chú ý từ giới báo chí và khán giả yêu điện ảnh.
Little Miss Sunshine
Little Miss Sunshine là một bộ phim hài kịch đen xen lẫn chính kịch Mỹ sản xuất năm 2006, đạo diễn bởi vợ chồng Jonathan Dayton và Valerie Faris. Bộ phim nói về chuyến hành trình 800 dặm bằng ô tô của một gia đình từ Albuquerque, New Mexico đến Redondo Beach, California để cô bé Olive tham gia cuộc thi hoa hậu nhí Little Miss Sunshine. Phim còn có diễn xuất của Greg Kinnear, Steve Carell, Toni Collette, Paul Dano và Alan Arkin.
Kịch bản phim do Michael Arndt đảm nhận, với kinh phí sản xuất 8 triệu USD cùng hãng Big Beach Films. Phim khởi quay ngày 6 tháng 6 năm 2006 và kéo dài 30 ngày ở Arizona và Nam California. Tác phẩm ra mắt tại Liên hoan phim Sundance ngày 20 tháng 1 năm 2006, trước khi phát hành rộng rãi tại Hoa Kỳ ngày 18 tháng 8. Phim nhận phản hồi tích cực từ cả giới phê bình và công chúng. Bộ phim đã đạt doanh thu tổng cộng hơn 100 triệu USD đồng thời có được hai giải Oscar cho kịch bản gốc và vai nam phụ.
Mùi cỏ cháy
Mùi cỏ cháy là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội và chiến tranh công chiếu vào năm 2012. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội là: Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hi sinh còn Hoàng thì may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa.
Mùi cỏ cháy do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Kịch bản của phim do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đảm nhiệm, dựa trên quyển nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Khởi quay từ tháng 12 năm 2010, bộ phim được đặc cách tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, được công chiếu giới thiệu tại Lễ Khai mạc tuần phim và đoạt giải Bông Sen Bạc.
Ngày 17 tháng 3 năm 2012, phim đã được trao 4 giải Cánh diều vàng cho phim điện ảnh xuất sắc, âm nhạc xuất sắc cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, biên kịch xuất sắc cho Hoàng Nhuận Cầm và quay phim xuất sắc nhất cho Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà tại Lễ giải Cánh Diều Vàng năm 2011. Bộ phim được Cục Điện ảnh chọn chiếu khai mạc đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn tháng 4–5 năm 2012 và tiếp tục công chiếu trong tuần phim kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Phim cũng được phát hành DVD bởi Hãng phim Phương Nam vào năm 2012.
Người đẹp và quái vật (phim 1991)
Người đẹp và quái vật là phim điện ảnh hoạt hình mang yếu tố nhạc kịch và kỳ ảo lãng mạn của Mỹ năm 1991 do xưởng phim Walt Disney Animation Studios sản xuất và hãng Walt Disney Pictures chịu trách nhiệm phát hành. Tác phẩm là phim điện ảnh hoạt hình thứ 30 của Disney và bộ phim thứ ba phát hành trong thời kì Phục hưng của Disney, dựa trên câu chuyện cổ tích cùng tên của nữ nhà văn người Pháp Jeanne-Marie Leprince de Beaumont và những ý tưởng từ phim điện ảnh cùng tên của Pháp năm 1946 do Jean Cocteau đạo diễn. Nội dung phim kể về mối tình lãng mạn giữa Quái thú, chàng hoàng tử bị biến thành một con quái thú gớm ghiếc, còn những người hầu của chàng bị biến thành các vật dụng gia đình—một sự trừng phạt vì sự độc ác và ích kỷ của chàng và Belle, cô gái trẻ xinh đẹp bị Quái thú giam giữ trong lâu đài của mình. Để có thể trở lại thành người, Quái thú phải học cách yêu Belle và chiếm được tình yêu của nàng, trước khi cánh hoa cuối cùng từ bông hoa hồng phép thuật mà một bà phù thủy gieo lời nguyền lên Quái thú rụng xuống, hoặc Quái thú sẽ vẫn ở trong hình hài này vĩnh viễn. Phim còn có sự tham gia lồng tiếng của Richard White, Jerry Orbach, David Ogden Stiers và Angela Lansbury.
Walt Disney từng có lần đầu chuyển thể Người đẹp và quái vật thành phim hoạt hình không thành công trong các thập niên 1930 và 1950. Tiếp nối thành công của Nàng tiên cá, Walt Disney Pictures quyết định chuyển thể câu chuyện cổ tích này, với Richard Purdum dự định thực hiện một tác phẩm không có yếu tố nhạc kịch. Cuối cùng chủ tịch của Disney lúc đó là Jeffrey Katzenberg đã gạt bỏ ý tưởng của Purdum, thay vào đó ông đề nghị chuyển thể câu chuyện thành một bộ phim nhạc kịch giống như Nàng tiên cá. Phim do Gary Trousdale và Kirk Wise đạo diễn, với kịch bản do Linda Woolverton chắp bút cùng cốt truyện ghi nhận Roger Allers đầu tiên. Nhà viết ca từ Howard Ashman và nhà soạn nhạc Alan Menken là những người sáng tác các bài hát trong phim. Ngoài ra Ashman cũng đảm nhận vị trí giám đốc sản xuất phim, nhưng ông đã qua đời vì những biến chứng liên quan đến AIDS tám tháng trước khi phim ra rạp, do đó bộ phim được đề tặng để tri ân ông.
