Bước tới nội dung

Thanh Hóa (thành phố)

(Đổi hướng từ Thành phố Thanh Hoá)
Thanh Hóa
Thành phố thuộc tỉnh
Thành phố Thanh Hóa
Biểu trưng
Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải: Cầu Hàm Rồng, tượng đài Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa về đêm, Đại lộ Lê Lợi, ga Thanh Hóa

Tên khácHạc Thành
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhThanh Hóa
Trụ sở UBNDĐại lộ Nguyễn Hoàng, phường Đông Hải
Phân chia hành chính33 phường, 14 xã
Thành lập1/5/1994[1]
Loại đô thịLoại I
Năm công nhận2024[2]
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDTrần Anh Chung
Chủ tịch HĐNDLê Anh Xuân
Bí thư Thành ủyLê Anh Xuân
Địa lý
Tọa độ: 19°48′26″B 105°47′37″Đ / 19,80722°B 105,79361°Đ / 19.80722; 105.79361
MapBản đồ thành phố Thanh Hóa
Thanh Hóa trên bản đồ Việt Nam
Thanh Hóa
Thanh Hóa
Vị trí thành phố Thanh Hóa trên bản đồ Việt Nam
Diện tích228,22 km²[3]
Dân số (2023)
Tổng cộng615.106 người[3]
Mật độ2.695 người/km²
Dân tộcKinh,...
Khác
Mã hành chính380[4]
Mã bưu chính401xx
Biển số xe36-AC
Websitetpthanhhoa.thanhhoa.gov.vn

Thanh Hóathành phố tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ, Việt Nam. Đây là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục và khoa học – kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa.[5] Không chỉ là "trái tim" của một trong những tỉnh thuộc hàng lớn nhất cả nước, thành phố Thanh Hóa còn là một trong ba trung tâm lớn của khu vực Bắc Trung Bộ, cùng với các thành phố VinhHuế.[6] Đô thị Thanh Hóa đã được quy hoạch trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và vùng phía nam Bắc Bộ; là đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước và quốc tế; có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh; phát triển mạnh dịch vụcông nghiệp, nhất là dịch vụ chất lượng cao; phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa Xứ Thanh.[7] Thành phố Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong năm thành phố thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2045 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, thu nhập cao.[8]

Thành phố Thanh Hóa ban đầu là một thành phố cấp III (thành phố trực thuộc tỉnh) do người Pháp thành lập năm 1929, sau Cách mạng Tháng Tám thì chuyển thành thị xã Thanh Hóa. Qua quá trình phát triển và mở rộng, thành phố Thanh Hóa được thành lập vào ngày 1 tháng 5 năm 1994 và được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa ngày 29 tháng 4 năm 2014.[9] Thành phố Thanh Hóa là đô thị trẻ, nằm hai bên bờ sông Mã thuộc vùng đồng bằng rộng thứ ba cả nước; có vị trí, cảnh quan sinh thái thuận lợi, khí hậu ôn hòa. Thành phố cách thành phố biển Sầm Sơn 16 km về phía tây, cách sân bay Thọ Xuân 35 km về phía đông, cách khu kinh tế Nghi Sơn 60 km về phía bắc; có các tuyến quốc lộ 1, 10, 45, 47, đường sắt Thống Nhấtđường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông chạy qua, tạo thành một mạng lưới giao thông đa dạng và thuận tiện. Nhờ đó, thành phố Thanh Hóa đã trở thành trung tâm của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời ở vào vị thế thuận lợi trong việc giao thương với tất cả các địa phương trong cả nước.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Vị trí địa lý, địa hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Thanh Hóa cách thủ đô Hà Nội 160 km về phía nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.562 km về phía bắc, là một trong 3 đô thị lớn nhất Bắc Trung Bộ, cùng với VinhHuế. Thành phố có vị trí địa lý:

Thành phố Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 228,22 km²,[3] nằm ở trung tâm đồng bằng Thanh Hóa, đồng bằng rộng nhất trong các đồng bằng duyên hải miền Trung, có nhiều núi đất, núi đá nằm rải rác với những cánh đồng rộng - hẹp, nông - sâu.

Thành phố Thanh Hóa có núi Hàm Rồng chạy từ làng Dương Xá phường Thiệu Dương, men theo hữu ngạn sông Mã về đến chân cầu Hàm Rồng. Núi Hàm Rồng vừa dài vừa uốn lượn, đến khúc cuối thì phình to ra như một cái đầu có miệng khổng lồ, vì thế, dân gian đặt tên là núi Hàm Rồng. Núi Hàm Rồng nằm án ngữ cửa ngõ phía Bắc thành phố, theo tương truyền, núi Hàm Rồng có 99 đỉnh. Đặc điểm địa hình độc đáo đã vô tình tạo nên một cứ điểm phòng không vững chắc góp phần tạo ra huyền thoại về chiếc cầu Hàm Rồng không thể bị đánh sập trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, trong thành phố cũng có núi Mật Sơn là núi sót thấp nằm trên địa phận phường Đông Vệ.

Điều kiện tự nhiên

[sửa | sửa mã nguồn]
Thủy văn

Sông Mã là con sông chính của thành phố. Theo tương truyền, nước sông chảy xiết và dũng mãnh như một con ngựa phi nước đại nên có tên là sông Mã. Con sông mở đầu bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng (Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi) khi chảy vào địa phận thành phố trở nên hiền hòa, uốn lượn quanh núi Hàm Rồng trước khi đổ ra biển. Sông Mã đã được chọn làm trục xương sống để xây dựng một thành phố hiện đại bên bờ sông Mã trong tương lai.

Ngoài ra, thành phố cũng có hệ thống sông đào bao gồm sông Thọ Hạc, sông Cốc, sông Lai Thành, sông Nhà Lê, sông Kênh Bắc trước đây được xây dựng để cung cấp tưới tiêu, chống hạn, chống lụt cho nhân dân trên địa bàn thành phố. Cùng với những con sông đào này là những cây cầu mà người dân thành phố thường dùng tên chúng để chỉ những khu vực không mang địa danh hành chính chính thức như: cầu Cốc, cầu Sâng, cầu Hạc, cầu Bố, cầu Treo, cầu Lai Thành,...

