Bước tới nội dung

Thiên hoàng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Thiên hoàng Nhật Bản)
Thiên hoàng của Nhật Bản
天皇 (てんのう)
Hoàng gia
Đương nhiệm
Naruhito
từ 1 tháng 5 năm 2019
Chi tiết
Trữ quân kế vịFumihito
Quân chủ đầu tiênThần Vũ thiên hoàng
Hình thành660 TCN
Dinh thựHoàng cung Tokyo

WebsiteThe Imperial Household Agency

Thiên hoàng (天皇 (てんのう) Tennō?) còn gọi là Ngự Môn (御門 (みかど) Mikado?) hay Đế ( (てい) Tei?) là tước hiệu của người được tôn là Hoàng đếNhật Bản. Nhiều sách báo ở Việt Nam gọi là Nhật Hoàng (日皇), giới truyền thông Anh ngữ gọi người đứng đầu triều đình Nhật Bản là Emperor of Japan (nghĩa là "Hoàng đế của Nhật Bản"). Thiên hoàng là người đứng đầu hoàng thất và là nguyên thủ quốc gia theo truyền thống của Nhật Bản.

Trong thời phong kiến và cận đại Nhật Bản (trước 1945), Thiên Hoàng được người dân Nhật sùng bái, được coi là hậu duệ của thần thánh, nên từ đó mới có danh xưng "Thiên Hoàng" (vua của cõi trời). Từ sau cải cách Minh Trị 1868, Nhật Bản theo chế độ quân chủ lập hiến. Cho tới năm 1945, theo Hiến pháp Nhật Bản, Thiên Hoàng có uy quyền rất lớn: có quyền giải tán nghị viện, tuyên chiến với nước khác, đồng thời là Thống soái tối cao của quân đội Nhật Bản; chiếu chỉ của Thiên Hoàng có giá trị tương đương với luật pháp.

Sau năm 1945, Nhật Bản thất bại tại Thế chiến 2, Thiên hoàng không còn thực quyền mà chỉ là người đứng đầu quốc gia về danh nghĩa và được xem như là biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Tuy không còn được sùng bái như trước, song Thiên hoàng vẫn được nhiều người dân Nhật tôn kính. Thiên hoàng còn có vai trò là Giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản[1]. Trong lịch sử, chỉ có một trường hợp có một không hai là Dụng Minh Thiên hoàng đi lễ Phật ở chùa năm 585.

Tổ tiên của Thiên hoàng xuất thân là thủ lĩnh bộ lạc Yamato, nên Hoàng gia Nhật Bản còn được gọi là Nhà Yamato. Theo Cổ Sự KýNhật Bản Thư Kỷ, Đế quốc Nhật Bản được Thần Vũ Thiên hoàng sáng lập năm 660 TCN. Tuy nhiên, mốc này được coi là mang tính truyền thuyết hơn là thực tế, vì hiện chưa có chứng cứ khảo cổ khẳng định sự tồn tại của 28 vị Thiên hoàng đầu tiên. Phần chính sử Nhật Bản có thể xác minh được chỉ bắt đầu với Khâm Minh Thiên hoàng (539-571), Thiên hoàng thứ 29 theo Danh sách Thiên hoàng truyền thống. Dù tính theo mốc nào thì Hoàng gia Nhật Bản vẫn là gia tộc quân chủ còn tồn tại lâu dài nhất trên thế giới. Trong suốt lịch sử Nhật Bản, gia tộc Thiên Hoàng chưa từng bị dòng họ khác soán ngôi (có những Thiên hoàng bị phế truất, nhưng ngôi vị sau đó vẫn được giao cho người khác trong hoàng tộc chứ không bị dòng họ khác đoạt mất), vì vậy Thiên Hoàng hiện nay vẫn là con cháu nội tộc của dòng họ nhà Yamato từ hơn 2.000 năm trước.

Hiện tại Thiên hoàng là vị quân chủ duy nhất trên thế giới xưng hiệu Hoàng đế (Emperor), hoàng gia các nước khác chỉ sử dụng danh hiệu Quốc Vương (King). Đương kim Thiên hoàng là Naruhito (徳仁; Đức Nhân), niên hiệuLệnh Hoà (令和; Reiwa). Ông lên ngôi vào năm 2019 sau khi cha ông, tức Thiên hoàng Akihito (明仁天皇, Akihito Tennō) thoái vị.

Với truyền thống tôn sùng Hoàng đế, Thiên hoàng được coi là Thiên tử - con của trời. Thiên hoàng bắt đầu xưng "Thiên tử" (天子 tenshi?) từ đầu thế kỷ thứ VII.[2] Theo huyền thoại Nhật Bản, các vị Thiên hoàng được xem là con cháu của Thái Dương Thần Nữ và do đó cũng được xem là Thần linh trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc năm 1945. Cho đến năm 1945, triều đình Nhật đã luôn luôn là chỉ huy của các lực lượng quân sự. Tuy nhiên, hầu như thời nào, Thiên hoàng cũng bị điều khiển bởi các thế lực chính trị, với mức độ cao hay thấp, tiêu biểu là họ từng bị Mạc phủ chi phối từ thế kỉ XII đến thế kỉ XIX.

Từ giữa thế kỷ XIX, Hoàng cung Nhật Bản được gọi là Kyūjō (宮城; "Cung thành"), sau đó là Kōkyo (皇居; "Hoàng cư"), và tọa lạc trên địa điểm cũ của thành Edo (江戸城; Giang Hộ thành) tại trung tâm Tokyo. Trước đó, kinh đô Nhật Bản đã đặt tại Kyoto trong gần 11 thế kỷ.

Thiên hoàng đản sinh nhật (天皇誕生日; sinh nhật Thiên hoàng) từ năm 2020 được chuyển sang ngày 23 tháng 2 và trở thành ngày nghỉ lễ. Trước đó trong thời kỳ Bình Thành, ngày lễ này được tổ chức ngày 23 tháng 12 - ngày sinh của Thượng hoàng Akihito. Năm 2019 vì Thượng hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30 tháng 4 nên năm đó không có ngày lễ này.

