Cafu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cafu
Thông tin cá nhân
Tên đầy đủ Marcos Evangelista de Moraes
Ngày sinh 7 tháng 6, 1970 (53 tuổi)[1]
Nơi sinh Itaquaquecetuba, São Paulo, Brasil
Chiều cao 1,76 m (5 ft 9 in)
Vị trí Hậu vệ phải
Sự nghiệp cầu thủ trẻ
Năm Đội
1988–1990 São Paulo
Sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp*
Năm Đội ST (BT)
1990–1994 São Paulo 117 (7)
1994–1995 Real Zaragoza 16 (0)
1995 Juventude 2 (0)
1996–1997 Palmeiras 35 (0)
1997–2003 Roma 163 (5)
2003–2008 Milan 119 (4)
Tổng cộng 452 (16)
Sự nghiệp đội tuyển quốc gia
Năm Đội ST (BT)
1990–2006 Brasil 142 (5[2])
Thành tích huy chương
Đại diện cho  Brasil
Bóng đá nam
FIFA World Cup
Vô địch Hoa Kỳ 1994 Đội bóng
Á quân Pháp 1998 Đội bóng
Vô địch Nhật Bản & Hàn Quốc 2002 Đội bóng
FIFA Confederations Cup
Vô địch Ả Rập Saudi 1997 Đội bóng
Copa América
Á quân Chile 1991 Đội bóng
Vô địch Bolivia 1997 Đội bóng
Vô địch Paraguay 1999 Đội bóng
*Số trận ra sân và số bàn thắng ở câu lạc bộ tại giải quốc gia

Marcos Evangelista de Moraes (sinh ngày 7 tháng 6, năm 1970 tại São Paulo), thường gọi Cafu, Cafú hay Marcos Cafu, là một cựu cầu thủ bóng đá người Brasil, hiện nay anh đã giải nghệ.

Tuổi thơ[sửa | sửa mã nguồn]

Cafu trải qua tuổi thơ ở Jardim Irene, Sau Paulo trong một gia đình có sáu con. Anh là một học sinh chỉ co sức học trung bình và sớm bị bóng đá cuốn hút khỏi mái trường. Vào năm 7 tuổi, anh đã chứng tỏ tài năng ở một lớp đào tạo, và sớm được mang đến huấn luyện tại Nacional, Portuguesa, Itaquaquecetuba AC. Anh có chơi bóng đá trong nhà khoảng hai năm.

Vào giai đoạn đầu của thập niên 1980, anh không thể bước chân qua những khung cửa mình chọn, mà đã bị loại khỏi các đội tuyển trẻ của Corinthians, Palmeiras, Santos, Atlético Mineiro, và cả Portuguesa. Mãi cho đến năm 1988, anh mới được đưa vào tuyển trẻ của một câu lạc bộ tỉnh nhà: São Paulo FC, và cùng họ đoạt Copa São Paulo. Song cả mùa giải sau, anh chỉ được làm ấm ghế dự bị trong khi São Paulo đoạt Campeonato Paulista (1989).

Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Câu lạc bộ[sửa | sửa mã nguồn]

Trải qua một thời gian thể hiện mình, Cafu mới được huấn luyện viên tuyển trẻ của São Paulo là ông Telê Santana chú ý. Ông đã chuyển Cafu từ vị trí tiền vệ sang hậu vệ cánh, đó là một điểm nhấn sáng suốt trong sự nghiệp của Cafu: anh chơi tốt tại vị trí này và ở luôn vị trí hậu vệ cánh từ đó về sau. Với thể hiện tốt của mình, Cafu sớm được đưa vào đội hình chính, cùng São Paulo lập một cú đúp: thắng Copa Libertadores trong năm 1992 và 1993. Năm 1994, anh được nhận giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất Nam Mỹ. Anh bắt đầu mùa giải 1995 với câu lạc bộ Juventude của Brasil, nhưng hoàn tất tại Tây Ban Nha với Real Zaragoza, cùng Real thắng Cup Winners' Cup '95.