Người Nhện: Vũ trụ mới
Người Nhện: Vũ trụ mới là một bộ phim điện ảnh hoạt hình máy tính siêu anh hùng năm 2018 của Mỹ lấy nhân vật Miles Morales của Marvel Comics làm trung tâm. Tác phẩm do hai hãng Columbia Pictures và Sony Pictures Animation hợp tác sản xuất cùng Marvel, với Sony Pictures Releasing chịu trách nhiệm phân phối. Đây là phim điện ảnh hoạt hình đầu tiên thuộc thương hiệu Người Nhện, với Bob Persichetti, Peter Ramsey và Rodney Rothman đảm nhiệm vị trí đạo diễn, cùng phần kịch bản do Phil Lord và Rothman chắp bút. Phim có sự tham gia lồng tiếng của Shameik Moore trong vai nhân vật chính Miles Morales / Spider-Man, cùng với Jake Johnson, Hailee Steinfeld, Mahershala Ali, Brian Tyree Henry, Lily Tomlin, Luna Lauren Velez, John Mulaney, Kimiko Glenn, Nicolas Cage và Liev Schreiber trong vai các nhân vật phụ. Lấy bối cảnh trong một đa vũ trụ mang tên "Spider-Verse", Miles Morales bất đắc dĩ trở thành một Spider-Man mới; và cậu cùng với những Spider-Man từ các chiều không gian khác sẽ hợp tác với nhau để giải cứu Thành phố New York khỏi kẻ phản diện Kingpin.
Thông tin về kế hoạch thực hiện tác phẩm hoạt hình cho Spider-Man của Phil Lord và Christopher Miller bắt đầu xuất hiện từ năm 2014 và chính thức được công bố vào tháng 4 năm 2015. Persichetti, Ramsey và Rothman cùng tham gia vào dự án trong khoảng thời gian hai năm sau đó, còn Moore và Schreiber được tuyển vào dàn diễn viên lồng tiếng vào tháng 4 năm 2017. Lord và Miller muốn phát triển tác phẩm theo phong cách hoạt họa độc đáo, kết hợp giữa hoạt hình máy tính và kỹ thuật vẽ truyện tranh truyền thống lấy cảm hứng từ các tác phẩm của họa sĩ Sara Pichelli, một trong những người đã tạo ra nhân vật Miles Morales. Đội ngũ làm phim của dự án cần tới 140 nghệ sĩ hoạt hình; đây cũng là đội ngũ làm phim điện ảnh hùng hậu nhất trong lịch sử làm phim của Sony Pictures Animation. Người Nhện: Vũ trụ mới là lời tri ân tới hai cố họa sĩ Stan Lee và Steve Ditko—cha đẻ của Spider-Man; cả hai đều đã qua đời vào năm 2018.
Người Sắt (phim 2008)
Người Sắt là một bộ phim điện ảnh đề tài siêu anh hùng của Mỹ năm 2008 dựa trên nhân vật truyện tranh cùng tên của Marvel Comics. Phim do hãng Marvel Studios sản xuất và Paramount Pictures chịu trách nhiệm phân phối, đồng thời là bộ phim đầu tiên trong loạt phim điện ảnh thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Người Sắt do Jon Favreau đạo diễn, với phần kịch bản do đội ngũ biên kịch gồm Mark Fergus và Hawk Ostby cùng Art Marcum và Matt Holloway chấp bút. Trong phim, nam diễn viên Robert Downey Jr. thủ vai Tony Stark / Người Sắt, cùng với đó là sự tham gia diễn xuất của Terrence Howard, Jeff Bridges, Shaun Toub và Gwyneth Paltrow. Nội dung của Người Sắt xoay quanh Tony Stark, một kỹ nghệ gia kiêm kỹ sư thiên tài, sau khi trải qua một tai nạn nguy hiểm đến tính mạng đã chế tạo nên một bộ giáp siêu năng lực và trở thành Người Sắt, một siêu anh hùng với trang bị tân tiến.
Trước khi Marvel Studios sở hữu bản quyền vào năm 2006, Người Sắt đã được phát triển từ năm 1990 tại Universal Studios, 20th Century Fox và New Line Cinema trong các giai đoạn khác nhau. Đây là dự án điện ảnh đầu tiên mà Marvel tự chủ về mặt tài chính, với Paramount Pictures đóng vai trò làm đơn vị phát hành phim. Theo linh cảm của riêng mình, Favreau đã đồng ý ký hợp đồng cho vị trí đạo diễn của bộ phim. Các địa điểm quay phim mà ông chọn chủ yếu thuộc tiểu bang California, còn bối cảnh Bờ Tây ở trong nguyên tác truyện tranh bị ông từ chối nhằm phân biệt phim với nhiều tác phẩm siêu anh hùng lấy bối cảnh tại Thành phố New York khác. Phim khởi quay vào tháng 3 năm 2007 và đóng máy vào tháng 6 cùng năm. Trong thời gian quay phim, các diễn viên được phép tự do sáng tạo lời thoại của mình do giai đoạn tiền kỳ chủ yếu tập trung vào phần cốt truyện và các phân cảnh hành động hơn. Phiên bản cao su và kim loại của bộ giáp do công ty của Stan Winston chế tạo được kết hợp công nghệ CGI để tạo ra nhân vật Người Sắt.