Vai trò hiện tại

[sửa | sửa mã nguồn]
Bài này nằm trong loạt bài về:
Chính trị và chính phủ
Nhật Bản

Giống như hầu hết các chế độ quân chủ lập hiến khác, Thiên hoàng không phải là người đứng đầu chính phủ. Điều 65 của Hiến pháp trao quyền hành pháp cho nội các, trong đó có Thủ tướng Chính phủ là người lãnh đạo. Thiên hoàng cũng không phải là Tổng tư lệnh (nghi thức) của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Luật của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản năm 1954 cũng ghi rõ ràng vai trò này là của Thủ tướng Chính phủ.

Quyền hạn của Thiên hoàng bị giới hạn trong việc điều hành những nghi lễ quan trọng. Điều 4 của Hiến pháp khẳng định rằng "Thiên hoàng chỉ có trách nhiệm đại diện quốc gia như đã ghi trong Hiến pháp, Thiên hoàng không có quyền lực trong chính phủ." Nó cũng quy định rằng "Mọi hoạt động của Hoàng đế liên quan đến quốc gia phải tham khảo ý kiến và được Nội các thông qua. Việc này thuộc trách nhiệm của Nội các." (điều 3). Điều 4 cũng nói rằng Thiên hoàng có thể uỷ quyền đại diện quốc gia cho người khác nhưng phải phù hợp với các điều khoản trong Hiến pháp.

Trong khi Thiên hoàng là người chính thức bổ nhiệm chức Thủ tướng Chính phủ, Điều 6 của Hiến pháp đòi ông bổ nhiệm ứng cử viên "theo chỉ định của Quốc hội" mà không có quyền từ chối.

Điều 6 của Hiến pháp chỉ định vai trò của Thiên hoàng trong các nghi lễ sau đây:

  1. Bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ theo chỉ định của Quốc hội.
  2. Bổ nhiệm Chánh án Tòa án tối cao theo chỉ định của Nội các.

Các nhiệm vụ khác của Thiên hoàng được nêu rõ trong Điều 7 của Hiến pháp Hoàng đế thay mặt nhân dân thực hiện các quyền sau:

  1. Ban hành các tu chính án Hiến pháp, đạo luật, sắc lệnh và hiệp ước;
  2. Triệu tập Quốc hội.
  3. Giải tán Chúng Nghị viện.
  4. Tuyên bố kết quả cuộc tổng tuyển cử Quốc hội.
  5. Bổ nhiệm hay bãi miễn các Bộ trưởng, các viên chức theo pháp luật hiện hành, có toàn quyền trong việc uỷ nhiệm thư với đại sứ, bộ trưởng.
  6. Thực hiện ân xá, giảm án, hoãn thi hành án, khôi phục quyền công dân.
  7. Trao huân chương.
  8. Xác định việc Quốc hội chuẩn y các hiệp định quốc tế, các văn bản ngoại giao theo pháp luật hiện hành.
  9. Tiếp đón các Bộ trưởng và Đại sứ quốc tế.
  10. Đại diện quốc gia trong các buổi lễ long trọng.

Nghi lễ thường nhật của Thiên hoàng theo cơ sở của hiến pháp là Nhậm chức Hoàng gia (Shinninshiki) ở Hoàng cung Tokyo và nghi lễ phát biểu hoàng gia trong Tham Nghị viện của Quốc hội. Nghi lễ phát biểu hoàng gia mở theo khoá họp thường và bổ sung của Quốc hội. Khoá họp thường được mở theo cách này mỗi tháng một và sau cuộc bầu cử mới vào ChúngiNghị ện. Khoá họp bổ sung thường triệu tập vào mùa thu và được mở ra sau đó [3].

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù Thiên hoàng đã là biểu tượng của tính liên tục với quá khứ, mức độ quyền lực được thực hiện bởi các hoàng đế của Nhật Bản được thay đổi đáng kể trong lịch sử Nhật Bản. Vào đầu thế kỷ thứ VII, Thiên hoàng bắt đầu được gọi là Thiên tử (天子 tenshi?, hoặc 天子様 tenshi-sama) [4].

Thiên hoàng được ghi lại sớm nhất trong KojikiNihon ShokiThiên hoàng Jimmu, người được cho là hậu duệ của cháu nữ thần AmaterasuNinigi, người mà theo truyền thuyết đã xuống từ Thiên đường (Tenson kōrin). Theo Nihon Shoki, các Thiên hoàng là một dòng dõi nam giới không bị gián đoạn trong hơn 2600 năm. Tuy có những vị Hoàng hậu hoặc Hoàng nữ lên ngôi, nhưng nhiều ý kiến cho rằng họ chỉ là các nhiếp chính trong một khoảng thời gian nhất định. Chìa khóa để hiểu biết về nguồn gốc của triều đình Nhật Bản có thể nằm trong các ngôi mộ hoàng gia cổ đại được gọi là Kofun (古墳; cổ phần). Tuy nhiên kể từ thời kỳ Minh Trị, Cơ quan nội chính Hoàng gia đã từ chối mở cửa Kofun cho công chúng hoặc các nhà khảo cổ, với lý do là không để làm phiền linh hồn của các vị vua trong quá khứ. Vào tháng 12 năm 2006, Cơ quan nội chính Hoàng gia thay đổi quyết định này và cho phép các nhà nghiên cứu tiến vào một số kofun mà không bị giới hạn.

Theo truyền thống thì Thiên hoàng được giáo dục bởi gia sư. Ví dụ, Thiên hoàng Đại ChínhNogi Maresuke, Thiên hoàng Chiêu HòaNguyên soái Tōgō Heihachirō, Thiên hoàng AkihitoElizabeth Gray ViningShinzo Koizumi làm gia sư.

Đảng tranh

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 1192 đến 1867, chủ quyền của nhà nước được thực hiện bởi Shogun hoặc các quan Nhiếp chính (Sesshō và Kampaku). Vào lúc này, Thiên hoàng tuy có danh nghĩa đứng đầu, nhưng người cai trị thực sự lại là các vị này.