Khí hậu

Với vị trí trong vùng nhiệt đới gió mùa, trong một năm thành phố Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của hai mùa nóng và lạnh rõ rệt. Mùa nóng bắt đầu từ cuối xuân đến giữa mùa thu. Ở khoảng thời gian này trong năm, thời tiết rất nắng, mưa nhiều, gây ra lụt lội và hạn hán. Những ngày có gió Lào, nhiệt độ còn được đẩy cao tới 39–40°C.[cần dẫn nguồn] Mùa lạnh bắt đầu từ giữa mùa thu đến hết mùa xuân năm sau. Mùa này thường hay xuất hiện gió mùa Đông Bắc, lại mưa ít; đầu mùa thường hanh khô. Mùa lạnh nhiệt độ có thể xuống thấp tới 5–6°C.[cần dẫn nguồn] Nhiệt độ trung bình cả năm từ 23,3 – 23,6°C.[cần dẫn nguồn]

Do nằm trong vùng đồng bằng ven biển, thành phố Thanh Hóa hàng năm có 3 mùa gió. Gió Bắc, hay gió mùa Đông Bắc, là nguồn không khí lạnh từ vùng Siberia thổi vào, gây ra mùa đông lạnh và giá buốt. Gió Tây Nam, hay gió Lào, từ vịnh Bengal qua Thái Lan rồi qua Lào, mang theo không khí nóng và khô rát vào những ngày hè. Cường độ gió Lào ở thành phố Thanh Hóa không mạnh bằng ở các tỉnh miền Trung khác. Gió Đông Nam, hay gió Nồm, là gió từ biển vào mang theo khí hậu mát mẻ.

Lượng mưa hàng năm trung bình đạt 1.730 – 1.980 mm.[cần dẫn nguồn]

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Thanh Hóa có 47 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 33 phường: An Hưng, Ba Đình, Điện Biên, Đông Cương, Đông Hải, Đông Hương, Đông Lĩnh, Đông Sơn, Đông Tân, Đông Thịnh, Đông Thọ, Đông Vệ, Hàm Rồng, Hoằng Đại, Hoằng Quang, Lam Sơn, Long Anh, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Quảng Cát, Quảng Đông, Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Rừng Thông, Tào Xuyên, Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Trường Thi và 14 xã: Đông Hòa, Đông Hoàng, Đông Khê, Đông Minh, Đông Nam, Đông Ninh, Đông Phú, Đông Quang, Đông Thanh, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Vinh, Đông Yên, Thiệu Vân.[3]

Danh sách các đơn vị hành chính thuộc thành phố Thanh Hóa
Tên Diện tích (km²) Dân số (người)
Phường (33)
An Hưng 6,54 15.732
Ba Đình 0,70 16.721
Điện Biên 0,68 15.641
Đông Cương 6,54 14.351
Đông Hải 6,70 16.210
Đông Hương 3,48 19.465
Đông Lĩnh 8,74 11.964
Đông Sơn 1,00 15.621
Đông Tân 4,42 9.711
Đông Thịnh 4,38 7.630
Đông Thọ 3,60 30.791
Đông Vệ 4,76 38.468
Hàm Rồng 4,31 6.967
Hoằng Đại 4,67 7.491
Hoằng Quang 6,30 8.954
Lam Sơn 0,93 16.319
Tên Diện tích (km²) Dân số (người)
Long Anh 5,64 9.634
Nam Ngạn 2,57 18.064
Ngọc Trạo 0,54 14.236
Phú Sơn 2,70 33.359
Quảng Cát 6,66 11.280
Quảng Đông 5,33 7.627
Quảng Hưng 5,72 13.291
Quảng Phú 6,51 10.380
Quảng Tâm 3,68 10.012
Quảng Thành 8,54 18.747
Quảng Thắng 3,54 38.705
Quảng Thịnh 4,90 12.011
Rừng Thông 5,96 11.918
Tào Xuyên 5,69 12.483
Thiệu Dương 5,71 12.165
Thiệu Khánh 5,33 11.545
Trường Thi 0,86 22.634
Tên Diện tích (km²) Dân số (người)
Xã (14)
Đông Hòa 5,57 5.896
Đông Hoàng 5,17 6.028
Đông Khê 6,51 8.416
Đông Minh 4,13 5.180
Đông Nam 9,43 6.213
Đông Ninh 5,57 7.185
Đông Phú 5,68 5.141
Đông Quang 7,40 6.218
Đông Thanh 5,80 7.220
Đông Tiến 5,18 7.228
Đông Văn 6,58 6.019
Đông Vinh 4,36 4.216
Đông Yên 5,51 6.400
Thiệu Vân 3,69 6.135
Nguồn: Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15,[3] Phương án số 25/PA-UBND[11]

Như vậy, thành phố Thanh Hóa là đơn vị hành chính cấp huyện có số phường nhiều thứ hai cả nước (sau thành phố Thủ Đức), đồng thời là thành phố thuộc tỉnh có tổng số phường xã lớn nhất cả nước hiện nay.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Xem thêm: Trấn thành Thanh Hóa
Bản đồ thành phố Thanh Hóa vẽ năm 1909.
Bản đồ thành phố Thanh Hóa trước 1930

Năm 1804, vua Gia Long ra chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hóa từ làng Dương Xá (xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa), nay là phường Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa về làng Thọ Hạc thuộc huyện Đông Sơn, gọi là Hạc Thành.

Ngày 22 tháng 7 năm 1889, vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa bao gồm 7 làng: Đức Thọ Vạn, Cẩm Bào Nội, Cốc Hạ, Phủ Cốc thuộc tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn; Thọ Hạc, Đông Phố, Nam Phố thuộc tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn (dưới quyền quản lý của viên công sứ Pháp Lebrun (1888?–1890)).

Ngày 29 tháng 5 năm 1929, Pháp ban hành Quyết định về việc thành lập thành phố Thanh Hóa, là một thành phố cấp III (do viên công sứ Pháp lúc này là P. Dupuy (1929–1931) đứng đầu).