Người tiễn đưa (phim 2008)
Người tiễn đưa là một bộ phim chính kịch được đạo diễn bởi Takita Yōjirō và có sự góp mặt của Motoki Masahiro, Hirosue Ryōko và Yamazaki Tsutomu. Được dựa theo Coffinman, một cuốn hồi ký của Aoki Shinmon, bộ phim dõi theo một người đàn ông trẻ, người quay trở lại quê nhà sau khi trải qua một sự nghiệp nghệ sĩ chơi cello không thành công và tình cờ nhận được công việc của một nōkanshi-một người chuyên làm dịch vụ tẩm liệm và thực hiện các nghi thức trong một tang lễ theo truyền thống của Nhật Bản. Anh chịu định kiến bất lợi từ những người xung quanh, kể cả từ người vợ của mình, vì những điều cấm kỵ xã hội mạnh mẽ chống lại những người đối mặt với cái chết. Cuối cùng, anh giành được sự tôn trọng từ họ và hiểu được tầm quan trọng của các kết nối giữa các cá nhân thông qua vẻ đẹp và phẩm giá của công việc của mình.
Ý tưởng cho Người tiễn đưa nảy sinh sau khi Motoki, bị ảnh hưởng sau khi xem một tang lễ dọc theo sông Hằng khi du lịch Ấn Độ, đọc nhiều về chủ đề cái chết và xem qua Coffinman. Ông cảm thấy câu chuyện sẽ thích nghi tốt với bộ phim và Người tiễn đưa được hoàn thành một thập niên sau đó. Bởi những định kiến của người Nhật đối với những người thực hiện công việc tiếp xúc với người chết, các nhà phân phối đã chỉ miễn cưỡng cho ra mắt bộ phim—cho đến khi nó bất ngờ giành được một chiến thắng lớn tại Liên hoan phim thế giới Montreal vào tháng 8 năm 2008. Tháng tiếp theo, bộ phim được công chiếu tại Nhật Bản, nơi nó tiếp tục thắng Giải thưởng Viện hàn lâm cho Phim của năm và trở thành bộ phim trong nước có doanh thu cao nhất của năm. Thành công này đã đạt đỉnh trong năm 2009, khi nó trở thành bộ phim đầu tiên do Nhật Bản sản xuất thắng Giải Oscar cho Phim ngoại ngữ hay nhất. Tại Việt Nam, Liên hoan phim Nhật Bản "Thổi làn gió mới! Phim truyện và hoạt hình Nhật Bản 2013" đã trình chiếu bộ phim dưới tựa đề tiếng Việt chính thức là Người tiễn đưa.
Nữ hoàng băng giá (phim 2013)
Nữ hoàng băng giá là phim điện ảnh nhạc kịch kỳ ảo sử dụng công nghệ hoạt hình máy tính của Mỹ do Walt Disney Animation Studios sản xuất và Walt Disney Pictures phát hành vào năm 2013. Đây là bộ phim hoạt hình chiếu rạp thứ 53 trong series Walt Disney Animated Classics. Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Bà chúa Tuyết của nhà văn Hans Christian Andersen, bộ phim kể về một nàng công chúa dũng cảm lên đường dấn thân vào một cuộc hành trình gian khó với một anh chàng miền núi cường tráng, dễ rung động nhưng ban đầu hơi thô lỗ, cùng chú tuần lộc trung thành của mình và một chàng người tuyết vui nhộn tình cờ gặp để đi tìm người chị gái đang phải sống một mình trên núi, một nữ hoàng sở hữu sức mạnh tạo ra băng giá đã vô tình khiến cả vương quốc chìm trong mùa đông vĩnh cửu.
Bộ phim phải trải qua một số lần xử lý cốt truyện trong nhiều năm, trước khi được đồng ý sản xuất vào năm 2011, với kịch bản của Jennifer Lee và hai đạo diễn là Chris Buck và Lee. Phim có sự tham gia lồng tiếng của các diễn viên Kristen Bell, Idina Menzel, Jonathan Groff, Josh Gad và Santino Fontana. Christophe Beck, người trước đây đã từng làm việc cho phim ngắn giành giải Oscar của Disney Paperman, được mời biên soạn nhạc nền cho bộ phim, còn bộ đôi hai vợ chồng người viết ca khúc Robert Lopez và Kristen Anderson-Lopez sáng tác các bài hát cho Nữ hoàng băng giá.