Đã có sáu gia đình không thuộc hoàng gia đã kiểm soát Thiên hoàng: Soga (530 - 645), Fujiwara (850 - 1070), Taira (1159 - 1180), Minamoto (và Mạc phủ Kamakura) (1192 - 1333), Ashikaga (1336 - 1565) và Tokugawa (1603 - 1867). Tuy nhiên, mỗi Shogun từ các gia đình Minamoto, Ashikaga và Tokugawa phải được chính thức công nhận bởi Thiên hoàng, người vẫn là nắm chủ quyền, mặc dù không thể thực hiện quyền hạn của mình một cách độc lập khỏi Mạc phủ.

Tầng lớp Samurai từ thế kỷ thứ X có địa vị rất thấp, họ mang nghĩa đúng của lính đánh thuê và bị các đại gia tộc quyền quý khinh nhờn, nhưng sự phát triển lớn mạnh của tầng lớp này dần dần làm suy yếu quyền lực của quý tộc lẫn hoàng gia trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến một thời điểm bất ổn. Vào lúc đó, Taira no Kiyomori xuất hiện, ông là người đầu tiên khiến Samurai có địa vị ưu việt, và Minamoto no Yoritomo tiếp tục kế thừa thành quả, tạo nên nền chính trị Shogun đầu tiên, có tên là Mạc phủ Kamakura. Các Thiên hoàng bắt đầu xung đột với các Shogun trị vì. Một số trường hợp, chẳng hạn như cuộc nổi dậy năm 1221 của Thiên hoàng Go-Toba chống lại Mạc phủ Kamakura, và cuộc Tân chính Kemmu năm 1336 dưới thời Thiên hoàng Go-Daigo đã thể hiện một cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa hoàng gia và chính phủ quân sự của Nhật Bản.

Khi các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đầu tiên tiếp xúc với người Nhật ở thời kỳ Nanban, họ so sánh Thiên hoàng, người nắm biểu tượng quyền lực tối cao nhưng rất có rất ít quyền lực chính trị với Giáo hoàng, và Shogun với các nhà cai trị thế tục ở châu Âu (ví dụ như Hoàng đế La Mã Thần thánh). Họ thậm chí còn sử dụng thuật ngữ "Hoàng đế" để gọi các Shogun hoặc quan Nhiếp chính, ví dụ: trong trường hợp của Toyotomi Hideyoshi, người được các nhà truyền giáo gọi là "Hoàng đế Taico-sama". Từ "Taiko", là một kính xưng của một quan Kampaku đã nghỉ hưu, và "sama" là một kính ngữ, hán văn là [Dạng; 様; さま].

Vấn đề lãnh thổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Cho đến những thế kỷ gần đây, lãnh thổ của Nhật Bản chưa bao gồm một số vùng xa xôi của lãnh thổ hiện đại của nó. Cái tên Nippon chỉ được sử dụng trong những thế kỉ sau khi hoàng gia được thành lập. Chính phủ tập trung chỉ bắt đầu xuất hiện ngay trước và trong thời gian của Thái tử Shotoku (572-622). Thiên hoàng về cơ bản là một hiện thân của sự hòa hợp thiêng liêng hơn là người đứng đầu của một chính quyền cai trị thực tế. Tại Nhật Bản, luôn luôn dễ dàng cho các lãnh chúa đầy tham vọng nắm giữ quyền lực thực tế, vì các vị trí như vậy không mâu thuẫn với vị trí của Thiên hoàng. Chính phủ nghị viện ngày nay tiếp tục tồn tại bên cạnh Thiên hoàng như các tướng quân, quan nhiếp chính, lãnh chúa, người giám hộ... trước kia.

Trong lịch sử, danh hiệu "Tennō" ở Nhật Bản chưa bao gồm chỉ định lãnh thổ như là trường hợp với nhiều vị vua châu Âu. Vị trí của Thiên hoàng là một hiện tượng lãnh thổ độc lập - Thiên hoàng là Thiên hoàng, thậm chí nếu ông có thuộc hạ trong một tỉnh.

Minh Trị Duy tân

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Tàu Đen của Phó Đề đốc Matthew C. Perry của Hải quân Hoa Kỳ dùng vũ lực buộc Nhật Bản mở lại giao dịch thương mại với nước ngoài và việc Mạc phủ không có khả năng cản trở cuộc tấn công của những "kẻ man rợ", Thiên hoàng Kōmei bắt đầu khẳng định quyền lực chính trị của ông. Đến đầu những năm 1860, mối quan hệ giữa triều đình và Mạc phủ đã bị thay đổi một cách triệt để. Các lãnh địa bất mãn và ronin bắt đầu tụ hội dưới khẩu hiệu sonnō jōi ("tôn thờ hoàng đế, trục xuất những kẻ man rợ"). Các lãnh địa của SatsumaChōshū, kẻ thù truyền kiếp của Tokugawa đã tận dụng cuộc khủng hoảng này để đoàn kết các lực lượng của họ và giành được một chiến thắng quân sự quan trọng bên ngoài Kyoto chống lại lực lượng của Tokugawa.

Năm 1868, Mạc phủ bị giải tán. Một hiến pháp mới đã mô tả Thiên hoàng là "người đứng đầu đế chế, kết hợp trong chính người là chủ quyền", mà quyền lợi bao gồm xử phạt và ban hành pháp luật, chấp hành và thực hiện "mệnh lệnh tối cao của quân đội và hải quân". Một hội nghị được tạo ra vào năm 1893 cũng tôn Thiên hoàng là nhà lãnh đạo của Sở chỉ huy đế quốc.

Sau Thế chiến thứ hai

[sửa | sửa mã nguồn]

Vai trò của Thiên hoàng là người đứng đầu của Thần đạo Quốc gia bị lợi dụng trong thời gian chiến tranh để tạo ra một sự tôn sùng hoàng gia đã dẫn đến chiến thuật tấn công cảm tử thần phong và các hành vi cuồng tín khác. Điều này đã dẫn đến việc Tuyên bố Potsdam yêu cầu việc "phải xác định thời hạn cho việc loại bỏ tất cả các quyền hạn và ảnh hưởng của những người đã lừa dối người dân Nhật Bản bắt tay vào cuộc chinh phục thế giới".