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, chuyển thành phố Thanh Hóa thành thị xã Thanh Hóa.

Ngày 16 tháng 3 năm 1963, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 30-CP[12] về việc sáp nhập xã Đông Giang (gồm 3 làng Nghĩa Phương, Đông Sơn và Nam Ngạn) thuộc huyện Đông Sơn và xóm Núi thuộc xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa quản lý.

Ngày 28 tháng 8 năm 1971, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ban hành Quyết định số 226-TTg[13] về việc sáp nhập 3 xã: Đông Vệ, Đông Hương, Đông Hải thuộc huyện Đông Sơn và xã Quảng Thắng thuộc huyện Quảng Xương sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa quản lý.

Sau năm 1975, thị xã Thanh Hóa có 7 phường: Ba Đình, Điện Biên, Hàm Rồng, Lam Sơn, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn và 5 xã: Đông Hải, Đông Hương, Đông Thọ, Đông Vệ, Quảng Thắng.

Năm 1991, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định về việc công nhận thị xã Thanh Hóa là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1993, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định về việc công nhận thị xã Thanh Hóa là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 1 tháng 5 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 37-CP[1] về việc thành lập thành phố Thanh Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở toàn bộ thị xã Thanh Hóa.

Thành phố Thanh Hóa có 57,8 km² diện tích tự nhiên và dân số gần 200.000 người; có 12 phường, xã.

Ngày 28 tháng 6 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 55-CP[14] về việc:

  • Chuyển 2 xã Đông Thọ và Đông Vệ thành 2 phường có tên tương ứng.
  • Chia xã Đông Hải thành xã Đông Hải và phường Đông Sơn.
  • Chia phường Nam Ngạn thành phường Nam Ngạn và phường Trường Thi.
Tượng Lê Thái Tổ trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa

Ngày 6 tháng 12 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 85-CP[15] về việc sáp nhập xã Đông Cương thuộc huyện Đông Sơn; các xã Quảng Thành, Quảng Hưng và một phần đất của xã Quảng Thịnh (sáp nhập vào phường Đông Vệ) thuộc huyện Quảng Xương vào thành phố Thanh Hóa quản lý.

Thành phố Thanh Hóa có 17 phường, xã.

Ngày 11 tháng 4 năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2002/NĐ-CP[16] về việc chia phường Phú Sơn thành phường Phú Sơn và phường Tân Sơn.

Ngày 29 tháng 4 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2004/QĐ-TTg[17] về việc công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 29 tháng 2 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 05/NQ-CP[18] về việc:

  • Sáp nhập thị trấn Tào Xuyên và 5 xã: Hoằng Lý, Hoằng Long, Hoằng Anh, Hoằng Quang, Hoằng Đại thuộc huyện Hoằng Hóa; thị trấn Nhồi và 4 xã: Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinh thuộc huyện Đông Sơn; 3 xã: Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Thiệu Vân thuộc huyện Thiệu Hóa và 5 xã: Quảng Thịnh, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Cát thuộc huyện Quảng Xương vào thành phố Thanh Hóa quản lý.
  • Chuyển thị trấn Tào Xuyên thành phường Tào Xuyên.
  • Chuyển thị trấn Nhồi thành phường An Hoạch.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Thanh Hóa có 14.677,07 ha diện tích tự nhiên, dân số là 393.294 người với 37 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 14 phường và 23 xã.

Ngày 19 tháng 8 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP[19] về việc thành lập các phường: Đông Cương, Đông Hương, Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Thành, Quảng Thắng trên cơ sở các xã tương ứng.

Ngày 29 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 636/QĐ-TTg[20] về việc công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2019).[21] Theo đó:

  • Sáp nhập xã Đông Hưng và phường An Hoạch để thành lập phường An Hưng.
  • Sáp nhập xã Hoằng Lý vào phường Tào Xuyên
  • Sáp nhập xã Hoằng Anh và xã Hoằng Long thành xã Long Anh.

Ngày 9 tháng 12 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1108/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2021).[22] Theo đó, chuyển 10 xã: Đông Lĩnh, Đông Tân, Long Anh, Quảng Cát, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thịnh, Thiệu Dương, Thiệu Khánh thành 10 phường có tên tương ứng.

Ngày 5 tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 795/QĐ-TTg về việc công nhận đô thị Thanh Hóa (gồm toàn bộ thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn) đạt tiêu chí đô thị loại I.[2]

Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025).[3] Theo đó:

Sau khi nhập huyện Đông Sơn và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Thanh Hóa có tất cả 47 phường xã, bao gồm 33 phường và 14 xã.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế 15%; GDP bình quân đầu người 4.922 USD; giá trị kim ngạch xuất khẩu 704 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 18.165 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước 2.340 tỷ đồng,...[23]

Tính đến cuối năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của thành phố ước đạt 56.735 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.652 USD; doanh thu du lịch ước đạt 2.500 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng trong năm của thành phố ước đạt 77.462 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ.Năm 2020, toàn thành phố có 1.554 doanh nghiệp mới được thành lập, với số vốn đăng ký 12.845 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố lên 7.000 doanh nghiệp. Thu ngân sách Nhà nước của TP Thanh Hóa ước đạt 3.371,59 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán tỉnh giao, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển trên địa bàn thành phố năm 2020 ước đạt 34.453 tỷ đồng, tăng 1,3% so với kế hoạch, tăng 7,5% so với cùng kỳ.[24]

Năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố Thanh Hóa ước đạt 12,1%,trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 4,6%, công nghiệp - xây dựng tăng 14,2%, dịch vụ tăng 8,9%. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 63,8%, ngành dịch vụ chiếm 33,1%, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 3,1%.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 3.931 tỷ đồng,tăng 4,6% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 44.583 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 43.263 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 1.863 triệu USD,tăng 22,6% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong năm ước đạt 65.131 tỷ đồng,tăng 14,8% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa ước đạt 25 triệu tấn, tăng 7,4%; vận chuyển hành khách ước đạt 11,2 triệu lượt khách, giảm 10,2% so với cùng kỳ. Năm 2021 toàn Thành phố ước đón 01 triệu lượt khách, bằng 25% so với cả tỉnh, giảm 24% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 1.200 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.050,97 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 35.600 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ; thành lập mới 1.546 doanh nghiệp, đạt 103,7% kế hoạch.