Ozu Yasujirō
Ozu Yasujirō (12 tháng 12 năm 1903 – 12 tháng 12 năm 1963) là một đạo diễn và nhà biên kịch người Nhật Bản. Trong sự nghiệp 40 năm trải dài từ thời kì phim câm đến giai đoạn hoàng kim của điện ảnh Nhật những năm 1950, Ozu đã cho ra đời hơn 50 bộ phim bao gồm cả phim câm, phim nói đen trắng và phim màu trong đó người ta hiện chỉ còn lưu giữ được hơn 30 phim vì nhiều phim thuộc thời kì phim câm của đạo diễn đã bị thất lạc và không thể tìm lại.
Nếu như ở giai đoạn đầu sự nghiệp, các tác phẩm của Ozu thể hiện ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ thì từ năm 1932 với Umarete wa mita keredo, đạo diễn đã dần hình thành phong cách làm phim riêng của mình với đề tài chính là cuộc sống của giới bình dân hoặc tầng lớp sinh viên. Sau chiến tranh, bộ phim Banshun do ông thực hiện năm 1949 đã đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp đạo diễn khi Ozu bắt đầu tập trung thực hiện những bộ phim về đề tài gia đình với nội dung giản dị, sâu sắc, vừa có dấu ấn truyền thống Nhật Bản, vừa mang tính thời đại. Ở giai đoạn này phim của Ozu thường có nhịp độ chậm rãi, phần thoại mang nhiều tính triết lý và những suy ngẫm về quan hệ gia đình, sự cô đơn và cái chết.
Sòng bạc hoàng gia
Sòng bạc hoàng gia là phim điện ảnh đề tài gián điệp của Vương quốc Anh công chiếu năm 2006,và là phần thứ 21 trong loạt phim điện ảnh James Bond của Eon Productions và bản chuyển thể màn ảnh lần thứ ba từ cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1963 của nhà văn Ian Fleming. Phim do Martin Campbell đạo diễn với phần kịch bản do đội ngũ biên kịch gồm Neal Purvis và Robert Wade cùng Paul Haggis chắp bút.Đây là phim điện ảnh đầu tiên có sự tham gia của nam diễn viên Daniel Craig trong vai điệp viên MI6 hư cấu James Bond .Tác phẩm do Eon Productions chịu trách nhiệm sản xuất cho Metro-Goldwyn-Mayer và Columbia Pictures,đánh dấu phim Bond đầu tiên do Eon hợp tác sản xuất với một xưởng phim thứ hai. Sau Die Another Day, Eon Productions quyết định khởi động lại loạt phim, cho phép họ thể hiện một nhân vật Bond ít kinh nghiệm và dễ tổn thương hơn.
Sòng bạc hoàng gia lấy bối cảnh vào những năm đầu sự nghiệp của Bond ở vị trí đặc vụ 007, khi anh vừa nhận quyền được giết của mình. Nội dung phim kể về Bond trong một nhiệm vụ làm phá sản nhà tài trợ khủng bố Le Chiffre tại một giải đấu poker đánh cược với số tiền lên đến 12 tỷ dollar thời điểm đó tránh rơi vào tay bọn Khủng bố; Bond cũng rơi vào mối tình với Vesper Lynd, một nhân viên ngân quỹ được giao công việc cung cấp số tiền mà Bond cần cho giải đấu.
Song lang (phim)
Song lang là một bộ phim điện ảnh chính kịch âm nhạc của Việt Nam năm 2018 do Leon Lê đạo diễn kiêm dựng phim, đồng thời cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh. Bộ phim do Ngô Thanh Vân và Irene Trịnh đảm nhiệm vai trò sản xuất, dựa trên phần kịch bản do Leon Lê và Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút. Phim được The Creatv Company cùng Studio68 chịu trách nhiệm sản xuất và Lotte Entertainment giữ vai trò phân phối, với sự tham gia diễn xuất của Isaac, Liên Bỉnh Phát, Minh Phượng, Tú Quyên, Kiều Trinh và Thanh Tú. Lấy bối cảnh tại Sài Gòn những năm 1980, nội dung phim xoay quanh mối quan hệ giữa Linh Phụng, kép hát chính của đoàn cải lương Thiên Lý, và Dũng, một tay chuyên đòi nợ thuê có xuất thân từ gia đình cải lương. Xuyên suốt bộ phim, nghệ thuật cải lương được làm nổi bật và giữ vai trò dẫn dắt toàn bộ mạch truyện; bản thân tựa đề của phim cũng được đặt theo tên một loại nhạc cụ có vai trò giữ nhịp trong cải lương.
Kịch bản của Song lang được Leon Lê thai nghén từ năm 2012, tuy nhiên do ý tưởng ban đầu không khả thi nên sau vài năm anh đã tìm tới nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc để viết lại một kịch bản phù hợp hơn. Leon Lê mất một năm để tìm nhà đầu tư cho dự án nhưng đều bị từ chối; Ngô Thanh Vân là nhà sản xuất cuối cùng mà anh gửi kịch bản và cô đã đồng ý sản xuất tác phẩm chỉ sau hai ngày đọc bản thảo. Phim bắt đầu khai máy từ tháng 10 năm 2017. Quá trình ghi hình diễn ra trong 32 ngày không liên tục, với các cảnh quay chủ yếu được thực hiện tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Leon Lê cùng soạn giả Hoàng Song Việt đã viết mới hoàn toàn phần ca từ của các phân đoạn cải lương trong tác phẩm; phần tân nhạc và cổ nhạc cũng được đầu tư và hòa âm với các nhạc cụ của một đoàn hát những năm 1980.