Sau khi Nhật đầu hàng, quân Đồng minh đã ban hành Chỉ thị Thần đạo để chia tách nhà thờ khỏi nhà nước trong phạm vi toàn Nhật Bản, dẫn đến Tuyên ngôn nhân gian của Thiên hoàng đương nhiệm. Sau đó, một hiến pháp mới đã được soạn thảo để xác định vai trò của Thiên hoàng và chính phủ. Hiến pháp quy định về một Thể chế Đại nghị của chính phủ và đảm bảo các quyền cơ bản nhất định. Theo các điều khoản của nó, Thiên hoàng là "biểu tượng của Quốc gia và của sự thống nhất của nhân dân" [5] và nắm một vai trò hoàn toàn theo nghi lễ mà không có sự sở hữu chủ quyền.

Hiến pháp, hay còn được gọi là "Hiến pháp Nhật Bản" (日本國憲法 Nihonkoku-Kenpō?), "Hiến pháp thời hậu chiến" (戦後憲法 Sengo-Kenpō?) hoặc "Hiến pháp Hòa bình" (平和憲法 Heiwa-Kenpō?), được lập ra theo sự chiếm đóng của Đồng minh sau Chiến tranh thế giới thứ hai và được dự định là nhằm để thay thế chế độ quân chủ và quân phiệt tuyệt đối trước đó của Nhật Bản với một hình thức dân chủ tự do. Hiện nay, đây là một tài liệu cơ bản và không hề bị sửa đổi kể từ khi nó được thông qua.

Nguồn gốc tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Ban đầu, người cai trị của Nhật Bản được gọi là Đại Hòa đại vương (大和大王; Yamato-ōkimi; nghĩa là Đại vương của Yamato), Oa vương (倭王; nghĩa là Vua của Oa quốc), hoặc Trị thiên hạ Đại vương (治天下大王; Ame-no-shita shiroshimesu ōkimi hoặc Sumera-no-mikoto; nghĩa là Đại vương cai trị thiên hạ), căn cứ trong nguồn cổ thư của Nhật Bản và Trung Quốc trước thế kỉ thứ VII.

Cụm từ Thiên hoàng (天皇; Tennō hay Sumera mikoto), ảnh hưởng từ cách gọi của Thiên Đế của Đạo giáo, cộng với danh xưng một thời của Đường Cao Tông. Danh xưng này sớm nhất được ghi lại ở Phi Điểu tịnh ngự nguyên lệnh (飛鳥浄御原令; Asuka kiyomi hararyō), được Thiên hoàng Tenmu chế định và công bố vào năm 689. Vì lúc này, Nhật Bản đã hình thành thể chế mô phỏng Trung Hoa, quyền của người đứng đầu đất nước không chỉ gói gọn là Quân hay Đại vương nữa, mà phải dùng "Thiên hoàng" để biểu thị quyền lực. Nguồn gốc của danh xưng này, theo Nhật Bản thư kỷ cho là có từ khi Thiên hoàng Suiko gửi thư ngoại giao với nhà Tùy:「"Đông Thiên Hoàng kính Bạch Tây Hoàng đế" (东天皇敬白西皇帝)[6]」, thế nhưng khi tra trong sách Trung Hoa lại không hề có thông tin này, không loại trừ khả năng đây là một thông tin hư cấu hóa, tương tự cách viết xuất thân của Thiên hoàng là hậu duệ thần linh.

Danh hiệu "Thiên hoàng" được cho là sử dụng bởi các Thiên hoàng cổ đại cho đến thời Trung cổ. Sau một thời gian không được sử dụng, danh hiệu này được sử dụng lại từ thế kỷ 20, tức thời Thiên hoàng Chiêu Hòa[7]. Trong thời kì gián đoạn này, các vị Hoàng đế Nhật Bản đều sử dụng rất nhiều kính xưng khác nhau, có "Ngự sở" (御所; Gosho), "Cấm Lý" (禁裏; Kinri), vân vân... đều được sử dụng rộng rãi trong tiếng Nhật cũ. Đáng kể nhất là có cụm biệt xưng "Mikado" (御門; Ngự môn), theo nghĩa đen có nghĩa là 「"Cánh cửa tôn kính"」, tức là cửa của cung điện hoàng gia, dùng để chỉ ra người đang sống và sở hữu cung điện. Danh xưng Mikado cũng là cách đọc của chữ "Đế" (帝) trong danh vị Hoàng đế của Trung Hoa, do đó cụm biệt xưng này đã từng được sử dụng rất rộng rãi trong một khoảng thời gian dài để chỉ các quân chủ Nhật Bản, như trong The Mikado, một vở operetta của thế kỷ 19. Tuy nhiên ngày nay thì biệt xưng này đã lỗi thời và không còn được sử dụng nữa[8].

Đến đầu Thời kỳ Minh Trị (1868), Nhật Bản khi phê chuẩn thư tín, phân bố công văn vẫn dùng danh hiệu "Hoàng đế" (皇帝; kōtei). Sang đến năm Chiêu Hòa thứ 11 (1936), khi thi hành thuyết Đại Đông Á, Nhật Bản bắt đầu luôn sử dụng danh hiệu "Thiên hoàng" dành cho các Hoàng đế Nhật Bản.

Theo truyền thống của người Nhật, gọi tên húy của người khác là thiếu tôn trọng, nhất là người có cấp bậc cao quý. Trong trường hợp của Hoàng thất thì vẫn coi việc gọi tên húy là không thích hợp. Kể từ thời Minh Trị, theo lệ mỗi Thiên hoàng chỉ dùng một niên hiệu và thụy hiệu của Thiên hoàng sau khi băng hà gồm có niên hiệu cộng với hai chữ "Thiên hoàng". Trước thời Minh Trị, niên hiệu được thay đổi thường xuyên hơn và miếu hiệu của Thiên hoàng được lựa chọn theo một cách khác. Bên ngoài Nhật Bản, bắt đầu với Thiên hoàng Chiêu Hòa, các Thiên hoàng thường được gọi bằng tên húy của họ, ngay cả khi còn sống và sau khi chết. Ví dụ như, Thiên hoàng Chiêu Hoà trước đây thường được gọi là Hirohito trong tiếng Anh, mặc dù ông không bao giờ được gọi là Hirohito tại Nhật Bản, và được đổi tên thành Chiêu Hòa sau khi chết và là cái tên duy nhất mà người nói tiếng Nhật hiện đang sử dụng khi đề cập đến ông.