Hiện nay ở thành phố có 3 khu công nghiệp chính là Khu công nghiệp Lễ Môn[25][26][27],Khu công nghiệp Tây bắc ga, Khu công nghiệp Hoàng Long[28] .

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Đại học
Các trường Cao đẳng
  • Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa
  • Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa
  • Cao đẳng Y tếThanh Hóa
  • Cao đẳng Y Dược Hợp lực
  • Cao đẳng Kinh tế-Kĩ thuật Công thương
  • Cao đẳng nghề Vicet.
  • Cao đẳng thực hành - FPT Polytechnic tại Thanh Hóa
  • Cao đẳng nghề Lam Kinh
  • Cao đẳng nghề An Nhất Vinh
  • Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam
Trung học phổ thông
  • Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn
  • Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Vinschool Star city
  • Trường Tiểu học, THCS & THPT Nobel School
  • Trường Tiểu học, THCS & THPT QTHSchool
  • Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga
  • Trường Tiểu học, THCS & THPT Fansipan
  • Trung học phổ thông Đào Duy Từ
  • Trung học phổ thông Hàm Rồng Lưu trữ 2021-11-24 tại Wayback Machine
  • Trung học phổ thông Nguyễn Trãi
  • Trung học phổ thông Tô Hiến Thành
  • Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa
  • Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt
  • Trung học phổ thông Trường Thi
  • Trung học phổ thông Đào Duy Anh
  • Trung học phổ thông Nguyễn Huệ.

Kiến trúc và quy hoạch đô thị

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Thanh Hóa có nhiều quảng trường và công viên. Các công viên trên địa bàn thành phố là: Công viên Hội An, công viên Thanh Quảng, công viên Bố Vệ, công viên Hồ Thành, công viên Hồ Đồng Chiệc, công viên bến thuyền Hàm Rồng[29]; công viên cây xanh – Trung tâm thể dục thể thao Thanh Hóa Centre Park tại khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa (Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời - Sungroup - làm chủ đầu tư[30]). Trong quy hoạch thành phố Thanh Hóa đến 2030, còn có công viên Nước Đông Hương[31], công viên Ngọc Nữ, công viên Tháng Tư.[32]

Với nét đặc trưng văn hóa Đông Sơn và hình ảnh chim Hạc đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo cho kiến trúc của nhiều công trình quan trọng trong thành phố. Có thể kể tới như Trung tâm triển lãm và hôi chợ tỉnh, những dàn đèn trang trí trên các đại lộ và điểm nhấn trong các quảng trường.

Thành phố Thanh Hóa hiện nay có 3 quảng trường trung tâm: Quảng trường Lê Lợi, Quảng trường Lam Sơn và Quảng trường Hàm Rồng. Quảng trường Hàm Rồng được xây dựng với mục đích kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hàm Rồng lịch sử, và trở thành điểm nhấn trung tâm của khu du lịch Hàm Rồng. Hiện nay một quảng trường nhỏ ở phía nam sông Mã thuộc khu vực chân cầu Hàm Rồng đã đi vào hoạt động tạo ra cảnh quan tươi đẹp bên bờ sông Mã. Sắp tới thành phố sẽ tiến hành xây dựng thêm một quảng trường nữa là quảng trường Văn hóa trung tâm.[33]

Thành phố Thanh Hóa đang đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng với nhiều khu dân cư đô thị mới, đại lộ, cao ốc với mục tiêu mở rộng quy mô đô thị, đặc biệt là về phía Đông và phía Nam như khu đô thị Vinhomes Star City (tập đoàn Vingroup), Khu đô thị Đông Hải, Khu đô thị Núi Long, Khu đô thị Bình Minh, khu đô thị Đông Bắc Ga, khu đô thị Đông Sơn, khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa, khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa, khu đô thị ven sông Hạc, khu đô thị Xanh... Nhiều tập đoàn, tổng công ty bất động sản lớn đã đầu tư vào thành phố như: Tecco, Hud, Mường Thanh, FLC, Vingroup[34], Sungroup.[30] Trong tương lai thành phố Thanh Hóa có quy mô một triệu dân [35], là thành phố 2 bờ sông Mã.

Năm 2008, thành phố Thanh Hóa có diện tích 57,94 km²[36] Dân số năm 2009 là 207.698 người.[37]

Thành phố Thanh Hóa có dân số năm 2019 là 359.910 người, mật độ dân số đạt 2.476 người/km².[38]

Năm 2022, thành phố Thanh Hoá có quy mô dân số là 507.230 người,[11] mật độ dân số đạt 3.490 người/km².

Ẩm thực

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Thanh Hóa có rất nhiều loại ẩm thực mang đậm dấu ấn riêng tại các con phố. Những món ăn đặc sắc có thể kể tới như Nem chua, Nem nướng, Bánh khoái tép, Chả tôm, Bánh cuốn, Ốc mút Chùa Thanh Hà, Bánh mỳ Nam Hà phố Trường Thi, Bánh ích[39] Ngoài ra, ở thành phố Thanh Hóa cũng có thể dễ dàng tìm thấy đặc sản của các địa phương khác trên toàn tỉnh tại các chợ hoặc cửa hàng truyền thống.

