Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Việt Nam)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế
Thành lập24/8/1991
LoạiCơ quan nhà nước
Vị thế pháp lýHợp pháp, hoạt động
Trụ sở chínhSố 60 Trần Phú, quận Ba Đình
Vị trí
Ngôn ngữ chính
Tiếng Việt
Chủ quản
Bộ Tư pháp

Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện công tác xây dựng, tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực dân sự - kinh tế; quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.[1][2]

Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thành lập ngày 24/8/1991.[3]

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế được quy định tại Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 28/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.[4]

Nhiệm vụ và quyền hạn[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Điều 2, Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 28/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế có các nhiệm vụ, quyền hạn chính:

  • Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm, hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
  • Nghiên cứu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và các dự án, giải pháp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  • Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định các đề nghị xây dựng và thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ (theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này) và các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác do Lãnh đạo Bộ giao.
  • Rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luậtpháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
  • Theo dõi việc thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết các vướng mắc mang tính hệ thống, liên ngành trong thi hành pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Vụ.
  • Giúp lãnh đạo Bộ chuẩn bị ý kiến pháp lý nhằm tháo gỡ các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan đến lĩnh vực pháp luật dân sự - kinh tế, tham gia xử lý các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực dân sự - kinh tế (trừ các vấn đề có nội dung chủ yếu có yếu tố nước ngoài).
  • Tham mưu, giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vị cả nước, xây dựng, thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Cơ cấu tổ chức[sửa | sửa mã nguồn]

(Theo Khoản 1b, Điều 3, Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 28/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

  • Phòng Pháp luật dân sự
  • Phòng Pháp luật kinh tế tổng hợp
  • Phòng Pháp luật kinh tế ngành
  • Phòng Pháp luật lao động, an sinh xã hội và tổng hợp

Các lĩnh vực văn bản thuộc phạm vi quản lý của Vụ[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Phụ lục ban hành kèm Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 28/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung cơ bản trong các lĩnh vực sau:

  1. Pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, hòa giải và đối thoại tại Tòa án; chi phí tố tụng; hôn nhângia đình; chuyển đổi giới tính, bản dạng giới; quyền con người trong lĩnh vực dân sự - kinh tế.
  2. Pháp luật về sở hữu trí tuệ.
  3. Pháp luật về thương mại, du lịch, phá sản, cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  4. Pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  5. Pháp luật về đầu tư; đầu tư công; đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đấu thầu; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
  6. Pháp luật về năng lượng, gồm: điện lực, năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
  7. Pháp luật về khoa họccông nghệ; chuyển giao công nghệ, công nghệ cao; tiêu chuẩnquy chuẩn kỹ thuật; đo lường; chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
  8. Pháp luật về hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp.
  9. Pháp luật về khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
  10. Pháp luật về thông tintruyền thông, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ số, nền tảng số, kinh tế số, xã hội số, dịch vụ số, chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia; công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử.
  11. Pháp luật về ngân sách nhà nước, quỹ tài chính; nợ công, quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; pháp luật về dự trữ quốc gia.
  12. Pháp luật về kế toán, kiểm toán; quy hoạch, kế hoạch.
  13. Pháp luật về thuế (trừ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu); pháp luật phí, lệ phí; giá.
  14. Pháp luật về thủy sản, chăn nuôi và thú y; trồng trọt và bảo vệ kiểm dịch thực vật; thủy lợi; đê điều; khuyến nông; lâm nghiệp; phòng chống thiên tai; nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn.
  15. Pháp luật về: tín dụng, ngân hàng; bảo hiểm tiền gửi, kinh doanh bảo hiểm; chứng khoán; các công cụ chuyển nhượng; xổ số, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng, casino; kinh doanh vàng.
  16. Pháp luật về: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên biển và tài nguyên khoáng sản.
  17. Pháp luật về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, khí tượng thủy văn.
  18. Pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đô thị, kiến trúc, quy hoạch đô thị.
  19. Pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động; bảo vệ sức khoẻ người lao động.
  20. Pháp luật về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bồi dưỡng, sinh hoạt phí đối với cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang, cơ yếu, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, người lao động, học sinh, sinh viên, người làm nghề công tác xã hội và các đối tượng chính sách khác.
  21. Pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, pháp luật liên quan đến tài chính, chế độ, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em.
  22. Pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động.
  23. Pháp luật về trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và một số nội dung khác liên quan đến dân sự, thương mại, đầu tư trong y tế.
  24. Pháp luật về việc làm; pháp luật đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  25. Pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề, học nghề, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; pháp luật về hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp.
  26. Pháp luật về quản lý và chế độ, chính sách đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
  27. Pháp luật về công tác xã hội, bảo trợ xã hội liên quan đến tài chính, chế độ, chính sách; chế độ, chính sách trợ giúp xã hội; chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội; chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
  28. Pháp luật về hoạt động dân sự, thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực: văn hóa, thể dục thể thao, điện ảnh, di sản văn hóa, y tế, y tế dự phòng, dược, khám chữa bệnh, báo chí, xuất bản và hoạt động in ấn, giao thông và an toàn giao thông.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Hoàn thiện hơn khung thể chế và pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0”.
  2. ^ “Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với Tổ Soạn thảo xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2026”.
  3. ^ “Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế ghi nhiều dấu ấn đậm nét trong thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp”.
  4. ^ “Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế”. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2024.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]