Thiên hoàng đương nhiệm thường được gọi bằng danh hiệu Tennō heika (天皇陛下; Thiên hoàng bệ hạ) hoặc Kinjō Heika (今上陛下; Kim thượng bệ hạ). Trước đó, khi cụm từ mikado còn thông dụng, đương kim hoàng đế được gọi là Tōgin no Mikado (当今の帝; đương kim chi đế). Các Thiên hoàng (và hoàng hậu) qua các thời kì, dẫu là trung cổ hay cận đại, đều sử dụng kính ngữ cổ là Bệ hạ (陛下; heika).

Truyền thống kết hôn

[sửa | sửa mã nguồn]
Thái thượng Hoàng hậu đương nhiệm, Michiko
Hoàng hậu đương nhiệm, Masako
Hoàng tự phi đương nhiệm, Kiko

Trong suốt lịch sử, Thiên hoàng và quý tộc Nhật Bản bổ nhiệm vị trí của Chính cung, bên cạnh đó còn có hệ thống phi tầnNữ quan, Cung nữ.

Các triều đại hoàng gia Nhật Bản luôn thực hành chế độ đa thê, một truyền thống chỉ kết thúc vào khoảng Thời kỳ Đại Chính (1912-1926). Bên cạnh Hoàng hậu, Thiên hoàng vẫn có thể và gần như luôn luôn lấy thêm một số thứ cung với nhiều thứ bậc khác nhau. Sau một sắc lệnh của Thiên hoàng Ichijō, một số Thiên hoàng thậm chí đã có đến hai Hoàng hậu, phân biệt là Hoàng hậu (皇后; kōgo) và Trung cung (中宮; chūgū). Với chế độ đa thê, gia tộc hoàng gia có thể có nhiều con cháu hơn. Con của thứ cung thường được công nhận là hoàng tử và do vậy có thể được công nhận là người thừa kế ngai vàng nếu Hoàng hậu không sinh được một người thừa kế. Trong việc ngối nôi, con của Hoàng hậu thường được lựa chọn hơn là con trai của Thứ cung. Vì vậy, việc chọn vợ cho Thái tử, tức là Hoàng hậu tương lai, có tầm quan trọng lớn.

Rõ ràng, truyền thống lâu đời nhất của cuộc hôn nhân chính thức trong các triều đại quân chủ là một cuộc hôn nhân giữa các thành viên trong triều đại, thậm chí giữa anh chị em mang một nửa dòng máu, chú và cháu gái. Hôn nhân như vậy được coi là để bảo tồn tốt hơn dòng máu hoàng gia, hay nhằm vào việc sinh ra một đứa trẻ mang tính biểu tượng của sự hòa giải giữa hai chi nhánh của các triều đại quân chủ. Con gái của người không phải hoàng gia vẫn là thê thiếp, một thực tế kéo dài cho đến khi Thiên hoàng Shōmu (701-706) chọn chính thê cho ông là Hoàng hậu Kōmyō, một người thuộc Gia tộc Fujiwara.

Cũng như nhiều nước khác, hoàng gia Nhật Bản luôn liên minh với những thế lực mạnh. Nhiều liên minh như thế đã được thiết lập thông qua hôn nhân. Những cuộc hôn nhân như vậy đã sớm trở thành một truyền thống điều khiển các cuộc hôn nhân của những thế hệ sau này, mặc dù liên minh thực tế ban đầu đã mất đi ý nghĩa thực sự của nó. Một mô hình được lặp đi lặp lại là người con rể thuộc hoàng gia luôn nằm dưới sự ảnh hưởng của người cha vợ không thuộc hoàng gia. Bắt đầu từ thế kỷ VII và VIII, Thiên hoàng chủ yếu lấy phụ nữ của gia tộc Fujiwara làm chính cung - những người hầu như là mẹ của Thiên hoàng tương lai. Điều này được che giấu bằng truyền thống kết hôn giữa những người thừa kế của các vị thần trong Thần đạo: hậu duệ của Thiên Chiếu Đại Thần với con cháu của một vị thần thuộc gia tộc Fujiwara[9]. Con cái của hoàng gia, những người thừa kế của đất nước, với nguồn gốc đến từ hai vị thần được coi rất phù hợp - hoặc ít nhất là phù hợp với các lãnh chúa Fujiwara hùng mạnh, những người nhận được ưu tiên trong các cuộc hôn nhân của hoàng gia. Thực tế đằng sau những cuộc hôn nhân như vậy là một liên minh giữa một hoàng tử của triều đình và một lãnh chúa Fujiwara (cha vợ hoặc ông ngoại của hoàng tử), người với các nguồn lực của mình sẽ hỗ trợ hoàng tử lên ngôi và thường xuyên nắm quyền kiểm soát chính phủ. Những sắp xếp này tạo ra truyền thống nhiếp chính (Sesshō và Kampaku), với các vị trí này chỉ được giữ bởi một lãnh chúa thuộc Ngũ Nhiếp Gia (五摂家; go sekke) của gia tộc Fujiwara.

Trước đó, các Thiên hoàng thường kết hôn với những phụ nữ từ gia đình của các lãnh chúa Soga và phụ nữ của chính gia tộc hoàng gia, tức là anh em họ và thậm chí là chị em (chị em cùng cha khác mẹ/cùng mẹ khác cha). Một số người của hoàng gia thuộc thế kỷ thứ V và thứ VI như Thánh Đức Thái tử là con của các cặp vợ chồng như vậy. Những cuộc hôn nhân này thường là liên minh hoặc công cụ để lên ngôi: các lãnh chúa Soga đảm bảo sự thống trị của mình khi vị hoàng tử được đặt trên ngai vàng là con rối do chính lãnh chúa đó điều khiển; hay một hoàng tử bảo đảm sự kết hợp của hai gia tộc để tăng cường quyền lên ngôi của chính ông và con cháu. Những cuộc hôn nhân cũng là một phương tiện để đánh dấu một sự hòa giải giữa hai nhánh của triều đình.