Star Wars: Thần lực thức tỉnh
Star Wars: Thần lực thức tỉnh là một phim điện ảnh sử thi không gian của Mỹ năm 2015 do J. J. Abrams đạo diễn. Đây là phần tiếp nối của phim điện ảnh Sự trở lại của Jedi công chiếu năm 1983, đồng thời cũng là phần phim đầu tiên trong bộ ba phần phim hậu truyện của loạt phim Star Wars. Phim do hai hãng phim Lucasfilm Ltd. và Bad Robot Productions sản xuất, đồng thời được phân phối trên toàn thế giới bởi hãng Walt Disney Studios Motion Pictures. Star Wars: Thần lực thức tỉnh có sự tham gia diễn xuất của Harrison Ford, Mark Hamill, Carrie Fisher, Adam Driver, Daisy Ridley, John Boyega, Oscar Isaac, Lupita Nyong'o, Andy Serkis, Domhnall Gleeson, Anthony Daniels, Peter Mayhew và Max von Sydow. Đây là phim điện ảnh đầu tiên trong loạt phim Star Wars không có sự giúp đỡ sản xuất của nhà sáng tạo thương hiệu George Lucas. Phim lấy bối cảnh vào thời điểm 30 năm sau các sự kiện ở phần phim Sự trở lại của Jedi, theo chân ba nhân vật mới là Rey, Finn, và Poe Dameron trong cuộc tìm kiếm hiệp sĩ Jedi cuối cùng, Luke Skywalker, và cuộc chiến của họ cùng phe Kháng chiến, dưới sự dẫn dắt từ những cựu binh của Liên minh Nổi dậy, chống lại Kylo Ren và Tổ chức Thứ nhất, một tàn dư của Đế chế Thiên hà.
Titanic (phim 1997)
Titanic là một bộ phim điện ảnh lãng mạn thảm họa sử thi của Mỹ phát hành năm 1997, do James Cameron làm đạo diễn, viết kịch bản, đồng sản xuất, đồng biên tập và hỗ trợ tài chính một phần. Phim lấy ý tưởng dựa trên vụ đắm tàu RMS Titanic nổi tiếng trong lịch sử vào năm 1912, với sự tham gia của các diễn viên chính Leonardo DiCaprio và Kate Winslet trong vai hai con người đến từ hai tầng lớp khác nhau trong xã hội, họ đem lòng yêu nhau trên chuyến ra khơi đầu tiên của con tàu xấu số.
Cảm hứng của Cameron cho bộ phim đến từ sự say mê của ông với những xác tàu đắm; ông muốn truyền tải một thông điệp tình cảm từ thảm họa và thấy rằng một câu chuyện tình lãng mạn kết thúc bằng sự ra đi của một trong hai người sẽ giúp ông làm được điều này. Quá trình sản xuất phim bắt đầu từ năm 1995, khi Cameron bắt đầu quay cảnh xác chiếc tàu Titanic nằm dưới đáy đại dương. Các phân cảnh hiện tại được quay trên tàu Akademik Mstislav Keldysh, và đây cũng là nơi Cameron sử dụng làm chỗ ở và căn cứ cho đoàn làm phim khi quay cảnh xác tàu. Một con tàu Titanic mới cũng đã được dựng lại ở Playas de Rosarito thuộc Baja California; các mô hình thu nhỏ và công nghệ mô phỏng hình ảnh trên máy tính được sử dụng để tái tạo cảnh tàu chìm. Kinh phí thực hiện bộ phim do Paramount Pictures và 20th Century Fox cung cấp, vào thời điểm đó, đây là bộ phim có kinh phí cao nhất trong lịch sử, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 200 triệu đô la Mỹ.
Tội phạm nhân bản 2049
Tội phạm nhân bản 2049 là một bộ phim điện ảnh đề tài khoa học viễn tưởng của Mỹ năm 2017 do Denis Villeneuve đạo diễn và Hampton Fancher cùng Michael Green đảm nhiệm phần kịch bản. Đây là phần tiếp theo của bộ phim Blade Runner, Ryan Gosling và Harrison Ford đảm nhiệm hai vai chính; Ana de Armas, Sylvia Hoeks, Robin Wright, Mackenzie Davis, Carla Juri, Lennie James, Dave Bautista cùng Jared Leto tham gia vào các vai phụ. Cả Ford lẫn Edward James Olmos đều quay trở lại với vai diễn của mình từ phần phim đầu tiên. Ridley Scott vốn là đạo diễn ban đầu của tác phẩm, tuy nhiên sau này trong dự án ông lại làm việc dưới vai trò giám đốc sản xuất. Lấy bối cảnh ba mươi năm sau mốc thời gian trong nguyên tác Blade Runner, câu chuyện của Tội phạm nhân bản 2049 xoay quanh việc K, một người nhân bản thế hệ Nexus-9 và đồng thời cũng là một "blade runner", đã tình cờ phát hiện bí mật gây chấn động: một người nhân bản đời cũ từng có thai và đã qua đời khi sinh con. Để che giấu bí mật có thể dẫn đến chiến tranh giữa con người và người nhân bản, cấp trên buộc K phải tìm ra đứa trẻ và thủ tiêu tất cả các bằng chứng liên quan đến nó.
