Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Chính trị Việt Nam”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
n đã dời Thể loại:Việt Nam dùng HotCat
n →‎Liên kết ngoài: Thêm thể loại VIP using AWB
Dòng 140: Dòng 140:


[[bn:ভিয়েতনাম#রাজনীতি]]
[[bn:ভিয়েতনাম#রাজনীতি]]
[[Thể loại:Việt Nam]]

Phiên bản lúc 11:13, ngày 10 tháng 5 năm 2014

Bài này nằm trong loạt bài về:
Chính trị và chính phủ
Việt Nam

Chính trị Việt Nam đi theo nguyên mẫu nhà nước xã hội chủ nghĩa đơn đảng. Một hiến pháp mới được thông qua vào tháng 4 năm 1992, tái khẳng định vai trò trung tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam (trong thời gian 1951-1976 có tên là Đảng Lao động Việt Nam) trong chính trị và xã hội, phác thảo việc tái tổ chức chính phủ và tăng cường cải cách thị trường trong nền kinh tế. Dù Việt Nam là một quốc gia đơn đảng, việc đi theo đường lối tư tưởng chính thống của Đảng đã giảm bớt phần quan trọng và ưu tiên so với mục tiêu phát triển kinh tế.[cần dẫn nguồn]

Tổ chức

Cách tổ chức chính trị ở Việt Nam được sắp xếp theo trục dọc với Đảng Cộng Sản giữ địa vị trên hết, không như mô hình tam quyền phân lập như các tổ chức chính phủ dân chủ nghị viện khác. Mô hình khác biệt này được Ủy ban pháp luật của Quốc hội Việt Nam xác nhận.[1] Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Trung ương lần thứ 5 của Đảng cộng sản Việt Nam năm 2012 tại Hà Nội đã thẳng thừng bác bỏ nguyên tắc tam quyền phân lập vốn là nền tảng chính trị của hầu hết các quốc gia trên thế giới, ông cho rằng “quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.[2]

Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Đình Lộc (tại nhiệm từ năm 1992 đến 2002) thì cho là Việt Nam tuân theo mô hình "quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có phân công, phối hợp giữa các quyền lực đó" với một đảng lãnh đạo và cầm quyền.[3]

Quyền lực quan trọng nhất bên trong Chính phủ Việt Nam - ngoài Đảng Cộng sản - là các cơ quan hành pháp do hiến pháp năm 1992 quy định: các chức vụ chủ tịch nước và thủ tướng. Chủ tịch nước Việt Nam hoạt động với tư cách nguyên thủ quốc gia cùng trên danh nghĩa là Thống lĩnh các lực lượng vũ trang và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Thủ tướng Việt Nam lãnh đạo một chính phủ hiện gồm năm phó thủ tướng và 22 bộ trưởng và các ủy ban, tất cả các chức vụ và ủy ban trên đều được Quốc hội thông qua.

Phân bố quyền lực

Hiến pháp 1992 tái khẳng định vai trò ưu tiên của Đảng Cộng sản tuy nhiên cũng theo bản hiến pháp đó thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là tổ chức duy nhất nắm quyền lập pháp. Cơ quan này có trách nhiệm to lớn trong việc giám sát mọi chức năng của chính phủ.

Từng được coi là một cơ quan chỉ để phê chuẩn, Quốc hội đã vươn ra tiếp nhận vai trò quan trọng hơn trong việc thực thi quyền lực thông qua trách nhiệm lập pháp, nhất trong những năm 2000 trở đi. Tuy nhiên, Quốc hội vẫn là đối tượng chịu sự lãnh đạo của Đảng. Khoảng gần 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Số còn lại dù không phải là đảng viên, nhưng phải được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua mới có thể tranh cử vào Quốc hội.

Quốc hội họp hai lần một năm, mỗi lần kéo dài từ 7 đến 10 tuần; đại biểu quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm.

Việt Nam có một cơ quan tư pháp riêng biệt, nhưng nhánh này có vai trò khá mờ nhạt. Nói chung, số lượng luật sư còn ít và các thủ tục tòa án còn khá sơ khai.

Vai trò của Đảng Cộng sản

Bộ chính trị với 15 thành viên hiện nay, được bầu ra vào tháng 1 năm 2011 và do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, quyết định chính sách của chính phủ; Ban Bí thư gồm 10 người giám sát việc thi hành chính sách hàng ngày. Dù đã có một số nỗ lực nhằm giảm sự chồng chéo giữa các vị trí của đảng và chính quyền, cách quản lý này hiện vẫn đang được áp dụng và mở rộng. Các thành viên chính của Bộ chính trị như Truơng Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Lê Hồng Anh hiện cũng giữ các vị trí cao trong chính phủ và Quốc hội. Ngoài ra, Đảng ủy Quân sự Trung ương của đảng, 1 thành viên từ Bộ chính trị và các ủy viên Trung ương Đảng trong quân đội, quyết định chính sách quốc phòng.

Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành 5 năm một lần để đưa ra phương hướng lãnh đạo của đảng và chính phủ. Đại hội toàn quốc lần thứ 10 Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành từ ngày 12 tháng 1 năm 2011 và kết thúc ngày 19 tháng 1 năm 2011 với 1.376 đại biểu.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng với 175 thành viên, Uỷ viên dự khuyết là 25, do đại hội toàn quốc của đảng bầu ra, họp (thường kì) hai lần một năm.

Nhánh hành pháp

Những viên chức chủ chốt
Chức vụ Tên Đảng Từ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ĐCS 25 tháng 7 năm 2011
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ĐCS tháng 7 năm 2007
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ĐCS 27 tháng 6 năm 2006
Các Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ĐCS 3 tháng 8 năm 2011
Nguyễn Xuân Phúc ĐCS 3 tháng 8 năm 2011
Hoàng Trung Hải ĐCS 2 tháng 8 năm 2007
Vũ Đức Đam ĐCS 13 tháng 11 năm 2013
Phạm Bình Minh ĐCS 13 tháng 11 năm 2013

Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra trong số thành viên của mình với nhiệm kỳ 5 năm. Thủ tướng do Chủ tịch nước chỉ định trong số thành viên quốc hội; các Phó thủ tướng do Thủ tướng chỉ định. Các thành viên Chính phủ do chủ tịch nước chỉ định theo đề xuất của thủ tướng và được Quốc hội phê chuẩn.

Nhánh lập pháp

Quốc hội hiện có 500 thành viên, được bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Ông Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch được quốc hội bầu với nhiệm kỳ 5 năm.

Với Việt Nam là một quốc gia độc đảng, điều này có nghĩa là chỉ có một đảng chính trị duy nhất theo luật pháp quy định có quyền nắm quyền cai trị. Chiếu theo điều 4 của Hiến pháp năm 1992 thì đảng đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước, nhất là những người bất đồng chính kiến, cho rằng không có một điều luật nào trong các văn bản hiện hành cấm các chính đảng khác thành lập và hoạt động tại Việt Nam.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chính trị ngoại vi của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng làm trung gian để thông qua và thanh lọc chọn ra danh sách những người có quyền ứng cử. Trong số 500 đại biểu Quốc hội thì chỉ có khoảng 10% đại biểu không phải là đảng viên.
Dùng bản mẫu không đúng {{1}} - Xem chi tiết Bản mẫu:1.

Nhánh tư pháp

Các cơ quan tư pháp bao gồm tòa án nhân dân các cấp, tòa án quân sự các cấp và Tòa án Nhân dân Tối cao. Tòa án trên nguyên tắc là cơ quan xét xử độc lập với nhánh hành pháp. Tuy nhiên, hiến pháp Việt Nam không chấp nhận quy chế tam quyền phân lập, tức là không tách riêng 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp ra, và không cho phép 3 nhánh khống chế lẫn nhau.

Hiện nay, cả 3 nhánh này đều phải phối hợp trong công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật dưới sự lãnh đạo thống nhất và toàn bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, tính độc lập của ngành tòa án còn khá nhiều hạn chế. Tòa án thường phải nghe theo các cơ quan điều tra (Bộ Công an) và cơ quan tố tụng (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao - trực thuộc Quốc hội).[cần dẫn nguồn]

Hiện nay, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối caoTrung tướng Công an, tiến sĩ Trương Hòa Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an trước khi được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn chức Chánh án (lãnh đạo) toàn bộ ngành tòa án Việt Nam.

Những cải cách tư pháp gần đây (2002) hy vọng sẽ đưa đến gia tăng hiệu quả trong công tác xét xử án còn tồn đọng và gia tăng trình độ nghiệp vụ của các thẩm phán. Giảm bớt oan sai, khiếu nại tố tụng.v.v. cũng là mục tiêu quan trọng của ngành tòa án.