Sau vài thế kỷ, Thiên hoàng không thể nào chọn bất cứ ai từ những gia đình bên ngoài để làm chính cung, mặc cho những lợi ít về quyền lực hay sự giàu có do một cuộc hôn nhân như vậy mang lại. Rất hiếm khi một hoàng tử lên ngôi mà người mẹ không có nguồn gốc từ các gia đình đã được phê duyệt. Sự cần thiết trước kia đã biến đổi thành một truyền thống nghiêm ngặt. Phụ nữ từ gia tộc Fujiwara thường làm hoàng hậu trong khi phi tần lại đến từ các gia đình quý tộc ít cao quý. Trong hàng ngàn năm, con trai của một người nam của hoàng gia và một phụ nữ của tộc Fujiwara thường là người được nối ngôi. Năm chi họ của Fujiwara gọi là Ngũ Nhiếp Gia gồm: Ichijō (Nhất Điều gia), Nijō (Nhị Điều gia), Kujō (Cửu Điều gia), Konoe (Cận Vệ gia) và Takatsukasa (Ưng Tư gia) là nguồn cung cấp thái tử phi từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIX, thậm chí thường xuyên hơn so với con gái của hoàng thân. Con gái của gia tộc Fujiwara do vậy thường là hoàng hậu và là mẹ của Thiên hoàng.

Sự hạn chế về vợ của Thiên hoàng và Thái tử đã được thực hiện rõ ràng hơn trong thời kỳ Minh Trị bởi luật hoàng gia năm 1889. Một điều khoản trong đó quy định rằng con gái của Ngũ Nhiếp Gia và con gái của gia tộc hoàng gia thường là cô dâu được chọn. Luật này được bãi bỏ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thái Thượng Thiên hoàng Bình Thành, đã trở thành thái tử đầu tiên trong hơn một ngàn năm kết hôn với một phụ nữ từ bên ngoài.

Chôn cất

[sửa | sửa mã nguồn]
Cổng vào của Nghĩa trang Hoàng gia MusashiHachiōji, Tokyo

Trong thời kỳ Kofun, cái gọi là "Tang lễ cổ xưa" đã được tổ chức cho các Thiên hoàng đã chết, nhưng chỉ có những nghi thức tang lễ từ cuối giai đoạn, vốn được các biên niên sử mô tả chi tiết hơn, được biết đến. Chúng tập trung xung quanh các nghi thức mogari, một lưu ký tạm thời giữa cái chết và chôn cất vĩnh viễn [10].

Hoàng hậu Jitō là nhân vật hoàng gia Nhật đầu tiên được hỏa táng (vào năm 703). Sau đó, trừ một vài ngoại lệ, tất cả các Thiên hoàng đều được hỏa táng đến tận thời kỳ Edo [10]. Trong 350 năm tiếp theo, chôn ở mộ trở thành nghi thức tang lễ được ưa chuộng. Vào năm 2013, Cơ quan nội chính Hoàng gia thông báo rằng Thiên hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ được hỏa táng sau khi chết [11].

Cho đến năm 1912, Thiên hoàng thường được chônKyoto [12]. Từ Thiên hoàng Taishō trở đi, các Thiên hoàng được chôn cất tại Nghĩa trang Hoàng gia MusashiTokyo.

Kế thừa

[sửa | sửa mã nguồn]
Hoàng cung Tokyo

Hoàng gia Nhật Bản thường tuyên bố họ đã Vạn thế nhất hệ (万世一系; Bansei Ikkei), có nghĩa là "Cai trị từ thời xa xưa". Hàng thiên niên kỷ trước, hoàng gia Nhật Bản đã phát triển một hệ thống truyền ngôi đặc thù riêng. Hiện nay, Nhật Bản sử dụng nghiêm ngặt quyền con trưởng, vốn bắt nguồn từ Nho giáo thời phong kiến, sau đó được du nhập thêm từ hiến pháp nước Phổ, một nước mà Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng rất nhiều trong những năm 1870.

Các nguyên tắc kiểm soát và tương tác của hoàng gia dường như rất phức tạp và tinh vi, thậm chí dẫn đến những kết quả mang phong cách riêng. Một số nguyên tắc chính rõ ràng trong việc kế thừa là:

  • Phụ nữ được cho phép nối ngôi. Tuy nhiên, việc phụ nữ lên ngôi rõ ràng là rất hiếm so với nam giới, thường chỉ xảy ra khi người nam kế vị đang còn quá nhỏ, hoặc khi có xung đột triều chính nên không quyết định được ngay người kế vị (việc này chỉ từng xảy ra 8 lần trong lịch sử, thường là chị em hoặc con gái Thiên hoàng tiền nhiệm lên ngôi). Cả tám nữ thiên hoàng đó đều không kết hôn hoặc sinh con, sau khi thoái vị thì họ sẽ truyền ngôi cho một người nam khác trong hoàng tộc để ngai vàng không rơi vào dòng họ khác.
  • Nhận con nuôi là có thể và là một cách được sử dụng nhiều để tăng số lượng người thừa kế (tuy nhiên, con nuôi phải là đứa trẻ thuộc dòng họ hoàng tộc để ngai vàng không chuyển sang dòng họ khác).
  • Thoái vị được sử dụng rất thường xuyên, và trong thực tế đã xảy ra thường xuyên hơn so với việc Thiên hoàng chết khi còn tại vị. Trong những ngày đó, nhiệm vụ chính của Thiên hoàng là tế lễ thần linh, có chứa rất nhiều các nghi lễ lặp đi lặp lại vốn được coi là một dịch vụ mà sau khoảng mười năm, người thoái vị sẽ được tôn làm Thái Thượng Hoàng.
  • Quyền con trưởng không được sử dụng từ trước thế kỷ 15, thay vào đó, trong thời kỳ này, hoàng gia thực hành một hệ thống luân chuyển. Thông thường một người em trai (hay em gái) nối tiếp các anh chị em lớn tuổi hơn, thậm chí cả trong trường hợp người tiền nhiệm đã có con nối dõi. "Lượt" của thế hệ tiếp theo đến thường xuyên hơn sau một số cá nhân thuộc thế hệ trưởng bối. Xoay chuyển thường xuyên giữa hai hoặc nhiều chi nhánh của hoàng gia, khiến nhiều khi có tới hai người anh em họ đã kế ngôi lẫn nhau. Thiên hoàng Go-Saga thậm chí ra sắc lệnh thay đổi sự luân phiên chính thức giữa những người thừa kế của hai người con trai của ông, làm cho hệ thống này tiếp diễn trong một vài thế kỷ (cuối cùng dẫn đến việc Shogun gây ra (hoặc sử dụng) xung đột giữa hai nhánh này, Thiên hoàng "miền nam" và Thiên hoàng "miền bắc"). Trong 500 năm gần đây, có lẽ do ảnh hưởng của Nho giáo cũng như để tránh tranh chấp ngôi vua, hầu như luôn là người con trai cả của Thiên hoàng sẽ là người lên nối ngôi.
Thái Thượng hoàng Akihito.