Ý tưởng cho phần phim tiếp nối của Blade Runner bắt đầu được nhen nhóm từ những năm 1990, tuy nhiên các vấn đề về bản quyền đã khiến cho việc phát triển ý tưởng bị đình trệ. Sau đó với mục tiêu tăng lợi nhuận cho hãng phim của mình, Andrew Kosove và Broderick Johnson đã đàm phán và sở hữu được bản quyền tác phẩm từ phía Bud Yorkin. Quá trình quay phim chính được thực hiện chủ yếu tại hai phim trường ở thành phố Budapest, Hungary trong khoảng thời gian hơn bốn tháng—từ tháng 7 tới tháng 11 năm 2016. Tội phạm nhân bản 2049 được hỗ trợ tài chính bởi liên danh Alcon Entertainment–Sony Pictures và chính sách miễn giảm thuế do chính phủ Hungary tài trợ. Hãng Warner Bros. đại diện cho Alcon phụ trách công tác phân phối tác phẩm tại thị trường Bắc Mỹ, còn Sony đảm nhiệm vai trò phân phối tại các thị trường quốc tế.
Vẻ đẹp Mỹ (phim 1999)
Vẻ đẹp Mỹ là một bộ phim chính kịch của Hoa Kỳ công chiếu năm 1999, do Alan Ball viết kịch bản và là tác phẩm đạo diễn đầu tay của Sam Mendes. Nam diễn viên Kevin Spacey thủ vai Lester Burnham, một nhân viên văn phòng gặp phải khủng hoảng ở lứa tuổi trung niên khi nảy sinh tình cảm với bạn thân của cô con gái thiếu niên của mình, Angela Hayes. Annette Bening góp mặt trong vai người vợ thực dụng của Lester, trong khi Thora Birch vào vai đứa con gái bất an của họ, Jane. Wes Bentley, Chris Cooper và Allison Janney cũng tham gia diễn xuất trong phim. Các nhà học thuật nhìn nhận phim là tác phẩm trào phúng ám chỉ đến quan niệm về cái đẹp và sự thỏa mãn bản thân của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ; phân tích tập trung vào các khía cạnh lãng mạn và tình cảm loạn luân, tình dục, cái đẹp, chủ nghĩa duy vật, sự tự giải thoát và chuộc lỗi của bản thân.
Ball bắt đầu chắp bút cho Vẻ đẹp Mỹ dưới dạng một vở diễn vào đầu thập niên 1990, lấy bối cảnh một phần từ những dư âm xung quanh phiên tòa xét xử của Amy Fisher vào năm 1992. Anh hoãn lại vở kịch khi nhận ra câu chuyện không thể truyền tải qua sân khấu. Sau khi trải qua nhiều năm trong ngành biên kịch truyền hình, Ball hồi sinh lại ý tưởng này vào năm 1997 khi chuyển sang ngành công nghiệp điện ảnh. Kịch bản của phim cũng thay đổi, với quan điểm mang tính nhạo báng, bị ảnh hưởng từ sự bất mãn trong thời kỳ sáng tác cho thể loại hài kịch tình huống trước đây của Ball. Nhà sản xuất Dan Jinks và Bruce Cohen đem Vẻ đẹp Mỹ đến cho DreamWorks; xưởng phim còn non trẻ lúc bấy giờ đã mua lại kịch bản với giá 250.000 đô-la Mỹ, cao hơn so với nhiều cơ quan sản xuất khác. DreamWorks chi trả tổng cộng 15 triệu đô-la Mỹ cho phần sản xuất và đảm nhận vai trò phát hành phim tại khu vực Bắc Mỹ. Đây là bộ phim đầu tay do đạo diễn sân khấu Mendes thực hiện; sau những lần sản xuất thành công cùng vở nhạc kịch Oliver! và Cabaret, Mendes chỉ nhận vai trò này sau khi có 20 người khác được cân nhắc và nhiều đạo diễn "hạng A" từ chối cơ hội này.
Walt Disney
Walt Disney (5 tháng 12 năm 1901 – 15 tháng 12 năm 1966) là một doanh nhân, nhà làm phim hoạt hình, nhà văn, diễn viên lồng tiếng và nhà sản xuất phim người Mỹ. Ông là người tiên phong của ngành công nghiệp hoạt hình Hoa Kỳ và mang lại một số bước tiến lớn trong ngành sản xuất phim hoạt hình. Với cương vị là nhà sản xuất phim, Walt Disney nắm giữ kỷ lục là người giành được nhiều giải Oscar nhất, với 22 lần đoạt giải và 59 lần đề cử. Ông cũng được trao tặng 2 Giải Quả cầu Vàng cho Thành tựu Đặc biệt và 1 Giải Emmy cũng như nhiều giải thưởng danh giá khác. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa một số phim của ông vào Viện lưu trữ phim quốc gia.