  • Nem chua: Có nhiều loại nem như nem dài, nem oản, nem cối, nem vuông… khác nhau ở hình thức và khối lượng, tùy mục đích sử dụng nhưng không thay đổi hương vị đặc trưng. Cũng có nhiều biến tấu cho món nem như nem thính, nem cuốn, nem nướng, nem rán… Mỗi loại lại mang đến cho người ăn những cảm nhận khác nhau. Những địa điểm tin cậy như nhà nem Gốc Đa, Cương Dũng, Vũ Linh, nem bà Thường, bà Năm hay trên vỉa hè các phố Đinh Lễ, Tô Vĩnh Diện, Ngọc Trạo… để thưởng thức.
  • Nem nướng: Đây có thể coi là đặc sản riêng của vùng đất Thọ Xuân- Thanh Hóa. Cách làm và nguyên liệu có phần tương đồng giống nem chua, tuy nhiên cách ăn lại rất khác. Bạn nên nướng trực tiếp trên bếp than hoặc nướng vùi tro để có trải nghiệm tốt nhất. Tuy nhiên nếu điều kiện xung quanh không cho phép bạn có thể bỏ vào lò nướng hoặc nồi chiên không dầu đều được.
  • Bánh khoái tép: Bánh khoái có vẻ giống bánh xèo Nam bộ về cách chế biến nhưng nguyên liệu thì khác, mang nét đặc trưng của xứ Thanh, bao gồm rau cần, bắp cải, thì là thái sợi nhỏ và tép tươi. Bánh khoái chấm cùng nước mắm pha chua ngọt và sung ghém rất hợp vị. Đôi khi người ta thay tép tươi bằng trứng gà để đổi vị. Ăn bánh khoái ngon nhất vào buổi chiều khi tan sở, có thể dễ dàng tìm thấy ở các phố Nguyễn Trãi,Trường Thi, Đào Duy Từ, Hàn Thuyên, chợ Vườn Hoa…
  • Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Cách làm khá cầu kỳ và tỉ mỉ với tôm bột tươi cùng một lượng gấc vừa đủ, thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay và nướng trên bếp than hoa. Vị bùi ngọt của nhân tôm cùng vị chua dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi và rau sống thanh mát tạo nên hương vị khó quên cho món ăn.
  • Bánh cuốn Thanh Hóa mềm, dai và thơm hương rất riêng. Người Thanh Hóa có thể thưởng thức một đĩa bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp nơi trong thành phố. Bột làm từ thứ gạo dẻo thơm, nên kể cả khi nguội bánh vẫn ngon như thường. Người Thanh Hóa thường ăn bánh cuốn buổi sáng cùng chả nướng than hoa. Nếu muốn ăn bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bạn có thể ghé đường Tống Duy Tân, Trần Phú, Lê Quý Đôn,...
  • Ốc mút Chùa Thanh Hà: Vị đậm đà của ốc được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng cùng mùi sả ớt là một trải nghiệm khó quên với những ai mới thưởng thức lần đầu.
  • Bánh mỳ Nam Hà phố Trường Thi bao gồm một chuỗi cửa hàng bán bánh mỳ gia truyền. Bánh mỳ ở đây mang thương hiệu riêng, hương vị không đổi suốt hơn 20 năm qua. Nhân bánh rất đa dạng để bạn lựa chọn, ngon nhất phải kể đến bánh mỳ kẹp nem chua rán, kẹp bò khô, thịt quay… Điều làm nên sức sống lâu bền cho bánh mỳ Nam Hà là tất cả nguyên liệu của quán đều được chọn lựa kỹ lưỡng, đảm bảo tươi ngon và nước sốt gia truyền.
  • Bánh ích: Không khác nhiều so với cách làm bánh ít, bánh nếp ở các nơi. Bánh ích có hình tròn, bên trong là nhân tôm thịt, ăn cùng mắm chế chua ngọt. Được bán nhiều ở các chợ Vườn Hoa, Tây Thành hoặc một vài quán vỉa hè trên phố Đinh Lễ, bánh ích luôn hấp dẫn người ăn và thường hết hàng sớm.[40]

Năm 2016, du lịch TP Thanh Hóa ước đón 2,4 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, chiếm 41% so với toàn tỉnh, trong đó, khách nội địa ước đạt 1,6 triệu lượt, khách quốc tế đạt trên 800.000 lượt[41]

Năm 2021 toàn Thành phố ước đón 01 triệu lượt khách, bằng 25% so với cả tỉnh, giảm 24% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 1.200 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.

Theo thống kê, tổng lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú trên địa bàn TP Thanh Hóa trong 9 tháng năm 2022 là 2,15 triệu lượt, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, khách lưu trú là 1,3 triệu lượt, chiếm 60,46% tổng lượt khách). Doanh thu du lịch ước đạt 3.093 tỷ đồng, tăng 3,0 lần so với cùng kỳ.[42]

Thành phố Thanh Hoá có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị để phát triển du lịch:

  • Phía Bắc:

- Phía Bắc thành phố là khu thắng cảnh Hàm Rồng, đây là khu du lịch trung tâm của cả thành phố và tỉnh Thanh Hoá, khu thắng cảnh này đã được sử sách lưu danh với nhiều di tích lịch sử, cách mạng có di chỉ khảo cổ nổi tiếng trong và ngoài nước, có nhiều cảnh quan địa danh thắng cảnh đẹp: có sông, có núi, có hang động,... như: động Long Quang, động Tiên, Núi Phượng, núi Voi, núi Rồng,... cùng với sông Mã là những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Các di tích như đền thờ danh tướng Lê Uy, Chu Văn Lương, đặc biệt là khu di tích văn hóa - làng cổ Đông Sơn với trống đồng Đông Sơn nổi tiếng.

- Hiện nay, Khu Du lịch Văn hóa Hàm Rồng có Đền thờ Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, đây là một công trình tâm linh vô cùng ý nghĩa, đồng thời tạo địa điểm tham quan du lịch trong tổng thể Khu Du lịch văn hóa lịch sử Hàm Rồng.[43].Trong Khu du lịch Văn hóa Hàm Rồng còn có Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng,là công trình không chỉ để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, mà còn góp phần thực hiện thành công dự án(Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng) nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.[44].

  • Phía Nam thành phố là khu di tích thắng cảnh đẹp mà trung tâm là núi Mật Sơn có các hòn non bộ bao quanh như núi Long, núi Hổ, núi Vọng Phu,... và các di tích lịch sử khác như chùa Đại Bi, và đặc biệt là Thái Miếu nhà Lê - một di tích lịch sử văn hóa quốc gia mang nhiều dấu ấn dân tộc.
  • Trung tâm thành phố Thanh Hoá là Bảo tàng lịch sử, giới thiệu cho du khách đến tham quan những khái niệm chung nhất về lịch sử Việt Nam và diện mạo văn hóa đặc sắc của tỉnh Thanh Hoá.
  • Xung quanh thành phố là các điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng của xứ Thanh như khu du lịch bãi tắm Sầm Sơn, đi ngược qua vùng Nông Cống với nhà máy đường Lam Sơn sẽ đến Vườn quốc gia sinh quyển Bến En, theo đường mòn Hồ Chí Minh đến khu di tích lịch sử Lam Kinh, bãi chim Tiến Nông, về thành nhà Hồ hoặc động Từ Thức, đền Bà Triệu, đèo Ba Dọi...