Trong lịch sử Nhật Bản, quyền lên ngôi luôn được giao cho con cháu thuộc nhánh nam từ dòng dõi hoàng gia. Nói chung, phần lớn Thiên hoàng là nam giới, mặc dù trong số hơn 126 Thiên hoàng đã có 8 người là phụ nữ.

Hơn 1.000 năm trước, theo truyền thống thì một Thiên hoàng lên ngôi khi còn tương đối trẻ. Một hoàng tử vừa trải qua mấy năm đầu đời thì đã được coi là phù hợp và đủ tuổi kế vị. Do vậy, rất nhiều Thiên hoàng lên ngôi khi còn là trẻ con, trẻ nhất là 6 hoặc 8 tuổi. Hàng chục Thiên hoàng đã thoái vị và sống suốt quãng đời còn lại trong nhung lụa, nhưng nhiều người vẫn cai trị đằng sau hậu trường. Một số Thiên hoàng thậm chí còn thoái vị để được nghỉ ngơi an nhàn trong khi vẫn còn ở tuổi thanh niên. Truyền thống này được thể hiện trong dân gian, sân khấu, văn học, và các hình thức khác của văn hóa Nhật Bản, nơi mà Thiên hoàng thường được mô tả hoặc phác họa như là một trẻ vị thành niên.

Trước thời Minh Trị Duy tân, lịch sử Nhật có 8 nữ Thiên hoàng, tất cả đều là công chúa thuộc nội tộc hoàng gia, không một ai kế vị với tư cách là vợ hoặc góa phụ ngoại tộc của Thiên hoàng đã mất. Con gái và cháu gái của Hoàng gia, tuy nhiên, thường lên ngôi như một cách lấp đầy "khoảng trống kế vị" - nếu một người nam phù hợp kế vị đang không có sẵn hoặc một số chi họ của hoàng gia đang kình địch lẫn nhau, vì vậy mà một thỏa hiệp là cần thiết. Hơn một nửa số nữ Thiên hoàng đã tự thoái vị khi một hậu duệ nam phù hợp đã đủ tuổi để cai trị. Bốn nữ Thiên hoàng, Suiko, KōgyokuJitō, cũng như Jingū trong thần thoại, là goá phụ của các Thiên hoàng đã chết và cũng là công chúa mang dòng máu hoàng gia. Một người, Gemmei, là vợ góa của một thái tử và cũng là công chúa của hoàng gia. Bốn người khác, Genshō, Kōken (hay Shōtoku), MeishōGo-Sakuramachi, là con gái độc thân của các Thiên hoàng trước. Không ai trong số các nữ hoàng này kết hôn hoặc sinh con sau khi kế vị (để tránh ngôi vua rơi vào dòng họ khác).

Điều 2 của Hiến pháp Minh Trị năm 1889 ghi rằng "Ngôi báu sẽ được truyền cho con cháu của hoàng nam, theo quy định của Luật Hoàng gia". Luật Hoàng gia năm 1889 cố định việc chỉ con trai được nối dõi, và loại trừ phụ nữ khỏi việc kế thừa ngôi vị. Trong trường hợp dòng chính không còn ai kế vị, ngai vàng sẽ được truyền cho nhánh phụ gần nhất, vẫn phải là nam giới. Nếu hoàng hậu không sinh ra một người thừa kế, Thiên hoàng có thể lấy thêm một thứ phi và con trai ông với người thứ phi đó sẽ được công nhận là người thừa kế ngai vàng. Luật này được ban hành trong cùng một ngày với Hiến pháp Minh Trị, do đó được hưởng trạng thái cân bằng với hiến pháp.

Điều 2 của Hiến pháp Nhật Bản, vốn ban hành vào năm 1947 do lực lượng chiếm đóng của Mỹ viết ra và vẫn có hiệu lực, quy định rằng "Ngai vàng được kế vị và sự kế vị đó phải phù hợp với Luật Hoàng gia do Quốc hội thông qua." Hoàng Thất Điển Phạm ngày 16 tháng 1 năm 1947 thông qua bởi Đế quốc Nghị Hội cuối cùng vẫn giữ lại điều khoản không cho phụ nữ kế vị của bộ luật năm 1889. Chính phủ của thủ tướng Yoshida Shigeru đã thông qua đạo luật một cách vội vã để tuân theo bản hiến pháp do Hoa Kỳ định ra, vốn có hiệu lực vào tháng 5 năm 1947. Trong một nỗ lực để kiểm soát quy mô của gia đình hoàng gia, luật quy định rằng chỉ có các nam thành viên hợp pháp của hoàng thất có quyền kế vị; công chúa nếu kết hôn với người ngoài hoàng thất thì sẽ bị phế bỏ tước vị của mình và không được xem là thành viên của hoàng thất [13]

Theo Bộ luật năm 1947, chỉ còn duy nhất gia đình Nhật hoàng Hirohito và ba anh em của ông vẫn còn giữ danh hiệu Hoàng gia, hàng trăm thành viên hoàng tộc thuộc các chi họ xa hơn (các Ōke) đều bị mất danh hiệu. Ngoài ra, Thiên hoàng và tất cả các thành viên khác trong Hoàng gia không được quyền nhận con nuôi.