Sinh năm 1901 tại Chicago, Disney sớm đã bộc lộ niềm say mê với hội họa ngay từ khi còn nhỏ. Ông tham gia các lớp học mỹ thuật từ lúc còn là một đứa trẻ và trở thành một họa sĩ thương mại vào năm 18 tuổi. Đầu thập niên 1920, Disney chuyển đến California và thành lập Disney Brothers Studio cùng với anh trai Roy. Năm 1928, ông hợp tác cùng họa sĩ Ub Iwerks xây dựng nên nhân vật chuột Mickey và đạt được thành công vang dội đầu tiên. Disney cũng đóng vai trò là người lồng tiếng cho chuột Mickey trong quãng thời gian ban đầu. Khi studio ngày càng phát triển, Disney càng có nhiều quyết định táo bạo hơn như đưa đồng bộ âm thanh vào phim, sử dụng kỹ thuật ba dải màu đầy đủ màu sắc của Technicolor, sản xuất phim hoạt hình thời lượng dài và áp dụng những tiến bộ trong kỹ thuật ghi hình. Kết quả là ông cho ra đời nhiều bộ phim chủ chốt góp phần thúc đẩy sự phát triển của phim hoạt hình như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Pinocchio, Fantasia và Bambi. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông tiếp tục cho ra đời bộ phim hoạt hình và người đóng bao gồm Cô bé Lọ Lem và Mary Poppins. Cả hai bộ phim đều đạt được thành công về mặt chuyên môn và tính riêng Mary Poppins đã giành được 5 giải Oscar.
When Harry Met Sally...
When Harry Met Sally... là một bộ phim hài kịch lãng mạn của Hoa Kỳ năm 1989 do Nora Ephron viết kịch bản và Rob Reiner đạo diễn. Phim xoay quanh câu chuyện của hai nhân vật Harry và Sally từ lần gặp mặt đầu tiên của họ trong chuyến đi dọc đất nước cho đến mối quan hệ tình cảm giữa hai người 12 năm sau đó ở New York. Phim đặt nên câu hỏi "Liệu phụ nữ và đàn ông có thể chỉ là bạn bè?" và đề cập đến nhiều ý tưởng về mối quan hệ tình cảm quen thuộc trong đời sống.
Phim bắt nguồn từ lúc Reiner trở lại cuộc sống độc thân sau khi ly hôn, tạo nên nền tảng cho nhân vật Harry, trong khi Sally dựa trên Ephron và một vài người bạn của bà ngoài đời thực. Crystal bắt tay vào dự án và có đóng góp vào phần kịch bản, mang tính hài hước cho nhân vật Harry. Ephron dựng nên cấu trúc cho bộ phim, với lời thoại dựa trên tình bạn ngoài đời giữa Reiner và Crystal. Nhạc phim chứa nhiều bản nhạc do Harry Connick, Jr. trình bày, với ban nhạc và dàn hòa tấu được Marc Shaiman điều khiển, giúp Connick giành giải Grammy cho "Trình diễn giọng nam jazz xuất sắc nhất".
Your Name – Tên cậu là gì?
Your Name – Tên cậu là gì? là một bộ phim điện ảnh hoạt hình Nhật Bản thuộc thể loại tình cảm lãng mạn, kỳ ảo, chính kịch do Shinkai Makoto làm đạo diễn. Phim do hãng CoMix Wave Films sản xuất và Toho phát hành. Mảng thiết kế nhân vật do Tanaka Masayoshi thực hiện, phần hoạt hình do Ando Masashi chịu trách nhiệm, còn ban nhạc rock Radwimps phụ trách phần nhạc phim. Một light novel cùng tên, cũng do chính Shinkai viết, đã được xuất bản một tháng trước khi bộ phim công chiếu. Bộ phim kể về Mitsuha - một nữ sinh trung học buồn chán với cuộc sống tẻ nhạt ở vùng thôn quê và Taki - một chàng trai Tokyo - vì một lý do nào đó bị hoán đổi cơ thể trong khi sao chổi thiên niên kỉ đang đến gần. Phim công chiếu lần đầu tại hội nghị Anime Expo 2016 tổ chức ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 7 năm 2016 và sau đó công chiếu tại Nhật Bản vào ngày 26 tháng 8 năm 2016. Bộ phim bắt đầu khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 13 tháng 1 năm 2017.
Sau khi phát hành, Your Name – Tên cậu là gì? đã được giới phê bình khen ngợi nhiệt liệt cho cốt truyện và hình ảnh, và cùng với đạo diễn Makoto và ban nhạc Radwimps, đã giành được nhiều đề cử và giải thưởng tại Nhật Bản và cả trên thế giới, bao gồm giải thưởng của Hiệp hội phê bình phim Los Angeles cho phim hoạt hình xuất sắc nhất và giải thưởng Kịch bản xuất sắc nhất 2016 của Viện Hàn lâm Nhật Bản.