Nhìn chung: Tài nguyên di tích lịch sử văn hóa ở thành phố nói riêng và cả tỉnh Thanh Hoá rất phong phú đa dạng, có điều kiện để phát triển nhanh chóng ngành du lịch dịch vụ. Với sự thuận lợi đó, thành phố Thanh Hoá có đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ du lịch lớn trong tuyến du lịch Bắc Nam.

Hiện nay Tp Thanh Hóa có rất nhiều cơ sở lưu trú chất lượng cao như: Khách sạn Vinpearl Thanh Hóa tiêu chuẩn 5 sao, khách sạn Central tiêu chuẩn 5 sao, khách sạn quốc tế Lam Kinh tiêu chuẩn 4 sao, khách sạn quốc tế Thiên Ý tiêu chuẩn 4 sao, khách sạn Mường Thanh Grand Thanh Hóa tiêu chuẩn 4 sao, khách sạn Sao Mai tiêu chuẩn 3 sao, khách sạn Phù Đổng tiêu chuẩn 3 sao, Khách sạn Phú Hưng tiêu chuẩn 3 sao, khách sạn Lam Sơn tiêu chuẩn 3 sao, khách sạn Cây Đa tiêu chuẩn 3 sao, khách sạn Phượng Hoàng I, III tiêu chuẩn 3 sao cùng rất nhiều khách sạn 2 sao với chất lượng tốt, sang trọng, đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]
Xem thêm: Sân bay Thọ Xuân

Tọa lạc tại trung tâm của Đồng bằng Thanh Hóa, thành phố là quả tim của hệ thống giao thông toàn tỉnh. Tại đây tập trung đầu mối của tất cả các loại hình giao thông quan trọng: Đường sắt Bắc Nam chạy qua, đường Quốc lộ 1 xuyên Việt chạy qua địa bàn thành phố gần 20 km là con đường có dải phân cách cứng, một chiều. Các trục giao thông chính khác là: đại lộ Hùng Vương, đại lộ Nguyễn Hoàng, đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 1, đường Trịnh Kiểm (công trình tuyến đường vành đai hợp phần 1 phát triển đô thị thuộc Dự án "Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội TP Thanh Hóa"), đường Vạn Lại - Yên Trường, đường Tây Đô, đường quốc lộ 47 nối thành phố với Sầm Sơn (đường một chiều, có dải phân cách cứng). Ngoài ra để kết nối TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn còn có tuyến đường Võ Nguyên Giáp từ ngã ba Voi đi Sầm Sơn. Một số con đường lớn khác công đang thi công là: Đại lộ Đông Tây,[45] Tiểu dự án 2 thuộc dự án nâng cấp Quốc lộ 1 đã khánh thành, trong dự án này nổi bật có cầu Nguyệt Viên nối 2 bên bờ sông Mã. Như vậy đây là cây cầu thứ 3 bắc qua sông Mã, góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, đồng thời mở rộng không gian đô thị, góp phần phát triển mạnh mẽ thành phố lên hướng Bắc, đưa sông Mã vào lòng thành phố.

Hiện nay, sân bay Thọ Xuân ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hóa 45 km về phía tây, có một đường băng dài 3200 mét, có thể phục vụ máy bay tầm trung như Airbus A320 - Airbus A321 đã chính thức khai trương ngày 05/2/2013[46]. Với việc khởi công dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn vào ngày 23/10/2013 với số vốn trên 9 tỷ đô la thì khả năng sân bay Thọ Xuân sẽ có nhiều cơ hội để phát triển thành cảng hàng không quốc tế. Hiện nay, cảng Hàng không Thọ Xuân đang xúc tiến mở thêm một số đường bay mới và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế.[47]

Cảng Lễ Môn nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 4 km về phía đông. Đây là cảng loại 2 phục vụ cho khu công nghiệp Lễ Môn với công suất thiết kế 300.000 tấn/năm.

Các tuyến phố chính của thành phố là: Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Hùng Vương, Đại lộ Nguyễn Hoàng, Đại lộ Nam sông Mã, Võ Nguyên Giáp, Lê Hoàn, Hàm Nghi, Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Lê Lai, Hạc Thành, Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung, Triệu Quốc Đạt, Đào Duy Từ, Lê Hữu Lập, Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu, Nguyễn Trãi, Dương Đình Nghệ, Trường Thi, Trần Hưng Đạo, Đội Cung, Đinh Công Tráng, Cao Thắng, Hàng Than, Hàng Đồng, Xuân Diệu,...

Danh sách đường phố

[sửa | sửa mã nguồn]

Lộ trình các tuyến xe buýt

[sửa | sửa mã nguồn]

Tất cả các tuyến xe buýt đang hoạt động ở tỉnh Thanh Hóa đều đi qua thành phố Thanh Hóa. Dưới đây là danh sách các tuyến:[48]

