Đổng Khôi
Đổng Khôi | |
---|---|
Tên chữ | Hưu Tự |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Nơi sinh | Nam |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | chính khách |
Quốc tịch | Thục Hán |
Đổng Khôi (tiếng Trung: 董恢; bính âm: Dong Hui; ? – ?), tự Hưu Tự (休緒), là quan viên nhà Quý Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Cuộc đời
[sửa | sửa mã nguồn]Đổng Khôi quê ở huyện Tương Dương, quận Nam, sau tách ra thành quận Tương Dương thuộc Kinh Châu[a]. Có khả năng Đổng Khôi vào Ích Châu sau khi Kinh Châu bị chiếm đóng (219)[b].[1]
Năm 225, Chiêu Tín Hiệu úy Phí Y đi sứ Đông Ngô.[2] Đổng Khôi giữ chức Tuyên Tín Trung lang, làm phó sứ hỗ trợ Phí Y. Một lần, Ngô vương Tôn Quyền vờ say, không hề cố kỵ mà châm chọc trọng thần Dương Nghi, Ngụy Diên bên Quý Hán là lũ tiểu nhân ti tiện, tuy có một ít bản lĩnh, nhưng mỗi khi đắc chí thì quên hết, nếu không khống chế sẽ để lại mối họa.[c][4] Bởi Dương Nghi với Ngụy Diên bất hòa là mọi người đều biết, nên Phí Y không biết trả lời ra sao.[5] Đổng Khôi bèn nhắc:
- Ngắn gọn có thể nói cái sự bất hòa Nghi và Diên nổi lên là bởi phẫn hận riêng tư, nhưng không có cái tâm thế khó chế ngự của Kình Bố, Hàn Tín. Nay giữa lúc tiễu trừ cường tặc, nhất thống Hoa Hạ, công nhờ sức người mà thành tựu, nghiệp bởi tài trí mà rộng mở, nếu loại bỏ những người ấy không dùng, để phòng hậu họa, thì cũng giống như phòng phong ba mà tính bẻ mái chèo, không phải kế hay vậy.[6]
Tôn Quyền thích ý mà cười. Dịch Trung Thiên cho rằng đây chỉ là câu trả lời qua quýt cho đỡ mất mặt, trong khi Tôn Quyền cố tình hạ thấp năng lực của hai người Nghi, Diên.[7] Thừa tướng Gia Cát Lượng biết chuyện, cho rằng Đổng Khôi biết cách ăn nói. Ba ngày sau khi về nước, Đổng Khôi được làm thuộc quan trong phủ Thừa tướng, sau quan đến Thái thú Ba quận.[1]
Khoảng 234–243[d], Thượng thư lệnh Phí Y, Trung điển quân Hồ Tế cùng Thị trung Đổng Doãn thường hẹn nhau mở yến. Đổng Khôi bấy giờ giữ chức Lang trung, đến bái phỏng Đổng Doãn, thấy Doãn chuẩn bị lên xe nên định về. Đổng Doãn không hài lòng, cho rằng làm thế là không kính lễ kẻ sĩ[e], liền cởi ngựa không đi.[1]
Trong văn hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Đổng Khôi không xuất hiện trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chú, Tam quốc chí.
- Bùi Thông (dịch), Phạm Thành Long (hiệu đính), Tam quốc chí - Tập VI: Thục thư, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2017. ISBN 9786049542442
- Dịch Trung Thiên, Vũ Ngọc Quỳnh (dịch), Phẩm Tam quốc, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2013. ISBN 8936047862351
Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Nay thuộc Tương Dương, Hồ Bắc.
- ^ Nguyên văn: 入蜀 (nhập Thục).
- ^ Tôn Quyền từng có lần say rượu hỏi Y rằng: Dương Nghi, Ngụy Diên, là hạng trẻ trâu tiểu nhân. Tuy là thường có cái ích như chim hót chó sủa theo thời vụ, nhưng đã dùng họ, thì không thể xem thường, nếu một mai không có Gia Cát Lượng, tất thành họa loạn mất. Các ngài thật hồ đồ, không hề nghĩ việc phòng ngừa mối lo này, há có thể gọi là suy xét mưu tính lâu dài cho con cháu?[3]
- ^ Phí Y giữ chức Thượng thư lệnh trong khoảng 234–243.[2] Hồ Tế tương tự.[1]
- ^ Doãn không hài lòng, nói: Sở dĩ ta định đi ra ngoài, là muốn cùng bằng hữu du ngoạn đàm luận thôi, nay ngài đã tự khuất thân đến là muốn khai mở tâm tình, ta bỏ cuộc đàm luận này, tới dự buổi yến kia, như thế là không đúng vậy.[3]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chú, Tam quốc chí, Thục thư, quyển 9, Đổng Lưu Mã Trần Đổng Lã truyện.
- ^ a b Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chú, Tam quốc chí, Thục thư, quyển 14, Tưởng Uyển Phí Y Khương Duy truyện.
- ^ a b Bùi Thông, tr. 207
- ^ Dịch Trung Thiên, tr. 516-517
- ^ Dịch Trung Thiên, tr. 516
- ^ Bùi Thông, tr. 207-208
- ^ Dịch Trung Thiên, tr. 517