Chiếc bè của chiến thuyền Méduse
Chiếc bè của chiến thuyền Méduse là một bức tranh sơn dầu được họa sĩ lãng mạn người Pháp Théodore Géricault thực hiện trong thời gian 1818–1819. Bức tranh được hoàn thành khi ông 27 tuổi và đã trở thành một biểu tượng cho chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Với kích thước 491 × 716 cm, bức tranh mô tả một khoảnh khắc là hậu quả từ vụ đắm tàu frigate Méduse của hải quân Pháp sau khi bị mắc cạn vào ngày 2 tháng 7 năm 1816 ven bờ biển thuộc về Mauritanie ngày nay.
Đến ngày 5 tháng 7 năm 1816, ít nhất 147 người bị trôi dạt trên một chiếc bè tạm bợ được đóng sau khi con tàu mắc cạn, ngoại trừ 15 người, tất cả đều đã thiệt mạng 13 ngày trước khi họ được giải cứu và những người sống sót phải chịu đựng sự đói, khát buộc họ phải ăn thịt lẫn nhau. Sự kiện này đã trở thành một vụ bê bối quốc tế, một phần vì nguyên nhân lớn của nó là do sự thiếu chuyên môn của thuyền trưởng người Pháp, bị quy kết là được nhậm chức dưới thẩm quyền của chế độ quân chủ Pháp vừa mới phục hồi. Trên thực tế, vua Louis XVIII không có quyền lên tiếng trong việc bổ nhiệm thuyền trưởng, vì trước kia cũng như ngày nay, quốc vương không trực tiếp tham gia vào các cuộc bổ nhiệm thuyền trưởng cho các chiến thuyền. Tử tước Chaumareys, một quý tộc đã được bổ nhiệm làm thuyền trưởng của Méduse, như một thói quen thường lệ trong nội bộ Bộ Hải quân.
Lisa del Giocondo
Lisa del Giocondo (15 tháng 6 năm 1479 – 15 tháng 7 năm 1542) là một thành viên trong gia đình Gherardini ở Firenze và Toscana tại Ý. Tên bà được đặt cho hoạ phẩm Mona Lisa, một bức chân dung của bà, do người chồng đặt Leonardo da Vinci vẽ trong thời kỳ Phục hưng.
Có rất ít thông tin về cuộc sống của Lisa. Bà sinh ra ở Firenze và kết hôn ở độ tuổi thiếu nữ với một thương gia buôn vải và tơ lụa, người sau này trở thành quan chức địa phương. Bà là mẹ của 6 người con và gia đình thuộc tầng lớp trung lưu có cuộc sống thoải mái, bình lặng. Lisa qua đời sau người chồng nhiều tuổi hơn đáng kể của mình.
Vài thế kỷ sau khi Lisa mất, Mona Lisa đã trở thành bức tranh nổi tiếng nhất thế giới và có một số phận tách biệt với người phụ nữ làm mẫu. Các học giả và nhà sưu tầm đã khiến tác phẩm trở thành một biểu tượng toàn cầu và là một đối tượng được thương mại hóa. Đầu thế kỷ 21, một phát hiện của chuyên gia bản thảo thuộc Đại học Heidelberg đã trở thành bằng chứng kết thúc những suy đoán về người trong tranh và cuối cùng đã khẳng định được chính Lisa del Giocondo là người ngồi làm mẫu cho bức tranh Mona Lisa.
Rhinocerus (tác phẩm của Dürer)
Rhinocerus là tên tác phẩm khắc gỗ của họa sĩ, nghệ nhân khắc bản in người Đức Albrecht Dürer sáng tác năm 1515. Tác phẩm này là hình ảnh một con tê giác dựa trên các mô tả từ sách vở và bức phác họa của một họa sĩ vô danh về con tê giác Ấn Độ Rhinoceros unicornis đã được đưa tới Lisboa vào đầu năm 1515. Đây là con tê giác đầu tiên được đưa tới châu Âu kể từ thời Đế chế La Mã vì vậy bản thân Dürer chưa bao giờ được nhìn thấy một con tê giác thực sự. Vào cuối năm 1515 vua Manuel I của Bồ Đào Nha đã gửi con vật tặng Giáo hoàng Leo X làm quà nhưng chiếc tàu chở con thú đã bị đắm ngoài khơi Ý đầu năm 1516 và phải chờ đến năm 1579 con tê giác thứ hai mới được mang từ Ấn Độ về châu Âu.
Mặc dù có nhiều chi tiết theo cơ thể học không chính xác về loài tê giác, bức tranh Rhinocerus vẫn nổi danh ở châu Âu với nhiều đợt sao chép qua ba thế kỷ sau đó vì tranh minh họa chính xác và hiện thực về con thú. Mãi đến cuối thế kỷ 18 khi con tê giác Clara được đưa đi trưng bày khắp châu Âu, Rhinocerus mới dần bị thay thế bởi các bức minh họa chân thực hơn. Người ta đã nhận xét về tác phẩm của Dürer như sau: "có lẽ không bức tranh động vật nào có được ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật như vậy".