Sau khi chấm dứt hợp đồng với Palmeiras năm 1996, Cafu trở lại châu Âu. Anh gia nhập AS Roma, và cùng đội này đoạt chức Vô địch bóng đá quốc gia Ý vào năm 2001. Qua những thể hiện xuất sắc tại Roma, Cafu được đặt cho biệt danh Tàu tốc hành (Il Pendolino). Đoạt Cúp nước Ý vào năm 2003 với Roma xong, anh chuyển sang AC Milan sau khi từ chối một lời mời đến Nhật từ Yokohama F. Marinos. Với đội bóng đỏ đen, anh đoạt chức vô địch bóng đá quốc gia Ý lần thứ 2 trong sự nghiệp vào năm 2004 và chơi trận chung kết UEFA Champions League đầu tiên trong đời vào năm 2005.

Dù có những thành công cùng Milan, anh vẫn còn lưu luyến những năm tháng trong màu áo Roma, và thể hiện điều đó vào ngày 4 tháng 3 năm 2007, sau khi Milan hạ Celtic F.C. trong vòng 2 của UEFA Champions League 2006-07. Anh thật thà thổ lộ trên trang web UEFA.com rằng mình không muốn Milan đụng độ Áo bã trầu trong vòng bán kết. Và anh đã được toại nguyện, khi Milan gặp phải Bayern Munich. Milan hoàn thành tốt mùa giải đó, còn Cafu có được danh hiệu nhà vô địch bóng đá châu Âu sau nhiều năm chờ đợi.

Cafu ký tiếp một hiệp đồng vào tháng 5 năm 2007, giữ anh lại với Milan cho tới tháng 6 năm 2008. Vào 16 tháng 5 năm 2008, có tin từ phía Milan rằng anh và Serginho sẽ ra đi vào cuối mùa giải.

Trong trận đấu cuối cùng trong sắc áo đỏ đen, và có lẽ cũng là cuối cùng trong sự nghiệp của mình, Cafu đã ghi 1 bàn thắng trong trận mà Milan đã thắng Udinese với tỉ số 4 - 1.

Vào ngày 19 tháng 5 năm 2008, Cafu cho biết ông Adriano Galliani phó giám đốc Milan đã mở cánh cửa cho anh ở lại làm việc cho câu lạc bộ.[3]

Quốc tế[sửa | sửa mã nguồn]

Cafu có một sự nghiệp đáng nể trong màu áo vàng - xanh: là người đang nắm giữ kỷ lục khoác áo đội tuyển Brasil với 142 lần, và có mặt trong 21 trận đấu tại World Cup với đội tuyển. Anh đã đoạt 2 chức vô địch FIFA World Cup vào năm 19942002, là một trong những cầu thủ rất hiếm hoi có mặt trong bốn kỳ World Cup liên tiếp trong vai trò cầu thủ, và là cầu thủ thứ 2 trong lịch sử được dự 3 trận chung kết World Cup (sau Pele).

Trận đấu đầu tiên của anh cho đội tuyển là một trận giao hữu với Tây Ban Nha vào 12 tháng 12 năm 1990, và có mặt không thường xuyên trong đội tuyển trong khoảng đầu thập niên 1990, được tham gia World Cup 1994 trong đội hình dự bị. Anh may mắn được đá trận chung kết World Cup '94 với Ý khi Jorginho bị chấn thương rời sân vào phút thứ 22. Sau đó anh thường xuyên có mặt trong đội hình chính và cùng Brasil đoạt các danh hiệu Copa América 1997, 1999, và thi đấu trận chung kết World Cup 1998.

Brasil trải qua một vòng loại World Cup 2002 hết sức khổ sở, Cafu không được trọng dụng bởi Wanderley Luxemburgo, huấn luyện viên trưởng tuyển vàng - xanh trong giai đoạn đầu. Cho đến khi Luxemburgo bị cách chức, Luiz Felipe Scolari nắm chức huấn luyện viên đội tuyển, anh lại được trọng dụng. Tại vòng World Cup 2002, anh được giao chiếc băng đội trưởng thay vì Emerson, cầu thủ đã bị loại do chấn thương sau 1 buổi luyện tập.

World Cup 2002 kết thúc hoàn hảo cho Brasil. Sau trận chung kết kịch tính với Đức mà Brasil đã thắng 2 - 0, Cafu ăn mừng bàn thắng bằng dòng chữ tặng vợ: "Regina, eu te amo!" ("Regina, anh yêu em").