Tình trạng hiện nay

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc kế vị được quy định bởi luật của Quốc hội. Luật hiện không cho phép phụ nữ kế vị. Một đề xuất nhằm làm thay đổi bộ luật này từng được xem xét cho đến khi công nương Kiko sinh hạ một người con trai.

Trước sự ra đời của Hisahito, con trai của Hoàng tử Akishino vào ngày 6 tháng 9 năm 2006, có nảy sinh một vấn đề về việc kế vị. Hoàng tử Akishino là người con trai duy nhất được sinh ra trong gia đình hoàng gia từ năm 1965. Sau sự ra đời của công chúa Aiko, đã có một cuộc tranh luận công khai về việc sửa đổi Luật Hoàng gia hiện tại để cho phép phụ nữ kế vị, vì thế hệ kế tiếp của Hoàng gia đang không có người con trai nào.

Vào tháng 1 năm 2005, Thủ tướng Koizumi Junichirō bổ nhiệm một ủy ban đặc biệt gồm các thẩm phán, giáo sư đại học và công chức để nghiên cứu sự thay đổi trong Luật Hoàng gia và để kiến nghị với chính phủ. Ủy ban giải quyết vấn đề về quyền kế vị vào ngày 25 tháng 10 năm 2005 đã đề nghị sửa đổi luật để cho phép phụ nữ của dòng nam thuộc hoàng gia được quyền lên kế vị. Ngày 20 tháng 1 năm 2006, Thủ tướng Koizumi Junichirō dành một phần của bài phát biểu hàng năm của ông để nói về cuộc tranh cãi và hứa hẹn sẽ trình lên một dự luật cho phép phụ nữ lên ngôi để đảm bảo rằng việc kế vị vẫn sẽ được tiếp tục trong tương lai một cách ổn định.

Ngay sau khi có công bố rằng công nương Kiko mang thai đứa con thứ ba, Koizumi đã đình chỉ kế hoạch. Con trai của bà, Hoàng tử Hisahito, xếp thứ ba trong dòng kế vị ngai vàng theo luật kế vị hiện hành. Ngày 3 tháng 1 năm 2007, Thủ tướng Abe Shinzō tuyên bố rằng ông sẽ từ bỏ đề nghị thay đổi Luật Hoàng gia [14].

Trong những năm gần đây, nhiều người đã đề xuất việc khôi phục danh hiệu cho một số Ōke - chi họ của Hoàng gia trước đây (đã bị tước tư cách thành viên Hoàng gia theo Bộ luật năm 1947) hoặc cho phép gia đình hoàng gia nhận nuôi các thành viên nam của các gia đình hoàng tử trước đây, như một giải pháp cho việc kế vị ngai vàng Nhật Bản (trong trường hợp chi họ của Thiên Hoàng Akihito không còn con trai nối ngôi).

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “役員、総代としての基礎知識 全国神社総代会編集発行「改訂神社役員、総代必携」”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2010.
  2. ^ Boscaro, Adriana; Gatti, Franco; Raveri, Massimo biên tập (2003). Rethinking Japan: Social Sciences, Ideology and Thought. II. Japan Library Limited. tr. 300. ISBN 0-904404-79-X.
  3. ^ The formal investiture of the Prime Minister in 2010, the opening of the ordinary session of the Diet in January 2012 and the opening of an extra session of the Diet in the autumn of 2011. The 120th anniversary of the Diet was commemorarated with a special ceremony in the House of Councillors in November 2010, when also the Empress and the prince and princess Akishino were present.
  4. ^ Boscaro, Adriana; Gatti, Franco; Raveri, Massimo biên tập (2003). Rethinking Japan: Social Sciences, Ideology and Thought. II. Japan Library Limited. tr. 300. ISBN 0-904404-79-X.
  5. ^ [1], National Diet Library
  6. ^ 《日本書紀・推古天皇》:「九月辛未朔乙亥、饗客等於難波大郡。辛巳、唐客裴世淸罷歸。則復以小野妹子臣爲大使、吉士雄成爲小使、福利爲通事、副于唐客而遺之。爰天皇聘唐帝、其辭曰「東天皇敬白西皇帝。使人鴻臚寺掌客裴世淸等至、久憶方解。季秋薄冷、尊何如、想淸悆。此卽如常。今遣大禮蘇因高・大禮乎那利等往。謹白不具。」
  7. ^ Screech, (2006). Secret Memoirs of the Shoguns: Isaac Titsingh and Japan, 1779–1822, p. 232 n4.
  8. ^ Kanʼichi Asakawa. The early institutional life of Japan: a study in the reform of 645 A.D.. Tokyo: Shueisha (1903), p. 25. "We purposely avoid, in spite of its wide usage in foreign literature, the misleading term Mikado. If it be not for the natural curiosity of the races, which always seeks something novel and loves to call foreign things by foreign names, it is hard to understand why this obsolete and ambiguous word should so sedulously be retained. It originally meant not only the Sovereign, but also his house, the court, and even the State, and its use in historical writings causes many difficulties which it is unnecessary to discuss here in detail. The native Japanese employ the term neither in speech nor in writing. It might as well be dismissed with great advantage from sober literature as it has been for the official documents."
  9. ^ Nguyên là, tộc Fujiwara là hậu duệ từ giới quý tộc tương đối nhỏ, do đó thần (Kami) của họ có một vị trí không đáng kể trong thế giới thần thoại Nhật Bản.
  10. ^ a b François Macé. “The Funerals of the Japanese Emperors”.
  11. ^ “Emperor, Empress plan to be cremated”. The Japan Times. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2013.
  12. ^ Seidensticker, Edward. (1990). Tokyo Rising, p. 20.
  13. ^ Martin, Alex, "Imperial law revisited as family shrinks, Emperor ages Lưu trữ 2012-07-14 tại Wayback Machine", Japan Times, ngày 16 tháng 12 năm 2011, p. 3.
  14. ^ “Report: Japan to drop plan to allow female monarch”. USA Today. McLean, VA: Gannett. The Associated Press. ngày 3 tháng 1 năm 2007. ISSN 0734-7456. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2011.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]