Danh sách các tuyến xe buýt có lộ trình qua thành phố Thanh Hóa
Tuyến Đầu A Cự ly (km) Đầu B Giãn cách chuyến (phút/chuyến) Giá vé lượt (₫) Lộ trình trong thành phố
1 Ga Thanh Hóa
Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa
24 Cảng Hới
Quảng Tiến, Sầm Sơn
15 – 30 10.000 – 17.000 Ga Thanh Hóa – Phan Chu Trinh – Hạc Thành – Đại lộ Lê Lợi – Bưu điện tỉnh – Chợ Vườn Hoa – Đông HươngĐài Truyền hình – KCN Lễ Môn - Ngã ba Môi
2 Bến xe Vĩnh Lộc
Thị trấn Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc
60 Bãi tắm A
Trường Sơn, Sầm Sơn
15 – 30 10.000 – 32.000 Núi 1 – Ngã tư Phú Sơn – BX phía Tây – Nhà liên sở – Bờ hồ – Cầu Cốc – Nước mắm Thanh Hương – Trường C3 Lam Sơn – Làng SOS – KCN Lễ Môn – Ngã ba Môi
3 Đình Hương
Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
67 Cảng Nghi Sơn
Nghi Sơn
15 – 30 10.000 – 32.000 Đình Hương – Bưu điện tỉnh – Chợ Nam Thành – Cầu Quán Nam
4 Đại học Hồng Đức
Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa
70 Thị trấn Thường Xuân
Thường Xuân
15 – 30 12.000 – 35.000 ĐH Hồng Đức – BX phía Nam – Võ Nguyên Giáp – Trịnh Kiểm – Làng SOS – Đại lộ Lê Lợi – Bưu điện tỉnh – Trần Phú – Nguyễn Trãi – Nhồi
5 Đại học Hồng Đức
Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa
53 Nhà máy Xi măng
Bỉm Sơn
15 – 20 12.000 – 30.000 ĐH Hồng Đức – BX phía Nam – Võ Nguyên Giáp – Trịnh Kiểm – Cầu Cốc – Chợ Vườn Hoa – Bưu điện tỉnh – Trần Phú – Cầu Hoàng Long – Cầu Tào
7 Cầu Quán Nam
Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa
52 Nga Liên
Nga Sơn
40 – 60 10.000 – 32.000 Cầu Quán Nam – BX phía Nam – Quang Trung – 25B – Lê Hoàn – Trường Thi – Bà Triệu – Bến xe phía Bắc
8 Đại học Hồng Đức
Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa
65 Thị trấn Kim Tân
Thạch Thành
15 – 30 12.000 – 35.000 ĐH Hồng Đức – BX phía Nam – Võ Nguyên Giáp – Trịnh Kiểm – Trường C3 Lam Sơn – Cầu Cốc – Chợ Vườn Hoa – Bưu điện tỉnh – Trần Phú – BV Hợp Lực – Tượng đài TNXP – Cầu Hoàng Long – Cầu Tào
9 Cây xăng dầu Trường Phát
Tân Phong, Quảng Xương
49 Đền thờ Lê Hoàn
Xuân Lập, Thọ Xuân
20 – 25 10.000 – 28.000 Cầu Quán Nam – ĐH Hồng Đức – BV Nhi – BV Phụ sản – BV Đa khoa – Ngã tư Voi – Ngã tư Nguyễn Trãi – Chợ Tây Thành – Ngã tư Phú Sơn
10 Cầu Đông Hương
Đông Hương, thành phố Thanh Hóa
57 Thị trấn Thọ Xuân
Thọ Xuân
30 – 50 10.000 – 32.000 Cầu Đông Hương – Đại lộ Lê Lợi – Hạc Thành – Nguyễn Trãi
11 Cầu Quán Nam
Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa
40 Đa Lộc
Hậu Lộc
40 – 60 10.000 – 30.000 Cầu Quán Nam – BX phía Nam – Quang Trung – 25B – Lê Hoàn – Trường Thi – Bà Triệu – Cầu Hoàng Long
13 (xe buýt nhanh) Đình Hương
Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
67 Cảng Nghi Sơn
Nghi Sơn
30 – 50 10.000 – 32.000 Đình Hương – Bưu điện tỉnh – Chợ Nam Thành – Cầu Quán Nam
16 Như Thanh 66 Hải Tiến
Hoằng Hóa
20 – 30 10.000 – 34.000 QL.45 – BV tỉnh – Ngã tư Voi – Quang Trung – Trần Phú – Nguyễn Trãi – Dương Đình Nghệ – Đại lộ Lê Lợi – Cầu Nguyệt ViênHoằng Quang

Một số tuyến xe buýt dừng hoạt động:[49]

Tuyến Đầu bến
Đầu A Đầu B
6 Cầu Voi
Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa
Hoằng Phụ
Hoằng Hóa
12 Thành phố Thanh Hóa Quảng Xương
14 Quảng Cư
Sầm Sơn
Suối cá Cẩm Lương
Cẩm Lương, Cẩm Thủy
15 Thành phố Thanh Hóa Nông Cống
17 Thành phố Thanh Hóa Hợp Lý
Triệu Sơn
19 Thành phố Thanh Hóa Cảng hàng không Thọ Xuân
Sao Vàng, Thọ Xuân
20 Thị trấn Thống Nhất
Yên Định
Cây dầu Ngọc Cương
Tân Phong, Quảng Xương