Bốn năm sau, Cafu cùng đội tuyển tiếp tục dự World Cup 2006 tại Đức với rất nhiều kỳ vọng. Anh tiếp tục mang băng đội trưởng nhưng Brasil đã thua Pháp 0 - 1 ở trận bán kết. Carlos Alberto Parreira bị chỉ trích rất nhiều sau thất bại, phần lớn nói rằng ông đã đưa ra 1 đội hình già cỗi thay vì một đội hình trẻ trung sung sức, mà Cafu, 36 tuổi, là người già nhất trong số đó. Song trong một cuộc phỏng vấn sau đó, anh thể hiện ý nguyện muốn tham dự tiếp World Cup 2010, tức là cho đến 40 tuổi. Tuy nhiên, anh bỏ ý định này khi Dunga lên thay thế Parreira làm huấn luyện viên trưởng vào tháng 6 năm 2006.

Anh từng được vua Pelé đưa tên vào danh sách 125 cầu thủ còn sống vĩ đại nhất vào tháng 3, 2004.

Danh hiệu[sửa | sửa mã nguồn]

Câu lạc bộ[sửa | sửa mã nguồn]

São Paulo[4]

Real Zaragoza[4]

Palmeiras[4]

Roma[4]

AC Milan[4][5]

Đội tuyển quốc gia[sửa | sửa mã nguồn]

Brazil

Thống kê sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Thành tích cấp CLB Giải vô địch Cúp quốc gia Cúp châu lục Tổng cộng
Mùa giảiCLBGiải vô địch TrậnBànTrậnBàn TrậnBàn TrậnBàn
Brazil Giải vô địchCopa do Brasil Nam Mỹ Tổng cộng
1990 São Paulo Série A 20 1 - - 20 1
1991 20 1 - - 20 1
1992 21 1 - - 21 1
1993 18 1 - - 18 1
1994 16 2 - - 16 2
Tây Ban Nha Giải vô địchCopa del Rey Châu Âu Tổng cộng
1994-95 Real Zaragoza La Liga 16 0 - 1 0 17 0
Brazil Giải vô địchCopa do Brasil Nam Mỹ Tổng cộng
1995 Palmeiras Série A 19 0 - - 19 0
1996 16 0 - - 16 0
1997 0 0 - - 0 0
Ý Giải vô địchCoppa Italia Châu Âu Tổng cộng
1997-98 Roma Serie A 31 1 5 0 - 36 1
1998-99 20 1 - 5 0 25 1
1999-00 28 2 4 0 5 0 37 2
2000-01 31 1 2 0 7 0 40 1
2001-02 27 0 1 0 10 2 38 2
2002-03 26 0 3 1 12 0 41 1
2003-04 Milan 28 1 1 0 9 0 38 1
2004-05 33 1 - 12 0 45 1
2005-06 19 1 1 0 5 0 25 1
2006-07 24 0 3 0 8 0 35 0
2007-08 15 1 2 0 1 0 18 1
Tổng cộng Brazil 130 6 - - 130 6
Tây Ban Nha 16 0 - 1 0 17 0
Ý 282 9 22 1 74 2 378 12
Tổng cộng sự nghiệp 428 15 22 1 75 2 525 18

Về cái tên[sửa | sửa mã nguồn]

Cafu là tên chính xác, chứ không phải Cafú như báo chí hay viết. Anh được đặt biệt danh này bởi vì tốc độ lên xuống bên hành lang cánh phải của mình khiến người ta nhớ tới Cafuringa, một huyền thoại bóng đá người Brasil từng chơi cho FluminenseAtlético Mineiro vào thập niên 1970.[6]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Cafu”. soccerway.com. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2022.
  2. ^ “Marcos Evangelista de Morais "CAFU" – Century of International Appearances”. RSSSF. 23 tháng 7 năm 2006. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2009.
  3. ^ “Cafu considers coaching role”. channel4.com. ngày 19 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2008.
  4. ^ a b c d e “Cafu”. Soccerway. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2016.
  5. ^ “A.C. Milan Hall of Fame: Marcos Evangelista de Morais (Cafu)”. acmilan.com. A.C. Milan. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2015.
  6. ^ “Cafu entra para a galeria dos centenários da seleção” (bằng tiếng Bồ Đào Nha). Folha Online. 15/11/2000. Truy cập 26/12/2008. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |access-date=|date= (trợ giúp)

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]