Các tổ chức chính trị-xã hội và đoàn thể

Những tổ chức đại diện cho lợi ích của các cộng đồng xã hội khác nhau tham gia vào hệ thống chính trị theo tôn chỉ, mục đích, tính chất của từng tổ chức. Ở Việt Nam hiện có 6 tổ chức chính trị-xã hội gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân. Đứng đầu các tổ chức này đều là các Đảng viên Cộng sản và các tổ chức chịu sự chi phối của Đảng Cộng sản.[4]

Các đảng chính trị và các cuộc bầu cử

Không có các đảng chính trị đối lập hợp pháp ở Việt Nam, dù một số nhóm đối lập có tồn tại và hoạt động ở nước ngoài, bên trong các cộng đồng người Việt tại các nước như PhápHoa Kỳ. Các cộng đồng đó đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối những chuyến công du của các nguyên thủ Việt Nam, mà họ coi đó là "chống sự độc đảng và độc tài, đòi hỏi đa nguyên đa đảng"[cần dẫn nguồn]. Tại Việt Nam sau năm 2006 có một số đảng đối lập hoạt động công khai, dù không được nhà nước Việt Nam chấp nhận và bị đặt ngoài vòng pháp luật. Những nhóm nổi bật gồm có Đảng Việt Tân, Đảng Vì Dân Đảng Thăng Tiến Việt Nam, Đảng Dân Chủ, Đảng Nhân Dân Hành Động và Chính phủ Việt Nam tự do. Chính phủ Việt Nam tự do đã tuyên bố chịu trách nhiệm về một số hành động bạo lực bên trong Việt Nam, mà chính phủ Việt Nam gọi là khủng bố.

Mặc dù có những ý kiến muốn lập ra những chính đảng khác hoạt động trong nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 10 tháng 9, 2013 đã khẳng định lập trưởng không chấp nhận một số điểm cơ bản, trong đó có việc không chấp nhận "hình thành tổ chức chính trị đối lập".[5]

Các đảng chính trị cũ gồm Việt Nam Quốc dân Đảng, đảng Cần Lao, và Việt Nam Duy Tân Hội ở thời thuộc địa.

Ngoài ra còn có một số nhóm tự nhận "đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền" tại Việt Nam do một số người dân trong nước lập ra, mà không trực thuộc Măt Trận Tổ Quốc, như Khối 8406, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do.

Các khu vực hành chính

Việt Nam được chia thành 58 tỉnh: An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hải Dương, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hoà Bình, Hậu Giang, Hưng Yên, Khánh Hoà, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

Và 5 thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh): Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tổ chức quốc tế có tham gia

Việt Nam là thành viên của Liên hiệp quốc, Hiệp hội các nước sử dụng tiếng Pháp, ASEANAPEC. Năm 2005 Việt Nam tham gia khai trương Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, với mục đích để thay thế ASEAN trong tương lai. Việt Nam được phép gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 07 tháng 11 năm 2006.

Ngoài ra Việt Nam còn tham gia ACCT, AsDB, ESCAP, FAO, G-77, IAEA, IBRD, ICAO, ICRM, IDA, IFAD, IFC, IFRCS, ILO, IMF, IMO, Inmarsat, Intelsat, Interpol, IOC, IOM (quan sát viên), ISO, ITU, NAM, OPCW, UN, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UPU, WCL, WCO, WFTU, WHO, WIPO, WMO, WTO.

Các ý kiến đánh giá về hệ thống chính trị Việt Nam

Nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An[6] nhận xét rằng Việt Nam hiện đang mắc lỗi hệ thống: "Lâu nay chúng ta thường mới nói tới cái lỗi của mô hình thôi. Có lẽ, lỗi hệ thống rõ ràng nhất, cụ thể nhất, toàn diện và triệt để nhất chủ yếu là từ khi chúng ta chuyển từ Cách mạng dân tộc dân chủ sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Cộng hòa Xô Viết... Từ chỗ đánh giá Cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành, chúng ta phải chuyển ngay sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo luận thuyết cách mạng không ngừng. Luận thuyết cách mạng không ngừng là đúng, còn cái sai là ở chỗ chúng ta đánh giá cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành tới mức phải chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa". Ngoài ra, ông còn cho rằng "Với thể chế như hiện nay ở Việt Nam thì mọi thành công hay thất bại đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng."

Cũng theo ông An, mặc dù "Hiến pháp và Pháp luật đã ghi rất rõ: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ chị, nghị quyết của Đảng mới là tối thượng. Thực chất chúng ta có hai hệ thống quyền lực song song, đó là hệ thống của Đảng và hệ thống Nhà nước đi kèm theo là hai hệ thống tòa nhà của hai cơ quan đảng và nhà nước cồng kềnh chưa từng có... Quốc hội là nhánh lập pháp có quyền lực cao nhất, song cũng còn nhiều hình thức, thực chất là Trung ương, Bộ Chính trị quyết... Chính phủ là nhánh hành pháp song cũng rất yếu, chủ yếu là chấp hành chỉ thị nghị quyết của Đảng."

