Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam
Đại hội Đại biểu toàn quốc là đại hội then chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ 5 năm 1 lần, theo Điều lệ là "cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng". Đại biểu dự đại hội gồm các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương triệu tập đại hội và đại biểu do đại hội cấp dưới bầu.
Ðại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc gồm các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Đại biểu do Đại hội cấp dưới bầu; Ðại biểu dự Đại hội phải được Đại hội thẩm tra tư cách và biểu quyết công nhận.
Đại hội Đại biểu toàn quốc bất thường có thể được triệu tập khi Ban Chấp hành Trung ương thấy cần hoặc khi có hơn một nửa số Cấp ủy trực thuộc yêu cầu. Đại biểu dự Đại hội bất thường là các Uỷ viên Trung ương đương nhiệm, đại biểu đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc đầu nhiệm kỳ, đủ tư cách.
Ở các cấp, cơ quan lãnh đạo cao nhất là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên, với đại biểu tham dự gồm các ủy viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội và đại biểu do đại hội cấp dưới bầu.
Một số kỳ có Đại hội trù bị họp kín một số ngày giải quyết các công việc quan trọng, còn Đại hội chính thức hay có đại biểu quốc tế tham dự, họp công khai. Các Đại hội gần đây bỏ thể lệ này, thường chỉ họp trù bị một ngày để chuẩn bị công việc Đại hội chính. Thông thường, Tổng Bí thư sẽ đọc Báo cáo chính trị tổng kết nhiệm kỳ.
Nhiệm vụ[sửa | sửa mã nguồn]
- Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua;
- Quyết định đường lối, chính sách của Đảng nhiệm kỳ tới;
- Bầu Ban Chấp hành Trung ương; Số lượng Ủy viên Trung ương chính thức và Ủy viên Trung ương dự khuyết do Ðại hội quyết định;
- Bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng khi cần.
Các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc[sửa | sửa mã nguồn]
Đại hội đại biểu toàn quốc | Thời gian | Địa điểm | Số đại biểu | Số đảng viên | Nội dung |
---|---|---|---|---|---|
Lần thứ nhất | 28 - 31/3/1935 | Ma Cao | 13 | 600 | Đại hội đánh dấu sự khôi phục và phát triển của tổ chức Đảng sau đợt khủng bố trắng của Pháp trong Xô Viết Nghệ Tĩnh. |
Lần thứ hai | 11 - 19/2/1951 | Tuyên Quang | 158 (53 dự khuyết) | 766.349 | Khởi xướng Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. |
Lần thứ ba | 5 - 12/9/1960 | Hà Nội | 525 (51 dự khuyết) | 500.000 | Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, tiến hành Cách mạng Dân tộc Dân chủ ở miền Nam. |
Lần thứ tư | 14 - 20/12/1976 | Hà Nội | 1008 | 1.550.000 | Đại hội đầu tiên sau thống nhất. |
Lần thứ năm | 27 - 31/3/1982 | Hà Nội | 1033 | 1.727.000 | Đường lối xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong thời kì quá độ bắt đầu có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển, cụ thể hóa theo từng chặng đường, từng giai đoạn cho phù hợp với những điều kiện lịch sử. |
Lần thứ sáu | 15 - 18/12/1986 | Hà Nội | 1129 | 2.109.613 | Khởi xướng chính sách đổi mới. |
Lần thứ bảy | 24 - 27/6/1991 | Hà Nội | 1176 | 2.155.022 | Đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. |
Lần thứ tám | 28/6 - 1/7/1996 | Hà Nội | 1198 | 2.130.000 | Đại hội đã tổng kết đánh giá, kiểm điểm 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của đại hội VI và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 7, đề ra chủ trương, nhiệm vụ nhằm kế thừa, phát huy những thành tựu, ưu điểm đã đạt được; điều chỉnh bổ sung, phát triển đường lối đổi mới để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước tiến lên. |
Lần thứ chín | 19 - 22/4/2001 | Hà Nội | 1168 | 2,4 triệu | Đại hội khẳng định tiếp tục nắm vững 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. |
Lần thứ mười | 18 - 25/4/2006 | Hà Nội | 1176 | 3,1 triệu | Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô - Việc Đại hội ra Nghị quyết cho phép Đảng viên của Đảng được làm kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế tư bản tư nhân là bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm đổi mới, thể hiện bước đột phá trong thay đổi tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Lần thứ mười một | 11 - 19/1/2011 | Hà Nội | 1377 | 3,6 triệu | Đề ra "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)". Đây là đại hội đầu tiên tổ chức trước Tết Nguyên Đán |
Lần thứ mười hai | 21 - 28/1/2016 | Hà Nội | 1510 | hơn 4,5 triệu [1] | Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. |
Lần thứ mười ba | 25/1-1/2/2021 | Hà Nội | 1587 | ~5.300.000 (tính đến 10/2020) |
|