Thành phố kết nghĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Việt Nam Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 12/3/1960, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ kết nghĩa theo tinh thần phong trào kết nghĩa Bắc Nam. Theo đó, thị xã Thanh Hóa cũng bắt tay kết nghĩa với thị xã Hội An. Một số công trình công cộng như rạp hát, công viên đã lấy tên Hội An để thể hiện tình gắn bó của mối liên kết này.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Nghị định số 37-CP năm 1994 về việc thành lập thành phố Thanh Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa”. Thư viện Pháp luật. 1 tháng 5 năm 1994. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  2. ^ a b Thủ tướng Chính phủ (5 tháng 8 năm 2024). “Quyết định số 795/QĐ-TTg về việc công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2024.
  3. ^ a b c d e f Ủy ban Thường vụ Quốc hội (24 tháng 10 năm 2024). “Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025”. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2024.
  4. ^ “Đơn vị hành chính”. danhmuchanhchinh.gso.gov.vn. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.
  5. ^ Mai Luận (15 tháng 4 năm 2023). “Thành phố Thanh Hóa hướng tới đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”. Báo Nhân Dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2023.
  6. ^ Thiên Anh (12 tháng 12 năm 2022). “Thanh Hóa, Vinh, Huế: Ba đô thị động lực khu vực Bắc Trung Bộ được quy hoạch ra sao đến năm 2025?”. VnEconomy. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2023.
  7. ^ TS (18 tháng 3 năm 2023). “Phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040: Cơ sở để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn”. Báo Thanh Hóa điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2023.
  8. ^ Song Khánh (18 tháng 9 năm 2021). “Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng: Nỗ lực đưa thành phố Thanh Hóa lọt TOP 5 đô thị cấp tỉnh phát triển nhất cả nước”. Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2023.
  9. ^ Trần Thanh (8 tháng 5 năm 2019). “Thành phố bên bờ sông Mã”. Báo Thanh Hóa điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2023.
  10. ^ Bộ trưởng Bộ Xây dựng (26 tháng 9 năm 2022). “Thông tư số 02/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 02:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 9 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2023.
  11. ^ a b Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (22 tháng 1 năm 2024). “Phương án số 25/PA-UBND tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Thanh Hóa” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 24 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2024.
  12. ^ “Quyết định số 30-CP năm 1963 về việc sát nhập xã Đông Giang, xóm Núi vào thị xã Thanh Hóa và chia ba xã Tam Chung, Sơn Thủy, Trung Thành thuộc huyện Quan Hóa thành bảy xã mới”. Thư viện Pháp luật. 16 tháng 3 năm 1963. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 6 năm 2023.
  13. ^ Quyết định số 226-TTg ngày 21/8/1971 của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.
  14. ^ Nghị định số 55-CP ngày 28/6/1994 về việc thành lập một số phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  15. ^ Nghị định số 85-CP ngày 06/12/1995 về việc điều chỉnh địa giới các huyện Đông Sơn, Quảng Xương để mở rộng thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  16. ^ “Nghị định số 44/2002/NĐ-CP thành lập phường thuộc thành phố Thanh Hoá, thị xã Bỉm Sơn thị trấn Bến Sung thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa”. Thư viện Pháp luật. 11 tháng 4 năm 2002. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 6 năm 2020.
  17. ^ “Quyết định số 72/2004/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Thanh Hoá đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thanh Hóa”. Thư viện Pháp luật. 29 tháng 4 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2021.
  18. ^ “Nghị quyết số 05/NQ-CP năm 2012 về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn và Quảng Xương để mở rộng địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa”. Thư viện Pháp luật. 29 tháng 2 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2021.
  19. ^ “Nghị quyết số 99/NQ-CP năm 2013 về việc thành lập phường Đông Cương Quảng Thắng Thanh Hóa”. Thư viện Pháp luật. 19 tháng 8 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2021.
  20. ^ “Quyết định số 636/QĐ-TTg năm 2014 về việc công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa”. Thư viện Pháp luật. 29 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  21. ^ “Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 năm 2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa”. Thư viện Pháp luật. 16 tháng 10 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2020.
  22. ^ “Nghị quyết số 1108/NQ-UBTVQH14 năm 2020 về việc thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa”. Thư viện Pháp luật. 9 tháng 12 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 1 năm 2022.
  23. ^ “TP Thanh Hóa: 18/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2014.
  24. ^ “Thành phố Thanh Hoá hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2020 - Đồng Hành Việt Online ->”. donghanhviet.vn. Truy cập 8 Tháng sáu 2023.
  25. ^ “Thanh Hóa: Xây nhà máy sản xuất dung dịch lọc thận | Cập nhật tiến độ các dự án hạ tầng, bất động sản, sản xuất kinh doanh”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2014.
  26. ^ “Khởi công Dự án đầu tư Nhà máy Sữa Lam Sơn”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2012.
  27. ^ Dự án "Chip thạch anh đầu tiên của Việt Nam Thanh Hóa[liên kết hỏng]
  28. ^ Online, TTVH. “HONG FU VIET NAM: cập nhật Tin tức, bài báo MỚI NHẤT về HONG FU VIET NAM”. thethaovanhoa.vn.
  29. ^ “Công viên Hàm Rồng đang dần xấu đi”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2015.
  30. ^ a b “150 tỷ đồng đầu tư dự án Khu công viên cây xanh – Trung tâm thể dục thể thao (Thanh Hóa Centre Park)”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2015.
  31. ^ “Quy hoạch công viên nước Đông Hương” (PDF).
  32. ^ “Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch các phân khu thuộc địa phận TP Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2016.
  33. ^ “quảng trường Thanh Hóa”.[liên kết hỏng]
  34. ^ “Vingroup lên phương án xây dựng 2 dự án tại Thanh Hóa”.
  35. ^ “Thanh Hóa chốt phương án xây Khu trung tâm hành chính mới”. ngày 18 tháng 4 năm 2015.
  36. ^ Theo Quyết định số 2097/QĐ-BTNMT ngày 29/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2008.
  37. ^ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Hà Nội, 6-2010. Biểu 2, tr.17.
  38. ^ Tổng cục Thống kê (Việt Nam) (20 tháng 4 năm 2020). “Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019” (PDF). Tổng cục Thống kê Việt Nam. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 16 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2022.
  39. ^ “bảy món ngon vỉa hè thành phố Thanh Hóa - VnExpress Du lịch”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
  40. ^ “7 món ngon vỉa hè thành phố Thanh Hóa - VnExpress Du lịch”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
  41. ^ “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Thanh Hóa”. https://vanhoadoisong.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2016. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  42. ^ baothanhhoa.vn (12 Tháng mười 2022). “TP Thanh Hóa đón 2,15 triệu khách trong 9 tháng”. Báo Thanh Hóa. Truy cập 8 Tháng sáu 2023.
  43. ^ “Hoàn thành một số hạng mục chính đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ”. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2012.
  44. ^ “Dự án "Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng". Gia Đình Phật Tử Đà Nẵng. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2012.
  45. ^ “Thành phố Thanh Hóa tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm”. Báo Thanh Hóa điện tử. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2021.
  46. ^ “Khánh thành Cảng hàng không Thọ Xuân và khai trương đường bay Thanh Hóa – TP Hồ Chí Minh”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2013.
  47. ^ “Đoàn công tác UBND TP Hà Nội làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2015.
  48. ^ “Thông tin các tuyến xe buýt địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024”. Trang thông tin điện tử Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 17 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2024.
  49. ^ “Thông tin các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (PDF). Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2020.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]