"Chủ tịch nước từ chỗ tập trung thực quyền như khi Bác Hồ đảm nhận, ngày nay đã dần trở thành hình thức, nghi lễ. Quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ra làm ba nơi, ba người nắm giữ, đó là Tổng Bí thư thống lĩnh lực lượng vũ trang, Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch nước đại diện cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng không thực quyền... Tòa án là nhánh tư pháp lại càng yếu thế... Cả ba nhánh quyền lực đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban lãnh đạo Đảng (Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương)."

"Quyền lực nhà nước được phân công ra làm ba nhánh song lại thống nhất ở nơi Đảng... cần phải được khắc phục theo quy luật thống nhất theo Hiến pháp và Pháp luật, tức là thống nhất ở nơi dân, (tam quyền phân lập). Nếu hiểu ba nhánh quyền lực nhà nước đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được thể chế hoá trong Hiến pháp và Pháp luật là đúng, còn nếu hiểu thống nhất trực tiếp ở ban lãnh đạo hoặc cá nhân lãnh đạo cụ thể nào đó thì lại là sai... Mọi chủ trương chính sách của đảng phải được cụ thể hoá bằng Hiếp pháp và Pháp luật. Chấp hành Hiến pháp và Pháp luật là chấp hành sự lãnh đạo của Đảng. Xã hội sẽ được nhà nước quản trị bằng pháp luật, chứ không quản trị bằng chỉ thị, nghị quyết trực tiếp của đảng. Pháp luật là tối thượng."

"Ở nước có đa đảng tham chính, thông thường các Đảng họ quy định đảng viên của Đảng đó phải bỏ phiếu theo lập trường của Đảng đó... các Đảng tranh giành lá phiếu với nhau, tranh giành lợi ích cho Đảng mình. Ở Việt Nam, Đảng ta không phải tranh giành lá phiếu với đảng nào cả mà chỉ là lá phiếu của những đảng viên, của những người đại biểu nhân dân tán thành hay không tán thành một điểm nào hay cả chủ trương, chính sách nào đó của Ban lãnh đạo Đảng... Trong thực tiễn đã có rất nhiều trường hợp đảng viên trong Quốc hội, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đã bỏ phiếu thuận theo lòng dân, không theo chỉ thị nghị quyết của Bộ chính trị, của Ban chấp hành TƯ và đã được Đảng và Nhà nước chấp nhận, nhân dân đồng tình và hoan nghênh. Đó là điều Đảng ta cần và phải làm khác với các đảng ở các nước có nhiều đảng tham chính để phát huy dân chủ thật sự trong đảng, trong xã hội."

"Dân chủ không đồng nhất với đa Đảng. Mất dân chủ không đồng nhất với một Đảng... Trong Đảng có thể có nhiều đồng chí đưa ra những cương lĩnh tranh cử khác nhau, dăm ba cương lĩnh chẳng hạn, sau đó trong Đảng lựa chọn ra hai ba cương lĩnh tranh cử để đưa ra dân lựa chọn. Như vậy, dân sẽ có cơ hội lựa chọn cương lĩnh tranh cử và người đứng đầu cương lĩnh để trở thành cương lĩnh phát triển của đất nước và nguyên thủ quốc gia trong một nhiệm kỳ xác định... Dân chủ trong Đảng gắn với dân chủ trong dân, trong xã hội sẽ tạo ra sự đồng thuận giữa Đảng và Nhà nước và Nhân dân. Ý Đảng lòng dân là một. Khối đại đoàn kết sẽ được củng cố và tăng cường trong thực tiễn. "

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ "Mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp?" theo BBC
  2. ^ "Hội nghị TW khẳng định Điều 4 Hiến pháp" theo BBC
  3. ^ "Đảng không phải là muôn thuở" theo BBC
  4. ^ http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_vietnam/nr040810155159/#HT7iTiAzA8zi
  5. ^ "Hội nghị Trung ương 8 không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập" theo RFI
  6. ^ “Nguyên Chủ tịch Quốc hội khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị”. TuầnViệtNam.net. ra ngày 08/12/2010. Truy cập ngày 08/12/2010. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |accessdate=|date= (trợ giúp)

Liên kết ngoài

Bản mẫu:Liên kết bài chất lượng tốt